Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


DƯ ÂM TẾT

(NCTG) “Tôi chợt nghĩ: đúng thật chẳng phải Tết là quan trọng, mà cái chính là khi con tim đã thấy nhớ nhà, nhớ gia đình người thân thì phải về thôi”.


Năm nay nhà tôi không có kế hoạch về Việt Nam trong dịp Tết. Cuộc sống bên Châu Âu sau đợt nghỉ Noel, Tết Tây lại quay về nhịp sống hối hả: lái xe đi làm, đón con ở trường, nấu nướng ở nhà… và thấy thời gian trôi đi thật nhanh.

Cũng không hiểu tại sao năm nay mùa đông thời tiết ấm áp cứ như sắp sang xuân. Bất ngờ trên đường đi học về cậu con trai tôi nói: “Mẹ ơi con nhớ bà và nhớ nhà”. “Nhà nào?”, tôi giật mình hỏi nó: “Mình đang ở nhà mình đây rồi còn gì. Hè mẹ sẽ cho về chơi với ông bà thoải mái”.

Cậu ta tỏ vẻ giận dỗi: “Nhà ở Việt Nam, con nhớ nhà í. Tận hè mới được về gặp ông bà à? Mẹ có biết từ giờ đến hè lâu như thế nào không? Mẹ có biết còn phải viết bao nhiêu bài kiểm tra nữa mới đến hè không?”. Tôi thôi không đôi co với nó nhưng cũng thấy chút gì đấy cấn cấn ở lồng ngực.

Nói chuyện qua skype với ông bà toàn nghe thấy: “Tết giờ cũng đơn giản con ạ, bố mẹ chẳng làm gì cầu kỳ mấy ngày Tết… mùa này bên đó chắc lạnh, nhớ giữ gìn sức khỏe cho bọn trẻ con nhé”. Tôi biết ông bà nhớ con nhớ cháu mà không dám nói ra. Rồi khi nhìn ảnh bàn thờ với những cành đào nắm chen lẫn hoa violet tím và lay-ơn, hình dung bóng dáng ông bà đêm 30 lủi thủi một mình với mâm cỗ cúng Tất niên lại thấy cay cay nơi sống mũi.

Tối đi ngủ vẫn luẩn quẩn trong đầu những nhắn tin của các bạn: “Tết này có về không đấy?”, rồi tiếng léo nhéo của con “chỉ năm nay mới có nghỉ đông đúng vào tuần lễ Tết mẹ ạ” và câu nói của ông bà “quan trọng gì cái Tết đâu con, đối với bố mẹ, khi nào bọn con về là coi như ăn Tết!”.

Nửa đêm tỉnh dậy tôi chợt nghĩ: đúng thật chẳng phải Tết là quan trọng, mà cái chính là khi con tim đã thấy nhớ nhà, nhớ gia đình người thân thì phải về thôi. Sáng ra tôi vội đặt vé và tối về trao đổi ý kiến với chồng nhuưng bị gạt phăng bởi lý do “không nằm trong kế hoạch và đảo lộn sinh hoạt của con cái”.

Biết có đấu tranh với chồng kiểu gì mình cũng hay bị đuối lý, tôi chỉ bảo anh ấy gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình ông nội đã nhiều tuổi. Hôm sau trước giờ đi làm thấy chồng vừa nói chuyện điện thoại, mắt vừa đỏ hoe, xịt mũi mất mấy cái khăn mùi xoa giấy… tôi hiểu ngay phải chuẩn bị sắp va-li.

Cả đi cả về trong vòng hai tuần, vẻn vẹn mười ngày ở nhà, quần áo vật dụng cá nhân của cả nhà bốn người vừa vào hai cái va-li kéo tay. Vậy mà chẳng hiểu sao lúc ra sân bay cân những bốn cái va-li to gửi hành lý đồ đạc quà cáp. Mấy mẹ con tôi bàn nhau giữ bí mật đến phút cuối để gây bất ngờ cho ông bà!

