Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KỶ LỤC QUAY KHỐI VUÔNG RUBIK: 26 BƯỚC!

(NCTG) Hai nhà khoa học Mỹ, mới đây, đã chứng tỏ - bằng cách sử dụng máy vi tính - rằng có thể quay tối đa là 26 bước để giải bài toán của Rubik Ernő. Trò chơi của nhiều triệu người lớn và trẻ em trên toàn thế giới, lừng danh từ thập niên 80, nay trở lại tâm điểm của sự chú ý với công bố trên.

Giáo sư Gene Cooperman và học trò, nhà nghiên cứu Dan Kunkle của Đại học Northeastern University (Boston/Massachusetts) đã chỉ ra rằng từ bất cứ một hoán vị nào, chỉ cần tối đa 26 bước là có thể giải được bí ẩn của Khối vuông Rubik. Đây là một kỷ lục mới vì trước đây, các thử nghiệm khoa học cho thấy cần 27 bước. (Tháng 5-1997, giáo sư Richard Korf của Đại học California (UCLA) cho rằng chỉ cần tối đa 20 bước là đủ, song ông không chứng tỏ được khẳng định này).

Dùng máy vi tính, chỉ mất chưa đầy 1 giây để tìm ra những bước nói trên.

*

Khối vuông Rubik, còn được gọi với tên khác là Khối vuông Kỳ ảo, là phát minh của ông Rubik Ernő, một kiến trúc sư Hungary. Tốt nghiệp khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Budapest năm 1967, Rubik Ernő còn học thêm khoa Điêu khắc và Kiến trúc nội thất tại Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hungary. Từ năm 1990, ông là chủ tịch Học viện Kỹ sư Hungary, rồi là chủ tịch danh dự của Học viện; đồng thời, ông là tác giả của nhiều phát minh, nhiều trò chơi nổi tiếng toàn thế giới.

Trong số đó, được biết đến nhiều nhất vẫn là Khối vuông Rubik, một bài toán cơ học được đặt ra vào năm 1974 với phiên bản chính, "kinh điển", thường gọi là Lập phương Rubik (làm bằng chất dẻo). Mỗi mặt của phiên bản này có 9 ô vuông sơn một trong sáu màu khác nhau (trắng, đỏ, vàng, cam, xanh lá cây và xanh dương). Bắt đầu bài toán, người ta xáo trộn tất cả vị trí các ô vuông ở mỗi mặt, để cho các màu sắc xen kẽ nhau. Bài toán được giải quyết khi mỗi mặt của khối vuông là một màu đều đặn. (Theo tính toán, một Khối vuông Rubik "kinh điển" có tới hơn 43 triệu tỉ hoán vị khác nhau).

Cuối thập niên 70 thế kỷ trước, Khối vuông Rubik lan ra trên toàn thế giới và đạt mức cực thịnh vào đầu thập niên 80. Vào thời gian ấy, tại Hoa Kỳ, người ta còn lập ra một câu lạc bộ để giúp những "fan" quá "nghiền" Khối vuông Rubik có thể "cai" được trò chơi này. Cho đến nay, có hơn 300 triệu Khối vuông Rubik đã được bán ra và trò chơi này vẫn giữ vị trí số một trong số các trò chơi trí tuệ trên thế giới. (Năm 1981, tại Hungary, quê hương của trò chơi, cứ 10 người lại có 1 người thường xuyên chơi khối vuông).

Giải Vô địch Thế giới lần thứ nhất: Minh Thái (quốc tịch Mỹ, gốc Việt) đoạt chức vô địch, vượt Razoux Shultz (Hà Lan, 24,32 giây) và Lábas Zoltán (Hungary, 24,49 giây). Đặc biệt, đại diện cho Canada tại kỳ thi này cũng là một học sinh gốc Việt, Đức Trinh (14 tuổi)

Đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức các giải vô địch về quay khối vuông Rubik. Trong Giải Vô địch Thế giới đầu tiên tại Budapest tháng 6-1982, ngôi vị vô địch thuộc về Minh Thái, một học sinh trung học gốc Việt ở Los Angeles, khi ấy anh mới 16 tuổi. Thành tích 22,96 giây do Minh Thái lập hồi đó được coi là một kết quả siêu việt.

Những năm gần đây, việc giải bài toán Rubik trong vòng 1-2 phút không còn là điều thật khó, do đó người ta đã nghĩ ra những kiểu thi khác, như quay khối vuông Rubik bằng một tay, ở dưới nước hoặc... khi bị bịt mắt. Trung tuần tháng 5-2007, tại cuộc thi quay khối vuông đầu tiên tại Canada (tổ chức ở Toronto), một sinh viên Mỹ 19 tuổi, Chris Krueger, đã lập kỷ lục thế giới mới trong "hạng mục" bịt mắt quay khối vuông: 1 phút 15 giây. Với kết quả này, Krueger sẽ đại diện cho Canada tại Giải vô địch Thế giới sẽ được tổ chức tại Budapest mùa thu năm nay.

Chris Krueger

Chàng sinh viên khoa Sinh học và Ngôn ngữ (tiếng Trung) của Đại học Nam California này đã chuẩn bị cho cuộc thi trong vòng 1 năm, như anh nói, "càng ngày tôi càng để thời gian để luyện quay khối vuông Rubik, vì tôi muốn trong khi xem TV cũng có thể làm việc gì khác có ích". Cũng trong cuộc thi này, vị trí đầu trong "hạng mục" kinh điển (quay khối vuông Rubik cỡ 3x3) thuộc về cậu bé Harris Chan (13 tuổi), với kết quả 14,25; như vậy, Chan cũng sẽ có mặt tại Budapest trong giải vô địch vào đầu tháng Mười năm nay.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp, theo báo Hung