Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Khủng hoảng chính trị tại Ukraine: NHẮC NHỚ NHỮNG HỆ LỤY THỜI XÔ-VIẾT

Xung đột chính trị tại Ukraine là đề tài trên trang nhất của báo chí Đông Âu từ gần ba tuần qua. Ngoài việc đưa tin và cập nhật liên tục các sự kiện xảy ra, truyền thông tại các nước một thời thuộc phe cộng sản tại vùng Đông - Trung Âu còn rất quan tâm đến việc chính quyền từng nước đánh giá, phản ứng và hành xử ra sao trước cuộc khủng hoảng được coi là trầm trọng nhất trong khu vực kể từ một phần tư thế kỷ qua.

Có tổng cộng 3.600 quân nhân Nga đang đồn trú bất hợp pháp, không được sự chấp thuận của Ban lãnh đạo Ukraine, trên bán đảo Crimea, và Bộ Ngoại giao Ukraine có bằng cứ về khẳng định này - Ảnh: Thomas Peter (Reuters)

Phản ứng của Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia (được gọi chung bằng cái tên V4, tức khối Visegrád của bốn nước vùng Đông - Trung Âu) sở dĩ quan trọng vì các quốc gia này có nhiều điểm chung hoặc tương đồng với Ukraine, và cả những hệ lụy trong lịch sử, quá khứ cũng như hiện tại.

Đông Âu “quan ngại sâu sắc”

Không phải ngẫu nhiên mà ngoài hoạt động chung với EU, V4 đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Budapest vào cuối tháng 1-2014, với sự hiện diện của bốn vị thủ tướng. Một tuyên bố chung đã được đưa ra, theo đó V4 kêu gọi các bên ngừng lập tức những hành vi bạo lực, vì cuộc khủng hoảng leo thang sẽ chỉ gây hậu họa cho tương lai Ukraine, và khiến nước này hoàn toàn mất ổn định.

V4 bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những biến chuyển bi thảm của tình hình Ukraine và trên cương vị các quốc gia láng giềng, V4 tin tưởng rằng sử dụng bạo lực không thể dẫn đến giải pháp cho những xung đột chính trị. Thay vào đó, cần có những cuộc đối thoại chân thành để đưa Ukraine ra khỏi khủng hoảng, góp phần tái thiết niềm tin, tiến tới xây dựng một nước Ukraine ổn định, dân chủ và phú cường.

Hơn ba tuần sau đó, khi xung đột lên tới cao điểm dẫn tới sự can thiệp quân sự của Liên bang Nga, một lần nữa, thủ tướng các quốc gia V4 lại có một tuyên bố chung, cho rằng diễn tiến của khủng hoảng chính trị Ukraine nhắc nhớ những biến cố lịch sử năm 1956, 1968 và 1981, khi Liên Xô sử dụng sức mạnh quân sự để can thiệp vào công việc nội bộ của Hungary, Tiệp Khắc và Ba Lan.

V4 lên án, và cho rằng việc Quốc hội Nga phê chuẩn cho phép các lực lượng quân sự nước này có thể triển khai tại Ukraine là sự can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, đe dọa sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Căn cứ vào đó, V4 kêu gọi các bên có liên quan tuân thủ Hiệp ước Budapest ký năm 1994, nhằm giảm căng thẳng thông qua con đường đối thoại.

Nhắc lại, trên tinh thần Hiệp ước Budapest được Ukraine, Hoa Kỳ, Anh và Liên bang Nga ký kết, Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và trao lại cho Nga. Đổi lại, Liên bang Nga cam kết tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Ukraine bằng cách không sử dụng bạo lực hoặc sức ép về kinh tế.

Như vậy, nhìn về đại thể, các nước V4 có được quan điểm chung trong vấn đề khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Tuy nhiên, sự thể hiện và phản ứng của từng quốc gia thì lại rất khác nhau, như truyền thông và các nhà bình luận chính trị Đông Âu đã để ý và nhận xét.

Ba Lan phản ứng mạnh mẽ

Một đánh giá của giới quan sát Cộng hòa Czech khẳng định, khủng hoảng Ukraine đã có sức mạnh diệu kỳ khiến tất cả các thế lực chính trị đáng kể của Ba Lan đều đồng tâm trong một ý nguyện chung. Như nhận định của Martin Ehl, người đứng đầu mục Đối ngoại của tờ nhật báo “Hospodárské Noviny” (Kinh tế), trong giờ phút này một trong những lợi ích quốc gia cơ bản của Ba Lan đang gặp hiểm nguy.