Chỉ một ngày bay thôi mà không gian dường như thay đổi hoàn toàn: thay bằng cái lạnh và gió của Châu Âu giữa mùa đông là nắng và bụi của Hà Nội, thay bằng những luồng xe xếp hàng ngăn nắp, cửa kính kéo cao, chẳng mấy nghe thấy tiếng động của xe bên cạnh là âm thanh chen lẫn của dòng người xối xả ngược xuôi chiều 27 Tết - tất cả đều mở toang, đều xít xịt vào nhau như có cảm giác có thể chạm vào người đi bên cạnh được.

 

Đi qua khu vực chợ hoa bán đổ, sao khung cảnh quen thuộc thế: cô lấy hoa đi bán rong dắt chiếc xe đạp chở hoa to ngút người qua đường, anh thanh niên hãnh diện chở cây quất, cành đào cao đến cả 2-3m sau xe máy, vừa lái vừa còng cả người lại để khỏi gẫy cành, em gái áp vào lưng người yêu, một tay ôm eo, một tay cầm cái cành đào rừng hoa nhỏ li ti, hai ông bà già đèo nhau đi mua được bó đào nắm mặt mày căng thẳng nép vào lề đường vì sợ bị đâm xe… Tiếng rao hàng, tiếng mặc cả, hỏi giá chào mời quện vào tiếng xe máy và còi xe hơi. Mặc dù cảm thấy thấm mệt của chuyến đi, tôi không thể nhắm mắt được dù một phút giữa không gian sống động xung quanh.

Về tới nhà ông bà ngoại, theo đúng “kịch bản” của con trai, một mình chồng tôi lên trước gặp ông bà, mở máy gọi điện báo tin cho ba mẹ con “bên kia” nhưng không hiểu sao “đường dây lại chưa nối được”. Năm phút sau đó có tiếng bấm chuông, ông ra mở cửa chỉ thấy mấy cái va-li ngoài hành lang và hai con tôi núp sau mảng tường nhẩy bổ ra chào ông rồi lao vào ôm chặt bà ở trong nhà. Giờ nhớ lại khuôn mặt mừng rỡ của ông và cảm giác ôm bà lúc đó mà tôi vẫn thấy tim đập mạnh. Sau kể với lũ bạn, chúng nó bảo: “May mà ông bà nhà mày huyết áp không cao!”.

Ngày 28, 29 Tết là ngày của anh em, họ hàng ríu rít, của “buôn chuyện”, kể lể, mua bán thêm đào, hoa, quất… Tôi được dắt vào làng Nhật Tân tận mắt xem nghề trồng đào, chăm đào truyền thống của người dân vùng này. Mấy năm gần đây, do nhu cầu đào Tết ngày càng nhiều, các luống đào ngày càng mở rộng bạt ngàn đua nhau khoe sắc đủ các thể loại từ đào phai đến đào đơn, đào kép - ấn tượng nhất là những cây đào thế có thân to đến cả hàng chục phân. Vài cô gái Hà thành duyên dáng trong vạt áo dài tạo dáng chụp ảnh. Thanh niên trong làng đố tìm ra được ai bởi đều đang mang đào ra phố bán. Lác đác vài ba ông bà già ở nhà trông xe và mấy cô gái mới lớn trông quán nước chè ven đường.

Chiều 30 Tết không gian như lắng xuống, chậm lại, cả Hà Nội như quay lại quang cảnh xưa. Đường phố vắng vẻ, ít tiếng động xe cộ, quán xa đóng cửa nên vỉa hè bỗng rộng thênh. Đi bộ dọc đường Lò Đúc tôi cảm giác như thời mình đi học cấp một vậy. Một chị mang cây quất vừa mua xong ra vỉa hè trồng vào cái chậu gốm, một chú gà trống mào đỏ oai phong chân bị buộc vào nan hoa chiếc xe máy, góc đường bác thợ cắt tóc vẫn hì hụi cạo nốt cái đầu cho cậu bé con trước khi xếp kéo về nhà… Uống một ly cà phê đá cuối cùng của năm và cắn tí tách mấy hạt hướng dương bên cái quán cóc ngay sau nhà. Thanh thản lạ lùng!

