Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHOẢN BỒI THƯỜNG KỶ LỤC CHO SAI SÓT Y TẾ

Tòa phúc thẩm TP Lyon, mới đây, đã ra phán quyết phạt một bác sĩ phẫu thuật khoản tiền kỷ lục 10 triệu Euro vì những sai phạm của ông này trong quá trình điều trị bệnh nhân đã dẫn tới hậu quả thảm khốc.

Cháu bé Charles, một bệnh nhân bất hạnh - Ảnh: “Le Progres”


Bệnh nhân của ông, một bé trai 8 tháng, sau phẫu thuật đã trở nên tàn tật suốt đời cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

Trường hợp đáng tiếc nói trên xảy ra vào tháng 9-2001, đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một gia đình và cuộc đời của một cháu bé. Charles, khi ấy mới 8 tháng tuổi, bị sưng đầu gối và do đó, được bố mẹ đưa tới bệnh viện Val d'Ouest ở gần TP Lyon.

Bệnh nhân nhỏ tuổi này được nhóm bác sĩ gồm bác sĩ phẫu thuật René Paule, các bác sĩ gây mê Robert và Bru khám, rồi họ đưa ra quyết định chỉnh hình ngay vào ngày hôm sau. Căn bệnh được phán đoán là chứng đau khớp háng, triệu chứng là đau đầu gối và đùi, thường xảy ra với các bé trai ở độ tuổi 3-10. Nhìn chung, đây là một bệnh lành.

Bác sĩ René Paule đã chỉ định làm xét nghiệm vùng xương khớp háng và cho thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng. Tuy nhiên, chuỗi những sai lầm nghiêm trọng của các bác sĩ khởi đầu bằng việc trước khi phẫu thuật chỉnh hình, họ đã không làm xét nghiệm máu cho Charles.

Do đó, viện đã không biết rằng cháu bé bị căn bệnh Hemophilia, tức bệnh thiếu yếu tố đông máu di truyền (hay còn gọi là bệnh “ưa chảy máu”). Sai lầm này đã dẫn đến hậu quả thảm khốc: trong quá trình mổ, khi bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cần đặt một ống dẫn thuốc gần xương khớp háng, huyết quản đã bị tổn thương, khiến máu tràn vào phổi Charles và ngăn ôxy không lên được não.

Tình hình còn tệ hại hơn nữa ở chỗ sau ca phẫu thuật, cháu bé có được chụp X-quang, nhưng bác sĩ Venin đã không nhận thấy những biến chứng như vậy và sau đó, khi họ nhận ra thì mọi sự đã quá muộn. Cháu bé được chuyển khẩn cấp đến một bệnh viện lớn hơn là Debrousse ở Lyon.

Do những sai lầm, thiếu sót và sự cẩu thả, bất cẩn, Charles khi chào đời là một cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh, nay không còn nhìn thấy, nghe thấy gì, không biết nói và không thể tự làm được bất cứ việc gì” - luật sư đại diện cho gia đình cháu Charles tổng kết những hậu quả thảm khốc tại phiên phúc thẩm vào cuối tháng 6-2012.

Sau 11 năm, thân mẫu của cháu bé vẫn chưa muốn chấp nhận những gì đã xảy ra. “Cháu bị sưng đầu gối thường thường thôi nên chúng tôi mới đưa tới bác sĩ, và rồi chúng tôi phải nhận lại đứa con trong cảnh tật nguyền” - bà buồn rầu nói sau phiên tòa xử xét vụ án do gia đình khởi kiện nhóm bác sĩ.


Bác sĩ René Paule

Tòa phúc thẩm nhận định rằng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự bác sĩ phẫu thuật Rene Paule vì không xác định được rằng ông ta đã cố tình gây thương tật cho cháu bé. Tuy nhiên, tòa khẳng định rằng Charles sẽ phải sống cảnh tật nguyền suốt đời và cần người chăm sóc trong một môi trường đặc biệt với chi phí rất cao.

Lưu ý đến việc Charles phải chịu đựng về mặt tinh thần và thể xác trong cảnh tàn tật như vậy, chung cuộc, tòa buộc vị bác sĩ phẫu thuật phải bồi thường 10 triệu Euro - khoản tiền này sẽ do hãng bảo hiểm ACE Europe của bác sĩ René Paule chi trả cho gia đình nạn nhân.

Ngoài ra, cha mẹ, thân nhân cháu bé cũng được bồi thường về mặt tinh thần 40.000 Euro cho hơn 10 năm theo đuổi vụ kiện, cùng những trắc trở trong công việc (như bị mất việc làm) trong khoảng thời gian đó. Bên cạnh đó, hãng bảo hiểm của vị bác sĩ còn phải trả 620.000 Euro cho cơ quan bảo hiểm xã hội Pháp: đây là phí tổn mà bảo hiểm xã hội đã chi để chăm sóc và điều trị bé Charles.

Tại Pháp, từ 6 năm nay, có một đạo luật mang tên Kouchner tạo điều kiện để người dân có thể kiện cáo các bác sĩ hoặc bệnh viện trong trường hợp để xảy  ra sai sót trong quá trình điều trị. Theo con số thống kê sơ bộ, hàng năm, có chừng một ngàn vụ kiện cáo như vậy được đưa ra tòa.

Tuy nhiên, những khoản tiền bồi thường cho đến nay thường không vượt quá mức 15 ngàn Euro - như thế, có thể coi phán quyết của TP Lyon là một kỷ lục tuyệt đối, là sự cảnh báo nghiêm khắc đối với giới bác sĩ về trọng trách và trách nhiệm của họ, nhưng đồng thời cũng tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại, theo nhận định của giới luật học.
Luật Kouchner

Đạo luật Kouchner (mang tên Bộ trưởng Y tế Pháp thời đó) thực chất là một đạo luật về quyền của bệnh nhân. Luật đã có từ lâu và qua nhiều lần sửa đổi. Năm 2002, luật bắt buộc tất cả chuyên viên trong ngành y và các cơ sở y tế đều phải có bảo hiểm trách nhiệm (liên quan tới những sai lầm trong điều trị của bệnh viện, bác sĩ) để bồi thường cho bệnh nhân khi có sự cố.

Năm 2011, Chính phủ Pháp quyết định nâng mức bồi thường của các hãng bảo hiểm từ 3 triệu Euro lên 8 triệu Euro trong trường hợp các bác sĩ có hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm với họ gặp sai sót trong quá trình điều trị bệnh nhân, khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe. Khi khoản bồi thường vượt quá 8 triệu Euro, các bác sĩ sẽ phải chịu một phần.


(*) Bản tin đã đăng trên “Tuổi Trẻ”.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp theo báo chí nước ngoài