KÝ ỨC VỀ MỘT SỐ PHẬN CÂY
- Chủ nhật - 22/03/2015 15:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Đây cũng là dịp để mọi người thức tỉnh ra hơn, nhìn lại chính bản thân mình đã làm gì để bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường sống? Còn chờ đợi gì nữa mà không cùng nhau chung sức chăm sóc và bảo vệ những người bạn xanh xung quanh mình?”.
“Con người chỉ cảm thấy thực sự biết quý khi bị mất đi” - Ảnh: Internet
Có lẽ cũng như sức khỏe, tình yêu, tình bạn… và cả cây xanh nữa, con người chỉ cảm thấy thực sự biết quý khi bị mất đi. Cả tuần qua hồi hộp theo dõi vụ “thảm sát cây xanh” ở Hà Nội, tôi bỗng nhớ đến một cái cây mà tưởng chừng như đã quên hẳn từ lâu trong đầu. Đó là một cây cơm nguội già mọc ngay trên vỉa hè trước cổng khu tập thể.
Đoán là rất già thôi chứ bao nhiêu tuổi thì trẻ con chẳng đứa nào biết và cũng không quan tâm. Bảo cái cây đó đẹp cũng không đúng vì thân cây gồ ghề, sần sùi, không tròn trịa. Mà hình như mọc cũng không thẳng tắp, tán cũng không phải sum xuê cho lắm. Nhưng được cái cây mọc cao đến qua cả tầng ba của khu nhà, vì vậy ban-công hai hai căn hộ trên cùng bao giờ cũng rợp bóng mát. Tôi nhớ hồi đó hay ghen tỵ, giá như căn phòng nhà mình không nhìn vào trong sân, lại hướng Tây, mà quay ra phía ngoài đường có phải vừa vui lại vừa mát không.
Vì mọc ngay đúng giữa cổng nên từ hành lang đi ra là đập vào mắt ngay cái thân cây xù xì với đoạn quét vôi trắng từ gốc lên. Lâu ngày, ăn sâu vào óc hình ảnh của cái cổng khu nhà với cây cơm nguội già. Tôi nhớ có lần mấy phụ huynh hẹn nhau ở nhà tôi để bàn chuyện gì đó, bên cạnh địa chỉ số nhà, bố bạn trưởng lớp còn ghi rõ vào giấy mời “… khu tập thể cán bộ trường Y, có cây đại cổ thụ trước cổng”. Ai đọc cũng buồn cười tính bác này cẩn thận quá. Chắc thế mà mọi người tìm được nhà dễ dàng.
Cây cơm nguội đó ngoài việc làm cột mốc cho bọn trẻ con chúng tôi úp mặt vào chơi trốn tìm mỗi buổi chiều, và là nguồn cung cấp hạt cơm nguội cho những vụ đấu súng phốc, có lẽ không có vai trò nào đáng kể trong cuộc sống của dân tình quanh nó. Và rồi nó đã bị “khai tử”. Tôi còn nhớ như in cảm giác sững sờ của buổi đạp xe giữa trưa từ trường về đến nhà. Từ xa đã thấy một tốp người nhốn nháo cưa cưa xẻ xẻ ngay giữa lòng đường, cây thì nằm sõng sượt, cành lá tơi tả. Mấy bà trong khu còn ra cửa đứng xem, vừa nhòm ngó cái cây vừa bàn tán “đúng thật là thân có bị sâu đến mấy xăng-ti-mét”.
Hàng xóm còn kháo nhau “cây này như kiểu có ma ấy, đêm đêm cành lá đung đưa kẽo kẹt nghe đến khiếp, cứ như sắp bổ vào đầu… chặt đi cho nó thoáng”. Mà đúng là “thoáng” thật. Từ đó về sau, cứ phi xe từ hành lang ra là ập ngay vào mắt cái nắng chói chang hầm hập của lòng đường. Cả mảng tường quét vôi vàng cũng “sáng” lên hơn với những chỗ trốc lở mà trước đây chẳng mấy ai để ý thấy.
Cuối những năm tám mươi, khi người người mở quán nhà nhà mở quán, căn hộ ở tầng đất vốn dĩ chỉ là chỗ ga-ra ôtô thời Pháp nay đục tường ra đường đương nhiên thành một quán bán nước chè xu. Mà quán thì trước cửa phải có một cái cây chứ không trông thể trơ khấc thế kia, khách nào thích ngồi nên vợ chồng nhà ấy tuy cãi nhau như cơm bữa nay lại “tâm đầu ý hợp”. Chồng vác về trồng ngay trước cửa một cái cây, thay cho chỗ cây cổ thụ già. Không biết đó là cái cây gì: nó chỉ cao bằng đầu người là cùng, khẳng khiu bé tí gầy guộc. Bà vợ ngày nào cũng tưới nước rửa rau, vo gạo, chăm bẵm một dạo thì thấy cũng có cành, ra lá.
