Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


DỰ BÁO ĐỂ MỞ RỘNG TẦM NHÌN, CÓ ĐỐI SÁCH PHÙ HỢP

(NCTG) Khi nhìn nhận lại những dự đoán về thế kỷ XX, TS. Đinh Hoàng Thắng cho biết một kết cục đáng tiếc là phần lớn các dự đoán đã không chính xác, thậm chí là rất xa so với thực tế. Chẳng hạn, bước vào thế kỷ XX, các nhà tương lai học từng cho rằng, Châu Âu sẽ thống trị thế giới trong hòa bình (!). Tuy thế, trong bối cảnh có nhiều bất trắc của thập kỷ tới, dự báo vẫn là công tác khoa học cực kỳ cần thiết và chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu.

TS. Đinh Hoàng Thắng thuyết trình tại hội thảo

Như NCTG đã đưa tin, trong khuôn khổ quá trình chuẩn bị cho cuốn sách “Tầm nhìn 2020”, do Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức hôm nay (5-3) tại Hà Nội, TS. Khoa học Chính trị Đinh Hoàng Thắng đã trình bày báo cáo “Một vài vấn đề về cục diện thế giới 2025”.

Ngay từ đầu, bản báo cáo đã thu hút sự chú ý của khá đông cử tọa tới dự cuộc hội thảo, nhờ ba nội dung hứa hẹn nhiều hấp dẫn: Nhìn lại những dự đoán trước đây về thế kỷ 20; cục diện thế giới từ nay đến năm 2025 – các vấn đề và những kịch bản của tương lai; những gợi ý về xuất bản sách nghiên cứu quốc tế.

Khi nhìn nhận lại những dự đoán về thế kỷ XX, TS. Đinh Hoàng Thắng cho biết một kết cục đáng tiếc là phần lớn các dự đoán đã sai, thậm chí sai rất xa so với thực tế. Chẳng hạn, các nhà tương lai học từng cho rằng năm 1900, Châu Âu sẽ thống trị thế giới trong hòa bình. Trên thực tế, 1900 – năm cuối cùng của thế kỷ XIX - là ngưỡng cửa cho hành tinh bước vào một thế kỷ đầy xung đột và mâu thuẫn về ý thức hệ. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một vài đóng góp tích cực, đó là các nhà dự báo đã nhận ra những tranh chấp, xung đột của nửa đầu thế kỷ XX đều có liên quan đến sự thống nhất của nước Đức.

Phần được nhiều khán thính giả kỳ vọng nhất trong bản tham luận của ông Đinh Hoàng Thắng, cũng là phần kéo dài nhất, chi tiết nhất, là nội dung bàn về “cục diện thế giới từ nay đến năm 2025”. Diễn giả tổng hợp và công bố các dự báo mang tính chắc chắn (tương đối) của các nhà khoa học về thế giới năm 2025, chẳng hạn: một hệ thống đa cực toàn cầu sẽ xuất hiện (thay vì lưỡng cực như cuối thế kỷ XX hay đơn cực như khi bước vào thế kỷ XI), sự chuyển dịch của cải từ phương Đông sang phương Tây.

Nhiều dự báo đặc biệt đáng chú ý, như việc Hoa Kỳ vẫn sẽ là siêu cường mặc dù không gian tự do hành động có thể bị thu hẹp lại, các nước dân số trẻ (như Việt Nam) sẽ phát triển, khí hậu tiếp tục biến đổi và nạn khủng bố sẽ không biến mất do nguy cơ xung đột vẫn tiềm tàng. Thế giới sẽ vẫn phồn vinh về kinh tế và chính điều đó gây một áp lực lên lương thực và tài nguyên, khiến đổi mới công nghệ trở thành bắt buộc.

Ông Đinh Hoàng Thắng cho hay: trong chính trị quốc tế tới đây sẽ xuất hiện nhiều cụm, lắm mảng: BIRC (tức bốn nước Brazil, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc), Châu Mỹ Latin, khối ASEAN và nhóm Next 11 (N11), tức là 11 nước sẽ nổi lên tiếp theo, trong đó có Việt Nam. (…) . Quá trình “trỗi dậy” của một số chủ thể này, có khi là các diễn viên “phi quốc gia” thường gây “sốc”, nhất là sự trỗi dậy của cặp Chindia (Trung Quốc và Ấn Độ). Tâm trạng bất an này là có thật vì những ý đồ muốn thay thế cấu trúc quyền lực hiện đang an bài bằng một cấu trúc khác. Cuộc “thao diễn tứ cường” (một bên là Mỹ và bên kia là 3 nước Trung, Ấn, Nhật có mang lại một “bản hòa tấu mới ở Châu Á” hay sẽ châm ngòi cho một Cuộc chiến tranh Lạnh mới trong khu vực vẫn là một phương trình nhiều ẩn số.

Đáng chú ý là, “tại các nước Đông Nam Á, một phong trào dân tộc sẽ nổi lên, xuất phát từ mâu thuẫn nội tại của khu vực và nhằm mục đích tranh chấp chủ quyền hải đảo, đất liền”. Trong quá trình va chạm giữa các làn sóng dân tộc ở mỗi quốc gia này, nước nhỏ cũng sẽ buộc phải khẳng định bản sắc để có thể đứng vững và gây sự thu hút đối với thế giới.

Không những thế, ông Thắng nhấn mạnh rằng, chỉ có một chính sách đối ngoại khôn ngoan mới có thể làm cho các nước vừa và nhỏ không biến thành những quân cờ trong ván bài giữa các cường quốc. Việt Nam nên nhìn các nước vừa và nhỏ xung quanh mình, cùng với những giá trị truyền thống của nền ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để có những kế sách phù hợp. Việc nắm bắt đúng xu thế, kiến tạo được các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn là một cách tốt nhất để phát huy bản lĩnh Việt Nam.

Hội thảo thành công với một cử tọa gồm những thành phần chọn lọc

Theo bà Nguyễn Phương Loan, chuyên viên của NXB Tri Thức, đơn vị đồng tổ chức hội thảo, buổi seminar kéo dài từ 14h đến 17h30 đã thành công vượt dự kiến cả về lượng lẫn chất. Đặc biệt là phần giao lưu giữa diễn giả TS. Đinh Hoàng Thắng - cựu sinh viên Đại học Tổng hợp ELTE và nghiên cứu sinh Đại học Kinh tế Budapest - với một số cử tọa chọn lọc và được coi là ưu tuyển (elite).

TS Đinh Hoàng Thắng kết thúc phần hỏi – đáp trong sự tiếc nuối của cử tọa: “Dự báo khoa học, nhất là dự báo về cục diện thế giới, như một mặt cắt tại một thời điểm nhất định của “trật tự toàn cầu” là một việc rất khó khăn. Bởi vì bản thân hệ thống quốc tế vốn biến động và biến đổi không ngừng.

Hơn thế nữa, cộng đồng quốc tế (nhất là các nhà khoa học chính trị thuộc mọi trường phái) cũng đang hết sức cố gắng nắm bắt, nghiên cứu, tìm kiếm từ hàng chục năm nay cái hình hài của trật tự đó, nhưng dường như chưa mấy ai dám nói là đã thành công.

Nhưng người ta không thể không nghiên cứu, không thể ngưng dự báo tình hình. Không đoán định được tương lai thì tương lai của mình, của dân tộc mình dễ trở thành tương lai của người khác, của dân tộc khác, mà đó là điều tối kỵ trong quan hệ quốc tế”.