Đêm giao thừa Hà Nội bắn pháo hoa ở sáu địa điểm, nhưng có lẽ Bờ Hồ - Hoàn Kiếm vẫn là nơi tập trung nhiều người nhất. Từ 6-7 giờ tối đường đi bộ quanh hồ đã đông kín người đi xem hoa, xem đèn, xem hồ, xem không khí và… xem lẫn nhau. Các tốp thanh niên ăn mặc diện dắt tay nhau, cầm theo bóng bay đỏ hình trái tim. Nhiều cặp vợ chồng con cái, vợ vừa xoay thằng cu con đứng trước cầu Thê Húc đỏ cho chồng chụp ảnh vừa hét con giơ cao đồ chơi siêu nhân lên cho “oách”.

Cả các ông bà già cũng đi, lò dò được một lúc mệt lại chiếm cái ghế đá ngồi nghỉ. Du lịch “Tây ba lô”, quần ngắn, dép lê, áo phông cộc tay nổi bật ngay giữa rừng người Hà Nội áo khoác, áo gió, khăn quàng, mũ len. Khoảng gần mười giờ đêm, lượng người đông đến mức cứ đi thôi chứ chẳng nghĩ ngợi, ngó nghiêng được gì. May quá cả nhà tôi bắt được chiếc taxi về nhà an toàn.



Căn hộ của chúng tôi ở trên tầng 13, từ ban công nhìn rõ pháo hoa Bờ Hồ, thậm chí còn nghe được cả tiếng nổ. Tất nhiên trong đời không phải đây là lần đầu tôi được xem bắn pháo hoa, nhưng cảm giác chờ mong chùm pháo nổ lên lúc giao thừa cùng gia đình ở quê hương vẫn thấy thật hồi hộp và ấn tượng.

Trong khi bọn trẻ con hớn hở bình luận bông này to, bông kia cao hay chùm này mầu đẹp, hình kia ngôi sao… bố tôi nhắc lại khoảng khắc khi tôi sinh ra đời giờ này cách đây 41 năm, sau khi ký Hiệp định ngừng ném bom bắn phá Hà Nội xong, cũng có bắn pháo hoa. Bố mẹ cũng bế tôi ra ban công xem, mắt tôi chớp chớp ghê lắm, như thể tôi biết “mừng” quá vậy. Giờ đây cả gia đình chúng tôi ôm chặt lấy nhau và tôi biết chắc là tôi cảm thấy hạnh phúc lắm, mắt cũng chớp, nhưng để ngăn những giọt nước mắt chực trào ra!

Mồng một, mồng hai, mồng ba Tết, anh chị em họ hàng vừa gặp nhau ở nhà này lại hẹn đến nhà kia, một ngày không biết thắp hương đến bao lần và vái đến mấy bàn thờ. Nhà nào cũng từng đấy món bánh chưng, gà, măng, miến, bóng… thường ngày chẳng mấy khi thấy thèm, nhưng ngồi đông xì xụp với nhau lại thấy ngon và nhớ tới những năm Tết không về nhà lủi thủi đi làm rồi tự bầy mâm cúng.

Rồi chuyện trò rôm rả chia xẻ cái này cái kia. Cũng chẳng giúp nhau được gì, nhưng có lẽ được nói và được nghe cũng đã làm tinh thần phấn chấn hơn. Người vui nhất có lẽ là mẹ tôi nhìn đám con cháu trưởng thành ầm ầm ĩ ĩ xung quanh.

Năm nay bố chồng tôi tròn 90 tuổi, ông là nhà giáo nên đầu năm được các học trò phần lớn đã… hưu trí đến thăm. Dạo này ông yếu, lưng còng xuống nhiều, đi lại chậm chạp nhưng gặp lại trò cũ mắt vẫn sáng lên lạ thường. Thầy trò ôn lại những kỷ niệm từ thuở mấy chục năm trước.

Ông còn phàn nàn có những học trò ở xa, không đến thăm thầy được, chỉ viết thư chúc Tết thầy, nhưng “mỗi năm mỗi tuổi”, trò giờ đã già nên chữ viết run tay nguệch ngoạc quá, ông đọc không ra! Chao ôi, không biết một thời gian nữa khi cái thế hệ “thầy trò hưu trí” này ra khi hết, chẳng biết xã hội có còn chăng những tấm gương tình cảm thế này?

Hà Nội mấy ngày Tết không mưa phùn, không gió bấc, không lạnh. Qua mùng ba, quán xá mở lại đông nghịt người. Nhân có chút thời gian rỗi, vợ chồng tôi “trốn” ra cà phê vỉa hè theo đúng nghĩa của nó. Chúng tôi may mắn “chiếm” được hai cái ghế con dưới gốc cây xát ngay lòng đường Triệu Việt Vương.

Đang thưởng thức ly cà phê đá có một anh cu cỡ chừng hai ba tuổi được bố mẹ “chỉ đạo” cho ra đứng tè ngay bên cạnh. Không biết có phải ngượng vì thấy chúng tôi buồn cười quá và định chụp ảnh hay không mà đứng một lúc không “giải quyết” được, anh ta tần ngần đi vào ôm mẹ!

Ý nghĩ “chỉ còn có vài ngày nữa là đi mất rồi” khiến tôi lên ngay kế hoạch “sống gấp” đàn đúm với bạn này, lê la ở chỗ kia, ai cũng cố gắng gặp một chút, kể lể một chút, giờ chẳng nhớ đã nói những gì chỉ còn lại trong trí nhớ những nụ cười và những cái ôm chặt lúc chia tay. Bố mẹ tôi lại có dịp chuẩn bị gói gém những thứ “mang đi”: từ sách vở đến đồ ăn, hoa quả, chè, cà phê, hương trầm… tóm lại cái gì cũng thích để dùng và làm quà.

Tôi kẹp trong quyển sổ tay một bức ảnh đen trắng của bố tôi đưa trước giờ ra sân bay. Đó là bức ảnh thời bố tôi khoảng 6-7 tuổi, mặc quần sooc, chân đi tất trắng, đầu đội mũ bê-rê, đứng cùng với ông nội tôi mặc complet đen quần thẳng tắp, bế cô tôi còn rất bé trên tay cùng bà nội tóc vấn cao với khuôn mặt có chút trang điểm nên nét thật đậm đà, mặc áo dài bế một cô nữa.



Bức ảnh cả gia đình ánh lên vẻ đầm ấm trìu mến của sự đoàn tụ. Bố tôi nói đây là bức ảnh đầy đủ cả gia đình duy nhất vì sau đó khi ông tôi ra chiến trường và hy sinh, bà nội mất đi, mấy anh em mỗi người mỗi ngả chẳng còn có cơ hội bên nhau nữa…

Vâng, có lẽ mất mát lớn nhất là con người và món quà quí giá nhất cũng là con người. Sang lại Châu Âu, ôm tách trà xanh, nhâm nhi cái kẹo lạc và ngắm nhìn những bức ảnh chụp cùng gia đình, họ hàng, bạn bè… nhớ lại từng ánh mắt, nụ cười, câu nói, cảm giác thật hạnh phúc bên nhau, tôi mới thấm thía rằng cuộc đời quá ngắn ngủi, hãy tận dụng tối đa những “cơ hội bên nhau” để rồi khỏi ân hận sau này.

Nhận được dòng tin nhắn của bạn: “Sang đến nơi rồi à? Hết dư âm Tết chưa?”, tôi chợt bật cười. “Những gì đã khắc sâu vào trái tim rồi làm sao hết được nữa?”.

Tác giả bài viết: BS. Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 18-2-2014