Hungary: ẦM Ĩ XUNG QUANH MỘT SỰ LỰA CHỌN
- Chủ nhật - 18/03/2007 01:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đường ống dẫn dầu của Gazprom tại Kaluga (cách Moscow 100 cây số) - Ảnh: Sergei Karpukhin (REUTERS)
Nabucco hay Hải lưu Xanh?
Mọi việc bắt đầu khi tờ báo Anh ngữ xuất bản tại Paris “International Herald Tribune”, số ra ngày thứ Ba vừa rồi, loan tin thủ tướng Hung lựa chọn việc xây dựng đường ống dẫn khí tại Hung theo chương trình Hải lưu Xanh (do tập đoàn dầu khí Gazprom, Nga, làm chủ sở hữu), thay vì Nabucco của Liên hiệp Châu Âu. Như đã biết, Hải lưu Xanh sẽ dẫn khí từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ, rồi xuyên qua Bulgaria và Romania đến Hung, còn Nabucco - xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ và Romania - đến Đông Âu từ vùng Cận Đông, Trung Á, biển Kaspi (Hắc Hải), bỏ qua nước Nga.
Thủ tướng Hung cho rằng kế hoạch Nabucco là một mơ ước được đưa ra từ bấy nay, “nhưng chúng tôi không cần giấc mơ, mà cần những công trình cụ thể”. “Và đằng sau Hải lưu Xanh là một ý chí mạnh mẽ và một lực lượng tổ chức đáng kể”, trong khi “với Nabucco thì phải tính đến những chậm trễ lớn và những vấn đề đi kèm theo” - ông Gyurcsány Ferenc khẳng định. (Việc Nabucco quá đắt đỏ, phức tạp và có lẽ không ai muốn bắt tay vào công việc cụ thể là điều công luận châu Âu từng nhắc đến xưa nay).
Hungary quan tâm đến việc xây dựng đường ống khí đốt theo cả hai chương trình Nabucco và Hải lưu Xanh, vì việc thực hiện hai kế hoạch này sẽ củng cố tình trạng cạnh tranh trên thị trường Châu Âu - đó là tuyên bố của ông Gál J. Zoltán, quốc vụ khanh Văn phòng Thủ tướng tại cuộc họp báo của phát ngôn viên Chính phủ. Khi được hỏi chính phủ Hung đã quyết định nước Hung ủng hộ và lựa chọn kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt của EU, hay của Gazprom (Nga), ông Gál J. Zoltán cho hay: chính phủ chưa quyết định, vì cũng chưa thể biết Nabucco và Hải lưu Xanh là hai chương trình cạnh tranh nhau, hay bổ khuyết lẫn nhau.
Hãng Thông tấn Mediafax đưa lời chủ tịch Quốc hội Hung, bà Szili Katalin, theo đó, bà cho rằng thông tin trên “International Herald Tribune” là sai lạc, cho dù bà không phải là người có thẩm quyền trong chuyện này. “Tuy nhiên, nếu quý vị tin hơn vào “International Herald Tribune” thì đừng đến hỏi tôi nữa!” - bà nói thêm.
Thực chất, vấn đề “Nabucco hay Hải lưu Xanh?” đã được đặt ra từ mùa xuân năm ngoái, trong chuyến công du chính thức của thủ tướng Nga Vladimir Putin tại Hungary. Cho đến khi đó, hãng dầu khí Mol của Hung chủ yếu tập trung vào kế hoạch Nabucco của Liên hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, lời “chào hàng” của ông Putin đã khiến Hungary - nước muốn trở thành “trạm trung chuyển dầu khí lớn của Châu Âu” theo lời thủ tướng nước này - có phần ngả về Hải lưu Xanh.
Đứng trên phương diện kinh tế, Hung sẽ có lợi nếu nhận được dầu khí từ nhiều nguồn, và điều này cũng phù hợp với dự định của Hung là từ nay đến năm 2010, sẽ xây dựng một cơ sở chứa dầu chiến lược để có thể phục vụ dầu khí cho các quốc gia khác. Ngay từ đầu tháng Hai năm ngoái, lãnh đạo Gazprom đã thông báo với bộ trưởng Kinh tế Hung, ông Kóka János, rằng họ sẵn sàng tham gia đấu thầu trong vụ này.
Phản ứng của dư luận quốc tế
Các chuyên gia chính trị học thân điện Kremlin khen ngợi quan điểm thực tế của chính phủ Hung và phê phán cái nhìn mang đậm tính ý thức hệ trong bất đồng năng lương Nga - EU của một số người theo phe chống đối.
