Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHỦNG BỐ TẠI PARIS VÀ HỌC THUYẾT VỀ SỰ XUNG ĐỘT GIỮA CÁC NỀN VĂN MINH

(NCTG) “Các phần tử khủng bố Hồi giáo chính là cặn bã của văn minh Hồi giáo. Thế giới tiến bộ nói chung, thế giới Hồi giáo nói riêng cần phải lên án và đào thải, loại bỏ những cặn bã ấy để trả lại vị thế của một nền văn minh lớn trong lịch sử nhân loại”.
Khủng bố tại Paris liệu có phải là xung đột giữa các nền văn minh? - Ảnh: nyugat.hu
Cuộc khủng bố đẫm máu tại Paris vào tối 13-11-2015 vừa qua đã gây chấn động dư luận toàn cầu. Chỉ trong vòng mười tháng, nước Pháp đã bị các nhóm khủng bố cực đoan tấn công hai lần. Nếu như lần đầu, khi tấn công tờ báo châm biếm “Charlie Hebdo”, chúng tấn công quyền tự do ngôn luận, thì trong cuộc khủng bố vừa qua, đơn giản, chính xã hội Pháp, trên mọi phương diện, đã bị bọn cuồng tín xâm phạm.

Sáu cuộc tấn công lạnh lùng, tàn nhẫn, vào sáu địa điểm khác nhau tại Paris là cuộc khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Pháp. Một cách đau thương, nó khiến thế giới nhớ lại sự kiện 11-9, về các vụ tấn công tại Tây Ban Nha (3-2014) và tại Anh (7-2005). Tất cả đều mang dấu ấn của các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Và chưa bao giờ, học thuyết về sự xung đột giữa các nền văn minh lại trở nên thời sự, nóng bỏng như hiện nay.

Bernard Lewis là người đầu tiên đề cập đến khái niệm “xung đột giữa các nền văn minh” vào năm 1957 khi nhắc đến cuộc khủng hoảng kênh đào Suez. Một cuộc đối đầu quân sự giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Nhưng Lewis không phân tích, nghiên cứu sâu về khái niệm trên.

Vào năm 1993, trên tạp chí “Foreign Affairs”, Giáo sư Samuel P. Huntington đã viết một bài báo mang tựa đề “Sự xung đột giữa các nền văn minh?” (The Clash of Civilization?). Đến năm 1996, ông đã đúc kết những quan điểm, học thuyết của mình trong cuốn sách mang tên “Xung đột giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới” (“The Clash of Civilization and the Remaking of World Order”, bản dịch tiếng Pháp “Le Choc des Civilisations”). Đây là cuốn sách nổi tiếng nhất của ông và gây ra nhiều tranh cãi trong giới chính trị, trí thức, học giả trên thế giới.

Cụ thể, về căn bản, trong tác phẩm của mình, Huntington cho rằng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khối XHCN, đứng đầu là Liên bang Xô-viết đã bị tan vỡ, nguồn gốc và văn hoá sẽ là nguyên nhân phát sinh ra các cuộc xung đột giữa các quốc gia. Xung đột xuất phát từ ý thức hệ chính trị, tư tưởng hay kinh tế sẽ bị cáo chung. Các nhà nước-quốc gia (Etat-nation) sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trên bản đồ thế giới và tiếp tục củng cố sức mạnh cũng như khai thác mọi tài nguyên thiên nhiên.

Nhưng ngày nay, các yếu tố về văn hóa, về mối quan hệ cộng đồng sẽ trở nên quan trọng hơn. Huntington đã đưa ra một khái niệm mới về nền văn minh như “là một thực thể văn hóa rộng lớn nhất” và “là một hình thái cao nhất của nhóm văn hóa, là cấp độ cao nhất của bản sắc văn hóa mà con người cần có để phân biệt với các chủng loại khác. Một nền văn minh được xác định đồng thời bởi các nhân tố khách quan như ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo, phong tục, thể chế và bởi các yếu tố chủ quan để con người tự nhận biết nhau”. Xem văn minh như một khái niệm quan trọng nhất cho mọi lập luận, Huntington cho rằng, thế giới, sau Chiến tranh Lạnh, từ lưỡng cực trở nên đa cực, sẽ có khuynh hướng chia ra thành nhiều nền văn minh khác nhau. Mỗi nền văn minh bao gồm nhiều quốc gia có cùng những đặc tính về lịch sử, tôn giáo, ngôn ngữ...

