Ghi chép của Nguyễn Thị Bích Yến: NHẮC CHIẾN TRANH ĐỂ NHỚ HÒA BÌNH
- Thứ hai - 31/03/2014 15:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Hai cuộc Thế chiến cùng với các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 đã khiến cho nhân loại bị tổn thất nặng nề về người và của, gần trăm triệu sinh mạng đã ngã xuống. Nhân loại đã phải tự rút ra bài học là “cùng tồn tại hòa bình, các bên cùng có lợi”. Thế nhưng dường như đâu đó vẫn có những kẻ đã vội quên điều đó”.
Lễ đón chào cuộc gặp mặt và hội kiến của hai vị nguyên thủ
Trong bối cảnh chính trị phức tạp đang diễn ra giữa Nga, Ukraine, EU, Mỹ và tại khu vực Biển Đông như hiện nay, nhiều người không khỏi lo ngại đến một cuộc chiến tranh có thể xảy ra nếu các bên không tự kiềm chế tham vọng của mình.
Hệ lụy và bài học từ một cuộc Thế chiến
Đúng vào lúc đó, hai vị tổng thống của Serbia và Áo đã có cuộc gặp gỡ hữu nghị tại cung điện Hofburg, Vienna vào ngày 27-3-2014.
Cuộc gặp gỡ như nhắc lại những hệ lụy to lớn của Thế chiến thứ nhất (1914-1918) và giá trị hòa bình của ngày hôm nay. Hai nguyên thủ đã gửi đi thông điệp với truyền thông quốc tế: chúng ta vẫn còn đó bài học từ Thế chiến thứ nhất. Bài học từ các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế. Không nên để bất cứ một sai lầm nào có thể dẫn đến chiến tranh, bởi chiến tranh không phải là biện pháp có thể giải quyết các vấn đề, mà thảo luận, đàm phán mới là sách lược tốt nhất cho các quốc gia.
Hơn ai hết, chính hai đất nước này đã nhận được những bài học đắt giá từ Thế chiến thứ nhất, do chính hai nước khởi xướng. Cách đây một trăm năm, Serbia và Áo đã châm ngòi cho cuộc chiến này: “Cuộc Đại chiến mở đầu với sự kiện Hoàng thái tử Áo - Hung bị ám sát, dẫn đến việc người Áo - Hung tuyên chiến với Serbia. Đây là một cuộc chiến để lập lại trật tự thế giới mới. Nó làm sụp đổ bốn đế chế hùng mạnh của châu Âu và thế giới lúc đó là Đế quốc Nga, Đế chế Đức, Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Ottoman, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của châu Âu và thế giới.
Tất cả những đế quốc quân chủ đều sụp đổ trong cuộc chiến tranh này. Nó tạo điều kiện cho đảng Bolshevik lên nắm quyền tại nước Nga, và mở đường cho Adolf Hitler lên nắm quyền tại Đức. Mặc dù là cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt như vậy nhưng nó đã không giải quyết được các mâu thuẫn gốc rễ và "thế giới mới". Cuộc chiến đã đặt châu Âu và thế giới trước các vấn đề mâu thuẫn khác trầm trọng hơn như việc chia cắt, xâm phạm quyền tự quyết của các dân tộc...
Những vấn đề đó đã dẫn đến bùng nổ Thế chiến thứ hai. Đó là lý do một số nhà nghiên cứu cho rằng Thế chiến thứ hai chỉ là sự nối tiếp của Thế chiến thứ nhất sau hai mươi năm tạm nghỉ lấy sức...” (*).
Duyệt đội danh dự
Hai cuộc Thế chiến cùng với các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 đã khiến cho nhân loại bị tổn thất nặng nề về người và của, gần trăm triệu sinh mạng đã ngã xuống. Nhân loại đã phải tự rút ra bài học là “cùng tồn tại hòa bình, các bên cùng có lợi”. Thế nhưng dường như đâu đó vẫn có những kẻ đã vội quên điều đó.
