Dấu ấn quê hương: NGÕ GẠCH VÀ HANOI BOUTIQUE
- Thứ bảy - 13/07/2013 00:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG ) “Tôi đặc biệt thích nhúng tay, rửa mặt ở cái giếng nước trong vắt ấy như ngày xưa mỗi lần về thăm quê, tôi lại được vục mặt vào chậu nước giếng thơi trong mát của bà nội” - cảm nhận của một người Việt sống xa quê khi tìm lại được ký ức thời ấu thơ ngay tại phố cổ Hà Thành.
Bậc cửa Hanoi Boutique
Ngõ Gạch là một trong những phố cổ ở Hà Nội, có chiều dài chừng hơn trăm mét. Cuối phố có đình Thanh Hà – ngôi đình cổ mang phong cách nghệ thuật điêu khắc từ thời nhà Nguyễn. Giữa phố là Hanoi Boutique được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp thuộc địa - Đông Dương. Nếu như kiến trúc đình Thanh Hà được tạo dựng từ bàn tay các nghệ nhân dân gian thì Hanoi Boutique lại được thiết kế bởi một “tổng công trình sư” không bằng cấp. Đó là câu chuyện tôi muốn kể ở đây.
Giếng xưa với người nay...
Tôi xa Hà Nội chưa lâu nhưng đủ để nhớ nó đến nghẹn thở. Nhớ mưa phùn lướt thướt vương trên những chùm hoa sưa trắng muốt. Nhớ cái ồn ào, ẩm ướt trong những con phố cổ chật hẹp. Nhớ những chiều heo may se lạnh bên tách cà phê rả rích với bạn bè…
Chiều nay, tôi trở về Hà Nội, trời cũng lất phất mưa. Tôi bắt chiếc taxi đi lòng vòng quanh phố cổ một hồi, rồi dừng lại trước Hanoi Boutique. Tôi chậm rãi bước vào bên trong và nhìn thấy một phụ nữ mặc bộ đồ lụa màu đen, cách tân. Chị vấn tóc gọn gàng, để lộ đôi vai thuôn mềm. Trông chị như những thiếu nữ Hà Nội cổ.
Chị ngồi trên chiếc ghế gỗ nhẵn bóng tay vịn, bên cạnh là những chiếc gối lụa màu đen và đỏ. Ánh sáng vàng, ấm từ chao đèn hắt lên khuôn mặt đài các, khiến chị càng thêm rạng rỡ. Đôi mắt chị như biết nói. Vừa thấy tôi bước vào, chị ngước lên cất tiếng chào, rồi nhẹ nhàng ra mở cửa. Chị mời tôi uống trà và thân tình hỏi han về một chuyến bay xa. Trong câu chuyện chúng tôi mới biết mình từng là đồng hương của nhau.
Thấy tôi có vẻ muốn ngó nghiêng nơi tạm trú của mình trong thời gian lưu lại Hà Nội, chị dẫn tôi đi xem khuôn viên, gồm 40 phòng, có cả nhà hàng, bar và khu spa (bể jacuzzi)… Tất cả các kiến trúc, vật dụng đều được thiết kế theo phong cách Pháp thuộc địa - Đông Dương, kết hợp với kiến trúc Việt cổ. “Em có thấy những viên gạch dưới chân đây không, chúng thô nhám chứ không phẳng lì đâu nhé. Cái rào đồng kia, cái ghế gỗ này… tất cả sản phẩm trong nhà đều được các nghệ nhân làm đấy em ạ”- chị giới thiệu.
Tôi đặc biệt chú ý đến cái giếng khơi trong vắt giữa ngôi nhà và tò mò hỏi. Chị kể, lúc khởi công Hanoi Boutique, các cụ trong phố đã kéo đến đề nghị Ban quản lý: “Các anh, các chị hãy cố giữ lại cái giếng này để làm kỷ niệm. Vì nó đã cung cấp nước ăn cho bao nhiêu hộ gia đình ở khu Ngõ Gạch này từ đời cha ông chúng tôi rồi”. Một cụ già đã đến tuổi xưa nay hiếm, nói với chị: “Từ lúc tôi biết nhận thức thì đã thấy có cái giếng này rồi. Lúc nào nó cũng đầy nước và trong vắt. Ngay cả mùa hạn hán, Hà Nội nháo nhào vì thiếu nước thì cái giếng này vẫn đầy ắp”.
Có cụ lại bảo: “Vì có cái giếng gạch này mà người ta quen gọi tên ngõ này là Ngõ Gạch”. Cũng có ý kiến cho rằng cái giếng này được các nhà phong thủy cho xây cùng thời với cái giếng cổ ở đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm), tượng trưng cho hai mắt rồng. Miệng giếng rộng 88cm, theo quan niệm của dân gian đó là con số đẹp.
Giếng cổ trong khuôn viên Hanoi Boutique
Tôi ngó mặt xuống giếng, thấy thành giếng được xếp bằng gạch rất độc đáo khác với những cái giếng thơi ở quê tôi. Nhưng bây giờ, kể từ sau khi quê tôi chuyển sang dùng nước máy thì chuyện về những cái giếng đó đã như là câu chuyện của dĩ vãng. Thật may mắn, khuôn viên này của chị vẫn còn giữ được cái giếng xưa. Lòng giếng còn giữ được nguyên bản, nước trong và đầy ắp, khiến tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ trong bài “Giếng thơi” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
“Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng.
... Giếng ấy thanh tân ai cũng biết,
Đố ai dám thả nạ dòng dòng”.
Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng.
... Giếng ấy thanh tân ai cũng biết,
Đố ai dám thả nạ dòng dòng”.
Đến bây giờ, chị và Ban quản lý Hanoi Boutique vẫn đang tìm kiếm tư liệu về cái giếng này, hy vọng độc giả hoặc nhà khoa học nào đó khi đọc bài này, có được thông tin về những chiếc giếng cổ Việt Nam thì cho chị xin làm tư liệu, “để nó có thể được ghi tên, tuổi rõ ràng...”.
“Tổng công trình sư” không bằng cấp
Quay trở lại với chị, chị tên là Thùy Dương. Gần hai mươi năm trước chị tốt nghiệp khoa Tiếng Anh trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Chưa từng học qua một trường lớp kiến trúc nào nhưng chị có thể “giảng giải” về kiến trúc Pháp thuộc địa - Đông Dương y như người trong nghề. Chị tâm sự: “Hanoi Boutique giống như đứa con đẻ của tôi. Vì nó mà tôi đã đọc không biết bao nhiêu tài liệu kiến trúc của Pháp. Sau cùng tôi quyết định chọn kiến trúc Pháp thuộc địa - Đông Dương những năm 1950, kết hợp với kiến trúc Việt cổ để tạo nên sự ấm áp, gần gũi cho Hanoi Boutique giữa lòng phố cổ”.
Nghe chị say sưa kể, tôi chợt nhớ đến nữ nhân vật chính trong bộ phim “Luật sư không bằng cấp” (Legally Blonde) của Hollywood. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ thông điệp tích cực mà bộ phim đã gửi đến giới trẻ một thời. Đôi khi, người ta không cần phải có bằng cấp mà vẫn có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình tâm huyết, như những tên tuổi nổi tiếng Bill Gates, Michael Dell, Steve Jobs... Tôi gọi đùa chị là “tổng công trình sư không bằng cấp”, khiến chị ngại ngùng.
Người đi, kẻ đến với Hanoi Boutique rất nhiều. Đa số là khách nước ngoài. Họ hầu như đều có ấn tượng tốt về nơi đây, thể hiện ở việc họ thường quay trở lại ngôi nhà này mỗi khi có dịp đến Việt Nam. Còn tôi được bạn bè giới thiệu nên tò mò đến nghỉ lần đầu. Quả thấy Hanoi Boutique ấm áp, tinh tế và dễ chịu, đúng như miêu tả của bạn tôi. Tôi đặc biệt thích nhúng tay, rửa mặt ở cái giếng nước trong vắt ấy như ngày xưa mỗi lần về thăm quê, tôi lại được vục mặt vào chậu nước giếng thơi trong mát của bà nội.
Hà Nội mùa ẩm ướt
Tôi trở về Hà Nội lần này đúng vào mùa mưa ẩm ướt nhưng bên trong Hanoi Boutique lại khô cong như ở trời Âu. Cái máy sưởi mini vừa vặn tạo hơi ấm cho căn phòng. Trong phòng có cả một phòng nhỏ dùng để thay đồ. Có ngăn phòng và giường riêng cho em bé... Không gian trong phòng yên tĩnh, thoáng đãng, khiến chúng tôi có cảm giác thư thái như đang ở nhà. Nhất là vào ban đêm hơi nước bốc lên từ cái giếng thơi sâu thẳm (giữa khoảng giếng trời trong ngôi nhà), mát lạnh, gợi cho tôi những cảm xúc về làng quê thôn dã. Những cảm xúc thật khó gặp khi nghỉ ngơi giữa chốn thị thành.
Chồng tôi chỉ có một thắc mắc nho nhỏ về những bức ảnh Hà Nội cổ. Những dòng chữ chú thích phía dưới được viết tay nắn nót bằng mực bút máy màu xanh nhưng lại không giới thiệu xuất xứ tác giả. Tôi cũng có một cảm giác thiếu thiếu chút gì đó. Hóa ra, mấy ngày ở đó tôi chưa nghe thấy âm điệu dìu dặt của “phố nhỏ, ngõ nhỏ…”, mà toàn là những bản nhạc kinh điển của Châu Âu. Tôi đem những thắc mắc đó nói với chị Thùy Dương. Chị vui mừng cảm ơn chúng tôi và hẹn lần sau chúng tôi về thì sẽ khác.
Hành lang Hanoi Boutique
Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy rất sớm để ra sân bay, trong khi “phố nhỏ, ngõ nhỏ...” vẫn còn đang trong cơn ngái ngủ. Vài ba quán ăn vỉa hè đã bắt đầu lục tục mở hàng. Trời lại lất phất mưa. Ngồi trong taxi cậu con trai bé bỏng của tôi chốc chốc ngoái nhìn ra phố, vẻ mặt cu cậu dường như còn thoáng đọng chút háo hức, lạ lẫm như lúc vừa đặt chân đến đây...