Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“GIÁ SÀN” CỦA TỘI GIẾT NGƯỜI?

(NCTG) Phán quyết 8 năm tù giam dành cho tài xế lái chiếc xe container 3 lần cán qua người một thiếu nữ 16 tuổi - khiến cô chết thảm - đã khiến công luận bất bình vì cho là quá nhẹ. Làn sóng phẫn nộ ấy đã được phản ánh qua những ý kiến bạn đọc trên báo trực tuyến và các diễn đàn online, ùn ùn trong vài ngày qua.

Tài xế máu lạnh Đặng Hữu Anh Tuấn bị giải về trại giam


Tất nhiên, một độc giả không nhất thiết rành về luật có thể đưa ra ý kiến cảm tính. Có điều, nếu như những gì mà báo chí tường thuật là chính xác thì phải chăng, giới tư pháp Việt Nam nên để ý đến hiệu ứng xã hội sau vụ án này?

Người tài xế (tên Tuấn) bất chấp nạn nhân vùng vẫy, kêu khóc thảm thiết dưới bánh xe, bất chấp nỗ lực chặn xe cứu người của một nhân chứng (anh Tươi) để cán qua rồi cán lại lần nữa trên người cô bé khốn khổ. Hơn thế nữa, để tìm đường tháo chạy, bị cáo còn hung hãn đâm thẳng xe vào nhóm người đang cố ngăn cản hắn và chỉ chịu dừng khi không còn cách nào khác.

Hành vi phạm tội của bị cáo, đặc biệt hành động “cán qua cán lại” tuy được HĐXX đánh giá là “rất nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và gây hoang mang dư luận”, nhưng phải chăng cần được xử với tội danh cố tình giết người một cách dã man, với khung hình phạt cao hơn rất nhiều so với mức án 8 năm được tuyên?

Chỉ riêng việc bỏ mặc người bị nạn và tháo chạy, chiểu theo luật ở rất nhiều nước trên thế giới, tài xế đã có thể lãnh một bản án rất nặng, nhưng dường như luật pháp Việt Nam trước nay vẫn tỏ ra “khoan dung” trước hành vi này, không coi nó là tình tiết tăng tội, coi đó là “do hoảng loạn”?

Ngược lại, HĐXX đã tỏ ra “cảm kích” trước “nhân thân tốt” của bị cáo, để coi đó là một yếu tố giảm tội. Không biết bị cáo đã có công trạng gì, nhưng luật pháp lẽ ra không nên có, không nên “tận dụng” thường xuyên yếu tố nhân thân.

Vì nói đến nhân thân thì vô cùng. Việt Nam với dân số gần 90 triệu, quan hệ huyết thống, họ hàng dây mơ rễ má, lại chiến tranh liên miên, nhiều khả năng nhân thân nào cũng có thể có công (hay nói cách khác, ai cũng có thể có “thân nhân tốt”).

Hơn nữa, có công thì đã được thưởng, ở chỗ khác, khi khác. Còn có tội thì của ai người nấy chịu, không thể lấy cái tốt của người khác ra đỡ đần, như thế chẳng khác nào dùng làm lem bẩn tấm huy chương của người khác.

Mặt khác, luật pháp không nên và không được có chỗ cho tình thương, trắc ẩn chung chung kiểu “xét thấy bị cáo thành khẩn”, “tỏ ra ân hận”... bởi gặp một kịch sĩ thì sao? Ngay trong vụ án này, những lời khai của bị cáo rất thiếu logic, rất không phù hợp với sự thật đã xảy ra khiến HĐXX phải bác bỏ, nhưng về sau, không hiểu vì lý do gì, nó vẫn được coi là tình tiết giảm tội.

Việc bị cáo “đã bồi thường một phần cho gia đình nạn nhân, phía bị hại cũng có một phần lỗi vì điều khiển xe không có giấy phép và tha thiết xin giảm án cho bị cáo” nên được “châm chước”, cũng là điều rất khó hiểu và khó chấp nhận.

Điều khiển xe không có giấy phép là một vi phạm của nạn nhân, nhưng hành động cố tình “cán qua cán lại” thiết nghĩ đã đủ nặng để những vi phạm hành chính của nạn nhân không đáng đem ra làm yếu tố giảm khinh cho bị cáo. Trước một tội ác nhường kia, yếu tố đó hoàn toàn không thể có ảnh hưởng gì khi nghị án xử hung thủ.

Mặt khác, trong một vụ án hình sự để lại hậu quả trầm trọng như thế này, khi bản án được tuyên phải phản ánh sự răn đe của xã hội với những hành vi phi nhân tính, không thể coi những yếu tố “ngoại vi” (như việc hai bên đã thỏa thuận riêng được về tiền bồi thường, để phía bị hại lại... tha thiết xin giảm án cho bị cáo) là tình tiết để mà giảm tội.

Việc bà ngoại của nạn nhân tha thiết xin tha là chuyện cá nhân và có lẽ tòa cũng chưa làm việc kỹ càng về động cơ này. Nhưng dù có vì động cơ nào thì việc xin tha ấy cũng là từ một người… đang sống. Cần cẩn trọng trước những tình tiết này vì từ đó sẽ tạo ra một thông lệ là bị cáo sẽ làm mọi cách để người nhà nạn nhân xin tha giúp.

Ai cũng hiểu rằng các thành viên HĐXX cũng là những con người và phán quyết họ đưa ra nhiều khi cũng hàm chứa nhiều cảm tính của họ. Trong vụ án này, nếu có thể nói về yếu tố tình cảm, cá nhân, thì dường như sự “thương cảm” của HĐXX dành cho bị cáo đã chiến thắng sự “ám ảnh bởi tiếng xương con bé gãy vụn” của nhân chứng (khiến nhiều người trong phòng xét xử bàng hoàng (*), nhưng có thể lại không được HĐXX lưu tâm thích đáng)?

Một số bản án trong các vụ trọng án gần đây dễ tạo cảm tưởng mức hình phạt có vẻ phụ thuộc vào cá tính, vào “gu” của quan tòa: quan tòa Quận Tân Phú vì “khắc nghiệt” nên Trần Thị Dung trong cơn giận giết chồng, dù nhà chồng xin tha vẫn phải chết. Sinh viên Vũ Kim Anh giết người yêu cũ thì cũng 14 năm tù giam.

Việc tài xế Tuấn quyết nghiến chết một cô bé 16 tuổi thì chỉ có 8 năm, khiến công luận bất giác có thể đặt câu hỏi, đâu là “giá sàn” của tội giết người có chủ đích?

Mức sàn ấy, rất nên phải được xác định bằng một cách nào đó, để sau khi gia giảm mọi yếu tố “thương cảm”, “nhân thân”, tối thiểu cũng phải ở mức sàn để pháp luật còn tính răn đe. Nhất là trong những vụ án giao thông mang tính tương tự, khi dư luận cho rằng, nhiều tài xế đã không cho nạn nhân sống để khỏi phải chu cấp suốt đời vì những thương tích do họ gây ra.

Mức sàn đó phải đủ để những kẻ máu lạnh rùng mình trước khi dấn ga thêm lần nữa.

(*) “Tôi cố kéo con bé ra khỏi gầm xe nhưng không được, nó thì cứ bám chặt tay tôi cầu cứu. Tôi đã chặn phía đầu xe nhưng không ngờ gã tài xế lại tiếp tục cán qua người cháu lần nữa… Đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi tiếng xương con bé gãy vụn…”, cả khán phòng lặng đi trước lời khai của nhân chứng. (Theo tường thuật của VnExpress.net).

Tác giả bài viết: Cam Vũ