Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ghi chép của Vi Thị Thanh Hà: SÀI GÒN 15-5-2016

(NCTG) “Người dân có vì sợ hãi mà thôi không tụ tập biểu tình nữa không? Tôi không biết. Những ngày tiếp theo của đất nước này sẽ ra sao? Điều đó cũng vượt quá khả năng suy đoán của tôi. Tôi chỉ ghi lại những gì mà tôi chứng kiến, vì dù sao đi nữa thì tôi cũng không thể thờ ơ”.
Tấm ảnh kỷ niệm về một Sài Gòn trong thời bình, vào tháng Năm năm Hai Nghìn Không Trăm Mười Sáu
Những tuần gần đây, thông tin nhiều chiều với nhiều diễn biến phức tạp khiến một số người thắc mắc không hiểu những người biểu tình đang xuống đường vì điều gì nữa. Người dân có nhiều lý do để phải bày tỏ thái độ. Sự kiện cá chết hàng loạt ở biển miền Trung đã châm ngòi nổ cho những cuộc biểu tình trong tháng 5 rất nóng này. Ngày Chủ nhật 1-5 cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra gần như suôn sẻ cho đến cuối buổi khi những người biểu tình bị chặn đường, một số người bị bắt về đồn công an và bị câu lưu đến nửa đêm hoặc đến tận ngày hôm sau. Chủ nhật 8-5, nhiều clip quay cảnh cuộc biểu tình bị chính quyền đàn áp thẳng tay được chia sẻ trên các mạng xã hội. Điều này gây nên bức xúc và phẫn nộ, và cuộc biểu tình vào ngày Chủ nhật 15-5 lại được phát động. Dự đoán rằng sẽ có những diễn biến căng thẳng leo thang vào ngày hôm đó, tôi quyết định cũng xuống đường để ủng hộ quyền biểu tình của người dân.
 
Chiều 15-5, tôi cùng một người bạn chạy xe ra đường. Chưa quen biết nhóm người biểu tình nào mà thời điểm của họ thông báo trên Facebook lại không thống nhất, vì thế chúng tôi định sẽ đến Công viên 23-9 vào lúc 16h là thời điểm ở quãng giữa (các nhóm đưa ra ba thời điểm là 15h, 16h, 17h, không kể có nhóm đưa ra thời điểm 9h sáng ở khu Nhà Thờ Đức Bà và Quảng trường Quách Thị Trang). Tuy nhiên người bạn của tôi lại phải giải quyết một việc khác nữa nên khi chúng tôi chạy xe đến đó thì đã quá 16h. Chúng tôi không nhìn thấy người biểu tình trên đường hay trong công viên, chỉ thấy toàn cảnh sát đứng tứ phía. Chúng tôi tiếp tục chạy vòng vèo qua những con đường mà những người biểu tình đã hẹn nhau, quảng trường Quách Thị Trang, nhà thờ Đức Bà, phố Nguyễn Huệ, phố Bùi Viện. Không phát hiện ra nhóm biểu tình nào hết, chỉ thấy những tấm hàng rào thép gai chuẩn bị sẵn ở từng ngã tư, mọi ngả đường đều có cảnh sát đứng lố nhố. Người biểu tình ở đâu? Họ đã đổi kế hoạch rồi chăng? Từ trước đó vài tiếng đồng hồ tôi đã không còn vào được Facebook nên không thể biết họ có thay đổi thời gian và địa điểm vào những phút cuối hay không.

Chúng tôi dừng lại một chỗ tìm cách vượt tường lửa kiếm chút thông tin nhưng vô vọng, bèn quyết định cứ đến phố Bùi Viện ngồi chơi vậy. (Về sau, xem lại thông tin những người khác chia sẻ và những clip mà họ quay được thì mới biết có những vụ bắt bớ đã xảy ra ở những địa điểm mà chúng tôi chạy xe qua, chỉ có điều khi chúng tôi đến đó thì mọi chuyện hoặc chưa xảy ra hoặc đã xong xuôi).

Nhưng rồi chúng tôi đã không đến được phố Bùi Viện như đã định, bởi vì khi đi qua Công viên 23-9 lần nữa - lúc đó hơn 17h - thì đã thấy có đông người ở đó. Khi chúng tôi tìm được nơi gửi xe và quay lại thì đám đông ấy đã đông hơn, họ ngồi trong công viên và chờ đợi. Chúng tôi nhập vào đó. Vài trăm người. Xe cảnh sát, xe buýt, công an và lực lượng áo xanh lục đậm vòng trong vòng ngoài vây kín công viên.
 
Khoảng 18h mọi người gọi nhau đứng dậy, xếp thành dòng và bắt đầu di chuyển trên lối đi trong công viên. Tôi không biết ai lãnh đạo, chỉ thấy nổi bật lên một cô gái mặc áo dài xanh da trời và một người phụ nữ có vẻ như là người ngoại quốc, họ dẫn đầu đoàn biểu tình và tôi chỉ nhìn thấy họ từ phía sau. Người nước ngoài đó bắt nhịp cho đoàn người hô một câu khẩu hiệu bằng tiếng Anh với nội dung bảo vệ môi trường biển: “One… two… three… Save our sea!”. Nhưng họ hô không to và lúng túng, rõ ràng là không hề có sự chuẩn bị từ trước, có lẽ họ đều là những người mới như chúng tôi. Người đàn bà nước ngoài đó chắc cũng hành động ngẫu hứng, bà ấy bắt nhịp quá nhanh.

