Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ÐẠI DỰ ÁN KHAI THÁC VÀNG TẠI ROMANIA GÂY NHIỀU QUAN NGẠI Ở ÐÔNG ÂU

Những ngày qua, công luận Châu Âu và đặc biệt là những nước có liên quan trong khu vực Ðông - Trung Âu lại nóng lên với tin, trong vòng vài tháng tới, chính phủ Romania sẽ có những bước quyết định trong việc cấp phép khai thác vàng ở vùng Roşia Montană.

Một vùng quê với những giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên quý giá có thể sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn...


Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là mỏ vàng lộ thiên lớn nhất ở Châu Âu mà sự hoạt động của nó đi kèm những quan ngại lớn, không chỉ vì dự án này sẽ tàn phá mọi giá trị văn hóa, lịch sử trong vùng, mà còn vì chất cyanide dùng trong công nghệ chiết xuất vàng từ quặng mỏ còn có thể gây hại khôn lường về mặt môi trường.

Vùng đất “vàng” của Romania

Roşia Montană (tiếng Hungary là Verespatak) là một làng nhỏ vùng sơn cước có lịch sử hết sức lâu đời, từng thuộc Vương quốc Hungary cho đến năm 1920 trước khi được sáp nhập vào Romania theo Hiệp định Hòa bình Trianon chấm dứt Ðệ nhị Thế chiến.

Tại đây, vào thế kỷ thứ 4-5 trước CN, cư dân đã bắt đầu khai thác vàng. Một mỏ vàng từ thời cổ đại La Mã với hệ thống hành lang như mê lộ - có tới 150 bậc thang xuống sâu dưới lòng đất - cho đến nay vẫn tồn tại như một bảo tàng viện, chứng tỏ lịch sử khai thác vàng ở quy mô lớn trên hơn 20 thế kỷ tại vùng đất này.

Ngoài trữ lượng vàng và bạc rất lớn (ước tính chừng 330 tấn vàng và 1.200 tấn bạc) luôn hấp dẫn các nhà đầu tư, Roşia Montană còn là một địa phương giữ được những giá trị văn hóa và kiến trúc cổ truyền nhất ở Romania, với nhiều di tích lịch sử gần 2 ngàn năm tuổi được đáng giá là ở tầm vóc di sản thế giới.

Bên cạnh đó, phong cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất này còn có thể biến Roşia Montană thành một điểm đến du lịch tiềm ẩn, nếu không có sự xuất hiện của những nhà đầu tư cách đây 1 thập niên...

Ðại dự án “thế kỷ”

Cuối thập niên 90 thế kỷ trước, một tập đoàn Romania - Canada (mang tên EUROGOLD) đề xuất một đại dự án nhắm biến Roşia Montană trở thành nơi khai thác vàng trên mặt đất lớn nhất Châu Âu, nhưng cái giá phải trả là một diện tích chừng 16km2 sẽ hoàn toàn bị biến đổi.

Theo dự án, chừng 2 ngàn cư dân trong vùng sẽ phải chuyển đi nơi khác. Tất cả nhà cửa cũ cùng những di sản vô giá - như 4 nhà thờ, nghĩa trang, nhiều di tích kiến trúc cổ từ thời La Mã và 5 rặng núi - sẽ bị phá hủy hoàn toàn trong vòng 15 năm, với tiến độ là 20 tấn thuốc nổ dinamit được sử dụng mỗi ngày.


Có thể cứu Roşia Montană khỏi đại dự án khai thác vàng?

Sử dụng công nghệ dùng chất cyanide với một lượng đáng kể là 40 tấn mỗi ngày, các nhà đầu tư dự kiến sẽ xây dựng một hồ chứa khổng lồ với diện tích 800 héc-ta, có vách ngăn cao 180 m, để chứa nước thải công nghiệp có nhiễm chất cyanide. Hồ chứa này, theo các tính toán, có thể chứa được gấp 100 lần lượng nước thải tại vùng mỏ ở Baia Mare (Nagybánya trong tiếng Hungary), đã gây thảm họa sinh thái trầm trọng tại 2 con sông Tisza và Szamos cách đây 10 năm.

Ðại dự án này chỉ được dự thảo trong vòng 15 năm và những tác hại môi trường mà nó gây ra và để lại sau đó là không thể lường trước được. Cho dù chưa được chính thức cấp phép, các nhà đầu tư đã đàm phán để mua lại nhiều khu nhà trong vùng để phá và chuẩn bị tiến hành dự án được coi là sẽ mang lại công ăn việc làm cho chừng 250 nhân công và sử dụng một diện tích gần 43km2.

Phản ứng của công luận

Ngay từ khi các nhà đầu tư đệ đơn xin giấp phép, đại dự án nói trên đã gặp phải sự phản đối gay gắt của công luận Romania và Châu Âu. Chương trình di dân theo dự kiến bị coi là đi ngược lại với khoản 8 Công ước Châu Âu về Nhân quyền mà Romania đã phê chuẩn.

Một thăm dò dư luận trên OTV, kênh truyền hình hàng đầu của Romania mang lại kết quả là 95% số người gọi điện thoại về tòa soạn bày tỏ ý kiến phản đối dự án. Cũng trong thời gian đó, 23 ngàn chữ ký đã được thu thập để kêu gọi chính quyền không cấp phép cho dự án.

Các tổ chức bảo vệ môi trường thì để tâm đến khía cạnh phá hoại môi sinh của dự án. Hành động phản đối ngoạn mục nhất diễn ra vào sáng 17-7-2004, khi 4 nhà leo núi Romania đã trèo lên đỉnh núi cao nhất Châu Âu tại biên giới Pháp-Ý và ở độ cao 4.807m, họ đã chăng một biểu ngữ kêu gọi hãy cứu vùng đất Roşia Montană.

Nhiều giáo hội lịch sử tại Romania, trong đó có Giáo hội Chính thống giáo Romania, đã ra tuyên bố từ rất sớm để bác bỏ các dự án khai thác vàng. Trong số các tổ chức chính trị quốc tế, Liên minh các Ðảng Xanh Châu Âu cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước sự nguy hiểm của dự án.

Ðặc biệt, chính phủ và cư dân Hungary - một nước láng giềng từng chịu những hậu quả thảm khốc của thảm họa sinh thái cyanide có nguồn gốc từ mỏ Romania - ngay từ năm 2005 đã lên tiếng phản đối kế hoạch khai thác ở vùng Roşia Montană.

Trước sự phản ứng gay gắt của công luận, năm 2005, một tòa án ở Romania đã rút mọi giấy phép đã được cấp cho các nhà đầu tư và do đó, tập đoàn khai thác vàng không thể xúc tiến việc xin giấy phép quan trọng nhất, là giấy phép về môi trường.

Cuộc chiến giằng co trên chính trường

Năm 2007, Bộ Môi trường Romania cũng tạm ngừng nghiên cứu về tác động tới môi trường của đại dự án, kể từ đó, việc tiến hành dự án bị đình chỉ. Một phần của vùng Roşia Montană đã bị phá hủy trong những năm tháng trước đó, nay biến thành “vùng đất chết”, 80% cư dân lâm vào cảnh thất nghiệp, nhưng tác hại về sinh thái và môi trường tính đến đầu năm 2009 cũng đã đạt mức tối thiểu là 260 triệu Euro.


Roşia Montană đã bị tàn phá nặng nề mặc dù đại dự án của tập đoàn Gold Co. chưa hề được cấp phép


Bên cạnh đó, mùa hè năm ngoái, Nghị viện Châu Âu cũng đã thông qua một đề xuất của hai dân biểu Hungary và Romania, theo đó, cùng lắm là cho đến cuối năm 2011, Ủy ban Châu Âu cần ra những biện pháp cấm sự thực hiện công nghệ cyanide trong ngành khai thác mỏ trên toàn bộ lãnh thổ Châu Âu.

Tuy nhiên, do có thế lực và được chính phủ Canada ủng hộ, tập đoàn đầu tư vẫn theo đuổi mục đích của mình với mục đích khai thác trữ lượng rất lớn vàng và bạc dưới lòng đất. Mặt khác, Nhà nước Romania, bên nắm giữ cổ phần gần 20% trong đại dự án này, cũng không thể bỏ qua những nguồn lợi mà họ có thể có được khi kế hoạch khai thác được thực hiện.

Diễn biến mới nhất diễn ra hôm thứ Năm 11-8 vừa qua, khi Chính phủ Romania tuyên bố trong vòng vài tháng tới, nội các nước này sẽ ra quyết định về bản báo cáo tác động môi trường của đại dự án, trong khi nước láng giềng Hungary vẫn phản đối việc sử dụng cyanide trong công nghệ mỏ.

Trả lời phỏng vấn giới truyền thông, Bộ trưởng Môi trường Romania Borbély László trấn an rằng chính phủ nước này chỉ chấp thuận bản báo cáo nếu các nhà đầu tư chứng tỏ được rằng họ đã thật tôn trọng tuân thủ các quy định của EU và không gây tổn hại cho môi trường.

Vị bộ trưởng cũng nói thêm: ông đề nghị tập đoàn khai thác vàng phải giảm nồng độ chất cyanide trong dung dịch được đưa vào bể chứa ở mức không còn có thể đo được nó! Ngoài ra, chính quyền Romania cũng đòi hỏi rằng càng sớm càng tốt, phải có một quỹ riêng để giữ khoản tiền được dành cho quá trình hoàn thổ sau này.

Hiểm họa cyanide vẫn lơ lửng

Tuy nhiên, ông Borbély László còn thổ lộ rằng, cho dù cẩn trọng như vậy, nhưng thực ra Ủy ban Châu Âu cũng chưa quan tâm tới vấn đề cấm kỹ nghệ sử dụng chất cyanide và theo lời ông, “bất cứ quốc gia nào cũng phải quan tâm tới việc khai thác nếu có trữ lượng 300 tấn vàng”, nhất là khi ở vùng Roşia Montană, việc khai thác vàng đã có từ 2.000 năm nay.

Ðiều đó có nghĩa là lợi ích kinh tế vẫn được nhiều chính phủ lưu tâm ngay cả trong những dự án hàm chứa nhiều hiểm họa môi trường như ở Romania. Tại Châu Âu, Cộng hòa Czech, Ðức và Hungary đã cấm, nhưng các nước như Vương quốc Anh, Thụy Ðiển và Tây Ban Nha vẫn cho phép sử dụng công nghệ cyanide, cho dù những tai nạn lớn vẫn thường xuyên xảy ra.

Cyanide là nguyên vật liệu cần thiết trong công nghệ tách các kim loại quý và kim loại màu từ quặng mỏ và hiện tại, nó chỉ là một trong những công nghệ tách vàng ròng - nhưng xét về những hậu quả có thể xảy ra, nó thuộc hành những công nghệ nguy hiểm nhất. Ngay tại Romania, ngoài vùng Roşia Montană thì ở nhiều địa điểm khác cũng đang có những kế hoạch khai thác tương tự, sử dụng công nghệ cyanide.

Mặc dù, trong số 30 tai nạn nghiêm trọng trong vòng 25 năm qua do dung dịch chứa cyanide bị rò rỉ và tràn bể, thì thảm họa lớn nhất là do nước này gây ra đầu năm 2000, khiến vài trăm ngàn m3 nước thải chứa hàng trăm tấn cyanide và các kim loại nặng tràn vào hai dòng sông ở Hungary, gây hậu quả khủng khiếp, tàn phá hệ thống môi trường một vùng rộng lớn dọc theo ba quốc gia Hungary, Romania và Serbia...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest