EURO KHÔNG PHẢI LÀ ĐẦU TƯ HIỆU QUẢ
- Thứ năm - 07/06/2012 13:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Về mặt kinh tế, đăng cai Giải Vô địch Bóng đá Châu Âu không phải là một thương vụ đầu tư tốt, ít nhất là theo một phân tích được đưa ra mới đây.
Sverrir Svensson, nhân viên Saxo Bank - một hãng đầu tư toàn cầu đặt trụ sở tại Đan Mạch - cho rằng, có vẻ như các chính khách và lãnh đạo địa phương đã phóng đại những kết quả kinh tế của các sự kiện thể thao lớn, như Thế vận hội, hoặc các giải vô địch Châu Âu, thế giới, để chứng tỏ cái lý của việc họ đứng ra tổ chức.
Theo Svensson, rất nhiều khoản đầu tư tốn kém có liên quan đến những sự kiện trên - như phát triển hệ thống đường sá và đường sắt, hoặc xây dựng sân vận động - không hề được hoàn vốn về mặt tài chính. Một ví dụ: hai nước Ba Lan và Ukraine đã xây mới, cũng như tu sửa 8 sân vận động để phục vụ kỳ EURO 2012 với tổng chi phí là 2,335 tỉ EURO, nhưng doanh thu từ bán vé sẽ không đạt mức 150 triệu. Sverrir Svensson cho rằng nếu tính thêm khoản tiêu pha tại sân vận động của các CVĐ nữa - mỗi người sẽ chi một khoản tiền tương đương giá vé mà họ đã mua - thì khoản bội chi vẫn là chừng 2 tỉ EURO.
Phân tích trên cũng cho thấy Ba Lan và Ukraine đã bỏ ra chừng 25 tỉ EURO (Ba Lan 16 tỉ và 9 Ukraine tỉ) để phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ EURO 2012. Tác giả thừa nhận rằng, cho dù các đề án đầu tư không được hoàn vốn về mặt tài chính đi nữa thì nhờ đó, rất nhiều người có công ăn việc làm và trong số đó, không ít người vẫn giữ được việc sau khi giải đã kết thúc. Ngoài ra, xét về dài hạn, những đề án phát triển là cần thiết đối với toàn thể đất nước - kể cả những nơi không diễn ra các trận thi đấu vì thông qua đó hệ thống giao thông được hỗ trợ, cuộc sống đời thường của người dân được cải thiện. Sverrir Svensson nhấn mạnh: EURO 2012 là một dịp, một cái cớ tốt cho chính phủ hai nước đăng cai để họ bắt tay vào các đề án phát triển.
Nam Phi, nước chủ nhà kỳ World Cup 2010 được coi là một ví dụ điển hình, khi những đề án đầu tư lớn không được hoàn vốn. Đất nước này đã bỏ ra 40 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng theo các tính toán khác nhau thì họ chỉ thu lại được 7,6-21,3 tỉ. Sverrir Svensson giải thích thêm: sở dĩ có khoảng cách rất lớn giữa hai con số vì tùy tùng góc nhìn, cái gì có thể coi là liên quan tới sự kiện World Cup, nhưng tác giả khẳng định: dầu sao đi nữa, cũng chỉ một phần nhỏ các đầu tư được hoàn vốn.
Liên quan tới vấn đề tài chính của kỳ EURO này, các nhà phân tích của tập đoàn Erste Bank (Áo) cũng đưa ra một số dữ liệu. Theo họ, hai nước Ba Lan và Ukraine đã chi tổng cộng 30,3 tỉ Euro (Ba Lan 20 tỉ và Ukraine 10,3 tỉ) trong quá trình chuẩn bị cho Giải Vô địch Châu Âu năm nay - trong đó, 90% được dùng để phát triển và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng. Bù lại, hai nước có thể đón 1 triệu du khách và mỗi “fan” tới xem EURO 2012 có thể “lai vãng” tại các hiện trường trung bình 3-4 ngày, chi tiêu tổng cộng chừng 800 triệu EURO.