Ông Sergei Markov, giám đốc Học viện Nghiên cứu Chính trị Moscow, trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng Thông tấn Hungary MTI, đã nhấn mạnh: trong số các thành viên của liên minh NATO và EU, có những chính phủ hợp tác với Nga về kinh tế trên quan điểm thực tế, và có những chính phủ đặt ra rào cản trong quá trình hợp tác với Liên bang Nga trên cở sở ý thức hệ. Ông Sergei, qua phát biểu của mình, tỏ ý phê phán nội các Ba Lan, Lettonia và Estonia, và khen ngợi cái nhìn “cởi mở” của chính phủ Hung, chủ trương “trăm hoa đua nở” trên địa hạt năng lượng.
Ông Alexander Rahr, nhà nghiên cứu của Hiệp hội Ngoại giao Đức, cũng cho rằng sự hợp tác Hung - Nga trên bình diện năng lượng là đúng, nhưng ông nhấn mạnh với quyết định này, Hung đưa Nga lên cương vị “liên minh tạm thời” về năng lượng trong EU. Sở dĩ “tạm thời”, vì không ai biết được các mối quan hệ này sẽ thay đổi ra sao trong vài năm tới, trên địa hạt dầu khí vốn rất phụ thuốc vào chính trị. Lấy ví dụ mối quan hệ Nga - Đức vốn rất mật thiết thời thủ tướng Gerhard Schröder, nhưng tương đối lỏng lẻo thời bà Angela Merkel hiện tại, ông Rahr nhận định: ngoài Hungary, Đức, Bulgaria và Hy Lạp cũng có cái nhìn thực tế trong vấn đề năng lượng và như thế, sẽ hình thành một liên minh năng lượng khá bền chặt.
Ông Alexander Rahr phê phán việc các nước Baltic và Ba Lan tẩy chay dầu khí Nga, cho đó là “một chính sách sai lầm, khởi điểm của Chiến tranh lạnh”: “Sự kiềm chế nước Nga là không thực tế và là một trò chơi nguy hiểm. Trong chính sách năng lượng, phải có cái nhìn thực tiễn vì đường ống dẫn dầu do các công ty, chứ không phải do các chính khách xây dựng”. Theo ông Rahr, các hãng Hung sẽ “thắng lớn”, Hung sẽ trở thành quốc gia trung chuyển lớn trong xuất khẩu dầu khí của Nga và đây là điều có lợi cho EU. Bởi lẽ, “nước Hung không phản bội lợi ích của Phương Tây nếu bắt tay với Gazprom trong chương trình Hải lưu Xanh”.
Trong khi có một số ý kiến tỏ ra “bênh vực” trong trong quyết định này, thì nhiều tờ báo lại cho rằng Hungarty đã phản bội các lợi ích của Liên hiệp Châu Âu khi “cấu kết” với Nga về năng lượng.
Tờ nhật báo “Handelsblatt” cho rằng động thái của Hung là “một đòn cay đắng” đối với EU trên phương diện chính sách năng lượng. Bởi lẽ, chương trình Nabucco là một đề xuất rất quan trọng để Châu Âu đỡ phụ thuộc vào Nga trong vấn đề năng lượng, nhưng nếu ý muốn của thủ tướng Gyurcsány trở thành hiện thực thì Moscow có thể vươn xa trên thị trường Châu Âu thông qua trạm trung chuyển mới là Hungary.
Báo chí Romania, khi đưa tin về tuyên bố của thủ tướng Hung với tờ “International Herald Tribune”, đã bình luận rằng cả Romania lẫn EU đều sẽ không chấm dứt được sự phụ thuộc dầu khí vào Nga, vì quyết định của Hung. Nhật báo “Gandul” khẳng định: chỉ bằng một chữ ký (với Nga), Hung đã xóa tan những hy vọng của EU, khiến Liên bang Nga có cơ hội tiếp tục làm bá chủ Châu Âu về năng lượng. Theo “Gandul”, sự lựa chọn về mặt địa chính trị của Hung “đồng nhất với cảm tình đặt vào chủ nghĩa cộng sản của Thủ tướng Gyurcsány Ferenc”.
Nhật báo “Romania libera” thì nhắc đến chuyện ông Gyurcsány Ferenc là “bạn tốt” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và từ năm 1990 trở đi, các nhà tài phiệt Nga đã có mặt tại thị trường năng lượng Hung - thậm chí, có một số bằng chứng cho thấy mafia Nga đang kiểm tra một số ngành công nghiệp quan trọng của Hungary. Còn nhật báo “Cotidianul” thì cho rằng Hung “bắt cá hai tay” vì tham gia cả hai chương trình Nabucco và Hải lưu Xanh, khiến dự tính Romania độc lập với dầu khí Nga bị phá sản: Budapest “giáng một đòn chí tử” vào chương trình Nabucco của EU.
Cuối cùng, nhật báo “Der Standard” của Áo đưa ra một nhận định “chừng mực” hơn: EU phải chịu một đòn nữa để có được chính sách năng lượng thống nhất.