Theo nhận định của Huntington, nhân loại có bảy hay tám nền văn minh: Phương Tây (Ki-tô giáo và Tin lành), Khổng giáo, Nhật Bản, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Chính thống giáo, Mỹ- Latin, và có thể Phi châu. Các nền văn minh gắn liền với những nền văn hóa lớn của nhân loại, đây chính là nhận xét cốt yếu của Huntington. Từ khái niệm văn minh-văn hóa, ông đã tái lập bản đồ thế giới theo những nền văn minh, từ đó, nguồn gốc của mọi cuộc xung đột, chiến tranh trên thế giới đều phụ thuộc vào những khác biệt giữa các nền văn minh.

Để trả lời câu hỏi vì sao có sự xung đột giữa các nền văn minh, Huntington cho rằng những sự khác biệt giữa các nền văn minh là cơ bản trong khi thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé, khiến cho những nhận thức về sự khác biệt hay tương đồng giữa các nền văn minh trở nên sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, tôn giáo chiếm vai trò quan trọng trong xã hội khi bù đắp nhiều giá trị bị phá vỡ bởi cuộc sống hiện đại. Những bất đồng, khác biệt về kinh tế hay chính trị thay đổi nhiều hơn so với văn hoá. Sau khi Bức màn Sắt bị sụp đổ, tính cộng động trong văn hóa đã chiếm ưu thế so với những bất đồng về tư tưởng. Tất cả những yếu tố trên chính là những lý do của sự xung đột giữa các nền văn minh.

Sau Chiến tranh Lạnh, văn minh Phương Tây không còn nhiều ảnh hưởng và thống trị thế giới, ngược lại là sự trỗi dậy của nhiều nền văn minh khác và đó chính là mối lo ngại hàng đầu cho nền văn minh phương Tây, cho các quốc gia Âu châu và đặc biệt là Mỹ.

Huntington nhận thấy sự mất cân bằng của các nền văn minh. Ông dự đoán Hồi giáo và Khổng giáo là hai nền văn minh đe dọa, làm suy yếu văn minh Phương Tây. Khổng giáo, đứng đầu là Trung Hoa, sẽ là mối lo ngại về quân sự và kinh tế. Trong khi đó, sự gia tăng mạnh về dân số cùng nhiều bất đồng về văn hóa của các quốc gia thuộc văn minh Hồi giáo tạo nên một mối đe dọa lớn nhất đối với Phương Tây. Huntington ít bàn về Khổng giáo, ngược lại, ông phân tích nhiều về văn minh Hồi giáo, và cho rằng đây chính là hiểm họa cho mọi xung đột trên thế giới.

Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ ý định của Huntington khi đưa khái niệm văn minh gắn liền với văn hóa và tôn giáo. Mỗi nền văn minh phụ thuộc vào một tôn giáo riêng biệt và theo ông thì “tôn giáo chia rẽ con người nhiều hơn cả yếu tố dân tộc” và chính tại “các đường ranh giới của văn minh Hồi giáo đều đẫm máu, thậm chí ngay bên trong thế giới Hồi giáo”. Đây chính là dự đoán bị chỉ trích nhiều, gây nhiều bất bình cũng như phản biện mạnh mẽ từ giới trí thức. Dẫu thực tâm, đây chỉ là một cảnh báo về những mâu thuẫn, bất đồng giữa Phương Tây và thế giới Hồi giáo và Huntington không hề có ý định muốn kích động sự xung đột giữa hai nền văn minh.

Nhưng tiếc thay, khi nhận định về Hồi giáo, Huntington đã cố tình đánh đồng hai khái niệm khác nhau là Hồi giáo - tôn giáo (Islam) và những phần tử Hồi giáo (Islamisme). Tôn giáo khác với những nhóm người theo đạo Hồi một cách cực đoan, quá khích, cố tình muốn biến đổi tôn giáo thành một hệ tư tưởng chính trị và áp đặt những luật lệ Hồi giáo (Sharia) nghiêm ngặt, hà khắc trong mục đích xây dựng một nhà nước Hồi giáo độc đoán.

Xung đột từ những khác biệt giữa hai nền văn minh Phương Tây và Hồi giáo đã diễn ra từ hơn 1.300 năm nay khiến mối quan hệ giữa hai thế giới trở nên phức tạp. Văn minh Hồi giáo sau thời kỳ phát triển rực rỡ, phồn thịnh đã bị suy yếu và bị lấn áp bởi Phương Tây. Sự bất bình và mâu thuẫn luôn trong trạng thái căng thẳng là hiện hữu từ những cuộc Thánh chiến cho đến cuộc tranh chấp giữa Palestine và Israel tại vùng Trung Đông ngày nay. Nhưng những khác biệt đã tạo ra xung đột và chiến tranh liệu có phải xuất phát từ những bất đồng về văn hoá hay một cách cụ thể là những cuộc xung đột giữa các nền văn minh? Câu trả lời phủ định lập luận của Huntington đã được thực tế minh chứng từ những cuộc chiến tranh tại Afghanistan, vùng Vịnh...

Trào lưu Hồi giáo chính thống, cực đoan của một thiểu số bảo thủ muốn chính trị hoá tôn giáo cần phải được tách rời ra khỏi khái niệm tôn giáo. Đó là điều mà Huntington đã mắc phải sai lầm khi lên án văn minh Hồi giáo là quá khích, cuồng tín. Lý ra, ông phải sáng suốt nhìn thấy sự khác biệt cơ bản giữa tôn giáo và một trào lưu cực đoan. Chính Bill Clinton đã nói rằng “Phương Tây không có vấn đề với Hồi giáo. Phương Tây chỉ có vấn đề những nhóm Hồi giáo cực đoan, tàn bạo”. Dĩ nhiên, Huntington không đồng ý với nhận định trên. Và ông cũng cố tình không nhắc đến vai trò cũng như sự hậu thuẫn của Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, trong việc tạo dựng nên những phần tử trở thành những kẻ khủng bố tại Afghanistan (Osama bin Laden).

Những cuộc khủng bố đẫm máu từ những năm 80-90 tại Pháp và trong thế kỷ 21 tại Mỹ, tại Châu Âu đều do những phong trào ly khai, cực đoan Hồi giáo gây ra. Bọn khủng bố không thể nào đại diện cho tôn giáo, cho nền văn minh Hồi giáo. Chúng “nhân danh” Allah để tàn sát, không chỉ thế giới Phương Tây, mà cả nhân loại. Suy cho cùng, bọn khủng bố, “djhad”, chỉ là những kẻ ác nhân, muốn gây ra những cuộc chiến tranh tôn giáo, tạo ra những “xung đột giữa các nền văn minh để đạt được những mục đích đen tối, đó là chính trị hóa Hồi giáo, xây dựng một thế giới bệnh hoạn, đội lốt tôn giáo. Hiện thân của sự quá khích, khát máu của các trào lưu ấy chính là Al-Qaïda và cái gọi  là Nhà nước Hồi giáo (IS).

Các phần tử khủng bố Hồi giáo chính là cặn bã của văn minh Hồi giáo. Thế giới tiến bộ nói chung, thế giới Hồi giáo nói riêng cần phải lên án và đào thải, loại bỏ những cặn bã ấy để trả lại vị thế của một nền văn minh lớn trong lịch sử nhân loại.

Chính Tổng thống Pháp, François Hollande khi triệu tập Quốc hội lưỡng viện tại điện Versailles, vào ngày 16-11-2015, tức ba ngày sau khi Paris bị khủng bố, đã kiên quyết phủ nhận cái gọi là “xung đột giữa các nền văn minh”. Đơn giản, theo ông, IS và bọn khủng bố không thuộc vào bất kỳ một nền văn minh nào cả!

Mọi nền văn minh đều có những thời kỳ hoàng kim và suy tàn. Nhưng một nền văn minh biết tự nhận ra những khuyết điểm, những mụn nhọt, mầm móng gây bệnh hoạn, từ đó kiên quyết loại trừ, đó chính là một nền văn minh lớn, có chiều sâu, có ảnh hưởng quan trọng đến lịch sử nhân loại.

Cần nhắc lại rằng, văn minh Phương Tây cũng là cội nguồn cho những cặn bã độc hại của nhân loại: chủ nghĩa phát-xít (bao gồm cả chủ nghĩa Quốc xã - Nazism, tại Đức) và chủ nghĩa Cộng sản (trong đó có cả chủ nghĩa Stalin - Stalinism). Độc hại vì chính hai chủ nghĩa trên đã gây ra bao tội ác kinh hoàng trong thế kỷ 20. Chỉ trong khoảng 12 năm cầm quyền (1933-1945), phát-xít Đức đã giết hại khoảng 25 triệu người. Trong khi đó, nếu lấy cuộc Cách mạng tháng Mười tại Nga (1917) làm cột mốc khởi đầu cho đến khi khối XHCN bị tan rã (1990), trong 73 năm tồn tại, đã có gần 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới.

