Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


"KIẾN TRÚC SƯ" CỦA CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI TẠI VIỆT NAM QUA ĐỜI!

(NCTG) Theo tin của báo chí quốc tế, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt (tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân), được coi là một "kiến trúc sư" của công cuộc Đổi mới, một gương mặt cấp tiến "sáng giá" ở Việt Nam, đã từ trần hồi 6 giờ 40 sáng thứ Tư 11-6 tại Singapore, nơi ông đang chữa bệnh sưng phổi cấp, thọ 85 tuổi.

Ông Võ Văn Kiệt (1922-2008) - Ảnh: "VietNamNet"

Ông Võ Văn Kiệt sinh ngày 23-11-1922 trong một gia đình nông dân tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long). Ông hoạt động cách mạng từ năm 1938 và gia nhập Đảng Cộng sản (ĐCS) một năm sau đó. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và cuộc chiến Việt Nam, ông Kiệt hoạt động chủ yếu tại địa bàn Nam Bộ với bí danh Sáu Dân. Sau 1975, ông giữ chức bí thư Thành ủy TP HCM. Ông Võ Văn Kiệt là ủy viên Bộ Chính trị thời kỳ 1982-1997; tại Đại hội IV (năm 1997), ông rút khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương ĐCS nhưng giữ vai trò cố vấn cho Ban Chấp hành tới năm 2001. Ông là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng chính phủ thời kỳ 1991-1997. Từ 2001, ông Võ Văn Kiệt đã góp tiếng nói có sức nặng và uy tín trong nhiều vấn đề liên quan đến chính sách xã hội - dân sinh. Trên tư cách một nhà phản biện lớn, ông là cựu lãnh đạo Việt Nam đầu tiên công khai đặt vấn đề hòa hợp - hòa giải dân tộc.

Những quan niệm cởi mở của ông Võ Văn Kiệt đã được ông thể hiện trong một phỏng vấn hiếm hoi với BBC Việt ngữ (đầu mùa hè năm 2007), khi ông cho rằng "Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả". Ông cũng kêu gọi đối thoại với những người bất đồng chính kiến vì theo ông, "chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng", và chính phủ không nên áp dụng "biện pháp hành chính đi đầu" với họ, trừ phi là "con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta". Về hoạt động của Quốc hội, ông Võ Văn Kiệt khẳng định: "Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ".

Hòa hợp hòa giải dân tộc, nhằm hóa giải những oan khiên trong quá khứ, luôn là vấn đề khiến nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt tâm niệm và mong mỏi. Trong trả lời phỏng vấn BBC, ông Kiệt cho biết ông vợ ông cùng hai con trai và hai con gái đã mất trong thời chiến, tới giờ vẫn chưa tìm lại được hài cốt, và chính trong gia đình ông cũng có những người đứng ở hai bên bờ chiến tuyến do hoàn cảnh bắt buộc như vậy. Tuy nhiên, theo ông, đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ mà ông cho rằng phần nhiều do "nước ngoài" can thiệp gây ra: ''Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được. Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau.''

Cho đến những ngày cuối đời, ông Võ Văn Kiệt vẫn còn đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn về những quan ngại chính đáng trong các dự án xây dựng tòa nhà Quốc hội và mở rộng Hà Nội, cũng như, những lo âu về công bằng xã hội và khoảng cách giàu nghèo. Trên cương vị một cây bút, ông đã làm trọn nhiệm vụ của một công dân tâm huyết với vận mệnh đất nước. Như lời thuật lại của báo "Tuổi Trẻ", "gặp gỡ báo chí, ông luôn nhắc nhở "hành xử có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc", và trước tất cả, ông thể hiện trách nhiệm ấy, đôi khi như một nhà báo thực thụ. Chỉ cần điểm lại những bài viết mang tên ông trên các báo, sẽ không cần thêm bất cứ lời bình luận nào. Chỉ số lạm phát tăng vọt, ông lên tiếng: "Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề", "Phát triển phải đi đôi với công bằng xã hội"; Dư luận xôn xao với dự án mở rộng thành phố Hà Nội, ông bảo: "Phải cân nhắc thật kỹ"; Vừa có tin nhà máy thép muốn đầu tư tại vịnh Vân Phong, ông nhắc nhở: "Của để dành cho con cháu chúng ta"...

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp lớn trong quá trình Đổi mới và Dân chủ hóa tại Việt Nam khi còn tại vị và cả khi đã nghỉ hưu, trên tư cách một công dân chính trực và có trách nhiệm. Sự ra đi của ông đã để lại muôn vàn tiếc thương cho đông đảo người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ và đội ngũ cầm bút, vẫn coi ông như một người thày, một người anh lớn về nhân cách và sĩ khí. Chắc chắn, lịch sử Việt Nam và hậu thế sẽ có những đánh giá thỏa đáng về vai trò và sự nghiệp của ông!

Để tưởng nhớ những công lao của ông Võ Văn Kiệt, tang lễ của ông sẽ được tổ chức với nghi thức Quốc tang trong hai ngày 14 và 15-6-2008.

Tác giả bài viết: Trần Lê - Tổng hợp theo báo chí