Trước đó, cùng “mạch” này với diễn giả, TS. Hoàng Khắc Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đã bổ sung thêm các ý nghĩa thực tiễn của dự báo quốc tế. Theo TS Nam, ngoài chủ nghĩa kiến tạo (hiện thực địa-chính trị, chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa toàn cầu), chúng ta nên mở rộng thêm và nâng cao hơn trí tưởng tượng, tầm nhìn (vision) và sự sáng tạo trong các kịch bản dự báo là những điều mà chúng ta thường hay thấy thiếu vắng trong các công trình nghiên cứu.

TS. Hoàng Khắc Nam nhấn mạnh thêm vai trò của các chủ thể phi-quốc gia trong hệ thống quốc tế tương lai, nhất là của các lực lượng bảo vệ môi trường như các Đảng Xanh ở Tây Bắc Âu. Theo TS, đấy rất có thể là những thế lực sẽ hội tụ đủ phương tiện và sức mạnh của các công dân toàn cầu và chính họ, chứ không phải ai khác sẽ có khả năng làm thay đổi một số nội hàm trong cấu trúc tạo nên địa-chính trị trong những kỷ nguyên tới đây.

Giám đốc NXB Tri Thức, GS. TS Chu Hảo cho biết: hội thảo chiều nay được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi seminar chuẩn bị cho cuốn sách “Tầm nhìn 2020” đang được tiến hành. Trong “chiến dịch” làm sách đó - nhằm mục đích “cung cấp những tri thức nền quan trọng nhất trong kho tàng tri thức của nhân loại” (tôn chỉ của NXB) - các nhà nghiên cứu được đào tạo tại Hungary đã “nổ” nhiều phát súng đầu tiên khá dòn.

Không kể đến mấy chục đầu sách do TS. Nguyễn Quang A dịch ròng rã hơn chục năm qua, cũng tại khán phòng này của NXB, TS. Giáp Văn Chung mới đây cũng đã có buổi giới thiệu rất thành công nhân dịp ra mắt cuốn “Những người Hungary đoạt giải Nobel”.

Tại seminar, có dịp gặp lại khá nhiều khuôn mặt quen thuộc, từng là cựu nghiên cứu sinh và sinh viên được “đúc” tại “lò” đào tạo Hungary như TS. Nguyễn Quang A, TS. Vũ Hoài Chương, nhà báo, dịch giả Nguyễn Võ Lệ Hà (hiện làm tại báo “Phụ Nữ Việt Nam”), chúng tôi rất xúc động và đã thay mặt NCTG chia vui với TS. Đinh Hoàng Thắng nhân buổi hội thảo khoa học này.

*

Trước khi chia tay, TS. Đinh Hoàng Thắng - người luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với “các cư dân” từ Hungary về - đã dành riêng cho độc giả NCTG một cuộc phỏng vấn đặc biệt (exclusive interview). Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc báo!

Thay mặt độc giả của NCTG, nhiệt liệt chúc mừng ông”tái xuất” và chúc mừng seminar vì thực sự hội thảo đã rất thành công! Chúng tôi đã kịp thăm dò Ban Tổ chức và căn cứ vào cảm nhận của chính bản thân, cũng như thông qua các câu hỏi và bình luận từ cử tọa trong gần một giờ đồng hồ của phần hỏi – đáp. Thế còn ý kiến ông?

Tôi cho rằng cử tọa hôm nay thật đặc biệt! Trước hết, như chị cũng thấy, đa phần anh chị em tuy đều là các nghiên cứu viên độc lập thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng lại rất quan tâm đến một khoa học thật ra chưa hẳn đã gần gũi/quen thuộc với chuyên môn của họ. Điều này phát lộ rằng nghiên cứu quốc tế thực sự là một khoa học liên ngành ngày càng được sự quan tâm không chỉ của công chúng, mà cả của giới chuyên môn nữa.

Trong phần báo cáo, chúng tôi thấy diễn giả không đồng ý với ý kiến của một GS. TS khi ông này cho rằng khó có thể áp dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên vào nghiên cứu khoa học xã hội, nhất lại là xã hội học về quan hệ quốc tế. Tại sao?

Đơn giản vì khi tôi áp dụng các khái niệm, các phương pháp liên ngành, tôi thấy rất hữu dụng.

Vâng, nhưng xin ông một vài ví dụ cụ thể?

Khi nghiên cứu các quan hệ song phương giữa các nước, để chỉ đúng bản chất phức tạp, đa chiều của mối quan hệ quốc tế, người ta có thể sử dụng cụm từ “các mối quan hệ đó là những ngẫu lực”.

Ngẫu lực là một hiện tượng vật lý. Trong chuyên môn hẹp, người ta dùng để mô tả hiện tượng hai đối lực song song, luôn cách nhau bởi khoảng cáchh và tạo ra một mô-men xoắn đa chiều, quay quanh trục (mô-men xoắn đặc trưng cho khả năng chịu tải tức thời của động cơ và bên cạnh công suất, nó là một thông số dùng để mô tả động cơ); và điều thú vị là, mô-men xoắn được tạo ra bởi ngẫu lực là một chuyển động có hướng, giá trị thu được tùy thuộc vào hệ quy chiếu.

Tất cả những điều này thích hợp để mô tả bản chất các mối liên hệ vừa có “cạnh tranh”, vừa phải “hợp tác” giống như mọi cặp tay đôi, tay ba trong quan hệ quốc tế.

Trở lại với khoa học dự báo, chúng tôi đã được đọc trả lời phỏng vấn của ông trên mạng tin “VietNamNet” về quan hệ Việt-Mỹ, trong đó ông có đưa ra dự đoán là việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ có thể diễn ra trong năm nay nhân dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ song phương.

Ngoài ra, ông còn bình luận thêm rằng sự nâng cấp như vậy sẽ là một thông điệp rõ rệt nhất gửi ra cho thế giới để bên ngoài thấy được sự đoàn kết trên dưới một lòng và sự đồng thuận trong ngoài một ý của những con dân đất Việt mỗi khi thời thế thay đổi.

Ông trích dẫn nhiều tuyên bố từ phía Mỹ để hỗ trợ cho lập luận này, nhưng còn từ phía các nhà chức trách Việt Nam, thưa ông?

Từng làm tư vấn dưới thời một số ngoại trưởng, tôi còn nhớ vừa mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao được mấy tháng, ông Nguyễn Mạnh Cầm đã bảo đảm với phía Mỹ về ý chí chính trị của chính phủ Việt Nam, dành cho quan hệ Việt-Mỹ một vị trí xứng đáng trong toàn bộ chính sách đối ngoại của mình.

Kế tiếp, năm 2003, tại các cuộc gặp lãnh đạo Chính quyền và Quốc hội Mỹ ở Washington, Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên đã khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ xây dựng một khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài vì lợi ích rộng lớn của nhân dân hai nước và vì lợi ích hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương.

Năm vừa qua, chính Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm đã chia sẻ với báo giới, Việt Nam tiếp tục cam kết của lãnh đạo hai nước, kiến lập mối quan hệ mang tính xây dựng, hữu nghị, nhiều mặt, lâu dài, vì lợi ích của hai nước. Hai nước hợp tác không chỉ về các vấn đề kinh tế và thương mại, mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh.

Những tuyên bố trên không phải là những cam kết cá nhân, mang tính thời vụ của các vị ngoại trưởng. Đó là những tuyên bố ở cấp chính sách, phản ánh tính liên tục, tính tiếp nối của một chủ trương nhất quán, lâu bền xuất phát trước hết từ lợi ích quốc gia, từ nhân tố “gặp thời thế, thế thời phải thế”, nhưng đồng thời có tính kỹ tới những đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực Đông Nam Á, nhất là vào thời điểm Việt Nam lại đang làm Chủ tịch ASEAN.

NCTG xin cám ơn ông!

Tác giả bài viết: Bài: Minh Trang - Phỏng vấn: Lê Na - Ảnh: Bích Ngọc, từ Hà Nội