Hôm 27-3, Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic đã nhấn mạnh với công chúng rằng, mối quan hệ giữa Serbia và Áo ngày nay là mối quan hệ thân tình, hữu nghị. Ông cho hay, ông muốn mời Tổng thống Áo đến thủ đô Belgrad, Serbia để dự lễ kỷ niệm nhân 100 năm Thế chiến thứ nhất. Theo một nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Áo, để kỷ niệm sự kiện đó, Áo cũng sẽ tổ chức một cuộc Hội thảo các nhà báo viết về chiến tranh. Áo cũng đã đặt vấn đề sẽ mời một đại diện của Việt Nam.
Ba nụ cười trong cuộc tiếp kiến
Từ sáng sớm, dân Áo và khách du lịch đã tụ tập quanh sân Hofburg, xem duyệt binh và chờ đợi giây phút hai tổng thống xuất hiện. Khoảng 10h, cánh nhà báo chúng tôi đến nơi đã thấy các anh vệ sĩ và cảnh sát mặc thường phục đứng rải rác trong sân. Dân thường khó mà nhận ra họ nhưng với chúng tôi thì điều đó không khó lắm.
Hơn nửa tiếng sau, Đoàn quân nhạc danh dự diễu hành ra sân để chuẩn bị nghi lễ đón tiếp. Vài phút sau, Tổng thống Áo, Heinz Fischer xuất hiện. Ông tiến về phía cuối sân. Dân chúng và khách du lịch bắt đầu vỗ tay chào. Tổng thống giơ tay chào đáp từ. Ông cũng không quên vẫy chào và hỏi han cánh nhà báo. Ông rất cởi mở, gần gũi. Mỗi lần trong thời gian chờ đợi các nguyên thủ, ông đều chào hỏi thân tình cánh nhà báo chúng tôi. Điều đó khiến chúng tôi không cảm thấy có sự ngăn cách quá lớn với một nguyên thủ.
Mười một giờ, đoàn xe của Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic xuất hiện. Ông bước ra khỏi xe kèm một nụ cười chào người đồng nhiệm (nụ cười lần thứ nhất). Tôi bấm máy ảnh liên hồi. Bỗng nhiên tôi cảm thấy như có ai đó đang chen sau lưng mình, ngoảnh lại thì gặp cái lưng to bè của một anh vệ sĩ. Thế là tôi vội vàng quay sang lia máy lên “chộp cổ” anh ta.
Một chàng vệ sĩ
Hai vị nguyên thủ sóng bước trên thảm đỏ, giữa tiếng bấm máy tanh tách của những người dân và cánh nhà báo. Khoảng cánh giữa dân và các nguyên thủ chỉ là một hàng rào sắt thấp và những anh vệ sĩ. Còn khoảng cách giữa cánh nhà báo với các nguyên thủ chỉ là một dải dây chun màu nhung đỏ. Sau khi duyệt đội danh dự, hai nguyên thủ tiến vào Phủ Tổng thống. Cánh nhà báo có vài phút để vào phòng hội đàm. Lần này tôi lại quan sát thấy Tổng thống Tomislav Nikolic nở một nụ cười (lần thứ hai).
Khoảng hơn 1 tiếng sau cuộc hội đàm kết thúc. Hai vị tổng thống bước sang Phòng Họp báo Theresia. Họ gửi đi một số thông điệp. Riêng vấn đề Ukraine, Tổng thống Áo đã bày tỏ: thậm chí EU đã cư xử sai khi bắt buộc Ukraine phải chọn lựa giữa Nga và Liên hiệp Châu Âu. Đáng lẽ EU phải để cho nền kinh tế Ukraine được lựa chọn cả hai...
Tổng thống Tomislav Nikolic thì cho rằng, thông qua việc đòi độc lập của Kosovo và Crimea như vừa qua, luật pháp quốc tế phải cân nhắc đến việc đưa ra những điều luật nhằm quy định rằng một quốc gia nếu muốn được độc lập thì phải tuân thủ những điều kiện cụ thể nào. Ông Nikolic nói xong rồi gương mặt lại trĩu buồn như lúc mới đến. Khi cuộc họp báo sắp kết thúc, ông mới nở thêm một nụ cười (lần thứ ba).
Hầu như suốt chuyến thăm khuôn mặt ông Nikolic luôn thường trực nét đăm chiêu, buồn bã. Chúng tôi tác nghiệp với rất nhiều nguyên thủ nhưng chưa bao giờ chứng kiến nguyên thủ nào có khuôn mặt buồn đến thế. Trông ông ấy buồn đến nỗi cô nhà báo đứng cạnh tôi thì thầm: “Sao trông Tổng thống Serbia buồn thế nhỉ?”. Tôi đã chỉnh ống kính thật gần, thật nhiều lần, cố chờ đợi những giây phút tươi tỉnh của ông ấy nhưng không thành.
Gương mặt luôn buồn bã của Tổng thống Serbia
Dưới sân - nơi vừa diễn ra cuộc tiếp đón, những bộ bàn ghế của Hofburg coffee đã được xếp ngay ngắn trở lại. Khách du lịch vừa nhâm nhi ly cà phê vừa nhìn lên phòng Tổng thống. Tất nhiên, họ chỉ nhìn thấy những tấm rèm trắng mà thôi...
Cuộc tái ngộ kỳ quặc
Hết giờ họp báo, chúng tôi rủ nhau xuống sân uống cà phê. Câu chuyện về khuôn mặt buồn của vị Tổng thống Serbia được mang ra thảo luận. Các giả thuyết được đưa: hay là tại thời tiết? tại ông ấy mất ngủ? tại nền kinh tế bi đát của Serbia? tại tình hình Mafia ở Serbia? tại tình thế khó xử của Serbia giữa đồng minh Nga và EU? tại vấn đề Kosovo? Hoặc giả việc ra nhập EU của Serbia chưa hoàn thành?
Chỉ nguyên việc đặt ra các giả thuyết trên đã khiến chúng tôi đau đầu chứ đừng nói là một vị nguyên thủ phải gánh vác ngần ấy việc và hơn thế nữa, không có lúc để lộ cảm xúc của mình. Có thể ai đó sẽ thắc mắc, đã là nguyên thủ, là chính trị gia thì phải biết che giấu cảm xúc. Cũng như chúng tôi - nhà báo cũng phải biết che đậy cảm xúc của mình. Nhưng như thế thì có lẽ chúng tôi sẽ sớm trở thành những cái máy (!).
Cô bạn đồng nghiệp Ukraine thở dài buồn bã: “Bạn có thấy là họ không lên tiếng bênh vực Ukraine không?”. Có lẽ cô ấy đã mong chờ quá nhiều vào những gì mà nguyên thủ các nước Châu Âu sẽ lên tiếng. Quả vậy, Tổng thống Serbia cho hay Serbia không ủng hộ EU và Mỹ trong các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế với Nga. Bởi vì Nga rất quan trọng đối với Serbia, Nga đã tích cực ủng hộ Serbia trong vấn đề Kosovo đòi độc lập, tách khỏi Serbia.
Còn Tổng thống Áo thì thận trọng cho rằng, EU và Mỹ nên cân nhắc khi đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế đối với Nga, bởi vì việc đưa ra lệnh trừng phạt thì dễ dàng hơn là việc gỡ bỏ về sau này.
Và bây giờ thì người đồng nghiệp ấy ngồi đây, trầm tư thắc mắc với tôi về những điều mà hai nguyên thủ vừa nói. Chỉ sau một đêm cô đã mất những đồng nghiệp tốt nhất. Chỉ sau một đêm gia đình và quên hương cô ấy đã rơi vào cảnh bất an, chia cắt, loạn lạc. Chỉ sau một đêm mức lương của cô ấy đã bị cắt giảm còn một nữa... Thế nên tâm trạng của cô ấy như hiện giờ là điều tôi có thể cảm thông.
Các lãnh đạo không lên tiếng ủng hộ Ukraine...
Chúng tôi mất liên lạc với nhau kể từ khi Ukraine bắt đầu diễn ra các cuộc biểu tình. Tôi đã cố gắng tìm kiếm và nhờ một số người Việt ở Ukraine, ở Mỹ, ở Châu Âu tìm manh mối cô ấy, nhưng vô vọng. Bỗng một đêm gần đây cô ấy gọi điện cho tôi. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng tôi hiểu cô ấy có lý do đặc biệt và không thể liên lạc với tôi.
Tôi nhấm một ngụm ca cao nguội ngắt:
- Osk nghĩ gì khi truyền thông đang lan tràn tin tức về đề xuất chia cắt Ukraine của một chính khách Nga đã gửi tới Bộ Ngoại giao Ba Lan, Hungary, Romania?
Cô bạn im lặng rồi vội vàng quay đi chỗ khác. Tôi đã kịp quan sát thấy những giọt nước mắt đang trực trào ra trong đôi mắt xanh biếc. Biết mình đã lỡ lời, nhưng có lẽ cô ấy biết sự việc đó còn rõ hơn tôi. Chúng tôi được dạy rằng nhà báo phải luôn giữ thái độ độc lập, khách quan. Vậy trong trường hợp này chúng tôi phải “giữ mình” như thế nào?
Giữ thái độ khách quan để phán ánh sự việc mà một phần đất nước (Crimea) bị cắt về Nga là tất yếu ư? Giữ thái độ khách quan khi đưa tin những người lính lạ mặt đang xâm phạm đất nước mình ư? Giữ thái độ khách quan khi phản ánh “bàn cờ chính trị” của các nước lớn đang thí tốt các nước nhỏ ư? Giữ thái độ khách quan ngay cả khi biết chính trị đã thao túng, lũng đoạn báo chí, truyền thông ư? Giữ thái độ khách quan khi đây đó “kẻ lớn” đang bầy trò phân tán, đánh lạc hướng sự quan tâm của truyền thông và công chúng ư?...
Lúc này, chúng tôi không biết nên coi lý thuyết là màu gì, lục lam, tràm tím hay đen, trắng không màu.
- Mình xin lỗi - tôi nói nhỏ với Osk.
Bạn quay lại nhìn tôi. Ánh mắt buồn vô hạn. Cô ấy chưa hề mỉm cười từ lúc gặp tôi cho đến lúc chia tay.
Tác nghiệp tại sự kiện
Một lúc sau, chúng tôi gặp thêm một cô bạn. Tôi cũng đã mất liên lạc với Sandra (tên đã được thay đổi) hơn một năm qua. Chúng tôi lại thảo luận xoay quanh chủ đề Nga và Ukraine. Lúc này tôi mới biết Sandra rất ngưỡng mộ các chiến lược mà Nga đã sử dụng trong thời gian vừa qua. Hóa ra, trước đây cô ấy đã từng làm cho một tập đoàn kinh tế lớn của Nga. Oái om thế nào mà tôi lại có cuộc tái ngộ kỳ quặc đến thế.
Cũng may là chúng tôi còn đủ bình tĩnh để không đẩy câu chuyện đi quá đà. Tôi nói với hai người:
- Mỗi người có một quan điểm riêng và cần phải tôn trọng điều đó. Nhưng tôi cho rằng tất cả chúng ta và hầu hết mọi người trên thế giới đều có một điểm chung đó là yêu hòa bình, tất nhiên đây đó vẫn còn những kẻ chính trị đầy cơ hội.
Sandra dịu giọng:
- Hơn một năm qua tôi đã đi tìm một người bạn thân, cho đến gần đây tôi mới biết tin anh ấy đã chết. Anh ấy chết trong thời điểm mà chỉ còn hai hôm nữa là đến ngày hẹn với tôi.
Cô ấy nói rồi ngước nhìn chúng tôi, ánh mắt vẫn còn chứa đựng sự hốt hoảng. Câu chuyện giữa chúng tôi rơi vào ngõ cụt. Không ai còn đủ sức để nói thêm một lời nào. Chúng tôi ngồi đó, im lặng bên những tách ca cao đã nguội lạnh. Bỗng nhiên lời bài hát “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh Công Sơn ngân lên trong tâm trí tôi:
... Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời
Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn
Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm
Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng
Dù đêm súng đạn, dù sáng mưa bom
Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều.
Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời
Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn
Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm
Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng
Dù đêm súng đạn, dù sáng mưa bom
Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều.
(*) Nhận định tại Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.