“HỘI CHỨNG PARIS” TẠI KINH THÀNH ÁNH SÁNG
- Thứ sáu - 18/11/2011 23:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Có một chứng bệnh mang tên “Hội chứng Paris”, xảy ra chủ yếu với du khách Nhật sau khi đã có những ấn tượng đầu tiên về Paris, và nhiều khác biệt văn hóa khiến họ quá bất ngờ, gây sốc và thất vọng sâu sắc.
Một cảnh trong bộ phim Nhật “Hanezu no Tsuki” của Naomi Kawase
Vốn có sức hấp dẫn đặc biệt với người Nhật, mỗi năm, nước Pháp đón khoảng 1 triệu du khách đến từ đất nước mặt trời mọc. Một con số thống kê cho thấy, hàng năm có tới vài trăm người Nhật trở thành nạn nhân của “hội chứng Paris”, một phần tư số này phải vào viện điều trị, hoặc phải hồi hương để chữa trị.
Riêng mùa hè vừa rồi, cũng có không dưới 20 người nhiễm “hội chứng Paris” và ít nhất 6 trường hợp đã phải chuyển khẩn cấp về Nhật để chạy chữa. Căn bệnh lạ này thường xảy ra với những người Nhật lần đầu tiên trong đời đặt chân tới Paris, bất kể là du khách, hay học sinh, thương gia hoặc các nhà ngoại giao. Họ có những triệu chứng cả về mặt cơ thể lẫn trạng thái tâm lý như bị ảo giác, thấy nóng ngốt, chóng mặt, vã mồ hôi hoặc có những cảm giác hoang tưởng, điên rồ, lo lắng, bất ổn...
Nguyên nhân của căn bệnh nằm ở sự chênh lệch quá lớn giữa những trải nghiệm thực tế và hình ảnh quá hoàn hảo mà của các du khách luôn hình dung về Kinh đô Ánh sáng, thành phố luôn được họ coi là đẹp nhất thế giới. Từ 10 năm nay, những bệnh nhân như thế đã được điều trị và mỗi năm, có chừng 5 người phải gửi về nước vì “không thể trả lại được cho người bệnh tình cảm mà họ đã có với nước Pháp, cũng như thiện cảm mà một người Pháp nhận được ở Nhật”.
Với những du khách - người bệnh này, tất cả những gì họ hình dung về Paris hoàn toàn đều do quảng cáo hoặc phim ảnh. Với họ, Paris giống như hình ảnh quảng cáo của Chanel n°5, là thành phố của những đôi tình nhân trong phim Amélie Poulain, những cảnh sắc tuyệt đẹp trong các bức ảnh đen trắng của Doisneau, là các quán cà phê, tháp Eiffel và các cửa hàng Louis Vuitton.
Không ít bệnh nhân mộng tưởng về hình ảnh Paris đầu thế kỷ 20, về thế giới của Manet và Renoir, về những phụ nữ Pháp ăn vận “sành điệu” hay thấy trên mặt báo thời trang, và coi nước Pháp như “thánh địa” của sự sang trọng, của ẩm thực và văn học. Những yếu tố ấy không phải không còn tồn tại ở Pháp ngày nay, nhưng sự vận hành của cuộc sống tại nơi đây thì đã hoàn toàn khác.
Tuy nhiên, du khách Nhật tới Pháp được chứng kiến những hình ảnh khác xa với những gì họ hình dung trong tâm tưởng: các tệ nạn xã hội, sự bẩn thỉu, nạn móc túi, sự bất bình đẳng, thái độ lạnh nhạt thờ ơ của người Paris đối với khách du lịch. Họ cũng không thể tưởng tượng được rằng Paris lại tràn lan các cửa hàng Mc Donald, KFC và Subway như tất cả các thành phố khác.
Ông Yoshikatsu Aoyagi, Bí thư thứ nhất Lãnh sự quán Nhật Bản tại Paris đã có lần trả lời phỏng vấn báo “Le Figaro”: “Trên truyền hình, tất cả đều nhẵn nhụi, hài hòa, với hình ảnh đều tăm tắp của các khu nhà cao tầng cổ. Và thường người ta không mấy khi nhớ đến việc phải quay cả các cảnh ở vỉa hè...”.
Nhà văn Philippe Adam - tác giả cuốn “Hội chứng Paris” (Le syndrome de Paris, xuất bản năm 2005) - đã có nửa năm sinh sống ở Nhật, tại đó ông nhận ra rằng các thiếu nữ trẻ đều nghĩ rằng ở Paris mọi thứ đều hoàn hảo, đẹp đẽ, còn đàn ông Pháp thì lịch lãm và dịu dàng. Ông cho hay: “Các cô gái trẻ thường là những nạn nhân đầu tiên. Họ khoảng 20-25 tuổi, học về nghệ thuật nhiều hơn là về khoa học và mang trong đầu một hình ảnh Paris đầy các nhà duy mỹ và các chàng trai tế nhị”.
Tại một bệnh viện ở Paris, có khoa riêng điều trị các bệnh nhân Nhật bị “hội chứng Paris”. Bệnh nhân ở đây có ác cảm với thủ đô nước Pháp, họ cảm thấy bị xua đuổi và phân biệt đối xử, nhiều người sống khép kín và sợ mỗi khi phải ra khỏi nhà vì cảm thấy không an toàn giữa những người Pháp. Nhưng họ cũng không muốn về nước vì đó sẽ là sự thừa nhận cho thất bại trong hội nhập của họ.
Theo một bài báo của BBC News năm 2006, một trong những nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này là thái độ bất lịch sự, thô lỗ và lạnh lẽo của cư dân Pháp khiến người Nhật, vốn nổi tiếng bởi sự tinh tế, không thể nào quen được. Một bác sĩ tâm lý ở bệnh viện Saint-Anne cũng cho rằng nguyên nhân nằm ở sự va chạm về văn hóa:
“Những người Nhật mắc hội chứng này rất khó khăn để thích nghi với các tập tục, phong quán của người Pháp, đến mức họ cảm thấy mọi người không hiểu mình, mình trở nên nực cười trong con mắt người khác và không được yêu mến. Chủ nghĩa cá nhân, sự thiếu kiên nhẫn và ngay cả sự hài hước của người Pháp cũng hoàn toàn đối lập với ý thức tập thể, tính nhút nhát, thái độ lịch sự và sự nghiêm túc của người Nhật”.
Kinmune, 31 tuổi, người Pháp gốc Nhật cho biết: “Tôi sinh ra ở Pháp nên hoàn toàn thoải mái với văn hóa Pháp, nhưng khi tôi đón họ hàng từ Tokyo sang Pháp chơi thì bao giờ cũng gặp đúng vấn đề đó: họ nói họ cảm thấy ngại ngần với thái độ bất lịch sự của người Pháp. Thật ra, những gì mà họ cho là sự thô lỗ của người Pháp chẳng qua chỉ là văn hóa khác nhau.
Ở Pháp, nếu bạn bất đồng quan điểm, bạn sẽ nói thẳng và thậm chí có thể tranh luận một cách gay gắt, nhưng văn hóa Nhật thì không cho phép như vậy. Ở Nhật, người ta tránh mọi đụng chạm khi làm quen thì ở Pháp, mọi người lại hồ hởi giơ tay ra bắt thật chặt...”.
Một sinh viên theo học ngành Văn chương ở Paris đã 5 năm tâm sự về những ngày đầu khó khăn của mình: “Nếu bạn không nói được tiếng Pháp, mọi người coi như bạn không tồn tại. Chúng tôi tới đây với một hình ảnh Paris lý tưởng trong đầu và rơi thẳng vào một cái hố đen, dưới con mắt lạnh giá của người Paris”.
Một số khách sạn cao cấp của Paris cũng để ý tới vấn đề này. Họ huấn luyện nhân viên phải cúi chào và mỉm cười với khách Nhật, nhưng không được để nụ cười kéo dài quá lâu trên môi có thể khiến các vị khách bối rối. Trong phòng của khách Nhật, họ để sẵn bộ ấm chén và trà xanh. Thậm chí, họ còn chuẩn bị sẵn những bộ quần áo ngủ bằng vải bông của Nhật.
Paris hào hoa và diễm lệ, phải chăng chỉ là những thước phim?
Paris lung linh và huyền ảo, phải chăng thực sự chỉ là ảo giác?