Hoa tuyệt nhiên không có, bóng mát chưa cho được nhưng ít ra cái cây mới cũng là chỗ cho bà chủ quán buộc cái vải bạt chăng ra che nắng và quấn dây phơi quần áo lủng lẳng. Có lần nghe thấy bà ấy to tiếng với căn hộ ngay trên tầng hai vì ông trên tầng bắt chặt cái cây mới đó đi với lý do “nó sắp cao lên cái ban-công, trộm nó sẽ theo cái cây ấy mà trèo vào nhà tôi!”. Tất nhiên đã làm nghề bán nước thì cùng lắm bà ấy chỉ vui vẻ với khách hàng thôi chứ chẳng phải tay vừa: bà chửi toáng lên cả buổi chiều và dọa tố cáo ra phường chuyện nhà ông ở tầng hai xây thêm hố xí, đường ống thoát không dẫn đúng chỗ, mỗi lần giật nước chẩy cả xuống sân nhà bà ấy (cạnh ngay quán nước ấy!).
Và bà ta cũng có lý phần nào. Ông trên tầng hai cũng quá lo xa vì ông đã ra đi trước khi cái cây kịp mọc lên đến ban-công nhà ông ấy. Còn cây thì thoát nạn trước “tuổi thành niên”.
Cây thoát nạn nhưng qua mấy chục năm vẫn còm cõi
Gia đình tôi đã chuyển đi khỏi khu tập thể đó từ lâu, nhà bà bán hàng nước cũng vậy. Bà ấy kêu ở tầng đất ẩm thấp sinh ho hen, giờ cho thuê mặt tiền làm quán bia hơi đi chỗ khác ở mà vẫn còn tiêu pha thoải mái.
Công nhận quán bia ở Hà Nội khó mà ế khách, nhất là chiều tối dân tình ngồi kín đặc ra tận ngoài đường. Mà đã uống vào ắt phải thải ra. Nhà hàng chỉ đáp ứng đầu vào chứ ai quan tâm đến đầu ra. Gốc cây sẵn đấy, cứ việc giải quyết. Thôi thì cứ cho thế là tưới cây sinh học đi. Nhưng có lần tôi đã được chứng kiến mùa “hóa vàng” ở phố cũ. Thời bao cấp chẳng mấy khi gặp cảnh này, giờ “phú quý sinh lễ nghĩa”, quán xá, cửa hàng là cứ phải cúng thật to, đốt thật nhiều tiền đô âm phủ, vàng bạc, quần áo, giầy mũ, thậm chí cả xe máy giấy mới mong làm ăn phát đạt. Cả phố mù mịt khói , gốc cây nào cũng đen ngòm một đống tro bay tứ tung.
Những gốc cây to còn hình dung được, chứ mấy cái cây còi cọc mà họ cũng lấy ra làm chỗ hóa vàng, đốt vàng thì đúng là mưu đồ đốt cây. Thế mà may thế, cái cây còi ấy vẫn tồn tại được, hoặc chưa cháy hết được.
Mấy năm sau đó, tôi lại nghe nói quán bia đổi chủ thành xưởng sửa chữa bơm vá thay dầu xe ôtô. Không ai dám đi trên vỉa hè đoạn đó nữa vì lúc nào cũng ngổn ngang xe cộ, bánh xe, đồ nghề sửa chữa và nhất là nước rửa xe lẫn với nước dầu, xăng đen ngòm, nhớt nhát, lênh láng chẩy ra gốc cây, tràn xuống cả lòng đường. Chỉ đi qua không dừng lại nhưng tôi nghĩ với lượng hóa chất xăng dầu độc hại thế hàng ngày ngấm xuống đất, cái cây “có sống cũng thành tật”. Và tất nhiên cứ theo đà này thì kể cả vài chục năm nữa có lẽ nó cũng chẳng bao giờ đạt đến danh hiệu “đại cổ thụ”.
Những ngày này cả Hà Nội sôi sục phản đối quyết định chặt dã man và tùy tiện cây xanh trên đường phố, bất kể vì lý do nào. Ai cũng giận giữ lên án. Nhưng có lẽ đây cũng là dịp để mọi người thức tỉnh ra hơn, nhìn lại chính bản thân mình đã làm gì để bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường sống? Còn chờ đợi gì nữa mà không cùng nhau chung sức chăm sóc và bảo vệ những người bạn xanh xung quanh mình?