ISLAM CỰC ĐOAN KHIẾN “NGƯỜI HỒI GIÁO MẤT TẤT CẢ”
- Thứ hai - 02/02/2015 20:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Trách nhiệm đầu tiên của dân Hồi giáo và cả những người khác là chiến đấu chống lại độc tài và Islam cực đoan (...) Islam ở Pháp sẽ là Islam của nước Pháp hoặc chẳng là gì cả. Phải hiểu rằng nước Pháp thế tục sẽ không bao giờ chấp nhận lùi bước trước một vấn đề mà nó đã giải quyết từ cách đây hơn một thế kỷ, sau nhiều thế kỷ đụng độ và đau thương” - quan điểm của nhà văn Algeria Boualem Sansal.
Sự thụ động của người Hồi giáo ở thời điểm này là vô cùng nguy hiểm, cần chiến đấu chống lại độc tài và Islam cực đoan, theo nhà văn Boualem Sansal - Ảnh: Charles Platiau (Reuters)
Boualem Sansal được coi là đối thủ không mệt mỏi của Islam (Hồi giáo) cực đoan và chế độ Algeria. Ông đã được nhận nhiều giải văn chương, trong đó có Giải Tropique (năm 1999) cho “Lời thề của lũ dã man” (Le Serment des barbares), Giải thưởng Lớn RTL-Lire (năm 2008) cho “Ngôi làng của anh chàng người Đức” (Le Village de l'Allemand), Giải Tiểu thuyết Ả Rập (năm 2012) cho “Phố Darwin” (Rue Darwin) hay Giải thưởng Lớn của khối Pháp ngữ năm 2013. Hiện ông đang sống ở Algeria.
Cuộc phỏng vấn sau đây được tờ “L’ Express” thực hiện và đăng tải hôm 13-1, ít ngày sau vụ thảm sát tại trụ sở tờ tạp chí “Charlie Hebdo”. Bản Việt ngữ được Thuận chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp. Xin chân thành cám ơn! (NCTG)
Nhà văn Boualem Sansal - Ảnh: Körber-Stiftung
- Ông đã cảm thấy thế nào khi hay tin cuộc tấn công vào “Charlie Hebdo” và cửa hàng thực phẩm Do Thái ở cửa ô Vincennes?
Đầu tiên là không hiểu, rồi hãi hùng, lo lắng, kinh tởm, nổi giận, giận điên cuồng, cực muốn làm cái gì đó. Islam cực đoan đã gây cho chúng ta bao đau đớn, thế mà chúng ta vẫn ngồi một chỗ, than khóc cho những người bị giết, đợi thảm kịch nữa giáng xuống, chúng ta run sợ và chúng ta canh chừng để không ai xúc phạm bọn chúng.
Phẩm cách con người tự cho là tự do của chúng ta vừa chịu một tổn thất vô cùng nặng nề. Nhất định phải giành lại quyền tự do và khởi xướng lần nữa, đó là điều tôi tự nói với chính mình và nhắc đi nhắc lại từ nhiều năm nay. Phải từ chối không chịu bất lực, chúng ta đâu phải là những con cừu đang được dắt vào lò mổ.
- Ông có nói “Tôi là Charlie” giống như những người Pháp xuống đường biểu tình không? Theo ông, đó có phải là một từ để tập hợp không?
Trong những thời điểm như vậy phải có một biểu tượng để tập hợp, chúng ta cần đoàn kết, đó là một cách tự động viên để kháng cự, thậm chí là tấn công, một cách gửi lời nhắn đến Islam cực đoan. “Je suis Charlie”, tại sao lại không?
Kể ra thì cũng hơi giới hạn một chút, vì còn có bốn người Do Thái cũng như các nhân viên cảnh sát bị giết và cả nước Pháp đã bị thương tổn và làm nhục. Đáng lẽ phải nói “Nước Pháp muôn năm!” như Obama viết trong bức điện ủng hộ, nhưng câu “Je suis Charlie” đã làm một vòng quanh trái đất, phải giữ nó thôi.
