LẠI MỘT “TỐI KIẾN” ĐẶC THÙ “TƯ DUY QUẢN LÝ” VIỆT NAM?
- Thứ tư - 26/12/2007 14:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
Mới đây nhất, phải kể đến ý kiến của phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) Nguyễn Thiện Nhân, theo đó ông “gợi ý” nên ghi rõ việc học sinh (HS), sinh viên (SV) vay vốn tín dụng đào tạo cho mục đích học tập trên “các văn bản cần thiết như bằng tốt nghiệp, sổ lao động” của “con nợ”.
Dễ hiểu là, các quan chức quản lý muốn thu hồi số vốn do các SV nghèo vay để họ “vượt khó”. Nhưng một “tối kiến” như trên, nếu được báo chí quốc tế biết đến, thử hỏi còn gì danh dự ngành GD - ĐT Việt Nam? Có khác gì, thời phong kiến, những người có tội, ngoài bị tù đày, còn bị khắc lên mặt để “đánh dấu”?
Rất may là công luận Việt Nam đã kịp thời lên tiếng!
“Pháp luật TP HCM” có ngay bài “Xúc phạm danh dự sinh viên nghèo?”, phản ánh cái nhìn của một số chuyên gia giáo dục về đề xuất “như đùa” này. Theo PGS Nguyễn Thị Phương Nga, giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục, đây chỉ là “giải pháp tình thế”, “chưa thấy một nước nào trên thế giới có cách quản lý theo kiểu đó cả”, bởi lẽ: “Bằng tốt nghiệp chỉ được cấp một lần. Bằng cấp là loại giấy tờ quan trọng nhất đối với sinh viên đi xin việc. Khi SV đã trả hết nợ, làm thế nào họ có thể “xóa” tên chủ nợ trên bằng tốt nghiệp? Ai xóa cho? Đi xin việc với tấm bằng “là con nợ”, chủ có tin tưởng được không? Cho dù cách làm này để Bộ “nắm đằng chuôi” nhưng xem ra không ổn”.
GS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD - ĐT, thì cho biết: “Lần đầu tiên tôi nghe thấy có chính sách lạ kỳ như vậy”. GS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh, sau khi nhận định “bằng tốt nghiệp là kết quả của hơn 10 năm học hành vất vả và không được ghi lên đó chữ gì cả”, đã đưa ra mấy ví dụ hóm hỉnh để chứng tỏ tính bất khả thi và vô nghĩa của “tối kiến” trên: “Nếu thu hồi vốn nợ theo cách đó cũng không đảm bảo bởi có HS ra trường nhưng không đi làm thuê cho ai cả mà tự mở một công ty để kinh doanh. Lúc đó bằng cấp chẳng có nghĩa lý gì cả. Như chủ hãng xe Honda ở Nhật Bản sau khi tốt nghiệp đại học đã tự mở một trạm sửa chữa xe Honda. Dần dần phát triển thành hãng Honda nổi tiếng. Quan trọng hơn nữa là liệu có còn ý nghĩa của chính sách hỗ trợ SV nghèo khi văn bằng biến thành “giấy vay nợ” không?” Còn nhà văn, nhà giáo Vũ Ngọc Tiến thì thẳng thắn: “Bộ đang xúc phạm đến danh dự của các em HS, SV vì nghèo phải đi vay tiền để học tập. Tại sao không có một chế tài riêng để xử lý những trường hợp không thu hồi được vốn mà phải dùng biện pháp xúc phạm các em HS? Cách quản lý này thật lạ, thậm chí quái thai! […] Việc thu nợ như thế nào là trách nhiệm của ngân hàng chứ không phải của Bộ GD. Đừng biến một chủ trương tốt thành chủ trương dở của Bộ, mất hết ý nghĩa tốt đẹp của nó”.
Theo TS Nguyễn Ngọc Điện, trưởng khoa Luật Đại học Cần Thơ, ông “chưa thấy một nước nào trên thế giới ghi diện HS nợ vào văn bằng. Văn bằng giáo dục bản chất của nó chỉ ghi quá trình học tập, ngoài ra không được ghi gì khác cả. Việc ghi diện “phải trả nợ” hay làm dấu gì đấy để xác định nợ là việc làm phản cảm và thiếu văn hóa. Mượn tiền để đi học là giao dịch dân sự thuần túy, gộp chung vào kết quả học có vô duyên không? Vì không có tiền để học phải vay mà cả đời phải dính thì không nhân văn chút nào. Không loại trừ có người vay không trả nhưng có người muốn quỵt, có người vì lý do khách quan chưa trả được và cùng bị đánh đồng bằng biện pháp “ghi hoặc làm dấu vào văn bằng” tất cả những người vay sao? […] Một biện pháp đưa ra không hợp lòng người chắc chắn chết yểu. […] Người soạn luật chưa thấm nhuần “văn hóa pháp luật”.
Cuối cùng, TS Lê Văn In, giảng viên cao cấp của Trường Cán bộ TP HCM, thì khẳng định: “Trong thời giao lưu văn hóa, kinh tế đa phương mở rộng toàn cầu, chúng ta làm chuyện này sẽ muối mặt với bạn bè năm châu. Thử tưởng tượng, một anh cử nhân được học bổng nghiên cứu sinh nước ngoài cầm mảnh bằng có “dấu ấn” thì sao? Bạn bè quốc tế nhìn vào mình “kỳ cục” lắm, bởi các nước có ai làm thế đâu! Văn bằng giáo dục phải thể hiện quá trình học tập của một người chứ ai lại chen vào chuyện nợ nần.”
“Tuổi Trẻ”, một tờ báo khác, trong bài “Ghi nợ trên bằng tốt nghiệp: nên không?”, cũng đã điểm qua nhiều ý kiến phản đối của các giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu. Luật sư Võ Văn Quới (Văn phòng luật sư Nhựt Tân) cho rằng “việc ghi nợ trên bằng tốt nghiệp của HS, SV sẽ tạo dấu ấn không tốt và kéo dài đối với người vay vốn”, bởi “bằng tốt nghiệp là loại văn bằng xác nhận năng lực học vấn của con người, nó thuộc về nhân thân, không thể mua bán cũng như không được ghi chú thêm bất cứ điều gì. Nếu tạo ra một tiền lệ như vậy, chẳng lẽ sau này chứng minh nhân dân cũng có thể ghi chú người này đã có vợ chưa, hoặc đã lấy mấy vợ rồi?”
TS Mai Ngọc Luông (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP HCM) “cực lực phản đối”: “Ghi nợ trên bằng tốt nghiệp là chuyện không thể chấp nhận được. […] Hãy cứ thử đặt tình huống này vào chính bản thân chúng ta xem mỗi người có cảm thấy buồn, có cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương hay không? Nhà nước có thể nghĩ ra nhiều cách để thu hồi số vốn đã cho mượn nhưng không có quyền ghi những điều đó trên bằng tốt nghiệp của SV”. Còn GS TS Võ Tòng Xuân (Đại học An Giang) phát biểu: “Bằng tốt nghiệp là công trình học tập suốt nhiều năm trời của SV, nhiều người nâng niu, trân trọng nó. […] Về mặt tình cảm, chuyện vay vốn là chuyện riêng của mỗi cá nhân con người, không thể ghi trên tấm bằng trang trọng như vậy được. Về mặt pháp luật, không có qui định nào bắt buộc phải ghi khoản tiền nợ trên bằng cấp của người vay vốn. […] Chuyện vay vốn là chuyện của ngân hàng, ngân hàng cho mượn vốn thì họ sẽ có biện pháp hữu hiệu để thu hồi vốn chứ không phải trách nhiệm của ngành GD - ĐT”. Một số giảng viên đại học khác cũng phản đối với những lý do “đừng biến tấm bằng thành giấy nợ”, “bằng tốt nghiệp chỉ được cấp một lần mà ghi nợ vào đó, vậy sau khi SV trả nợ xong thì làm sao sửa lại cho SV được?”, “không nên thể hiện bất cứ nội dung nào ngoài qui chuẩn trên văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp của SV”, v.v…
Trước những phản ứng ấy, phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong bài trả lời phỏng vấn “Tuổi Trẻ”, cho biết: đây mới chỉ là “trao đổi”, “thảo luận, “gợi ý”, “đề xuất một số hướng”, v.v… Rồi ông nói “tràng giang đại hải” về tầm quan trọng của việc đề ra giải pháp khả dĩ nhằm thu hồi vốn tín dụng đào tạo (vốn là điều không ai phủ nhận, và phóng viên cũng không hề hỏi ông!) Người đứng đầu Bộ GD - ĐT nhắc nhiều đến các công cụ “quản lý”, “chế tài”, nhưng ông đã tỏ ra lẩn tránh vấn đề khiến công luận bức xúc, và khá vô cảm trước câu hỏi về danh dự người SV có thể bị xúc phạm trước một “gợi ý” như thế.
Ở đây, ngoài việc lẽ ra một thành viên Chính phủ nên cân nhắc khi thể hiện quan điểm về những vấn đề gây phản cảm cho dư luận - ngay cả khi mọi thứ mới ở tầm những “trao đổi”, “thảo luận, “gợi ý”, “đề xuất”… -, còn có một vấn đề khác. Phải chăng, Việt Nam chưa chú ý đúng mức đến “gương mặt”, “diện mạo” của giới lãnh đạo, để họ duy trì được một “hình ảnh” tốt đẹp trong con mắt xã hội và người dân? Cá nhân bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, ban đầu, vốn dĩ rất được cảm tình của đông đảo ngưòi dân qua trình độ, phong thái, cũng như qua những phát biểu và việc làm của ông, được đánh giá là tâm huyết cho sự nghiệp Giáo dục nước nhà. Ấy mà, cũng chính ông, bằng một số phát biểu và hành động (như nỗi đau… nhầm thời điểm của ông trong vụ một HS “hack” trang chủ của Bộ Giáo dục, hoặc với phát biểu “lỡ lời” với báo giới về việc tăng học phí…), lại dễ dàng làm mất đi thiện cảm đó ở nhiều người, khiến những nỗ lực của ông có thể không được thừa nhận ở mức độ như nó có?
Nên chăng, có người nhắc ông điều đó?