Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH CÁC NGUYÊN THỦ QUỐC GIA TRUNG ÂU

Trong hai ngày 19-20 tháng 6 qua, đại diện 14 quốc gia vùng Trung Âu đã hiện diện tại Novi Sad (Serbia) trong khuôn khổ một hội nghị thượng đỉnh mang tên “Những nỗ lực chung nhằm giải quyết các thử thách về kinh tế, năng lượng và của quá trình hội nhập Châu Âu”.

Bản đồ vùng Đông Trung Âu

Tham dự hội nghị, có lãnh đạo các nước Áo, Bulgaria, Croatia, Moldova, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Hungary, Ý, Macedonia, Montenegro, Slovakia, Slovenia, Ukrainne và Bosnia-Hercegovia. Ông Boris Tadic, tổng thống nước chủ nhà Serbia đã có mặt và khai mạc hội nghị thượng đỉnh này.

* Hội nghị quốc tế quan trọng nhất tại khu vực

Được tổ chức lần này là lần thứ 16, Hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia Trung Âu đã diễn ra với những biện pháp an ninh nghiêm ngặt chưa từng có tại Novi Sad, thủ phủ của tỉnh tự trị Vojvodina (Serbia).

Phát biểu trong lễ khai mạc, người đứng đầu tỉnh Vojvodina tuyên bố, đây là sự kiện quốc tế quan trọng nhất trong khu vực. Theo lời ông, dây là dịp để Serbia nói chung và Vojvodia nói riêng có thể giới thiệu những khả năng kinh tế và du lịch: “Trên cương vị Ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh, chúng tôi muốn chứng tỏ rằng Vojvodina và Serbia sẵn sàng gia nhập Liên hiệp Châu Âu và trở thành một phần của đại gia đình các dân tộc Châu Âu”.

* Vấn đề hội nhập của vùng Balkans

Việc hội nhập của các nước vùng Balkans – trong đó có các nước thuộc Liên bang Nam Tư cũ - cũng là một trong những chủ đề chính của Hội nghị. Tổng thống Serbia Boris Tadic, trong phát biểu khai mạc tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, nhấn mạnh rằng việc giúp vùng Balkans gia nhập EU là lợi ích chung của Châu Âu, và rằng việc xóa bỏ thị thực nhập cảnh vào Châu Âu cho cư dân trong khu vực sẽ là một bằng chứng rõ ràng, rằng họ được chào đón tại Lục địa già.

Đề xuất của tổng thống Serbia về việc xóa bỏ visa, theo các nguồn tin, đã được sự ủng hộ của các nguyên thủ quốc gia Trung Âu hiện diện tại Hội nghị, trong đó, có có ông Lech Kaczynski, tổng thống nước chủ nhà Ba Lan của kỳ hội nghị thượng đỉnh lần sau, và ông Václav Klaus, tổng thống Cộng hòa Czech, hiện giữ cương vị chủ tịch luân phiên của EU.

Ông Boris Tadic cũng cho rằng một số tranh chấp biên giới giữa các quốc gia (như giữa Croatia và Slovenia) phải được coi là vấn đề song phương, chú không phải cản trở trên con đường để vùng Balkans hội nhập với EU. Bởi lẽ, theo tổng thống Serbia, Balkans là một phần không thể tách rời của Liên hiệp Châu Âu và việc mở rộng EU về hướng Balkans sẽ tạo dựng một Châu Âu tự nhiên và thống nhất.

* Phụ thuộc năng lượng, vấn đề cốt tử

Đề cập tới các vấn đề kinh tế và năng lượng của khu vực Trung Âu trong thời khủng hoảng, Hội nghị chủ yếu tập trung đến vấn đề an toàn năng lượng, được coi là mấu chốt trong đời sống kinh tế của khu vực.

Các vị nguyên thủ tham dự Hội nghị đều thống nhất ở một điểm: các quốc gia trong vùng - đặc biệt là khu vực Balkans – có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính cầu nối,  trong việc đảm bảo năng lượng và an ninh cho phần còn lại của Châu Âu.

Bosnia, Bulgaria và Serbia đã từng khốn khó trong cuộc khủng hoảng năng lượng giữa Liên bang Nga và Ukraine - điều đó cho thấy tình trạng an ninh, hòa bình và đảm bảo về năng lượng trong vùng Balkans cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn Châu Âu và những nan đề trong vấn đề này sẽ không thể giải quyết được nếu tách rời Balkans khỏi cộng đồng Châu Âu.

Như diễn đạt của tổng thống Serbia Boris Tadic, EU không thể ngăn cản sự hội nhập của khu vực Tây – Balkans, vì như thế chẳng khác gì tự gây ra thiệt hại cho chính mình, trên phương diện an toàn năng lượng và ổn định kinh tế, xã hội.

* Đồng thuận Đông – Tây trong nỗ lực chế ngự khủng hoảng

Và trên góc độ này, việc Serbia cùng các quốc gia khác tại Trung Âu như Bosnia, Hungary, Latvia, Romania và Ukraine được nhận sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho các gói kích cầu, được coi là một dấu hiệu tốt lành của sự đồng thuận Đông – Tây trong nỗ lực nhằm chế ngự khủng hoảng.

Ngoài ra, đề tài giám sát và sử dụng sao cho hiệu quả nhất những hỗ trợ tài chính tại các quốc gia thuộc khối XHCN (cũ) cũng được đưa ra bàn bạc và lưu tâm, bởi Ngân hàng tái thiết và Phát triển Châu Âu cùng các tham dự viên.

Kết thúc Hội nghị, tổng thống nước chủ nhà Serbia đã đánh giá Đây là hội nghị quốc tế quan trọng nhất mà Serbia được chủ trì, kể từ hội nghị các nước không liên kết năm 1999, đồng thời cũng là kỳ Hội nghị thượng đỉnh đem lại kết quả khả quan nhất với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia Trung Âu.

Tuy nhiên, việc biến những ý tưởng và cam kết của Hội nghị thành hiện thực trong bối cảnh Đông Trung Âu đang chịu những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chắc chắn vẫn còn là một thử thách lớn cho các quốc gia tham dự kỳ Hội nghị này.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest