Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HÀ NỘI - NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT

(NCTG) “Dạo này em trốn đi đâu biệt tích không viết lách gì cả, gọi ời ời chát chít cũng không thấy. Trên Thăng Long thì dài ngoằng đố ai biên tập được (giời ơi, đấy là bài em viết kể chuyện cho các cháu em đấy chứ!) Viết ngay, viết ngay, mục “Thư Hà Nội” nhé, đừng kể chuyện nhà quê vội nhé. Gắng thu xếp viết cho báo anh 1 trang thôi”.

“Hà Nội đang Tết lắm - nghĩa là, những buổi sớm mưa xuân lất phất bay, chen trong dòng người là bóng những chiếc xe đèo quất, đèo đào đi bán...”

OK, 1 trang, hôm nay em đang relax đây, 2 giờ nữa gọi em đi, nếu lúc ấy có thì có rồi đấy. Không thì...

Hà Nội có gì bức xúc nhất, giao thông thì em viết rồi nhỉ nhưng anh bảo bức xúc nhất thì dứt khoát vẫn phải là giao thông. Càng gần Tết người ta đi lại càng nhiều, giờ nào cũng cao điểm. Càng vội làm ăn người ta càng đi ẩu, hãi lắm.

Sáng mở mắt ra đi làm đã thấy người cả là người ùn lại. Đường em đi làm khá là suôn sẻ, nhưng đoạn qua ngã tư Daiwoo trước 7 rưỡi không sao chứ muộn hơn thì người và xe cứ gọi là dồn đống chất ụ được. Đến cơ quan làm việc thoát được cảnh ùn tắc, nhẹ nhõm được non ngày. Song ngả về mà đúng giờ tan tầm thì cứ gọi là ngay từ Cửa Nam người ta đã phi lên vỉa hè Điện Biên Phủ đi ầm ầm.

Thế còn là hạnh phúc chán, chẳng may phải qua ngả đường Trường Chinh và Chùa Bộc thì cứ gọi là vài nút chai thít chặt đấu nối với nhau. Ngã tư Sở đang làm cầu vượt, nhà cửa giải tỏa dở dang, cầu cống xây dựng dở dang, bụi mù tăm tít, lại thêm xe buýt quay ngang quay dọc chềnh ềnh ngăn cả vài km đường. Ối người trót chui vào ngả này tắc cứng ở giữa đi cũng dở ở cũng chẳng xong. Không ngày nào đứng trước mỗi đèn đỏ mà không ít nhất một lần em nghĩ, nếu mỗi xe máy kia biến thành một cái xe hơi thì đoạn người kia sẽ dài đến đâu!

Nhưng mà, bức xúc mà làm gì anh nhỉ, dạo này đang Tết, để em kể chuyện Hà Nội chia tay Ất Dậu thế nào nhé, kể dần dần!

Năm nay thời tiết thất thường lắm, ai ở Hà Nội cũng đều cảm nhận sự đỏng đảnh của thời tiết. Có dạo chính đông mà trời cao, mây nhẹ, nắng ấm, lại không hề ẩm thấp, cứ tưởng mình đang ở trời Âu. Có dạo mưa sụt sùi lất phất lại tưởng trời đã lập xuân. Có dạo rét cắt da cắt thịt, trẻ con người lớn căng người ra nghe dự báo thời tiết mà mong trời ấm lên từng độ. Lúc đó thì mong tiết trời ấm áp, phất phơ nắng như hôm qua, hôm nay biết bao.

Những hôm trời đẹp, người ta hay bảo nhau giá như Tết trời đẹp thế này nhỉ. Đó là dạo gần Noel, khi rủ nhau ra bãi giữa sông Hồng, là dạo cuối năm khi bon bon chạy về Phủ Lý , là mới hôm nào dẫn bạn đi Văn Miếu, chùa Kim Liên, là những hôm lang thang Tây Hồ, lang thang phố cũ...

Hãy thử ra sông Hồng đi, không phải chỉ vì đây là con sông duy nhất của Hà Nội còn mang làn nước trong veo, mà đến sông Hồng trải lòng trước gió, sẽ thấy đầu óc thảnh thơi thư thái vô cùng.

Sông Hồng những ngày cuối năm lạ lắm. Đoạn từ Nghi Tàm ra, thuyền bè đậu san sát mép nước. Mỗi một con thuyền là cả một gia đình sinh sống trên đó, rất có thể bạn sẽ có những bức ảnh một vài chú khuyển lấp ló trên thuyền sủa ầm ĩ mà đuôi ngoe nguẩy. Chắc ít khi chúng nhìn thấy khách lạ. Người ta ở trên thuyền để trông coi những ăm ắp đồ gốm từ Bát Tràng ngược lên. Những bình, những lọ cập tại đây không phải là đồ tinh như trên các galery mà chủ yếu là hàng dân giã rẻ tiền, nhất là những chậu để trồng hoa, cây cảnh.

Nhìn những núi hàng đó mới biết người ta trồng và tiêu thụ biết bao cây cảnh ở đất này. Đi trên lối nhỏ, một bên là đồng ngô xơ xác sau khi thu hoạch, một bên là vô vàn những chậu những lọ, dòng sông lững lờ trong xanh, lác đác vài chiếc thuyền xuôi, nào ai ngờ chỉ sau một con đê kia thôi đã là chốn thị thành nhà cao nhà thấp chen nhau mọc như nấm. Nếu để ý, bạn sẽ thấy một vài người đang lấy keo dán hàn lại những chiếc bình to bị vỡ. Vết nứt sẽ được quét lên một lớp sơn đặc biệt và lên đến chợ Bưởi, đố bạn nhận ra bình nào là bình nào nữa.

