GIẤC MƠ XE ĐẠP
- Thứ bảy - 14/06/2008 22:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giấc mơ về những chiếc xe đạp... - Ảnh: vitinfo.com
Một đoạn đường Điện Biên Phủ buổi trưa, có nắng, có gió và lác đác những chiếc lá vàng rơi lạo xạo. Hình như là lá sấu. Những chiếc xe đạp cần mẫn và bình thản đảo bánh. Buổi trưa tĩnh đến nỗi nghe thấy được tiếng đùi đĩa chạm bánh xích, tiếng ai đó khẽ gò phanh nhè nhẹ, rin rít. Một chiếc xe cuốc Liên Xô, anh chàng trẻ tuổi đeo cái bị cói, tóc dài trùm gáy, dáng như sinh viên một trường nghệ thuật, đang gò lưng mải miết. Nhưng mắt thì sáng quắc, đầy ắp những dự định cho tương lai. Một chiếc xe mi-ni cũ kỹ, một mái tóc ngang lưng và đôi mắt vui tươi của cô bé tuổi cấp III. Chân guồng nhanh không thể tả. Cô vội về nhà, mẹ đang đợi cơm. Ba,bốn chiếc xe khác đang hồn nhiên dàn ngang trên đường, tay người bá vai, tay người tóm ghi đông của nhau, bị một bác trung niên vượt lên nhắc nhở, đội hình bối rối tự động rời ra. Một thiếu phụ đi trên chiếc Vi-Ha, niềm kiêu hãnh một thời của Việt Nam, vừa đi vừa với tay ra sau, vỗ vỗ đánh thức đứa con nhỏ đang chống chọi với cơn buồn ngủ buổi trưa bất chợt ập đến, đầu gục vào lưng mẹ.
Hà Nội năm nào của tôi, chỉ toàn là xe đạp. Và đường ban trưa thường vắng như thế đó. Có nắng, có gió, và lác đác những chiếc lá vàng rơi lạo xạo.
Chiếc xe đạp đầu đời của tôi là một chiếc mi-ni, nói theo cách nói bây giờ là… “ghẻ”, vì nó cũ kỹ với những mảng sơn đã tróc. Nhưng tôi yêu quý nó lắm bởi tôi có được nó sau những ngày đi bộ miệt mài đến trường, và sau những buổi thầm ao ước có riêng một chiếc xe “của mình”. Đó là năm tôi lên lớp 6, bắt đầu đi học ở trường Lê Ngọc Hân, tận Lò Đúc. Từ Bách Khoa đến Lò Đúc cũng là một đoạn đường không gần đối với tuổi thơ. Tôi đạp xe quãng độ 30 phút thì đến. Phóng trên đường Bạch Mai, qua phố Huế chẳng có một bóng cây râm, rẽ vào Hòa Mã một đoạn thì đón được hơi mát rượi của con đường Lò Đúc, nơi xửa xưa nghe nói từng rợp những cánh cò về làm tổ trên ngọn cây.
Chiếc xe đạp không chỉ là phương tiện đi học. Nó là niềm hãnh diện của tôi, là những “vấn đề” của tôi, là những câu chuyện dài miên man suốt thời đi học của tôi… để đến bây giờ trong mơ, tôi lại gặp.
Nhớ một dạo, xích xe bị rão, tôi cứ đi quãng trăm mét là xe lại tuột xích. Chốc lại phải nhảy xuống lắp xích. Mà hồi ấy dốt thế nào lại không chịu kể với bố, cứ chịu đựng cảnh ấy đến cả tháng trời. Tới nỗi tôi trở thành “kiện tướng” lắp xích tuột của lớp. Chỉ vài giây là xong một “vụ”, bàn tay lúc nào cũng nhem nhuốc…
Năm xưa đi học, trong túi thường có hai ngàn đồng bố mẹ cho, để đề phòng hỏng xe. Hỏng xe ở đây là xịt lốp thôi, chứ với số tiền còm này thì không thể sửa cái “hỏng” nào lớn hơn. Một lần thèm ô-mai quá, tôi đem khoản ấy ra tiêu béng vào hàng ô mai sấu. Thì đùng một cái, chiều đó đi họp Đội về, xe bị thủng lốp! Số phận trớ trêu thật. Bọn bạn cùng khu hôm đó lại không dự họp, có mỗi mình tôi. Tôi dắt xe đi suốt đoạn đường Hòa Mã, nghe mấy miếng ô mai sấu nháo nhác ân hận trong bụng mình! Một hàng sửa xe… hai hàng sửa xe… Toàn những bác sửa xe quen mặt. Bác thứ nhất hỏi, tôi lắc đầu. Bác thứ hai hỏi, tôi lắc, thì bị bác chạy ra tóm vào. “Ơ cái con bé này, hỏng xe thì phải sửa chứ!”…và cứ thế tháo lốp, gỡ săm, bơm hơi, cho vào chậu nước, xoay xoay tìm chỗ kim châm… rồi loáy hoáy dán, đập, vá sống. Tôi vẫn còn nhớ, vá chín là có một ngọn lửa đèn, hình như làm thế miếng vá trên săm chắc hơn thì phải. Còn vá sống thì chỉ có keo và tay đập cho chắc thôi… Chiếc săm của tôi dùng cho đến khi có gần chục miếng vá thì phải vứt!
Sáng hôm sau đi học, tôi ghé qua gửi tiền bác, lòng tràn ngập biết ơn. Lòng biết ơn của một đứa trẻ nó giữ lâu lắm, cho đến bây giờ, và cho mãi về sau!
Sau này khi đã không còn học ở Lò Đúc nữa, năm nào tôi cũng ghé qua thăm bác mỗi lần có dịp. Chỉ là dừng lại chào hỏi, đơn giản vậy thôi mà tôi thấy như có thêm người thân giữa thành phố quê hương.
