Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHẢ NĂNG NGỪA UNG THƯ BẰNG VACCINE “THẾ HỆ MỚI”

(NCTG) Các vaccine mRNA lần đầu tiên được biết đến rộng rãi trong đại dịch Covid-19, nhưng đã được phát triển và thử nghiệm nhiều năm này, và một trong những ứng dụng chính sẽ là trong cuộc chiến chống ung thư.
Một phòng thí nghiệm phát triển vaccine điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ - Ảnh: BSIP
Tiêm vaccine phòng bệnh ung thư? Đây là y học hiện đại, nhưng nó thực sự là giấc mơ của tất cả mọi người. Trong tất cả các trường hợp tử vong, ở các xã hội phát triển, khối u ác tính đứng thứ hai, nhiều hơn chỉ có bệnh tim mạch. Tiêm vaccine để ngăn ngừa hoặc đánh bại ung thư nghe có vẻ mơ mộng, nhưng là sự thật, theo bài viết của tác giả Vajó Zoltán là một chuyên gia về dị ứng học và miễn dịch học lâm sàng.

Trên thực tế, hiện thời cũng đã có các loại vaccine như vậy. Được phát triển để chống lại virus gây u nhú ở người (HPV - human papilloma virus) và được sử dụng ở 120 quốc gia bao gồm cả Hungary, vaccine này đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng chống ung thư cổ tử cung. Bởi lẽ, loại virus được đề cập ở trên có liên quan đến sự hình thành của khối u này.

Tương tự, một số trường hợp ung thư gan nguyên phát có thể do virus viêm gan B gây ra, do đó vaccine được sử dụng để phòng ngừa loại virus này cũng ngăn ngừa được một số khối u gan. Như vậy, các loại vaccine này cũng bảo vệ chống lại một số loại ung thư một cách gián tiếp vì chúng bảo vệ cơ thể chống lại virus có liên quan đến sự phát triển của ung thư.

Vì vậy, mặc dù không được phát triển trực tiếp chống lại bệnh ung thư, nhưng một số loại vaccine cũng có khả năng bảo vệ chống lại ung thư. Ví dụ, việc tiêm vaccine chống lại virus HPV trong 7 năm đã làm giảm một nửa tỷ lệ hình thành trạng thái “tiền ung thư” và ung thư cổ tử cung ở Úc. HPV cũng liên quan đến việc hình thành các khối u ác tính của thanh quản, hầu họng và bộ phận sinh dục.

Thế còn với các loại khối u không do virus gây ra thì sao? Khả năng có thể biến đối tuyệt vời, hầu như không giới hạn vốn có trong vaccine mRNA rất có thể sẽ mang lại hồi âm cho câu hỏi này. Thậm chí, đây cũng là kế hoạch ban đầu cho vaccine mRNA, tức là nhằm khai thác tiềm năng của loại thuốc chích ngừa này trong cuộc chiến chống ung thư.

Hai công ty dược tiên phong về vaccine mRNA, Moderna ở Mỹ và BioNTech ở Đức, đã bắt đầu theo hướng này từ rất lâu trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhưng dịch bệnh đã can thiệp và làm thay đổi mọi thứ: Moderna, và kết hợp với Pfizer, BioNTech cũng tập trung phát triển vaccine kháng virus SARS-CoV-2 trong năm qua.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sự phát triển của các loại vaccine chống ung thư đã ngừng lại. Việc dùng vaccine để kích thích hoạt động của hệ thống miễn dịch chống lại các khối u ác tính, như vậy, không phải là một ý tưởng mới. Vaccine mRNA-4157 của Moderna đang được thử nghiệm lâm sàng và kết quả của một nghiên cứu với 142 bệnh nhân, khởi đầu cách đây 4 năm, dự kiến sẽ có vào tháng 6-2022.

Công ty này cũng đang nghiên cứu một loại vaccine ngừa ung thư khác - nhắm mục tiêu vào các đột biến gen KRAS và chủ yếu có vẻ hứa hẹn chống lại một số loại ung thư phổi, nhưng việc dùng nó chống lại ung thư tuyến tụy và ruột kết (ruột già) cũng đang được xem xét.

Vì mục đích này, Moderna đã ký một thỏa thuận với Merck, một nhà sản xuất dược phẩm khác, vì họ muốn cung cấp vaccine của riêng mình kết hợp với loại thuốc có triển vọng cao mang tên Keytruda trong điều trị ung thư. Trong nhiều năm, công ty BioNTech cũng đã nghiên cứu vaccine phòng ung thư dựa trên cơ sở công nghệ mRNA, phối hợp với nhiều cơ sở, trong đó có Đại học Johannes Gutenberg.

Ngoài Moderna và BioNTech là 2 công ty đã sản xuất thành công vaccine thế hệ mới” mRNA kháng Covid-19, một nhà sản xuất thứ ba - Curevac của Đức - cũng đã nghiên cứu vaccine mRNA chống ung thư trong nhiều năm. Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của họ, cũng là thử nghiệm vaccine chống ung thư phổi, đã hoàn thành. Bên cạnh đó, việc phát triển một vaccine chống lại căn bệnh ung thư da nguy hiểm nhất là u hắc tố cũng được đề cập.

Curevac cũng không nằm ngoài cuộc chiến chống Coronavirus, và vaccine của họ dựa trên cơ sở công nghệ mRNA dự kiến sẽ sớm được phê duyệt, thoạt tiên ở Liên Âu và Thụy Sĩ. Như vậy, các vaccine mRNA lần đầu tiên được biết đến rộng rãi trong đại dịch Covid-19, nhưng đã được phát triển và thử nghiệm nhiều năm này, và một trong những ứng dụng chính sẽ là trong cuộc chiến chống ung thư.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh