Khủng hoảng chính trị tại Ukraine: NHỮNG MỐC SỰ KIỆN (Phần 1)
- Thứ hai - 03/03/2014 22:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Những ngày gần đây Ukraine là đề tài nóng hổi trên mọi cơ quan truyền thông đại chúng toàn thế giới, với những thông tin nhiều khi rất trái ngược nhau. Là một người Việt đã sống lâu năm tại Kiev, thủ đô Ukraine, người viết bài này xin đưa ra một số mốc ngày tháng, sự kiện để bạn đọc tham khảo, và có thêm được sự suy xét logic, độc lập về những gì đang diễn ra ở đây.
Người biểu tình xé chân dung Tổng thống Viktor Yanukovych - Ảnh: Reuters
Trước hết, hãy nói qua về Ukraine, một đất nước thanh bình, tươi đẹp nằm ở Đông Âu với dân số 46 triệu, diện tích 603.628 km2. Với khoảng 60 dân tộc cùng sinh sống, Ukraine được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ ,con người hiền hòa. Khi Liên Xô còn tồn tại, đây là vựa lúa mỳ cung cấp cho cả Liên bang Xô-viết.
Những tưởng rằng sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine sẽ trở thành một quốc gia giàu mạnh, độc lập và tự chủ. Nhưng gần hai mươi ba năm trôi qua, đất nước này vẫn luẩn quẩn không thoát ra được khỏi vòng phong tỏa của Liên bang Nga. Với vị trí địa lý nằm giữa Phương Tây và Nga, Ukraine bị lôi kéo vào vòng ảnh hưởng của cả hai bên.
Hai vị tổng thống đầu tiên của Ukraine độc lập thời “hậu Xô-viết” là Leonid Kravchuk và Leonid Kuchma đã khôn khéo đứng giữa, chơi trò đu dây với hai bên, có thể nói là khá thành công. Mặc dù cũng có những khó khăn nhất định về kinh tế và tệ tham nhũng, nhưng đất nước không có những xung đột sâu sắc trong thời kỳ này.
Năm 2004, sau hai nhiệm kỳ, Tổng thống Kuchma không thể tham gia tranh cử được nữa đã có ý định đưa Viktor Yanukovych, thủ tướng đương quyền, làm người kế nhiệm mình với mục đích để Yanucovich đảm bảo sự hạ cánh an toàn cho mình. Cần nhớ là ông Kuchma lúc này có nhiều tai tiếng về tham nhũng và chèn ép báo chí, tự do ngôn luận.
Vòng hai của cuộc bầu cử, hai ứng viên còn lại là ông Viktor Yanukovych và ông Viktor Yushchenko. Rốt cục, Viktor Yanukovich đã thắng với số phiếu sát nút và được tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chúc mừng hai lần. Phía ông Viktor Yushchenko tố cáo Yanukovych gian lận và kêu gọi dân xuống đường phản đối.
Cuộc Cách mạng Da cam bắt đầu. Từ Maidan (có nghĩa là quảng trường - được hiểu là Quảng trường Độc lập tại trung tâm thủ đô Kiev) có từ đây.Trước sức ép của người biểu tình, Tổng thống đương nhiệm Kuchma đã tìm kiếm giải pháp thay đổi bản Hiến pháp, đưa đất nước Ukraine về chế độ Quốc hội - Tổng thống nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống.
Cuộc bầu cử được tiến hành lại và trong dịp này, ông Viktor Yushchenko - một chính khách được coi là theo xu hướng thân Phương Tây đã thắng cử. Đây là một giai đoạn mà nền dân chủ của Ukraine tương đối phát triển, quyền con người được tôn trọng. Nhưng do bản Hiến pháp mới chưa hoàn chỉnh nên giữa Tổng thống Viktor Yushchenko và Thủ tướng Yulia Tymoshenko nảy ra xung đột quyền lực.
Hai vị chính khách này chỉ lo tranh chấp quyền lực với nhau, tình trạng tham nhũng gia tăng dẫn tới việc dân chúng mất lòng tin vào chính quyền. Năm 2010, trong cuộc bầu cử tổng thống ông Viktor Yanukovych đã thắng cả hai đối thủ theo xu hướng dân chủ thân Phương Tây. Có thể coi đây là câu trả lời của dân chúng với sự lãnh đạo không hiệu quả của cặp đôi Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko.
Lên nắm chính quyền, việc đầu tiên của ông Viktor Yanukovych là dùng Tòa án Hiến pháp (Tòa Bảo hiến) hủy việc áp dụng Hiến pháp 2004 và trở lại Hiến pháp 1996.Từ đây trở đi dần dần từng bước Yanukovych thâu tóm hết mọi quyền lực vào mình.Có thể nói trong lịch sử cận đại của Ukraine, quyền lực của ông Yanukovych là vô biên, hơn hẳn bất cứ vị tổng thống nào khác.
Năm 2011, sau khi dùng tòa án bỏ tù bà Yulia Tymoshenko với bản án bảy năm vì tội danh ký hiệp ước khí đốt với Nga làm thiệt hại kinh tế nhà nước, Yanukovych không còn đối thủ chính trị nữa. Năm 2012, trong cuộc bầu cử Quốc hội, Đảng Các vùng của tổng thống chiếm đa số, khiến ai cũng nghĩ rằng ông Yanukovych sẽ là vị nguyên thủ vĩnh cửu của Ukraine.
Trong thời kỳ cầm quyền của ông Yanukovych, tham nhũng đã làm kiệt quệ đất nước. Hệ thống quan tòa, công tố, công an hết sức thoái hóa, mọi việc đều phải giải quyết bằng tiền. Gia đình tổng thống và thuộc hạ nắm hết các nguồn kinh tế của đất nước. Trong khi người dân nghèo đi, ngược lại tài sản của con trai tổng thống thì tăng vùn vụt.
Quan hệ với Liên bang Nga thì luôn bị chèn ép. Giá khí đốt Nga bán cho Ukraine cao hơn cả giá bán cho CHLB Đức! Năm 2013, giữa Ukraine và Liên hiệp Châu Âu dự kiến sẽ ký Hiệp ước mậu dịch tự do vào tháng 11. Mọi việc tưởng như đã xong nhưng hai tuần trước khi ký Hiệp định, Thủ tướng Mykola Azarov tuyên bố sẽ không ký vì nó không có lợi cho Ukraine.
Đây là thắng lợi của Tổng thống Nga Putin, nhưng tại Ukraine nó đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt. Các đảng đối lập phản đối và kêu gọi người dân xuống đường phản đối. Từ ngày 21-11-2013, dân chúng tập trung tại Quảng trường Châu Âu (cách không xa Quảng trường Độc lập Maidan). Thực ra mà nói, ban đầu không ai nghĩ là dân chúng sẽ đổ xuống đường và ủng hộ phe đối lập.
Cùng một lúc với những diễn biến ở Quảng trường Châu Âu, tại Maidan sinh viên bãi thị, biểu tình và dựng lều tại đây. Phe đối lập muốn sát nhập với sinh viên nhưng giới trẻ không đồng ý, sau đó họ chấp nhận nhưng với điều kiện không có biểu tượng, cờ quạt chính trị. Họ đứng với nhau, biểu tình, múa hát, reo hò, nhìn chung là vô hại đối với chính quyền.
Ngày 28-11-2013, Hội nghị thượng đỉnh tại Vinus kết thúc, Ukraine không ký Hiệp ước thương mại với Châu Âu. Tình hình tại Maidan lúc này được đặt tên là EvroMaidan không có diễn biến gì mới. Mọi người nói chung thất vọng vì cảm thấy mất cơ hội cải cách đất nước theo Châu Âu. Vào thời điểm này, Tòa án thành phố Kiev lập tức ra quyết định cấm tụ tập tại Maidan.
Dân chúng tản dần khỏi Maidan vì năm mới sắp đến - tại quảng trường chỉ còn lại đám sinh viên. Rồi một sự kiện - hoặc có thể nói là một kịch bản mà nhiều người không ngờ tới - đã xảy ra. Đêm 29-11 rạng sáng ngày 30-11-2013, lực lượng cảnh sát đặc biệt chống bạo động Berkut (Đại Bàng) thẳng tay đàn áp, đánh đập đám sinh viên để giải phóng Maidan.
Sự kiện này bị quay phim, chụp ảnh, một số phóng viên cũng bị đánh tơi bời. Cả ngày 30-11-2013, tất cả các kênh truyền hình đã phát đi những hình ảnh đầy bạo lực đó. Dân chúng sôi sục. Ngày 1-12, họ xuống đường biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát đối đám sinh viên con cháu họ, quan ngại trước viễn cảnh trong tương lai của một chế độ độc tài, khi một số quyền tự do mà họ có được từ năm 2004 sẽ bị tước đi.