Chúng tôi di chuyển thì những bóng áo xanh cũng di chuyển, khi chúng tôi đi đến rìa công viên để bước xuống đường thì một hàng rào người áo xanh lục đã chặn sẵn. Đụng độ xô xát bắt đầu xảy ra. Không có biểu ngữ nào giơ lên, không có đèn flash nào bật sáng, vì ngay khi người đầu tiên rút điện thoại ra chụp hình thì lập tức bị một nhóm người xô vào chộp lấy và kéo đi. Có người đàn ông mặc thường phục chen vào đoàn và xua mọi người giải tán với thái độ coi thường. Chúng tôi cố gắng đứng sát vào nhau để giữ nguyên được đội hình, những thanh niên đứng ra phía ngoài, đẩy phụ nữ vào trong để bảo vệ họ. Người phụ nữ nước ngoài đã bị công an mời đi chỗ khác. Tuy nhiên sau này theo tin tức tôi xem trên Facebook thì thật ra không có người nước ngoài nào cả, đó chỉ là một vai kịch đóng rất đạt. Nếu như không phải được một “người nước ngoài” dẫn đầu thì có lẽ chúng tôi đã bị phá từ sớm hơn. Những người biểu tình đều hiền lành, tôi không nghĩ có ai mang dao hay bom xăng. Bên ngoài, một chiếc xe ôtô có loa phát thanh ra rả bằng tiếng Việt kêu gọi mọi người giải tán, một chiếc xe khác ở mặt đường khác thì phát thanh bằng tiếng Anh.

Vì không thể tiến lên nên chúng tôi đành để bị chia nhỏ, tụ tán theo các lối rẽ trong công viên. Tiếp tục có xô đẩy và có tiếng phụ nữ hô lên: “Công an đánh người!”. Mọi người xô lại can thiệp để cứu nhau. Tuy nhiên vẫn có những người bị bắt đi. Chúng tôi không thể quan sát được hết các góc của công viên, trời tối cũng là một điều bất lợi. Những người phía ngoài từ xa không thể quay phim được, còn chúng tôi thì tất nhiên không. Cho nên chẳng có gì lạ nếu tôi không tìm được clip nào chia sẻ trên mạng về thời điểm đó trong Công viên 23-9.

Loanh quanh trong công viên một hồi, không thể làm được gì hơn, hai chúng tôi rời công viên đến phố Nguyễn Huệ. Ở đó vắng vẻ chẳng khác gì lúc chúng tôi chạy xe qua, đầu phố đi bộ bị chặn vì lý do sửa chữa bảo dưỡng, chỉ còn công an vẫn tiếp tục canh gác. Chúng tôi quay lại đầu công viên khoảng lúc 19h, nhưng không vào đó nữa vì đoán chẳng còn người biểu tình. Tuy nhiên những người áo xanh lục đậm vẫn còn ngồi đó nhàn rỗi dưới bóng cây, và tôi chụp lấy một tấm ảnh làm kỷ niệm về một Sài Gòn trong thời bình, vào tháng Năm năm Hai Nghìn Không Trăm Mười Sáu.

Rồi hai chúng tôi ngồi xuống và trò chuyện cùng nhau. Chúng tôi chưa biết cũng vào lúc đó, chương trình thời sự trên VTV đang phát đi một bản tin về những cuộc biểu tình do các thế lực phản động và thù địch giật dây, muốn bạo động lật đổ chính quyền. Hai cuộc biểu tình trước, không một trang báo chính thống nào đưa tin về những sự kiện quan trọng này, về chuyện những người dân đã lo lắng bức xúc mà xuống đường, về chuyện họ biểu tình ôn hòa theo quyền con người được công nhận trong Hiến pháp, nhưng họ đã bị đàn áp, bắt bớ và bị ghép vào tội gây rối trật tự công cộng.

Cuộc biểu tình lần này, nếu không phải là đã bị ngăn chặn bốn bề tứ phía thì không biết số người đi biểu tình đông đến cỡ nào. Nhưng chính quyền không muốn đối thoại, những người đi biểu tình để bảo vệ môi trường đều bị xếp vào thành phần hoặc là phản động hoặc là bị bọn phản động xúi giục. Bản tin trên VTV là phát ngôn cho chính quyền, nhưng không đại diện cho tiếng nói của tôi, không phải là sự thật mà tôi muốn con cháu tôi bây giờ và sau này được biết. Những người biểu tình như tôi chứng kiến đều là những người ôn hòa, mặc dù không có tổ chức, nhưng họ đều giữ tinh thần bất bạo động.

Khi tôi viết những dòng này (đêm 17-5) thì nghe tin có những người biểu tình bị bắt vẫn chưa trở về. Họ đã bị câu lưu lâu hơn so với cuộc biểu tình lần trước.

Người dân có vì sợ hãi mà thôi không tụ tập biểu tình nữa không? Tôi không biết. Những ngày tiếp theo của đất nước này sẽ ra sao? Điều đó cũng vượt quá khả năng suy đoán của tôi. Tôi chỉ ghi lại những gì mà tôi chứng kiến, vì dù sao đi nữa thì tôi cũng không thể thờ ơ.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Vi Thị Thanh Hà, từ Sài Gòn - Ngày 17-5-2016