Bởi lẽ, từ lâu nay, sự ổn định của Ukraine (nước láng giềng phía Đông của Ba Lan) vẫn được Warszawa “bảo trợ” trước EU và khối NATO, và việc Nga can thiệp đã gặp phải sự phản đối gay gắt trên chính trường Ba Lan, bình thường vốn có thể chứng kiến sự đụng độ nảy lửa của các đảng phái, nhưng nay lại là nơi bày tỏ rõ ràng và cương quyết nhất sự bênh vực đối với Ukraine.



Sự đoàn kết dân tộc lên tới đỉnh điểm, và được báo chí cho là trọn vẹn, khi trong một phát biểu cách đây ít ngày, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng Ba Lan cũng phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra tại quảng trường Maidan (Kiev), bởi lẽ nước này đã huấn luyện những kẻ bạo loạn.

Để trả lời, Tổng thống Bronislaw Komorowski bác bỏ mọi cáo buộc, còn Thủ tướng Donald Tusk thì cho rằng, những người biểu tình ở Maidan không cần ai huấn luyện, mặt khác, có thể coi khẳng định của Putin như một lời khen, vì Ba Lan đã chỉ ra con đường đi cho phe khởi nghĩa.

Liên quan tới những gì đang diễn ra ở Ukraine, Quốc hội Ba Lan đã triệu tập một phiên họp bất thường và tại đó, Thủ tướng Donald Tusk đưa ra lập trường của nội các, theo đó, “kể từ khi Ba Lan giành lại được nền độc lập, chưa bao giờ xảy ra tình trạng nguy hiểm như thế này ở gần biên giới nước nhà”.

Người đứng đầu nội các Ba Lan khẳng định, Ukraine chỉ có một chính phủ hợp pháp duy nhất là nội các mới đã được Quốc hội nước này phê chuẩn. Ông Donald Tusk cho rằng, mọi tranh luận  về cuộc khủng hoảng Ukraine ở Ba Lan, Châu Âu, Ukraine hay Liên bang Nga cũng cần được mở đầu như thế, và Warszawa ủng hộ nỗ lực hướng tới “ngôi nhà chung Châu Âu” của Kiev.

Phát biểu của thủ tướng Ba Lan đã được phe đối lập vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt. Ông Jaroslaw Kaczynski, người đứng đầu đảng đối lập lớn nhất “Pháp luật và Công lý” cho rằng, sự thống nhất và đồng lòng giờ đây quan trọng hơn cả, những tranh luận “lẻ tẻ”, đi vào tiểu tiết không có ý nghĩa cơ bản nào, và quan điểm chung của nền chính trị Ba Lan là giúp Ukraine vào EU qua “cửa ô Warszawa”.

Lãnh tụ phe cánh tả Leszek Miller thì khẳng định, các nhà đầu tư Ba Lan khi đầu tư vào Ukraine thì họ quan niệm đây là một xứ sở dân chủ và mang tinh thần Châu Âu, và họ cần nhận được sự bảo đảm là đó mà một đất nước mà mọi công dân đều bình đẳng, dù là là người Ukraine, Nga, Ba Lan hay Hung. Không ai có thể có quyền vượt trội kẻ khác.

Chung cuộc, Quốc hội Ba Lan đã thông qua một nghị quyết lên án những hành vi của Liên bang Nga tại Ukraine, coi đó là sự vi phạm những quyền của một quốc gia độc lập, tự chủ.

Cộng hòa Czech cũng cứng cỏi

Cộng hòa Czech tuy không có biên giới trực tiếp với Ukraine, nhưng ở Czech có một cộng đồng đông đảo của sắc dân Ukraine, ít nhất là khoảng 120 ngàn, được coi là cao nhất trong số các nước thành viên EU. Czech có lẽ là quốc gia có phản ứng cứng cỏi thứ hai sau Ba Lan, trong bốn nước thuộc khối Đông - Trung Âu.

Ngoại trưởng nước này, ông Lubomír Zaorálek cách đây vài ngày đã cho triệu đại sứ Nga tại Praha tới văn phòng Bộ Ngoại giao Czech, và thẳng thừng coi sự can thiệp của Liên bang Nga vào bán đảo Crimea với sự kiện năm 1968, khi Liên Xô đứng đầu liên minh quân sự các nước thành viên khối Warszawa đưa quân vào đàn áp “mùa xuân Praha”.