Trong nhà tôi dạo ấy, ngoài thằng em bé còn tuổi “đi bộ” như tôi một thời, thì mỗi người đều có một chiếc xe riêng. Nhớ mẹ tôi thời đó đi xe Phượng Hoàng màu xanh, xích hộp. Xe dắt thì nặng lắm, nhưng đi thì nhẹ tênh, nghe nói mẹ đi xe ấy đã chục năm trời mà vẫn tốt. Có lần xe mi-ni của tôi bị hỏng, tôi mượn xe mẹ đi học. Số tôi đen đủi thế nào, đúng hôm ấy nó lại “sổ mũi, cảm lạnh”, cái xích trong hộp chắc có vấn đề hay sao mà kêu ầm ầm như đánh trống. Đi đến đoạn đường hẹp của trường Bách Khoa, một bên là đầm nước tù đọng, một bên là ký túc xá sinh viên. Tôi thấy vài bác có tuổi đi đằng trước dạt cả sang phải cho tôi vượt lên, vẻ cập rập. Vừa lên đến nơi thì nghe một bác thở phào: “Ồi, cứ tưởng là xe máy chứ!”
Những năm đầu thập kỷ 90, xe máy mới bắt đầu xuất hiện nhiều, chứ trước đó, nhà ai cũng tuyền là xe đạp. Những khu tập thể chỗ tôi, tôi còn nhớ, cầu thang nào cũng có dòng chữ sơn rõ to: “Cẩn thận mất cắp xe đạp!” Xe đạp là cả một thứ tài sản quý giá đối với một gia đình, những năm 70, 80, nó còn được đăng ký biển xe, y như xe máy bây giờ. Nó được bảo vệ bằng một khóa thép bọc nhựa vòng qua nan hoa, đôi khi cả một khóa xích dài loằng ngoằng, vòng đến mấy vòng nữa. Ấy vậy mà bọn trộm nhiều khi vẫn cắt được rất nhanh bằng một thứ kìm vạn năng nào đó, là tôi nghe bọn trẻ trong khu bàn ra tán vào như vậy. Nhà nào bị mất xe đạp cũng hô làng hoán xóm, cả khu tập thể đổ ra, ồn ào, xôn xao… mặc dù chỉ chia buồn với thân chủ chứ có làm được gì nữa đâu. Chép miệng, lắc đầu… “Trộm cắp bây giờ đáng sợ thật!” Rồi dặn nhau, rồi nhủ mình… là phải cẩn thận nhé, xe của mình, mình phải giữ!
Đã có vài ba lần tôi mơ bị mất cắp xe đạp. Tỉnh giấc là nhảy phóc ra khỏi giường, chạy ngay đến chỗ để xe đạp xem còn hay mất, rồi mới thở phào tỉnh cơn ác mộng. Đúng thế đấy, giấc mơ mất xe đạp còn làm tôi hoảng hơn bất kỳ một cơn ác mộng nào khác.
Một thời khó khăn xưa, nhà tôi từng nhận trông xe đạp ban đêm. Chỉ ban đêm thôi, vì ban ngày cả nhà đi vắng cả. Buổi đêm, những nhà trên gác gửi xe cho nhà tôi ở tầng một. Hồi ấy xe xếp vào trong nhà, tôi ngủ giữa những chiếc xe đạp.
Có phải vì thế chăng mà giờ đây, chiếc xe đạp cứ hay trở lại trong những giấc mơ của tôi?
Sau nhiều năm đi xa, trở về Hà Nội, đã không còn thấy bóng dáng quen thuộc của những chiếc xe đạp thuở nào. Giữa làn xe máy, ôtô đi lại như mắc cửi, thảng hoặc lắm tôi gặp những chiếc xe địa hình hoặc mi-ni Nhật, bóng bẩy và đẹp đẽ, nhìn thật thích mắt. Lại chạnh nhớ đến những chiếc xe cà tàng thuở xa xưa, những mẩu vá, những cái “tật bệnh” đáng yêu của chúng… tuột xích, trượt cá… Mà thấy nao lòng.
Có lẽ tôi xa Hà Nội sớm quá, từ cái thuở Hà Nội vẫn vắng. Từ cái thuở xe máy vẫn là hiếm. Từ cái thuở nhiều con đường Hà Nội ban trưa vẫn thấy những gió, những nắng, và những chiếc lá vàng rơi lạo xạo. Cho nên tôi cứ nhớ thương xe đạp và hoảng hốt khi thấy giờ đây, chung quanh là tiếng động cơ, mùi khen khét nồng nồng của hơi xăng, là những cái “nồi cơm điện” che hết cả những mái tóc ngang vai bay cùng gió thuở nào.
Cho đến khi tôi cũng sắm cho mình một chiếc xe máy. Và với tốc độ của xe máy, tôi đi trên đường Hà Nội, đầu rỗng không một ý nghĩ nào kịp đến.
Xe đạp của một thời lao khổ... đã xa rồi còn đâu! - Ảnh: vitinfo.com
Nhớ những năm xưa, tôi đi xe đạp. Mỗi một con đường Hà Nội tôi qua, nơi nào có lá sấu rơi, nơi nào thoảng mùi hoa sữa, nơi nào có hàng cây cơm nguội, nơi nào chỉ có bóng nắng mà thôi… Bất cứ con đường nào cũng đôi lúc khiến bàn chân đạp xe của tôi chậm lại, và trong đầu tôi đầy ắp những ý nghĩ miên man trìu mến về những con người tôi từng gặp trong đời.
Vâng, xe đạp là một giấc mơ lặp lại rất nhiều đêm của tôi!