Có lẽ Phương Tây, Mỹ và phe đối lập đã lợi dụng biến cố này để dấy lên làn sóng biểu tình. Thực chất tương đối khó nắm bắt một cách chính xác điều gì đã xảy ra. Đây là một sự hợp tác ăn ý giữa một số thành phần trong chính quyền, có những lợi ích bị gia đình, bè cánh của Tổng thống Yanukovych cướp mất, và phe đối lập với sự hỗ trợ của Mỹ và Phương Tây.
Khẩu hiệu của người biểu tình là Thủ tướng Ukraine phải từ chức, những người tổ chức cuộc đàn áp phải chịu tội trước pháp luật. Tuy nhiên ông Yanukovych không lùi bước, không chấp nhận đòi hỏi của phe biểu tình - tình hình nóng bỏng nhưng ông này vẫn dẫn đoàn sang Trung Quốc hội đàm. Sau đó khi trở về Yanukovych có ghé qua Sochi thăm Tổng thống Nga Putin.
Hai người bàn gì không ai rõ nhưng sau đó Nga hứa sẽ giảm giá khí đốt xuống dưới 300 USD/1000 m3 và cho Ukraine khoản tín dụng 15 tỷ USD. Đối với chính quyền của Yanucovich đây là một thắng lợi và là sự trả giá cho việc quay về vòng quản lý của Nga. Ba tỷ đô-la được Nga chuyển ngay vào ngân khố quốc gia, và Thủ tướng Ukraine dùng tiền này trả lương, tiền hưu trí cho nhân viên công chức.
Lúc này, các bên tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng. Quốc hội ra điều luật ân xá cho những người biểu tình náo loạn ngày 1-12-2013 và điều luật này đảng cầm quyền muốn áp dụng cả cho giới cảnh sát đã đàn áp Maidan ngày 30-11. Tuy nhiên, phe đối lập và dân biểu tình đã không chấp nhận quyết định đó.
Cần nói thêm là phe đối lập gồm ba đảng đối lập chính là Đảng Batcovsina (Tổ Quốc) của ông Arseniy Yatsenyuk, Đảng Udar (Nắm Đấm) của cựu vô địch quyền Anh Vitali Klitschko và Đảng Svaboda (Tự Do) của ông Oleh Tiagnubok. Họ cần có nhau nhưng không có tiếng nói chung. Điều này khiến ông Yanukovych chủ quan và coi thường phe đối lập, cho rằng họ không phải là đối thủ của ông.
Với quan niệm như vậy, Tổng thống Ukraine không chịu lùi bước trước đòi hỏi của dân biểu tình mà ngược lại, ông còn khởi đầu một cuộc phản công. Dân các vùng miền Đông – Nam vốn ủng hộ Nga được chở lên Kiev để đối chọi lại với Maidan. Các đoàn tàu không có trong lịch trình được huy động, các đoàn xe có cảnh sát giao thông dẫn đường tiến về Kiev.
Ngược lại những đoàn xe từ miền Tây và trung tâm nếu về Kiev thì đều bị kiểm tra gắt gao. Lá bài kích động dân các miền đối chọi với nhau được hai bên đem ra sử dụng. Dân miền Đông - Nam tập trung gần nhà Quốc hội, có lều bạt quân đội, có bếp dã chiến của quân đội nấu ăn. Một số được bố trí ở bờ trái Kiev, bên kia sông Dnepr. Họ tiến hành gây rối cuộc sống của dân Kiev, đốt những xe tham gia vào cuộc diễu hành chống chính phủ.
Những thủ lĩnh tầm trung của dân biểu tình bị biến mất một cách bí ẩn. Ngày 16-1-2013, Quốc hội ra một loạt điều luật để trừng phạt và gây khó dễ cho dân biểu tình, như cấm đi năm ôtô một hàng, cấm thông tin có hại cho thanh thế của các quan chức, cấm sử dụng các máy bay nhỏ có gắn camera để quay dinh thự các quan chức…
Khi thông qua các dự luật này, giới dân biểu đã bỏ phiếu bằng cách giơ tay biểu quyết, nên tính hợp pháp của nó trở thành đề tài tranh cãi. Ngày 19-1-2014, đúng vào Lễ Đoàn tụ của Ukraine đã xảy ra đụng độ lớn giữa người biểu tình và cảnh sát Berkut. Máu bắt đầu đổ, hai người bị bắn chết. Gạch đá, bom xăng được sử dụng để chống cảnh sát. Chiến sự trở nên ác liệt từ đây…
Xem tiếp Phần 2 của bài viết.