Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHI HẢI QUÂN TRUNG QUỐC VƯƠN RA ĐẠI DƯƠNG

Hải quân Trung Quốc vừa kỷ niệm 60 năm ngày thành lập vào ngày 23-4 qua. Tại Thanh Đảo, thành phố cảng nổi tiếng về bia và căn cứ hải quân, không chỉ các phái đoàn quân sự của 14 quốc gia – mà lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, các công dân xứ này cũng có dịp chiêm ngưỡng một trong 10 chiếc tàu ngầm nguyên tử của Đại lục.

Tàu ngầm nguyên tử 093 của Trung Quốc - Nguồn: www.china-defense-mashup.com

Cho dù không phải là loại tân kỳ nhất, nhưng 10 chiếc tàu ngầm này có chứa đầu đạn hạt nhân và đủ để vươn tới bờ biển Hoa Kỳ, bên kia bờ Thái Bình Dương. Cũng như những năm gần đây, Bắc Kinh chú tâm phát triển năng động về quân sự: trong năm 2009, khoản chi cho quân sự là 70,36 tỉ USD, tăng 14,9% so với năm ngoái. Đáng chú ý là hiện tại, binh chủng Hải quân - được coi là “cánh tay và thanh gươm” nối dài của đất nước – đang là tâm điểm trong sự phát triển quân sự Trung Quốc.

Lý do khá dễ hiểu. Trong những giai đoạn rối ren nhất của lịch sử cận đại Trung Quốc (thập niên 50-60 thế kỷ trước), quốc gia này đã từng đụng độ trên đất liền với hầu như tất cả các nước láng giềng và do đó, sức mạnh quân sự trên bộ của Đại lục đã được gia tăng đến mức, với nhiều triệu binh lính, quân đội Trung Quốc đã gần như sụp đổ vì trọng lượng của chính nó. Chỉ thiếu chút nữa mà những loạn lạc thời “Văn cách” (Đại cách mạng văn hóa) đã có thể biến những đụng độ biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô trở thành một chiến tranh nguyên tử. Với Ấn Độ, tại khu vực Tây Tạng, Đại lục xác định cho mình trạng thái đối đầu quân sự trong thời gian dài. Còn đối với Việt Nam, viện lý do đánh mất nước Cam Bốt của thể chế Polpot (chư hầu của Trung Nam Hải, đồng thời là một “phòng thí nghiệm” cho những thử nghiệm kinh hoàng về xã hội), Bắc Kinh đã gây hấn cuộc chiến biên giới đẫm máu vào cuối thập niên 70.

Khởi đầu từ những năm 80 thế kỷ trước, thời kỳ cải tổ, bình thường hóa, củng cố về xã hội và chính trị đã thay đổi cả học thuyết về quân sự của Trung Quốc. Cùng với sự gia tăng của nền kinh tế hùng hậu, Trung Quốc càng hướng ra thế giới ở mức độ cao hơn, đồng thời, cũng phụ thuộc nhiều hơn vào thế giới. Không có một cường quốc toàn cầu nào lại phụ thuộc nhiều vào thế giới như Trung Quốc! Những thị trường nguyên liệu và năng lượng ở vùng Cận Đông, Châu Phi và Mỹ Latin đều cách xa nước này nhiều ngàn cây số. Còn các thị trường tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc, thì lại giăng mắc khắp thế giới. Những chuyến tàu chở hàng hóa Trung Quốc ra nước ngoài, cũng như chở năng lượng mua được trên thế giới về Đại lục, luôn bị đe dọa bởi những xung đột trong khu vực, những cường quốc nước ngoài và cả hiểm họa hải tặc, tại các kênh đào Suez và Panama, cũng như tại eo biển Malakka.

Trong vùng, Trung Quốc cũng cần sự hiện diện của hải quân vì một nguyên nhân nhãn tiền: trong khi đụng độ trên bộ đã giảm, nước này lại lao vào tranh giành chủ quyền những quần đảo trên biển Nam Trung Quốc - nơi tiềm ẩn các mỏ dầu - với 5 quốc khác trong khu vực (trong số đó, đáng kể là Việt Nam, Philippines và Malaysia). Ấy là còn chưa nói đến việc Đại lục cần phô diễn sức mạnh quân sự đối với Đài Loan, mảnh đất mà Bắc Kinh vẫn coi là một tỉnh của mình.

Trung Quốc chưa có những cứ điểm tại nước ngoài theo nghĩa truyền thống của từ này, do đó, dễ hiểu là Trung Nam Hải cần phát triển hải quân như một sự đảm bảo quan trọng cho những yếu tố phụ thuộc nước ngoài trong nền an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các cường quốc “kinh điển” về hải quân như Anh, Hoa Kỳ, Pháp… đều biết rằng, quá trình phát triển này phải kéo dài nhiều thập kỷ, thậm chí, nhiều thế kỷ. Trung Quốc vẫn mới chỉ chập chững những bước đầu: cho dù là cường quốc kinh tế đứng thứ 2-3 trên thế giới, nhưng hải quân nước này cũng chưa lọt được vào Top 10.

Có điều, định chế nhà nước, sự lãnh đạo tập trung trên nguyên tắc “bàn tay thép” của Đại lục khiến Trung Quốc có điều kiện tốt để phát trỉển quân đội. Bắc Kinh không phải đối mặt với những rào cản trong hoạt động của các nền dân chủ Phương Tây, như công luận, các định chế dân chủ, sự can thiệp của các chính đảng và các tổ chức dân sự, những tranh luận thực sự trong Quốc hội về vấn đề ngân sách, hoặc sự trong sạch của các cuộc đấu thầu. Tuy nhiên, những khoản chi cho quân sự, ở dạng công khai hay “âm thầm”, cũng chưa đạt một phần sáu mức chi của Hoa Kỳ.

Phô trương quân sự trên biển và không trung nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Trung Quốc (Thanh Đảo, Sơn Đông) - Nguồn: Lý Khang (MTI)

Dầu vậy, sẽ là một sai lầm lớn nếu coi thường sức mạnh của Hải quân Trung Quốc vì chính sách phát triển của Bắc Kinh cũng phản ánh một trong những giá trị lớn nhất của nền văn minh Hoa Hạ (đồng thời, cũng là triết lý lạc hậu của xứ sở này): khả năng du nhập những phát minh, sáng chế của thế giới.

Hơn nửa triệu học sinh Trung Quốc du học trên khắp thế giới, vài trăm ngàn nhà khoa học sống tại nước ngoài, thu thập tất cả những môn khoa học có thể học hỏi được. Trung Quốc nghiên cứu, sao chép và tiếp tục phát triển những công cụ tối tân nhất của khoa học quân sự Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Nga… Năm 2006, Tel Aviv sững sờ khi nhận ra: ngay trước bờ biển Lebanon, một trong số những tàu chiến tối tân bậc nhất của Israel đã bị các chiến binh tổ chức khủng bố Hezbollah tấn công bởi 2 tên lửa hành trình (cruise missile) loại C-801 (được nhập từ Trung Quốc qua đường Iran, và là bản sao của loại tên lửa hành trình Exocet của Pháp, từng khiến Hải quân Anh bị bất ngờ trong cuộc chiến Falkland/Malvinas), và một tên lửa hành trình loại C-701 (điều khiển bằng quang điện tử). Trong cuộc đụng độ này, chiếc tàu chiến của Israel hầu như bị hủy diệt! Các chuyên gia cho rằng trong sự phát triển của kỹ thuật quân sự Trung Quốc, với việc kết hợp một cách khác thường những phương tiện quân sự của Phương Tây và bổ sung thêm những yếu tố mới, Bắc Kinh sẽ tạo nên những khả năng vô cùng đáng sợ.

