HÀ NỘI NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG HAI
- Chủ nhật - 27/02/2011 16:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Mình cũng mong có được niềm tin của bạn, rằng “... những ngày con sẽ sống sẽ khác những ngày ba đang sống” ... Những ngày đó, liệu sẽ có hay không?”.
Hà Nội cuối tháng 2-2011 - Ảnh: Bích Ngọc
1. Mẹ chồng thì thầm: “Này, tháng 3 là đô sẽ tăng lên 25 đấy”. “Ai bảo mẹ thế?”. “Thì mẹ thấy người ta đồn ầm lên cả thế”.
Vội nhắn tin cho mẹ đẻ: “Mẹ ạ, tháng 3 đô tăng lên 25 đấy”. Lập tức, một quyết định khẩn cấp được đưa ra và quán triệt triệt để (lần đầu tiên cả nhà nhất trí cao độ với nhau như thế): chuyển hết tiết kiệm tiền Việt sang đô.
Vừa đổi tiền xong, thì hôm sau báo đăng giá đô giảm nhẹ…
Cô bạn đồng nghiệp lại bảo: “Nhà em chỉ tích vàng. Tuy lãi suất thấp nhưng giá vàng tăng không ngừng thành ra vẫn lãi cao hơn đô”. Hỏi chồng, chồng bảo: “Tiên đoán được thì đã giàu to. Ai mà nói được chắc chắn điều gì ở cái đất nước này?!”.
2. Các cây xăng nhất định bán dè để chờ tăng giá. Buổi sáng chồng vội đi làm không kịp đổ xăng. Buổi trưa đã mất toi thêm 10.000 đồng vì xăng lên giá. Xăng lên giá, điện sẽ lên giá, nghĩa là mọi thứ sẽ lên giá theo.
Đến thăm bố mẹ một người bạn, nghe bác ấy than: “Cháu bảo có đất nước nào như đất nước này không, các cây xăng không chịu bán xăng để chờ tăng giá, mà chính quyền cũng không làm gì được”.
Đúng là chẳng có nơi đâu như đất nước này. Ngày Tết ở các nước khác người ta đua nhau giảm giá, còn ở ta thì đua nhau tăng giá, theo từng phút. Mà chính quyền cũng chẳng làm gì được.
3. Thằng em trai bảo: “Chị điên à mà định về sống ở Việt Nam? Cái đất nước phò phạch này, thằng nào khôn thì đã biến hết ra nước ngoài rồi”. Chồng bảo, em nó nói đúng đấy mình ạ.
Phũ và buồn.
4. Nghe dân tình bàn tán quanh bàn nước. Rằng khi nào cụ rùa hồ Gươm chết ấy là lúc đất nước sẽ có sự kiện lớn. Như năm 1968 chẳng hạn… Có người hy vọng sắp đến lúc đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Các bạn hẳn là đang mơ chăng?
5. Đến thăm thầy ở trường. Thầy vẫn nói say sưa về các dự án nghiên cứu. Thầy luôn là người khiến mình kinh ngạc và khâm phục.
6. Bảy ngày mình ở Hà Nội là bảy ngày các bạn đồng nghiệp phải làm việc quần quật với mình, từ sáng sớm đến tối mịt. Thấy nể và thương các bạn ở nhà, làm việc trong một điều kiện như thế mà vẫn không bỏ cuộc.
7. Tuần sau bố lại vào viện truyền máu. Buổi tối hai vợ chồng ngồi chơi với bố. Chồng hỏi: “Ông có nhận ra con là ai không”. Bố bảo: “Chồng cái T.A.”.
Mình muốn khóc vì thương bố. Trong một phút đãng trí bố không nhớ ra tên con trai nhưng lại nhớ tên con dâu. Mẹ bảo: “Ngày mai cái T.A. nó lại sang bên kia đấy ông ạ”, bố nhíu mày, mắt ầng ậc nước.
8. Hà Nội níu giữ trái tim mình, dù Hà Nội bẩn thỉu, lộn xộn, dù có biết bao nhiêu điều làm người ở xa trở về thấy bức xúc.
Nếu có thể, mình mong không còn những lần phải gạt nước mắt xách va ly ra đi, để lại những người thân yêu cứ mãi ngóng trông mình trở về.
9. Sáng nay ở sân bay hai vợ chồng nói chuyện về tương lai của (các) con (bọn mình có sở thích đếm cua trong lỗ).
Mình bảo chồng, không biết liệu chúng mình có lo được cho con đi học mẫu giáo 700 đô/ tháng và học trường quốc tế mười mấy nghìn đô/ năm như các bạn hay không (có cô bạn ở Úc về cho con đi học mẫu giáo Tây 700 đô/ tháng vì sợ học trường ta con bị cô giáo đánh).
Bởi vì thật sự em không muốn con lại phải bắt đầu như chúng mình đã bắt đầu. Em và anh lớn lên trong xã hội này, là một phần của nó, nên mang đầy đủ những thói hư tật xấu thâm căn cố đế của nó, dù có ý thức sửa mình, cũng không sao gột rửa hết được hoàn toàn cái chất đó khỏi người. Em không muốn con mình cũng trở thành một sản phẩm què quặt như chúng mình.
Nhưng có cách nào, nếu không có thật nhiều tiền để cho con được giáo dục trong một môi trường sạch sẽ?
Nhớ đến bức thư của người bạn gửi cho con trai, trong đó có đoạn:
“... ba thật sự mong rằng những ngày đẹp nhất là những ngày mà con sẽ sống. Trong số rất nhiều mong ước của ba, ba mong nhất rằng khi con lớn lên, câu hỏi “Sống trung thực, được gì?” sẽ không còn được đặt ra nữa.
Ba nghĩ rằng khi một câu hỏi như thế được đặt ra nghĩa là sự trung thực là hàng hiếm. Nếu như sự trung thực có mặt đương nhiên giữa đời thường như một lẽ tất yếu, có lẽ câu hỏi như trên đã không được đặt ra. Con sẽ không thấy ai đặt vấn đề “ăn cơm, được gì” hay “hít thở có lợi ích gì”...
Mình cũng mong có được niềm tin của bạn, rằng “... những ngày con sẽ sống sẽ khác những ngày ba đang sống” ...
Những ngày đó, liệu sẽ có hay không?