- Algeria đã chứng kiến những năm tháng kinh hoàng của nội chiến. Những bạo lực đang xảy ra ở Pháp có phải là sự nối tiếp hay không?
Nạn dịch hạch mang tên Islam cực đoan đang lan tỏa khắp thế giới. Nó đến và cắm rễ ở những nơi yếu ớt và rạn nứt. Đúng thế, có thể nói rằng những bạo lực đang xảy ra ở Pháp có mối liên quan đâu đó với những bạo lực từng xảy ra và còn đang xảy ra ở Algeria.
Buộc phải công nhận là Islam cực đoan đã tạo được vị trí trong lòng cộng đồng Hồi giáo ở Pháp, một cộng đồng biệt lập và gần như bị quật ngã bởi nạn thất nghiệp và cuộc sống bấp bênh, đó là một mảnh đất màu mỡ.
Chính từ nơi này mà Islam cực đoan đã tỏa đi. Mối quan hệ giữa Pháp và Algeria thì chi chít và phức tạp. Vào thời FIA (Mặt trận Islam Cứu thế) và GIA (Nhóm Islam Vũ trang), những gì xảy ra ở Algeria đều có tác động trở lại ngay lập tức với Pháp và ngược lại.
Từ đó, Islam cực đoan cũng đã thay đổi một cách cơ bản, được quốc tế hóa, nổi tiếng khắp thế giới, đã chuyển trọng tâm và trung tâm chỉ huy sang Châu Á và Trung - Cận Đông nơi mà sự hỗn mang đang giúp nó dễ dàng phát triển. Những năm gần đây, nó ngắm đặc biệt vào châu Âu, đầu tiên là Pháp mà nó coi như một mắt xích yếu ớt của phương Tây.
- Ông có thuộc những người kêu gọi dân Hồi giáo ở Pháp hãy xuống đường để lên án khủng bố? Hay là cách làm này khiến ông ngần ngại bởi sự phân chia cộng đồng mà nó gây ra giữa các công dân Pháp?
Người Hồi giáo đã mất tất cả, đất nước thì bị cai trị bởi độc tài và Islam cực đoan, tôn giáo thì bị gặm nhấm từ bên trong bởi Islam cực đoan (được độc tài lấy làm tôn giáo quốc gia). Nói cách khác Islam cực đoan là tôn giáo của độc tài vì quốc gia chính là độc tài.
Không còn đất nước, không còn tôn giáo, một vấn đề nghiêm trọng đã đặt ra với người dân Algeria: bản thể và phẩm cách. Tôi không muốn nhấn mạnh, nhưng điều này tôi cũng đã nhắc đi nhắc lại từ nhiều năm nay, trách nhiệm đầu tiên của dân Hồi giáo và cả những người khác là chiến đấu chống lại độc tài và Islam cực đoan.
Ở thời điểm này, sự thụ động vô cùng nguy hiểm. Cần phải hành động để sống và phát triển. Xuống đường biểu tình chống khủng bố thì đúng là tốt và càng nhiều càng tốt, nhưng như thế chưa đủ, cần chống lại Islam cực đoan và ảnh hưởng của nó tới lớp trẻ, đó là cuộc chiến đấu mang tính công dân mỗi ngày, phải được tiến hành trong các gia đình, khu phố, nhà thờ Hồi giáo, trường học, hiệp hội, câu lạc bộ.
Cần giải phóng Hồi giáo khỏi những kẻ đang sử dụng nó như một công cụ và làm nhơ nhuốc nó, cũng như cần cố gắng để hòa nhập nó vào nền dân chủ và chính sách thế tục. Cuối cùng cần chấp nhận rằng trong một nền dân chủ, một đất nước như Pháp, phê bình Islam không phải là một sự tấn công chống lại Islam hay chống lại dân Hồi giáo, Islam không thể đơn độc đứng ngoài ngoài tầm phê phán.
Nếu Islam không chấp nhận bị phê phán thì nó sẽ không thể ở lại trong xã hội dân chủ. Phải tham gia vào cuộc chiến đấu này với tư cách một công dân Pháp chứ không phải một thành viên của cộng đồng Hồi giáo. Islam ở Pháp sẽ là Islam của nước Pháp hoặc chẳng là gì cả. Phải hiểu rằng nước Pháp thế tục sẽ không bao giờ chấp nhận lùi bước trước một vấn đề mà nó đã giải quyết từ cách đây hơn một thế kỷ, sau nhiều thế kỷ đụng độ và đau thương.
- Trong mắt ông, những người Islam cực đoan ở Pháp có giống những người Islam cực đoan ở Algeria không? Hay họ là sản phẩm đặc thù của một xã hội đặc biệt?
Rất khác nhau. Những người Islam cực đoan ở Algeria không thích những người Islam cực đoan sống ở Âu châu. Những người Islam cực đoan ở Pháp và những người Islam cực đoan của vùng Maghreb cơ bản là khác nhau cho dù những thầy cả Imam truyền dạy Islam ở Pháp phần lớn là người vùng Maghreb, theo nghi lễ chính giáo malékite.
Nhưng người Hồi giáo ở Pháp không tiếp thu được hay đã thôi tiếp thu những tinh tế của các nghi lễ khác nhau mà dựa trên một thứ Islam hỗn hợp, khá nghèo nàn (và không phải chỉ vì các thầy cả Imam thường là những lang băm), mang tính chính trị nhiều hơn tôn giáo và kém hiểu biết truyền thống và văn hóa Hồi giáo.
Nó thường chỉ là một cách để khẳng định của cộng đồng trước xã hội Pháp mà họ cho là kiêu ngạo, ích kỷ, đế quốc.
- Đâu là bài học được rút ra từ tuần này?
Chúng ta sẽ không có thời gian để rút ra bài học rằng những vụ khủng bố khác sắp nổ ra làm rung động nước Pháp. Phải dè chừng với lòng trắc ẩn và hiểu là cái gì có vẻ tự phát chưa hẳn đã là tự phát, những người rao giảng có thể tạo nên một bầu không khí có lợi cho sự trào dâng về mặt tình cảm, trong đó có sợ hãi và giải tỏa.
Phải làm việc theo chiều sâu và chiều dài và vượt qua các chính kiến. Khi xúc động qua rồi thì thất vọng có thể đau đớn và cuộc sống sẽ tiếp tục dòng chảy của nó. Nhiều bài học cần được rút ra từ các sự kiện vừa qua và cả từ trước đó rất lâu, ở chính trung tâm của xã hội Pháp, trong các trường phổ thông, các trường đại học, các nhà tù, các công sở, các quan hệ quốc tế, quan hệ giữa châu Âu/thế giới Ả Rập và dân Hồi giáo, v.v...
- Theo ông, những sự kiện này sẽ gây tiếng vang như thế nào ở vùng Maghreb?
Tôi phát hoảng lên khi thấy rất nhiều người Algeria dù từng chịu rất nhiều đau khổ bởi quân khủng bố giờ đây lại vỗ tay và gọi chúng là “anh hùng”, “cảm tử”, hai anh em Kouachi và Coulibaly đã đổi lấy mạng sống để trừng phạt Charlie - kẻ báng bổ, kẻ thù của Allah và Đấng tiên tri. Tôi phát hoảng khi thấy họ vui mừng trước cái chết của bốn người Do Thái đang yên lặng chọn mua đồ trong cửa hàng thực phẩm.
Ngoài ra tôi cũng e là có tranh đua. Những người theo Islam cực đoan ở Maghreb có muốn bị các đồng đẳng của họ ở Phương Tây qua mặt hay không? Với họ, đó là vấn đề thể diện, và cả vấn đề lợi nhuận lẫn quyền lãnh đạo học thuyết nữa, họ nghĩ rằng Islam đích thực duy nhất phải mà Islam ở những nước Hồi giáo, Islam duy nhất đúng với Islam khởi thủy.