Chủ nghĩa phát-xít và Cộng sản chính là những rác rưởi độc hại, những vết nhơ mà văn minh Phương Tây đã thành công khi đào thải nó ra khỏi đời sống cộng đồng. Đó chính là sức mạnh, là sự trả lời dứt khoát khi đối diện với cái xấu của một nền văn minh lớn. Không thể phủ nhận rằng còn nhiều vấn đề tồn đọng, kém tích cực ngay bên trong đạo Hồi, nhưng không có lý do gì khiến cho văn minh Hồi giáo không vượt qua được những trang sử đen tối do những phần tử cực đoan gây ra!

Những khác biệt về văn hóa và nguồn gốc không thể là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh hay xung đột giữa các nền văn minh như Huntington dự đoán. Lịch sử nhân loại đã chứng minh những bất đồng chỉ là nhỏ bé so với lòng bao dung, sự đối thoại, học hỏi, trao đổi giữa các nền văn minh khác nhau. Xã hội chỉ có thể thay đổi theo xu hướng tốt dựa trên sự hiểu biết, đồng cảm giữa các nền văn hóa, bất chấp những trang sử đen tối mà nhân loại đã trãi qua.

Khác với luận đề của Francis Fukuyama về “điểm tận của lịch sử”, về một nền dân chủ phóng khoáng (Phương Tây) sẽ thành công và sẽ được lan toả khắp nơi trên thế giới như một giá trị chung. Qua đó, những cuộc chiến tranh sẽ ít xảy ra - như trong cuốn sách “Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng” ”(“The End of History and the Last Man”, bản dịch tiếng Pháp “La Fin de l’Histoire et le dernier Homme”), Huntington cho rằng Phương Tây không nên can thiệp vào những cuộc chiến thuộc về những nền văn minh khác. Theo ông, “thế giới mới” sẽ không chịu ảnh hưởng của nền dân chủ Phương Tây và càng không thể áp đặt những giá trị văn hóa Tây phương vào bất kỳ một nền văn minh nào khác. Đây là những lý luận chính xác trong bối cảnh biến động chính trị thế giới.

Huntington đã có lý khi nhận định rằng những khác biệt giữa các nền văn minh là hiện hữu. Qua đó, ông muốn cảnh báo văn minh Phương Tây, nhất là chính phủ Mỹ, trong quan hệ ngoại giao với thế giới phi-Phương Tây. Nhưng ngược lại, ông đã lầm khi cho nó là nguyên nhân dẫn đến sự xung đột giữa các nền văn minh.

Và một cách vô tình, học thuyết về mối đe dọa của văn minh Hồi giáo đối với Phương Tây đã tạo điều kiện cho các xu hướng cực đoan, mầm móng của chủ nghĩa dân tộc quá khích tại các quốc gia châu Âu, củng cố những tư tưởng chính trị nguy hiểm, chính sách kỳ thị chủng tộc, chống người nước ngoài... Và hậu quả có thể dẫn đến những rạn nứt, những xung đột giữa các cộng đồng sắc tộc trên thế giới.

Thật thiếu nghiêm túc và vô trách nhiệm khi kết luận bọn khủng bố tàn ác là hiện thân của cả một nền văn minh hay Hồi giáo chính là nguyên nhân của sự xung đột giữa các nền văn minh! (*)

(*) Tài liệu tham khảo:

- Samuel P. Huntington, “Le choc des civilisations”, Odile Jacob, 1997.

- Francis Fukuyama, “La fin de l’Histoire et le dernier Homme”, Flammarion, 1992.

- Samuel P. Huntington, “Qui sommes nous? Identité nationale et choc des cultures”, Odile Jacob, 2004.

Tác giả Lâm Bình Duy Nhiên (cư ngụ tại Lausanne, Thụy Sĩ) là kỹ sư ngành Microtechnology, trường Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne (Thụy Sĩ). Thường viết báo, làm thơ dưới tên thật Lâm Bình Duy Nhiên, đôi khi sử dụng bút hiệu Lâm Bách Việt. Quan tâm đến các vấn đề trong xã hội Việt Nam cũng như công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Tác giả bài viết: Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne (Thụy Sĩ) - Tháng 11- 2015