Ngoại trưởng Czech cũng đã phê phán Nga, và cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, đàm phán về việc miễn thị thực cho công dân Nga là “không có ý nghĩa gì”. Ông cũng nói thêm, nếu sự hiện diện của những người gốc Nga có thể gây hiểm họa như thế cho một đất nước, thì không thể hình dung được là Czech có thể ủng hộ một thỏa thuận miễn thị thực đối với Liên bang Nga.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Martin Stropnicky cũng đã có một khẳng định rất gay gắt, theo đó, với những hành vi - mà ông coi là “không thể chấp nhận được” - vừa qua tại Ukraine, Liên bang Nga đã ra khỏi hàng ngũ những quốc gia dân chủ và như thế, khó hình dung được là các doanh nghiệp Nga có thể tham gia dự án mở rộng nhà máy điện nguyên tử ở nước này.

Chủ tịch Hạ viện Czech, ông Milan Stech - khi bình luận những sự kiện diễn ra tại bán đảo Cremea, thì cho rằng, “quyền dân tộc tự quyết không bao giờ có thể đặt trên luật pháp quốc tế vốn đảm bảo sự độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ”, và liên tưởng đến một sự kiện bị coi là đau đớn trong lịch sử hiện đại Tiệp Khắc năm 1938.

Khi đó, một bộ phận trong số ba triệu người gốc Đức yêu cầu vùng đất họ sinh sống ở vùng phía Tây - Tiệp Khắc phải được sát nhập Đế chế Đức. Đòi hỏi đó của nhóm người gốc Đức vốn chiếm đa số tại địa phương đã dẫn đến việc một thỏa thuận quốc tế mang tên Hiệp ước München được ký kết vào tháng 9 cùng năm khiến Tiệp Khắc mất một phần lãnh thổ.

Theo ông Milan Stech, hiệp ước kể trên “đã để lại hệ lụy nặng nề và đau đớn cho cả Châu Âu và trên thực tế, cả thế giới” và do đó, nhìn nhận tình hình thực tại ở Ukraine, ông cho hay cần “xem xét thật nghiêm túc” về chuyến công du Moscow dự định vào trung tuần tháng 3 này. Bởi lẽ, “bầu không khí hiện tại không thích hợp để đàm phán về hợp tác kinh tế”.

Hungary cư xử yếu ớt

Nhìn bề ngoài, công luận có thể ngạc nhiên trước việc Hungary, một quốc gia thế kỷ 20 từng có lịch sử rất đau thương trong mối quan hệ với Liên bang Xô-viết (cũ), lại chỉ có phản ứng rất muộn màng và yếu ớt trước sự can thiệp của Liên bang Nga vào Ukraine.


Biểu tình trước ĐSQ Nga tại Budapest để cổ vũ cho nền độc lập của Ukraine - Ảnh: Kallos Bea (MTI)

Cho dù vào cuối tháng 1, Thủ tướng Orbán Viktor đã ra chỉ thị cho Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor thành lập một “tổ chuyên trách” về vấn đề Ukraine, để “chuẩn bị cho đất nước trong trường hợp Ukraine sinh biến”, nhưng một thực tế là lãnh đạo cấp cao nhất của Hungary đã hoàn toàn im lặng cho đến đầu tháng 3 vừa qua.

Chỉ tới mùng 4-3, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hungary Németh Zsolt mới cho triệu đại sứ Nga tại Budapest, và thay mặt Chính phủ Hung “bày tỏ mối quan ngại sâu sắc vì tình hình diễn ra tại bán đảo Crimea”, theo một Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hung.

Thông cáo cũng chỉ nói một cách nhẹ nhàng về việc Hungary ủng hộ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như, việc nước này đồng tình với quan điểm chung của nhóm các nước V4 và EU, nhưng không có một lời lẽ nào phê phán hay chỉ trích chính sách của Nga, như phe đối lập và ngay cả một số chính khách lớn của liên minh cầm quyền mong muốn.

Thủ tướng Hung, kể từ lần đầu tiên bày tỏ quan điểm vào đầu tháng 3, cũng chỉ luôn nhấn mạnh “chúng ta cần hòa bình chứ không đổ máu”, và “cần giải pháp thông qua thương lượng”. Ông Orbán cho rằng Liên hiệp Châu Âu cần có câu trả lời lập tức cho những hành vi quân sự của Nga, nhưng “lời đáp này không không thể mang tính chất quân sự”.

Một tháng trước cuộc tổng tuyển cử Quốc hội, dù muốn hay không, vấn đề Ukraine đã trở thành một tâm điểm trong chiến dịch tranh cử, khi liên minh đối lập nhất loạt chỉ trích thái độ “chủ hòa” của chính phủ Hungary. Lý do mà nội các Hungary đưa ra, rằng họ lo ngại cho số phận của cộng đồng Hung tại Ukraine nên mới “im hơi lặng tiếng”, đã không được chấp nhận.

Bởi lẽ, Ba Lan và Romania cũng đã lên tiếng mạnh mẽ, cho dù tại Ukraine có rất đông người gốc hai quốc gia này. Phe đối lập Hungary cho rằng “Ukraine không thể là thuộc địa của Nga”, và ủng hộ quyền tự quyết dân tộc của nước này, cũng như, tìm cách vận dụng những mối quan hệ và ảnh hưởng của mình tại Châu Âu để hỗ trợ nước láng giềng.

Sự im lặng và phản ứng yếu ớt của tổng thống và thủ tướng Hungary được phe đối lập và công luận lý giải bằng một thực tế: trung tuần tháng 1 vừa qua, nội các Hungary đã “vượt mặt” Quốc hội để “ký tắt” một cách bí mật một hợp đồng được coi là có giá trị lớn nhất trong lịch sử Hungary, cho phép Nga mở rộng nhà máy điện nguyên tử Paks tại Hung với nguồn tín dụng từ Moscow.

Mặc dầu bị coi là phạm luật, khiến Hung bị đẩy vào vòng phụ thuộc của Nga, thậm chí bị nhiều chính khách đối lập cho là “nhục nhã”, nhưng hợp đồng kể trên rốt cục vẫn được Quốc hội Hungary - mà liên minh cầm quyền chiếm tỉ lệ hơn hai phần ba - thông qua. Chính phủ Hung cho rằng đây đơn thuần là quan hệ “làm ăn”, không nên để các định kiến khác làm ảnh hưởng!

Sau tất cả những gì đã diễn ra, có còn nên hợp tác kinh tế với Nga nữa không? Quốc hội Hung nhóm họp, thì hãy để bàn về khủng hoảng Ukraine, chứ dẹp việc tín dụng cho nhà máy điện nguyên tử đi, bởi lẽ đó sẽ là sự ủng hộ hành vi xâm lược của Nga, v.v... - đó là những ý kiến rất mạnh mẽ của các đảng đối lập, trước quan điểm “hòa dịu” của chính phủ Hungary.

Một chính khách cựu trào, ông Fodor Gábor, Chủ tịch Đảng Tự do Hungary còn tuyên bố rằng, nếu các dân biểu thuộc liên minh cầm quyền vẫn không muốn, thì phe đối lập sẽ đề xuất Quốc hội nhóm họp, và đưa ra một dự thảo nghị quyết nhằm lên án hành vi “chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng” của Nga, và ủng hộ nền độc lập, tự chủ của Ukraine.

Các chính khách thuộc Đảng Xã hội Hungary thì cho rằng, nội các Orbán chưa có được sự chuẩn bị để xử lý hậu quả của khủng hoảng Ukraine, và không thể coi Thủ tướng Orbán là một “nhà lãnh đạo tầm Châu Âu”, khi ông không làm được điều mà các vị đồng nhiệm EU và các nước láng giềng Ukraine đã làm: đó là, tuyên bố sự bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine!

*

Có thể thấy gì từ những phản ứng nói trên của Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech?

Một điểm chung trong lịch sử, là các nước V4 từng có quá nhiều trải nghiệm về sự can thiệp của Liên Xô (cũ), từ việc đưa quân xâm lăng Ba Lan năm 1920 với mục đích “xuất khẩu cách mạng”, tới những dịp 1956, 1968 hay 1981, khi Moscow dùng sức mạnh quân sự và ngoại giao để áp chế Đông Âu theo con đường và ý đồ do họ đặt ra.

Các nước V4 cũng không lạ trước mọi “thủ thuật” mà Nga làm, như nhân danh bảo vệ người gốc Nga để đưa quân sang một quốc gia độc lập, hoặc dùng những biện pháp khiêu khích quân sự để có cớ tấn công. Những động thái này được bình luận là không khác gì việc phát-xít Đức đã làm để sát nhập và xâm chiếm Áo và Tiệp Khắc, rồi tấn công Ba Lan làm bùng nổ Thế chiến thứ hai.

Riêng Hungary thì còn một vấn đề lịch sử, là một phần đáng kể lãnh thổ Ukraine từng là đất của Vương quốc Hungary, tại đó hiện vẫn còn nhiều người gốc Hung sinh sống. Gần đây, liên minh cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc cũng đã ra tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích và sự an toàn của người Hung tại Ukraine, bằng mọi biện pháp có thể.

Có thể lý giải một phần sự khác biệt trong phản ứng đã nói ở trên trước khủng hoảng Ukraine, là bên cạnh những quan điểm chung, mang tính phổ quát như phải tôn trọng luật quốc tế trong các xung đột, tranh chấp, mỗi nước đều nghĩ tới lợi ích cá nhân của mình trong các mối quan hệ song phương hoặc đa phương của mình, để có cách hành xử mà họ coi là phù hợp.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest