Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


EU: KHẢ NĂNG XIN TỴ NẠN VÌ LÀ NGƯỜI ĐỒNG TÍNH

(NCTG) Người nhập cư đồng tính có thể được quy chế tỵ nạn nhân đạo tại Liên hiệp Châu Âu mà không cần thông qua sự kiểm tra y tế, căn cứ một nghị quyết của Ủy ban Châu Âu, theo đó cần tôn trọng nhân phẩm trong mọi trường hợp.
11 11

11 11

Liên quan tới vấn đề này, euronews.com đưa tin rằng tại Hà Lan, đơn xin quy chế tỵ nạn theo hướng này của ba người đàn ông đã bị bác vì họ không chứng tỏ được mình là người đồng tính. Một câu hỏi được đặt ra: làm sao xác nhận được ai đó là đồng tính?

Đứng trên góc nhìn của chính quyền, đây là điều đáng lo ngại vì bất cứ người nhập cư nào cũng có thể khẳng định mình là người đồng tính để xin quy chế tỵ nạn, và nếu điều này trở thành một làn sóng thì quả thực là một vấn nạn.

Theo một nghị quyết trước đây của Ủy ban Châu Âu, những người nhập cư đồng tính có thể được nhận quy chế tỵ nạn tại EU nếu có thể lo ngại một cách có cơ sở rằng tại quê hương họ, họ bị tù đày vì thiên hướng tính dục này.

Để hiểu được quyết định trên, cần biết rằng quyền tỵ nạn được xem như một trong những quyền cơ bản của con người: theo Điều 14 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền thì mọi người đều có quyền xin tỵ nạn và hưởng tỵ nạn để tránh sự truy bức, ngược đãi.

Cụ thể, khoản 1 điều 14 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tìm kiếm và hưởng tỵ nạn ở nước khác khi bị ngược đãi”. Những lý do đặt cơ sở cho việc xin quy chế tỵ nạn được quy định tại điểm 1A của Công ước năm 1951 của Liên Hiệp Quốc về vị thế của người tỵ nạn.

Theo đó, một người có thể được hưởng quy chế tỵ nạn tại một quốc gia không phải là đất nước mà người đó mang quốc tịch, nếu chứng tỏ được “nỗi sợ hãi có cơ sở là bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, hoặc do là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó, hay vì quan điểm chính trị”.

Người đồng tính có thể coi là “thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó” và nếu nhóm đó bị phân biệt đối xử, ngược đãi tại quê hương vì thiên hướng tính dục này thì các thành viên có quyền xin tỵ nạn tại mảnh đất mới mà họ đặt chân tới.

Tác giả bài viết: Trần Lê