Sự cạnh tranh giữa Islam cực đoan ở các nước Hồi giáo và Islam cực đoan ở Phương Tây là có thật. Nó cũng được ghi khắc trong cuộc đối đầu Bắc - Nam, miền Bắc giàu có và cai trị còn miền Nam nghèo khó và bị bóc lột. Trong tương lai, sự cạnh tranh này có thể gây nên những đổ vỡ kinh hoàng, như trong cuộc chiến tranh giành độc lập, khi FLN (Mặt trận Giải phống Dân tộc) và MNA (Phong trào Dân tộc Algeria) đối đầu nhau ở cả hai đất nước, để cùng tiến về Cách mạng.
Islam cực đoan ở Pháp những năm gần đây rất tích cực về mặt khủng bố và truyền thông, nó tiến rất nhanh, những người theo Islam cực đoan ở Algeria không muốn sẽ bị dưới quyền giám hộ của nó. Lòng trung thành của họ với Al-Qaida và Daesh đã ít được cảm nhận bởi các phiến quân Islam. Sự bất hòa giữa hai bên đang biến thành các vụ bạo động mà nạn nhân đầu tiên chính là dân chúng.
- Làm cách nào để hòa giải xã hội Pháp? Làm thế nào để hòa giải Phương Tây và thế giới Hồi giáo Ả Rập?
Không thể làm gì được nếu thế giới Hồi giáo Ả Rập không thực sự tham gia và tiến trình dân chủ hóa của chính họ, như là Tunisia có vẻ đang làm. Ấy vậy mà, chỉ nhìn vào mỗi phương diện an ninh và việc kiểm tra nhập cư bất hợp pháp, các nước Châu Âu đã chọn cách ủng hộ Islam cực đoan, rồi một khi bọn này bị thua trên mặt trận quân sự thì lại ủng hộ bọn độc tài. Cuối cùng, họ chơi với cả độc tài lẫn Islam cực đoan, và có cả khủng bố lẫn nhập cư bất hợp pháp.
Cái gì đang xảy ra hôm nay phần nào là kết quả của sự tính toán đó. Đáng lẽ họ nên giúp đỡ các nước Ả Rập Hồi giáo dân chủ hóa như họ đã làm với các nước Đông Âu khi bức tường Berlin sụp đổ. Bây giờ đã quá muộn, những nhà dân chủ Ả Rập Hồi giáo đã trốn khỏi đất nước của họ để đến tị nạn ở những quốc gia từng từ chối giúp đỡ mình.
Với các nước Phương Tây, họ mang trong lòng nỗi oán trách đúp: đã bỏ rơi họ và giờ thì coi họ như công dân Pháp hạng hai. Họ giống như những người Cuba ở vùng Florida, những công dân Mỹ căm ghét nước Mỹ vì đã không giải phóng được Cuba và giờ đây còn muốn thân thiện với chính phủ Castro. Lúc này cần phải suy nghĩ lại tất cả, mở ra một con đường hòa giải mới.
Người dân Algieria, nhất là các nhà dân chủ, không muốn một sự hòa giải như kiểu đã diễn ra giữa Pháp và FLN và các đồng minh theo Islam cực đoan. Đồng ý việc này có nghĩa là chấp nhận thua cuộc và chết. Bản thân chính quyền Algeria cũng không thật sự muốn. Một cuộc hòa giải có cái gì đó giống như tạo ra một cơ hội cho các nhà dân chủ và cả những cựu công dân Pháp ở Algeria được quay lại chính trường.
Tương tự như cuộc hòa giải Pháp - Đức, cuộc hòa giải Pháp - Algeria không thể xảy ra khi mà những kẻ gây chiến vẫn còn trên thế giới này và chủ nghĩa Islam cực đoan ở Algeria chưa bị thanh toán.