Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY CHUẨN BỊ BIẾN THÀNH MỘT PHÁO ĐÀI

(NCTG) Đó là điều sẽ xảy ra nếu chính quyền nước nay cho xây hệ thống hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Romania, kéo dài 450 km.
Người tỵ nạn bị ách lại ở biên gới Macedonia, hiểm họa một khủng hoảng nhân đạo mới đang đe dọa - Ảnh: Michael Kappeler (AFP)
Theo thông tin của mạng cảnh sát Police.hu, riêng trong ngày thứ Sáu 4-3, chính quyền Hungary đã bắt giữ được 248 người tỵ nạn. Đây là con số kỷ lục kể từ khi nước Hung khóa biên giới vào trung tuần tháng 9-2015, và trong thực tế hầu như không tiếp nhận bất cứ người tỵ nạn nào.

Thống kê của Police.hu cho thấy, trong năm nay, kỷ lục trước đây là vào ngày 21-1, khi có 237 người tỵ nạn bị phát hiện và bắt giữ.

Trong họp báo chung ngày thứ Bảy, ông Bakondi György, cố vấn chính về an ninh nội địa của Thủ tướng, ông Kontrát Károly, Quốc vụ khanh trực thuộc Quốc hội của Bộ Nội vụ, và ông Vargha Tamás, Quốc vụ khanh trực thuộc Quốc hội của Bộ Quốc phòng tuyên bố: do lượng người tỵ nạn tăng nên Hung chuẩn bị củng cố hàng rào ngăn biên giới Hungary - Serbia và Hungary - Croatia.

Ngoài ra, đề phòng việc người tỵ nạn sẽ theo những lộ trình khác, phía Hung cũng chuẩn bị làm hàng rào ở biên giới Hungary - Romania. Được biết, một số công việc chuẩn bị đã được tiến hành ở hiện trường, và quân đội cũng đã sẵn sàng cho nhiệm vụ mới này.
 
Ngã ba biên giới Serbia - Hungary - Romania - Ảnh: Dudás Szabolcs (origo.hu)
Ngã ba biên giới Serbia - Hungary - Romania - Ảnh: Dudás Szabolcs (origo.hu)

Nếu chính phủ Hung quyết định về việc dựng hàng rào ở biên giới Hungary - Romania để “bảo vệ an ninh quốc gia” cho nước này, hàng rào thoạt tiên sẽ được thiết lập ở ngã ba biên giới Hungary - Serbia - Romania, và sẽ kéo dài khoảng 450 km ở các đoạn biên giới cần thiết khác.

Trả lời phỏng vấn Kênh Truyền hình Quốc gia M1, ông Bakondi György cho hay, theo các thông tin mật vụ, “tại một số khu vực đã xuất hiện các nhóm  vô chính phủ” trong đoàn người tỵ nạn, và họ “mang những dụng cụ thích hợp để cắt hàng rào biên giới cho người tỵ nạn”.

Trong một diễn biến có liên quan, cuộc khẩu chiến giữa Hy Lạp và Hungary tiếp tục nổ ra. Trong bài trả lời phỏng vấn tờ báo Đức “Bild” hôm thứ Bảy, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho rằng nước này không sợ khả năng bị loại khỏi không gian phi thị thực Schengen.

Theo ông, rốt cục bị cô lập chính là những nước đang dựng hàng rào dây thép gai và dùng bạo lực để xua đuổi người tỵ nạn, tự biến mình thành một pháo đài. Người đứng đầu nội các Hy Lạp cũng nói thêm, nếu Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có cách ứng xử tương tự như Orbán Viktor, thì Châu Âu đã bị chia cắt từ lâu, và liên minh này cũng đã phá sản từ lâu.

Nói thêm, đã có 14 ngàn người tỵ nạn bị ách lại ở biên giới Hy Lạp - Macedonia và phải chờ đợi trong mưa giữa biển bùn khi cách đây hai tuần, Macedonia quyết định khóa biên giới và mỗi ngày chỉ cho nhập cảnh vài trăm người Syria hay Iraq. Do đó, chặng đầu của lộ trình đi qua vùng Balkans của người tỵ nạn đã bị chặn lại.
 
Biên giới Hy Lạp - Macedonia - Ảnh: Robert Atanasovski (AFP)
Biên giới Hy Lạp - Macedonia - Ảnh: Robert Atanasovski (AFP)

Nhận định về quyết định này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố, đó là điều đi ngược lại luật quốc tế và lòng trắc ẩn của con người, vì bất cứ người xin tỵ nạn nào cũng có quyền được xét đơn một cách cá nhân, theo Công ước 1951 về vị thế của người tỵ nạn.

Để trả lời cáo buộc của Athens, Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter nói rằng trong khi Hungary bảo vệ biên giới của mình và đồng thời là biên giới ngoài của khu vực Schengen đúng với những quy định của Schengen, thì Hy Lạp “lờ tịt những quy định chung và để cho đám đông người di cư bất hợp pháp và nhân thân không xác định tràn vào EU”.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp, theo index.hu và origo.hu