Tên lửa hành trình C-801 của Trung Quốc - Nguồn: www.china-defense-mashup.com

Với tất cả những điều này, hiện tại, Hải quân Trung Quốc đa phần mới chỉ kiểm soát được dải gần bờ biển (cách bờ vài trăm cây số). Hoa Kỳ, cường quốc hải quân mạnh nhất toàn cầu, cùng một lúc có thể huy động đến bất cứ điểm nào trên thế giới một lực lượng hải quân khổng lồ (gồm các tàu thủy, tàu hệ thống có hệ thống chống tên lửa, tàu hậu cần…, tập trung quanh 6 hàng không mẫu hạm). Trong khi 14 quốc gia đã có hàng không mẫu hạm, biểu tượng của quyền lực trên biển, thì Trung Quốc vẫn chưa có tàu sân bay nào.

Một câu hỏi được đặt ra: đến bao giờ Trung Quốc mới gia nhập CLB các quốc gia tự thiết kế và xây dựng được hàng không mẫu hạm (hiện tại, gồm Mỹ, Liên bang Nga, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha), được coi là sự tổng hợp của những công nghệ đỉnh cao? Có thể giả thiết rằng trong thời gian rất gần, Bắc Kinh đang chuẩn bị công bố kế hoạch xây dựng chiếc tàu sân bay đầu tiên, mà các quan sát viên cho rằng sẽ được dùng, trước hết, để đảm bảo an ninh những tuyến đường vận chuyển năng lượng ở vùng biển Nam Trung Hoa.

Điều này cũng có thể suy ra từ tuyên bố của người đứng đầu binh chủng Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, trong tuyên bố nhân 60 năm thành lập ngành: vị tướng này cho biết Trung Quốc đang ráo riết hiện đại hóa và kiện toàn “tính chiến đấu” của Hải quân vì hầu hết các mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh quốc gia nước này là đến từ phía biển. Cụ thể, Bắc Kinh đặt mục tiêu có thêm những tên lửa tầm xa chính xác và hiệu quả hơn, những tàu ngầm, thủy lôi tối tân và khó phát hiện hơn. Dù vị Tư lệnh Hải quân không nói ra, nhưng giới bình luận quốc tế đồng tình với nhau ở một điểm: Trung Quốc rất cần một hàng không mẫu hạm, bởi trong một cuộc chiến giả định với Đài Loan, chắc chắn nước này sẽ phải đương đầu với lực lượng hải quân hùng hậu của Hoa Kỳ.

Ban lãnh đạo Trung Hoa nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sử dụng sự bành trướng quyền lực trên biển như một công cụ để tạo dựng sự ổn định, chứ không phải để gây hấn. Để chứng tỏ điều này, trong khuôn khổ chiến dịch hải quân quốc tế có quay mô lớn đầu tiên vào tháng 12-2008, Trung Quốc đã gửi một đội tàu nhỏ tới vịnh Aden để tham gia chiến đấu với hải tặc ngoài khơi Somalia (đầu tháng Tư năm nay, đội tàu thứ hai cũng đã được cử đi). Tuy nhiên, động thái nói trên đồng nghĩa với việc  Hải quân Trung Quốc luôn sẵn sàng, và đã có thể hoạt động ở những vùng biển xa Đại lục.

Thêm vào đó, cuộc biểu dương lực lượng mang tính phô diễn trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc cũng cho thấy: Bắc Kinh đang chuẩn bị một cách không giấu giếm cho sự bá quyền trên biển, ít nhất và trước tiên là trong khu vực. Đây cũng là điều phù hợp với quan niệm về an ninh của Trung Quốc: cho dù chưa bao giờ có được vị thế vững vàng và ít bị đe dọa về an ninh như hiện tại, nhưng Bắc Kinh vẫn coi những quốc gia có liên quan - đặc biệt là các nước láng giềng trong vùng Đông Nam Á - là "những yếu tố chính đe dọa an ninh Trung Quốc".

Xét từ góc độ ấy, trên cương vị một cường quốc mới trên biển, Trung Quốc sẽ là một yếu tố đáng kể và không thể bỏ qua cho an ninh thế giới và khu vực!

(*) Bài viết đã đăng trên chuyên san "Tuần Việt Nam" của mạng điện tử "VietNamNet". Bản trên NCTG là bản gốc.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, theo “Népszabadság”/[index]