Bãi giữa sông toàn ngô là ngô. Ngô đây mới sắp vào kỳ thu hoạch, lá còn xanh rì, cờ mập mạp phơi phơi, bắp đang lên hạt. Ra đó mênh mông là ngô, mênh mông là gió, tĩnh lặng và trong lành, bạn sẽ tự hỏi rằng mình đang lạc vào chốn quê nao. Nhìn phía dốc đê vào nội kia xem, có vài cỗ xe ngựa đang chở cát. Chộp lấy bức ảnh xe ngựa lăn trên đường đất phù sa lồ lộ, nào ai bảo bạn đang sát chốn đô thành.

Gần Nghi Tàm thôi, hãy rẽ vào chùa Kim Liên thăm ngôi chùa cổ kính bậc nhất Hà thành. Bạn sẽ say mê kiến trúc của ngôi chùa từ vòm cổng cổ kính tới những lớp chùa chỉn chu truyền thống. Trước khi vào chùa bạn có thể sẽ ngỡ ngàng vì nơi đó tập trung rất nhiều hàng hoa. Những chị hàng hoa có lẽ cùng đến từ một làng nên quen nhau lắm. Nếu bạn muốn chụp ảnh các chị sẽ rất vui vẻ vừa làm duyên cho hoa, vừa làm duyên cho mình để cho bạn những bức ảnh Hà Nội thật đẹp đấy. Các chị có thể sẽ khoe rằng đã được chụp ảnh bởi rất nhiều nhiếp ảnh gia và dè dặt đề nghị được tặng ảnh khi có dịp.

Hoa cúc xanh, vâng, hoa cúc xanh thật nổi bật trên những giỏ hoa trăm màu sắc. Không phải là những bông hoa nhuộm mà là những bông cúc xanh thứ thiệt, nhỏ nhắn biêng biếc xanh, như hư như thực. Bạn có thể cũng sẽ mê mệt mà mua thật nhiều cúc xanh tặng mình và bè bạn. Các chị bán hoa có thể sẽ nói rằng, mùa đông này cúc lại mới đẹp. Ở Hà Nội mùa này biết bao điều lạ. Phải chăng vì xuân sắp về?

Xuân sắp về mà hồ Văn vẫn nhiều hoa súng, bạn có thấy lạ không. Nếu thăm Văn Miếu vào dịp cuối tuần bạn sẽ thấy Hà Nội thật nhiều khách du lịch. Bạn sẽ tự hào vì những tấm bia đá biết giới thiệu cho du khách trăm miền về truyền thống hiếu học của người Việt. Nhìn những chú rối gỗ vô tư biểu đạt hàng trăm nhân vật có thể bạn cũng giật mình vì lâu rồi chưa ghé vào nhà hát múa rối nước. Cũng có thể bạn ngẩn ngơ trước những tiếng đàn bầu, tiếng hát liền anh liền chị tưởng như đã từng xa xưa lắm.

Ra Giêng là hội làng, hội đền, hội chùa. Bởi vậy nên nơi nào đền nào cũng gần như tu sửa chỉnh chang sắp xong, trông rất mới mẻ. Thoáng qua những đền những chùa là bạn sẽ cảm thấy xuân tới đến nơi rồi. Còn tới đền, chùa ven Tây hồ thì xuân đã hiển hiện trên những cây quất đỏ căng, cây đào trắng nụ trong vườn chùa hoặc những vườn cạnh chùa. Hỏi sao không thấy sắc xuân cho được.

Xuân còn nô nức chen vào phố. Dòng người vốn tấp nập ngày càng tấp nập kia là những ô tô xe máy đầy ắp hàng họ. Đài báo TV đều đưa tin hàng Tết và giá cả hàng hóa, nghe đâu sẽ tăng giá khan hàng, thế mà hàng hoá cứ ăm ắp phố phường. Nếu vào siêu thị, nhất là siêu thị bán buôn hẳn bạn sẽ ngạc nhiên vì rất nhiều khay hàng đột nhiên hết nhẵn. Vào cuối tuần hãy lang thang mấy con phố đi bộ, bạn sẽ thấy Tết thật là Tết. Không chỉ là hàng gia công giày dép quần áo ngập tràn như mọi khi mà hoa lụa, thiệp Tết, tranh Tết cứ gọi là thi nhau khoe sắc.

Biết kể thêm về xuân Hà Nội sao đây. Xuân đến tự nhiên, tự nhiên như ùa vào người, đập vào mắt, để người ta nhận ra thế là sắp Tết. Bạn đã từng ở Hà Nội, đón nhiều cái Tết Hà Nội, vậy có khó gì đâu để hình dung ra xuân Hà Nôi, Tết Hà Nội. Người Hà Nội vốn bảo thủ về những nề nếp cũ nên Tết hôm nay có thể coi như Tết ngày xưa cộng thêm một chút hối hả, mới mẻ của một thành phố đang kỳ thức dậy.

Hãy nghĩ rằng, Hà Nội đang Tết lắm. Nghĩa là, những buổi sớm mưa xuân lất phất bay, chen trong dòng người là bóng những chiếc xe đèo quất, đèo đào đi bán. Rồi tới ngày đường phố vắng người lại qua, khói toả mặt hồ vấn vít, trong se se lạnh như có thoang thoảng hương trầm, trào dâng nỗi niềm khó tả, rất là Tết.

Tác giả bài viết: Đinh Thi Nhi, từ Hà Nội