Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“KHOẢNH KHẮC CẢM ĐỘNG CỦA SỰ ĐOÀN KẾT THỐNG NHẤT CHÂU ÂU!”

(NCTG) Ngày 27-12, tất cả các quốc gia thành viên Liên Âu bắt đầu chương trình tiêm chủng với loại vaccine đầu tiên được Ủy ban Châu Âu cấp phép vào hôm thứ Hai 21-12. Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch cơ quan hành pháp tối cao của EU nói rằng kế hoạch chích ngừa diễn ra “cùng một lúc, tại tất cả các nước thành viên”, là “một khoảnhh khắc cảm động của sự đoàn kết thống nhất Châu Âu”.
Vaccine được chuyên chở tới các địa chỉ cần thiết - Ảnh: Koszticsák Tibor (MTI/ AFP)
Tuy nhiên, Hungary sau khi cho “nhập cảnh” lô vaccine đầu tiên (gồm 9.750 liều) từ TP. Puurs (Bỉ) qua ngả Áo ở cửa khẩu Hegyeshalom vào hồi 6h sáng hôm qua 16-12 đã cho tiến hành tiêm chủng ngay lúc sau 9h tại Bệnh viện Trung ương Nam - Pet và sau đó, ở một số cơ sở y tế khác. Còn Slovakia, theo Euronews, cũng đã làm điều này vào buổi chiều tại bệnh viện TP. Nyitra (Nitra).

Như đã biết, loại vaccine đầu tiên được cấp phép tại Liên Âu - sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đưa ra đánh giá khoa học về các mặt an toàn, hiệu quả và chất lượng hôm 21-12 - là sản phẩm được phát triển và sản xuất chung của 2 công ty Mỹ - Đức Pfizer/ BioNTech chuyên về dược phẩm và công nghệ sinh học, dựa trên nền tảng công nghệ vaccine thế hệ mới mRNA.

Việc phân phối vaccine được tiếp tục cho tới cuối tháng 12-2020, và sau đó sẽ diễn ra hàng tuần cho đến tháng 9/2021. Ngoài Pfizer/ BioNTech, Liên Âu còn có thể sẽ cho phép loại vaccine thứ hai của Moderna vào 6-1 tới: loại vaccine mang số hiệu mRNA-1273 của công ty sinh học này cũng được dựa hoàn toàn trên việc thiết kế mRNA, và do đó đã được ra đời trong thời gian ngắn kỷ lục.

Ngoài ra, tới giờ, chưa có bất cứ hãng bào chế vaccine nào đệ hồ sơ xin Liên Âu cấp phép, trong khi Hungary thường xuyên nhắc tới các loại vaccine của Nga và Trung Quốc mà giới chuyên môn nước này đang “ngâm cứu” để tiến đến cho phép sử dụng. Dầu vậy, EMA cũng đã bắt đầu tìm hiểu sơ bộ về các loại vaccine do hai công ty Johnson & Johnson và AstraZeneca nghiên cứu và sản xuất.
 
Vaccine, đề tài trên trang nhất các báo Châu Âu vài ngày nay
Vaccine, đề tài trên trang nhất các báo Châu Âu vài ngày nay

Tính đến thời điểm hiện tại, theo các thông tin chính thức, Liên Âu đã ký hợp đồng đặt hàng của các công ty sau để phục vụ nhu cầu tiêm chủng “cho toàn bộ cư dân của liên minh” này như lời bà Ursula von der Leyen: AstraZeneca (400 triệu liều), Sanofi-GSK (300 triệu liều), Johnson & Johnson (400 triệu liều), BioNTech-Pfizer (300 triệu liều), CureVac (405 triệu liều) và Moderna (160 triệu liều).

Như đã biết, do trong các tháng đầu tiên chưa thể đủ vaccine cho tất cả mọi người nên những đối tượng được ưu tiên (nhân viên y tế, người cao tuổi có nhiều bệnh nền, nhân viên công lực...) sẽ được chích ngừa trước. Những ai đã tiêm chủng sẽ nhận một chứng nhận (có thể dưới dạng điện tử) để dùng trong nhiều trường hợp, nhất là khi đi lại, nhập cảnh... sẽ không phải xét nghiệm hay cách ly.

Trong một diễn biến liên quan, từ rất lâu Hungary mới có các số liệu dịch bệnh thuyên giảm như thế: sáng 27-12, giới chức nước này thông báo 698 ca nhiễm mới được phát hiện và 96 ca tử vong trong 24h qua vì dịch Covid-19. Số ca cần trợ thở cũng chỉ còn 467, trên tổng số 6.072 ca phải điều trị trong viện. Để tiếp tục phòng dịch, trạng thái “trực chiến dịch bệnh” được gia hạn thêm nửa năm.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh