Đức Giáo hoàng Phanxicô: “TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU Ở TRÊN CON THUYỀN ẤY”
- Chủ nhật - 29/03/2020 18:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Chiều đã xuống”, “những bóng đen dày đặc” và “bão tố hung bạo vùi dập” là những hình ảnh ẩn dụ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng trong bài giảng đặc biệt ngày thứ Sáu 27-3 để chỉ đại dịch Covid-19. Lễ cầu nguyện diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống vắng, trong tiết trời lạnh lẽo và mưa dầm.
Cũng trong dịp này, Đức Giáo hoàng Phaxicô cũng ban Phép Lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” - “Cho thành Roma và toàn thế giới”. Đó là lễ chúc lành đặc biệt cho các tín hữu Công giáo và toàn thế giới giữa cơn đại dịch đang hoành hành trên nước Ý, và rất nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử Giáo hội, theo cái nhìn của giới nghiên cứu Thần học.
Trong bài giảng, Đức Giáo hoàng nhắc tới cuộc sống phù du, ồn ào nhưng hời hợt, bề ngoài của nhân loại, “ham hố lợi lộc, để cho mình bị vật chất thu hút mất và bị choáng váng vì vội vã”, “không thức tỉnh trước những chiến tranh và bất công trên thế giới”, “không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất của chúng con đang bị bệnh nặng”, “tiếp tục tiến bước không chút sợ hãi, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh”.
Ngài đưa ra một lời khuyến dụ: trong cảnh “lo sợ và ngỡ ngàng”, trong “sự im lặng gây choáng váng và một sự trống rỗng thê lương” vì bệnh dịch, cần phải lựa chọn giữa cuộc sống đó và sự phụng sự, “cầu nguyện và phục vụ âm thầm” trong tinh thần huynh đệ. Bởi vì, tất cả đều phải nhận ra, “mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau”.
“Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định, “chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau”. Và Ngài ngợi ca những tấm gương của thời hiện tại, “những người thường - những người thường bị quên lãng, không được báo chí nói đến, không xuất hiện trong những cuộc biểu dương mới nhất, nhưng chắc chắn, họ đang viết lên những biến cố quan trọng ngày nay”.
Đó là “bao nhiêu bạn đồng hành gương mẫu, trong sợ hãi, họ đã phản ứng bằng cách hiến mạng sống mình”, là “các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người giúp việc gia đình, các nhân viên chuyên chở, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nữ tu và bao nhiêu người khác đã hiểu rằng không ai tự cứu thoát một mình”. “Bao nhiêu người hằng ngày thực hành kiên nhẫn và đổ tràn hy vọng, chú tâm không gieo rắc kinh hoàng nhưng gieo vãi tinh thần đồng trách nhiệm”.
Trong bài giảng, Đức Giáo hoàng nhắc tới cuộc sống phù du, ồn ào nhưng hời hợt, bề ngoài của nhân loại, “ham hố lợi lộc, để cho mình bị vật chất thu hút mất và bị choáng váng vì vội vã”, “không thức tỉnh trước những chiến tranh và bất công trên thế giới”, “không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất của chúng con đang bị bệnh nặng”, “tiếp tục tiến bước không chút sợ hãi, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh”.
Ngài đưa ra một lời khuyến dụ: trong cảnh “lo sợ và ngỡ ngàng”, trong “sự im lặng gây choáng váng và một sự trống rỗng thê lương” vì bệnh dịch, cần phải lựa chọn giữa cuộc sống đó và sự phụng sự, “cầu nguyện và phục vụ âm thầm” trong tinh thần huynh đệ. Bởi vì, tất cả đều phải nhận ra, “mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau”.
“Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định, “chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau”. Và Ngài ngợi ca những tấm gương của thời hiện tại, “những người thường - những người thường bị quên lãng, không được báo chí nói đến, không xuất hiện trong những cuộc biểu dương mới nhất, nhưng chắc chắn, họ đang viết lên những biến cố quan trọng ngày nay”.
Đó là “bao nhiêu bạn đồng hành gương mẫu, trong sợ hãi, họ đã phản ứng bằng cách hiến mạng sống mình”, là “các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người giúp việc gia đình, các nhân viên chuyên chở, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nữ tu và bao nhiêu người khác đã hiểu rằng không ai tự cứu thoát một mình”. “Bao nhiêu người hằng ngày thực hành kiên nhẫn và đổ tràn hy vọng, chú tâm không gieo rắc kinh hoàng nhưng gieo vãi tinh thần đồng trách nhiệm”.
Gọi đó là “sức mạnh tác động được Thánh Linh đổ xuống và nhào nặn thành những sự hiến thân can đảm và quảng đại”, Đức Giáo hoàng vinh danh “bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà, giáo chức, chỉ cho các trẻ em chúng con, - qua những cử chỉ bé nhỏ và thường nhật, - cách thức đương đầu và vượt thắng một cuộc khủng hoảng, bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và khích lệ cầu nguyện. Bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hy sinh và chuyển cầu cho ích chung của tất cả mọi người”.
“Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài giảng trước cửa Đại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ngôi đền đã phải đóng cửa từ nhiều tuần này vì dịch bệnh. Cạnh đó là Cây Thánh giá Linh thiêng được đưa khỏi Nhà thờ San Marcello al Corso ngày 25-3 và mang tới Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp Đức Giáo hoàng Phanxicô xin ơn chấm dứt cơn dịch bệnh Covid-19.
Cây Thánh giá này còn nguyên vẹn sau vụ cháy nhà thờ ngày 23-5-1519 khiến mọi vật bị thiêu rụi, và do đó được người dân Roma tôn kínhh. Gần ba năm sau, khi thành Roma bị bệnh dịch hạch hoành hành, Thánh giá được rước tu viện của Dòng các tôi tớ Đức Maria ở Via del Corso đến Quảng trường Thánh Phêrô, dừng lại ở mỗi khu phố của thành Roma. Theo ghi nhận, cuộc rước kéo dài 16 ngày, và khi cây Thánh giá được trả lại thì bệnh dịch biến mất khỏi Roma.
Kể từ đó, mỗi dịp Năm Thánh Thành Roma (chừng 50 năm một lần), cây Thánh giá Linh thiêng lại được rước đến Quảng trường Thánh Phêrô và tất cả các vị Giáo hoàng tham dự đoàn rước đều được ghi danh trên Thánh Giá. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ nhị là vị Giáo hoàng cuối cùng được khắc tên trên Thánh giá, trong dịp “Lễ Tha Thứ” của Năm Thánh 2000. Trong dịp này, sự xuất hiện của cây Thánh giá là vô cùng đặc biệt, trong cảnh tĩnh lặng của Tòa Thánh.
Lễ ban Phép Lành Toàn Xá lịch sử ngày 27-3 diễn ra trên Quảng trường Thánh Phêrô không một bóng người: Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện hồi lâu trong thinh lặng, chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi và chim hải âu. “Urbi et Orbi” là nghi lễ thường chỉ được tổ chức vào những dịp trọng đại, hoặc các mùa Giáng sinh và Phục sinh. Trong lần này, không chỉ ban phép lành, Đức Giáo hoàng Phanxicô còn nhắc nhắc nhiều đến những sai sót, thương tổn tiềm ẩn của con người.
Covid-19 đã “vạch trần sự dễ thương tổn”, “cho thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi”, cho thấy “chúng ta đã lơ là và bỏ qua điều nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn”, theo Ngài. “Bão tố để lộ tất cả những chủ tâm “gói lại” và quên đi những gì đã nuôi dưỡng cái hồn của các dân tộc chúng ta; tất cả những toan tính gây mê với những tập quán có vẻ là “cứu thoát”, nhưng không có khả năng tham chiếu những căn cội và nhắc nhớ tới các vị tiền bối của chúng ta”.
“Chúng ta không còn khả năng miễn dịch cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh”. Đồng thời, “bão tố cũng làm rơi mất những mánh khóe chúng ta dùng để ngụy trang “cái tôi” của chúng ta”. Trong nghịch cảnh ấy, con người cần làm gì? Cần “thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau”, “đón nhận thời điểm thử thách này như “một thời điểm chọn lựa”: “điều gì đáng kể và điều gì chóng qua, tách biệt điều cần thiết ra khỏi điều không cần”.
Củng cố lại “sức mạnh của đức tin, giải thoát khỏi sợ hãi và mang lại hy vọng” là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến các tín hữu. “Tìm lại can đảm mở ra những không gian, trong đó tất cả mọi người đều có thể cảm thấy được kêu gọi và thực hiện những hình thức mới của lòng hiếu khách, tình huynh đệ và liên đới”, tìm đến “sự cứu cuộc”, “hoa tiêu”, “chữa lành và ấp ủ” trong thập giá của Đức Chúa trời - đó là lời kêu gọi của người đứng đầu Giáo hội Hoàn vũ hôm 27-3.
Một cách bình tâm, có thể coi bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những phát biểu quan trọng, thâm trầm, sâu sắc và có ý nghĩa nhất của thế kỷ 21, tính cho đến nay!
(*) Các trích đoạn trong bài này được trích từ “Toàn văn bài giảng của Đức Thánh cha trong buổi cầu nguyện đặc biệt chiều tối 27-3-2020” (Ban Việt ngữ, Đài Chân lý Á Châu).