Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


DUNG DƯỠNG NỘI DUNG HẰN THÙ, LÃNH ĐẠO FACEBOOK CÓ THỂ BỊ RA TÒA

(NCTG) Cơ quan tư pháp Đức đang xem xét để thụ lý một đơn kiện “sếp” của tập đoàn Facebook (FB) Mark Zuckerberg vì lý do mạng FB không chịu xóa những bài viết mang tính kích động thù hận, và đây là điều vi phạm luật pháp Đức.
Minh họa: Internet
Việc cấm đoán hay cho phép những phát ngôn mang tính kích động hằn thù (hates peech) là một trong những vấn đề khó quyết định nhất của tự do ngôn luận, nhưng tại nước Đức - cũng như cấm phủ nhận holocaust - pháp luật cấm phát ngôn hằn thù, kể cả trên mạng Internet.

Theo tin của tờ “Tấm gương” (Spiegel), Chan-jo Jun - một luật sư ở München đã đệ đơn kiện Tổng giám đốc FB Mark Zuckerberg cùng một số lãnh đạo khác của tập đoàn này vì theo ông, FB dung dưỡng cho những nội dung cổ vũ phân biệt chủng tộc, bài xích Do Thái và kích động bạo lực.

Vị luật sư này cho rằng FB thường không xóa những nội dung đó ngay cả khi đã bị người sử dụng phản ảnh: trong 54% các trường hợp, người sử dụng chỉ nhận được một tin nhắn tự động vô thưởng vô phạt từ FB, theo đó nội dung theo họ là có hại, thì thực ra vô hại với cách nhìn của FB.

Được biết, năm ngoái, một đơn kiện tương tự đã được đệ lên Tòa ở Hamburg, nhưng khi đó cơ quan tư pháp Đức cho rằng FB không thuộc hệ thống luật Đức, nên việc khởi tố điều tra đã không được diễn ra. Tuy nhiên, trong trường hợp mới đây, công tố viện München đã có ý kiến khác.

Trong đơn kiện, luật sư Jun đã đưa ra một danh sách gồm 438 bài viết trên FB mà theo ông, có thể xếp vào hàng những phát biểu thù hận và vi phạm luật pháp Đức. Tình hình còn tệ hơn nhiều trong trường hợp mạng Twitter: chỉ có 1% số những phát biểu thù hận được phát giác bị xóa.

Hiện tại, Phát ngôn viên của FB đang đề nghị được cho thời gian để xem xét tình hình và họ sẽ ra thông cáo nếu thấy cần thiết. Cần nhắc lại là vào tháng 2-2016, chính vị CEO của FB đã đưa ra thông điệp hứa hẹn rằng tập đoàn này sẽ hợp tác với nước Đức để chống lại những phát ngôn thù hận.

Cuộc chiến pháp luật giữa tập đoàn FB và nhà nước Đức quanh vấn đề tự do ngôn luận sở dĩ mang thời sự tính như vậy, chính là bởi làn sóng tỵ nạn tràn ngập nước Đức và Châu Âu trong năm ngoái. Tại Đức, theo nhận xét của chính quyền, sự hằn thù gia tăng đáng kể trên mạng Internet.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Tòa án Đức đã tỏ ra rất nghiêm khắc khi tuyên bản án tù giam (có hiệu lực pháp luật) 1,5 năm cho một người đàn ông vì tội kích động hằn thù nhằm vào dân tỵ nạn, Do Thái và người ngoại quốc nói chung.

Lãnh đạo Đức còn cho rằng, cần trừng phạt cả những trang mạng dung dưỡng những nội dung hằn thù như thế. Khoản tiền phạt 50 ngàn Euro được cho là có thể, nếu trong vòng một tuần người quản lý trang mạng hoặc diễn đàn không xóa những nội dung phạm luật khi đã được thông báo.

Bên cạnh đó, các mạng tin trên mạng còn có thể bị buộc phải bồi thường tiền cho nạn nhân của sự hằn thù, theo dự định của Ban lãnh đạo chính trí nước này. Bởi lẽ, các vụ án hình sự nhằm vào người tỵ nạn nhiều khi là kết quả của những hành vi cực đoan, quá khích trên các mạng xã hội.

Liên quan tới sự kích động hằn thù mang xu hướng cực hữu trên mạng Internet, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thomas de Maiziere từng nhấn mạnh: cần tôn trọng những quy định đạo đức là nền tảng của xã hội Đức, “cả ngoài đời lẫn trên mạng”, và “không thể có những lĩnh vực đứng ngoài luật”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp, theo index.hu