Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Khủng bố tại tòa soạn báo “Charlie Hebdo”: CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠI NỀN TỰ DO VÀ VĂN MINH

(NCTG) Nước Pháp đã trải qua cuộc tấn công đẫm máu nhất nhất từ sau Đệ nhị Thế chiến, theo đánh giá của tờ “Le Parisien”, trong buổi chiều hôm nay, thứ Tư 7-1-2015, khi hai tên khủng bố có vũ trang đột nhập vào trụ sở tờ tạp chí châm biếm “Charlie Hebdo” tại Quận 11 (Paris), xả súng bắn giết khiến ít nhất mười hai người thiệt mạng, bốn người bị thương nặng trong số hơn mười người bị thương.

TBT Stephane Charbonnier, một nhà hí họa hàng đầu của Pháp với một số báo “Charlie Hebdo” gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Fred Dufour (AFP)

Ngoài hai cảnh sát, mười người còn lại là các nhà báo đang có mặt tại tòa soạn, cũng như, đang tham dự buổi họp của Ban biên tập “Charlie Hebdo”. Trong số đó, có bốn họa sĩ biếm họa nổi tiếng, tác giả của những biếm họa, những truyện tranh thường là rất “có vấn đề”, vì chúng thường xuyên đụng chạm tới những đề tài, những nhân vật xã hội, chính trị và tôn giáo một cách nhạy cảm.

Cái tên “Charlie Hebdo” được cả thế giới biết đến năm 2006, khi tuần báo châm biếm này đăng lại những biếm họa gây nhiều tai tiếng về Đấng tiên tri Mohammad của báo chí Đan Mạch, và còn bổ sung thêm những họa phẩm riêng của mình. Tuy nhiên, không phải đến lúc đó “Charlie Hebdo” mới ra đời: tờ báo đã được thành lập từ năm 1969, với tên khác là “L'Hebdo Hara-Kiri”.

Là một tạp chí châm biếm cánh tả theo chủ nghĩa tự do, ngay từ khi mới ra đời, tờ tuần báo đã chủ trương thực thi những quyền tự do cơ bản bằng cách phê phán tệ tham nhũng, chỉ trích sự bành trướng vô độ của nhà nước, cũng như sự thái quá của tôn giáo. Được coi là không biết nể nang bất cứ ai, ngay những tượng đài của nước Pháp cũng bị báo đưa ra làm mục tiêu chế giễu.

Đó là nguyên nhân khiến “L'Hebdo Hara-Kiri” bị cấm vào tháng 11-1970 khi “cả gan” giễu cợt trước sự ra đi của Tổng thống Charles De Gaulle, người hùng của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, và sau đó, báo đổi tên thành “Charlie Hebdo” như hiện tại. Tờ tuần báo hoạt động tới năm 1981, và được tái khởi động vào năm 1992 với lượng ấn bản 100 ngàn hàng tuần (*).

Riêng trong năm 2006, có một lần lượng ấn bản của “Charlie Hebdo” được tăng gấp ba, khi nó đăng tải lại những hí họa về Đấng tiên tri Mohammad, không nhằm mục đích chỉ trích Hồi giáo, mà để bày tỏ sự đồng thuận với những nỗ lực tự do báo chí, tự do biểu đạt. Quan điểm ấy của tờ báo đã được công luận Pháp hưởng ứng bằng cách náo nhiệt tìm mua báo.
 

Hai kẻ sát nhân

Có lẽ vì thái độ không khoan nhượng ấy của “Charlie Hebdo” trong việc thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, trong những năm gần đây tờ tạp chí ngày càng phải chịu nhiều đe dọa đến từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Gần đây nhất, tháng 11-2011, tòa soạn của tờ báo cũng đã bị tấn công bằng bom xăng, và trang website của báo thì bị các hacker xâm nhập.

Lý do là vì “Charlie Hebdo” đã ấn hành một số đặc biệt chủ đề Hồi giáo với cái tên “Charia Hebdo”, ám chỉ Sharia - đạo luật hà khắc của Hồi giáo dựa trên căn bản kinh “Qur’an”, cho phép việc đánh roi hoặc ném đá đến chết những kẻ bị coi là phạm tội. Trong dịp đó, “Charlie Hebdo” đã không ngại ngần khi cho ra một biếm họa mô tả Đấng tiên tri Mohammad, điều mà luật Hồi giáo nghiêm cấm.

Với cách tiếp cận vấn đề mạnh mẽ và cương quyết như thế, “Charlie Hebdo” thường gặp phải sự phản đối đến từ nhiều nơi, cá nhân và tổ chức, cho những biếm họa, bài viết “châm chích” nhiều khi cay độc, theo tinh thần đa nguyên của họ. Đặc biệt, tuần báo không chỉ nhằm vào Hồi giáo, mà Công giáo hay Do Thái giáo hoặc những chủ đề văn hóa, chính trị cũng là đề tài châm biếm của họ.

“Charlie Hebdo” đã từng khiến cố Tổng thống Jacques Chirac phải đau đầu và lên tiếng chỉ trích, tuy nhiên, các nguyên thủ quốc gia gần đây của Pháp như Nicolas Sarkozy và François Hollande đều ủng hộ tinh thần của tờ báo. Ấy là vì họ đã thấy ở đó một thành trì của tự do, như những gì mà Tổng thống François Hollande phát biểu ngay sau khi tòa soạn báo bị tấn công, hôm nay.

Ông François Hollande đã gọi mười ký giả bị sát hại là những con người “có tài năng lớn, và quả cảm”, và rằng họ đã hy sinh cho nền tảng của nước Pháp: sự tự do. Tổng thống Pháp khẳng định, cần bảo vệ nền tự do ấy, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, “nhân danh chính họ”, những người đã ngã xuống...

Những ý tương tự cũng xuất hiện trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau khi tấn thảm kịch xảy ra: “Tự do biểu đạt và tự do báo chí là những giá trị cốt lõi, những nguyên tắc phổ thông - chúng có thể bị tấn công nhưng không bao giờ bị hủy diệt. Vụ thảm sát hôm nay là một phần trong cuộc đối đầu lớn giữa nền văn minh với những kẻ chống lại thế giới văn minh đó”.

Nền dân chủ Pháp đã bị tấn công và chúng ta cần phải bảo vệ nó” - phát biểu của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho thấy rằng, bất cứ hành vi bạo lực nào được đưa ra nhằm chống lại, hay khủng bố tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng là một tội ác. Bởi đó chính là cuộc chiến chống lại nền dân chủ, và văn minh nhân loại.
 

“Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) - Ảnh: Anne-Christine Poujoulat (AFP)

Và như thế, điều quan trọng nhất là giới báo chí phải không run sợ và không khuất phục. Chúng ta không run sợ và không khuất phục. Như hàng trăm ngàn người đã xuống đường ngay trong buổi tối hôm nay, bất chấp tiết trời lạnh lẽo, tại các thành phố trên nước Pháp và toàn Châu Âu, với khẩu hiệu “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie).

Chúng ta sẽ không khiếp nhược!

(*) Năm 2012, lượng ấn bản xuống còn 45.000 bản hàng tuần. Hiện tại, lượng ấn bản trung bình hàng tuần là 60.000.

Tác giả bài viết: NCTG