ĐỪNG ĐỂ TRANH CHẤP ẢNH HƯỞNG ĐẠI SỰ!
- Thứ bảy - 21/08/2010 10:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tàu sân bay USS George Washington (Mỹ) thăm Đà Nẵng, đánh dấu một bước tiến mới trong “cuộc so găng” giữa Trung Nam Hải và Tòa Bạch Ốc - Ảnh: Trung Nghĩa (“Tuổi Trẻ”)
Mỹ và Trung Quốc là những nước lớn trong thế giới ngày nay. Washinton là siêu cường nhưng địa vị bị xói mòn ngày một đáng ngại. Bắc Kinh là đại cường, sức mạnh “cứng” và quyền lực “mềm” của con Rồng này đang lan tỏa khắp mọi nơi trên quả địa cầu. Trước đây, có lúc thế giới những tưởng hai thế lực nhất nhì hành tinh này sẽ bắt tay nhau và “Chimerica” là bản “hòa tấu” vĩ đại. Hiện nay “cuộc so găng” giữa hai lực sĩ này đang vào hồi gay cấn.
Gánh nặng trên vai các cường quốc
Xem ra, cả hai nước lớn này đang gấp rút điều chỉnh cách thức thể hiện quyền lực toàn cầu của mỗi bên. Khi mới lên nắm quyền, Obama đã tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc, coi trọng “can dự”, xem nhẹ “bao vây”. Nâng “đối thoại kinh tế chiến lược” thành “đối thoại về chiến lược và kinh tế”, thúc đẩy “tái bảo đảm chiến lược” đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, thái độ này của Mỹ đã bị Trung Quốc coi là biểu hiện của sự yếu đuối.
Và Bắc Kinh đã đối xử lạnh nhạt với Obama trong chuyến thăm Trung Quốc (năm 2009), chỉ trích trực diện Mỹ tại Hội nghị biến đổi khí hậu Copenhagen. Nhiều sự cố khác đã xảy ra như tranh chấp quanh vụ Google, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tàu chiến Chonan Hàn Quốc bị đánh chìm, các cuộc tập trận lớn của mỗi bên và cuối cùng là “cuộc khẩu chiến” xung quanh Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Chưa rõ Biển Đông đã là giọt nước tràn đầy cốc nước hay chưa?
Nhưng những sự kiện nói trên đều có ảnh hưởng sâu xa đối với cục diện Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Khách quan mà nói cũng khó quy trách nhiệm cho một bên duy nhất nào về những sự rạn nứt ấy trong quan hệ Trung - Mỹ. Bởi lẽ đơn giản, mỗi nước lớn, ở đây là siêu cường Mỹ và đại cường Trung Quốc đều vác trên vai họ “cây thánh giá” trên con đường thập tự chinh của bất cứ nước nào muốn làm chủ soái trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay.
Có lẽ không nên “ghen tỵ” với các nước lớn. Địa vị của họ nhiều khi không dễ chịu chút nào. Chưa kịp rút quân tác chiến khỏi Iraq, Mỹ và NATO phải dồn sức cho Afganistan, đồng thời lo áp sát lực lượng gần Trung Quốc từ phía Tây. Ngay cả việc Nga tham gia NATO cũng không chỉ khiến Đông Âu lo ngại mà còn buộc Trung Quốc phải xem lại chiến lược an ninh. Vì một khối quân sự đối thủ dọc biên giới phía Bắc không phải là điều Bắc Kinh mong muốn.
Có phải vì thế mà Trung Quốc từ chỗ “giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu”, gần đây đã có những hành động trên thế mạnh. Sự trỗi dậy của phái diều hâu trong quân đội Trung Quốc cho thấy lời giáo huấn trước đây của Đặng Tiểu Bình đã bị bỏ qua. Và thay đổi rõ rệt nhất trong chính sách nước lớn của TQ là thái độ liên tục phô trương sức mạnh quân sự tại Biển Đông và ngư dân Quảng Ngãi của Việt Nam là những nạn nhân đầu tiên của chính sách pháo hạm này.
Để biến đại sự thành tiểu sự
Trung Quốc cao hứng coi Biển Đông nằm trong “lợi ích cốt lõi” của mình, cùng ngang hàng với vấn đề Đài Loan và Tân Cương thì Mỹ cũng công khai tuyên bố tại Diễn đàn ASEAN rằng việc giải quyết tranh chấp Biển Đông là “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Vấn đề Biển Đông, xuất phát từ sứ mệnh “kẻ cả” của hai nước lớn, tự nó trở thành vấn đề đại sự. Ở đây, không thể có việc Việt Nam hay ASEAN “xúi giục” ai đó để quốc tế hóa Biển Đông.
Khi Mỹ không để Trung Quốc múa gậy vườn hoang trên Biển Đông, thì như một xu thế tất yếu, nhiều nước châu Á ủng hộ lập trường của Mỹ (chứ không chỉ một mình Việt Nam đâu nhé!). Nhật Bản có những động thái xích lại gần Mỹ hơn, Hàn Quốc rút lại quyền chỉ huy quân sự thời chiến (do Mỹ định trao trả), Indonesia công khai đòi Mỹ phải có vai trò trong vấn đề Biển Đông, Lý Quang Diệu kêu gọi Mỹ phải giữ địa vị siêu cường tại khu vực. Và mới đây nhất đã diễn ra cuộc đối thoại quốc phòng Việt-Mỹ đầu tiên cấp Thứ trưởng!
Bằng hành động, các nước đua nhau tăng cường tiềm lực quân sự. Indonesia, Malaysia sắm thêm tàu ngầm loại mới, Úc mua thêm 9 tàu ngầm và 100 máy bay chiến đấu F35 của Mỹ. Việt Nam cũng sắm thêm 6 tàu ngầm Kilo và 12 máy bay chiến đấu SU30 của Nga…Trước đây, ASEAN vốn là một khối đôi khi vẫn có những biểu hiện “đồng sàng dị mộng”. Nhưng từ Hội nghị Shangri-La và nhất là sau ARF-17, các nước thành viên hợp tác với nhau nhiều hơn.
Trước tình hình này, một số báo chí và học giả Trung Quốc không ngừng nêu kiến nghị, thảo luận xem có nên “dạy cho Việt Nam một bài học” (“Đại công báo” ngày 18-8) để “nghiêm khắc trừng phạt những hành vi sai trái (?) của Việt Nam”? Quan điểm này cho rằng, đánh Việt Nam không chỉ có tác dụng cảnh cáo các nước có mưu đồ ở Biển Đông mà còn thể hiện được “hình ảnh kiên nghị” (?) của Trung Quốc.
Ý kiến trên cũng trăn trở vì nhớ lại “cuộc chiến tranh Trung-Việt” năm 1979 thì một cuộc chạm trán lần này khó có thể kết thúc chóng vánh. Nếu xẩy ra chiến sự, Mỹ và các nước khác có thể tranh thủ “can dự”, khiến tình hình càng thêm nguy hiểm. Trong bối cảnh các nước lớn trên thế giới đều có “quan hệ đối tác” với Việt Nam, nếu hành động vũ lực của Trung Quốc không gặt hái được thắng lợi nhanh thì khả năng xung đột giữa Trung Quốc với các nước phương Tây có khả năng lan rộng.
Chúng ta có thể nhắc thêm cho con cháu Mạnh Tử một giáo huấn của tiền nhân khi đại biểu xuất sắc này của Nho giáo thời chiến quốc răn dạy: “Duy nhân giả vi năng dĩ đại sự tiểu”, nghĩa là chỉ có những việc làm của người nhân đức mới có thể biến việc lớn thành việc nhỏ. Việc Trung Quốc có thể trở thành siêu cường vào giữa thế kỷ có thể là khó tin nhưng cũng có thể là một thực tế khó tránh. Đó mới là đại chiến lược của nước Trung Hoa mới!
(*) Bài viết đã đăng trên “Sài Gòn Tiếp Thị”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.