ĐỌC BÁO, NGHĨ QUẨN
- Thứ năm - 16/12/2021 02:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Không thủng mấy anh báo viết lách loạng quạng, hay cố tình ngoáy đểu, giật tít, câu view” - tác giả Ngô Quý Dũng “điểm báo giùm bạn”.
Chuyện đảo Cô Tô
Một câu chuyện thơ mộng trong thiên tình phim “Blue Lagoon” (Eo biển xanh) chắc ai cũng biết và nhớ. Hai đứa trẻ đồng hành trên chiếc thuyền buồm bị gặp nạn giữa đại dương, may mắn dạt vào một hòn đảo hoang sơ, không người. Dần dần chúng lớn lên, trở thành thanh thiếu nữ và một tình yêu say đắm, mơ mộng đã nảy nở giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ, một kết thúc đầy lãng mạn.
Một câu chuyện thơ mộng trong thiên tình phim “Blue Lagoon” (Eo biển xanh) chắc ai cũng biết và nhớ. Hai đứa trẻ đồng hành trên chiếc thuyền buồm bị gặp nạn giữa đại dương, may mắn dạt vào một hòn đảo hoang sơ, không người. Dần dần chúng lớn lên, trở thành thanh thiếu nữ và một tình yêu say đắm, mơ mộng đã nảy nở giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ, một kết thúc đầy lãng mạn.
Nước ta có đảo Cô Tô, một trong những hòn đảo đẹp nhất miền Bắc. Trên đảo đó có anh bí thơ sáng sủa, đẹp trai và chị cán bộ xinh xắn, trẻ trung hiện cùng công tác. Biển xanh, cát trắng, không khí trong lành, ngày nào cũng “mát giời”, cho nên cái chuyện các bạn tây làm trên bờ cát vịnh Lagoon cũng được làm tại đây, chả có gì lạ.
Ấy thế mà hàng loạt các nhà báo xông vào, giật tít, viết ầm ầm, nào là anh bí thơ hiếp dâm chị các bộ, nào là công an bắt quả tang, giữ nguyên hiện trường không cho anh chị dời chỗ, cấm tiệt không cho ai đi tắm, nào là anh bí thơ rèn luyện mãi chưa đủ, ai đời đi làm cái việc theo đúng điều lệ là không được làm… ầm ĩ trên trang đầu các báo,và những bài báo ấy trở thành bài được ưa thích nhất, được đọc nhiều nhất.
Ôi giời, chả nhẽ cơm ngon của lạ trước mõm đấy lại bấm bụng nhịn, đồng hồ đang hừng hực chỉ 12 giờ nắng trưa nóng hầm hập đấy đùng cái lại bắt chuyển ngay sang 6 giờ chiều lạnh lẽo ỉu xìu, chả nhẽ khi nhận quyết định bí thơ anh ấy lại phải làm thêm cái lễ phóng sinh thả bay luôn chim về rừng à. Vô lý.
Tiên sư mấy anh nhà báo, chuyện um lên đến nông nỗi thế này chính là do các anh hết.
“Thánh rắc muối” vs “Bò dát vàng”
Cả tháng nay trên mạng, trên báo ỏm tỏi chuyện ăn thịt bò. Thật ra mọi việc đều đơn giản, có gì đâu, chuyện của anh bán hàng và kẻ mua hàng thôi mà.
Ai đã sang Thổ Nhĩ Kỳ đều có thể cảm nhận và khâm phục cách bán hàng, chào hàng của các anh Thổ. Một anh bán kem góc phố có thể làm đủ trò, nâng lên, đưa xuống, dí vào, quay vòng, giả đánh rơi cái miếng kem trước khi đưa cho khách, khiến người mua lẫn người đi đường có mấy phút vui, xem, cười nắc nẻ.
Một anh đẩy xe bán dưa chuột dạo ngoài phố, khi có người gọi lại mua, sẽ lấy quả dưa chuột ra một cách điệu đà, với con dao sắc bén anh quay 2 vòng rất ngoạn mục, và nửa phút sau bạn đã thấy quả dưa chuột được gọt vỏ sạch bong, cắm vào chiếc que, rắc vài hột muối và dí vào mồm bạn.
Nếu bạn tới quán bán trà Thổ, bạn có thể nhìn thấy anh Thổ nâng vọt cái bình trà lên, cách xa cái chén cả thước, mà vẫn rót nước trà vào cái chén nhỏ xíu một cách ngon lành, không đổ giọt nào. Và còn vân vân và vân vân các cái tài biểu diễn, hót dẻo, làm trò để bán hàng của muôn vàn các anh Thổ, vậy cho nên cái anh cu “rắc muối” kia cũng là thường thôi, không có gì phải cuống lên vậy, chả phải là thánh thần gì đâu, múa may để bán hàng thôi mà.
Còn cái anh mua hàng cũng vậy, có tiền thì tôi mua, tôi ăn thôi. Tối thứ Sáu nọ, anh Ba xích lô Sài Gòn kéo theo hai anh bạn vô quán nhậu. Anh cao giọng gọi con vịt quay da giòn, chai rượu đế và ba ly bia hơi. Đang ngồi nhậu zui zẻ, ảnh nghe mấy ông bàn bên nói ra nói vô: “Cha này đạp xích lô mà bày đặt nhậu vịt quay, mình có tiền đây mà chỉ dám gọi đĩa lòng nhỏ”.
Rượu vô, bia vào, anh Ba lớn tiếng nói khơi khơi: “Tau đạp rã cẳng hôm nay, đi hơn chục cuốc, giờ tau dư tiền vô đây nhậu cho vui. Tau mua đồ ăn đầy đủ cho vợ, con cái tau ở nhà rồi, hổng bỏ đói đứa nào. Anh chị em bà con ở quê xa có khó khăn gì kêu tau, tau đạp xe thêm giờ, gửi tiền giúp đỡ, hổng để đứa nào rách hết trơn. Mấy thằng bạn ngồi đây hổng có thằng nào xun xoe nịnh nọt để đi nhậu zới tau. Tiền mồ hôi nước mắt tau làm ra tau xài, tau hổng có ăn cắp, ăn cướp đồng nào của ai, tau ưng lên tao kêu bò dát vàng ăn cũng được nữa, mắc mớ gì mà tụi bay nói qua, ngó lại?”.
Ờ, mắc mớ gì mà báo chí nói qua, dòm lại. Nhưng đằng kia thì…
Chửi
Ngày còn nhỏ, tôi sống trong một khu tập thể cán bộ ở Hà Nội. Hồi đó thời bao cấp nghèo khổ lắm, cho nên ai cũng cố làm thêm chút gì để cải thiện cuộc sống, người chiếm đất trồng rau, người nuôi gà ngoài hành lang, người nuôi lợn trong nhà tắm…
Ở đâu cũng có người tốt, bọn xấu, kẻ cắp, bà già. Đêm đó có thằng nào bắt trộm của bà Tịu đôi gà mái, sáng ra bà ấy phát hiện, bà đứng vén cái quần lụa đen lên và bắt đầu bài chửi thằng trộm gà. Càng chửi, càng to, càng hay và trẻ con người lớn chúng tôi ra xem, nghe lại càng đông. Nhìn trên góc độ tâm lý học ngày nay thì bà đúng là một thuyết giảng viên, một nhà hùng biện đáng khâm phục.
Bài chửi của bà Tịu dài khoảng gần nửa tiếng, có đầy đủ mở bài “mẹ cha mấy thằng ăn trộm gà của bà”, thân bài rất phong phú và kết luận “chúng mày hóc xương gà hộc máu mà chết” đàng hoàng. Ai chúng ta cũng trải qua những lúc quá giận, huyết áp vọt lên muốn chửi mà không nghĩ ra chữ nào thật hay để nói, nhưng riêng bà Tịu thì giận đỏ mặt nhưng chửi rất trôi chảy.
Những câu chửi của bà thánh thót, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, đôi câu lại có vần như làm thơ là khác. Nhiều lãnh đạo ta cầm tờ giấy đọc lời phát biểu mà còn ấp a ấp úng, bà Tịu đây thì làm một mạch không giấy tờ mà đến người nghe, bọn trẻ con chúng tôi, không mất gà mà cũng thấy “bõ” trong bụng, chứng tỏ sự thuyết phục rất cao của bài chửi.
Vâng, bài chửi của CEO Phương Hằng với câu mở đầu ”quí zị” đầy chất Nam Bộ làm tôi gợi nhớ tới bài chửi trộm gà năm xưa của bà hàng xóm Tịu.
Nhưng thời nay có nét, có cam, có lai-chim hỗ trợ, nghe đâu có cả chuyên gia i-tờ (IT) tư vấn, bà ấy mạnh khỏe có sức chửi hai ba tiếng đồng hồ và có đội fan đông đảo người xem ở khắp cả nước quan tâm, nghe đâu nhiều nơi bỏ cả xem phim nhiều tập, chỉnh cả giờ ăn cơm, kê cả nghế ngoài sân để bà con hàng xóm cùng tới xem, cùng ghe chửi, những đoạn cao trào còn có cả khoái chí vỗ tay, còm, thả tim các loại vào nữa….
Ấy thế mà mấy anh nhà báo cũng liên tục đưa tin, giật tít, bỗng chốc sinh ra phong trào “Toàn dân hưởng ứng cuộc nghe-xem chửi”, sư bố các anh.
Còn bên bị chửi (showbiz) thì sao?
Đọc bài báo Lý Nhã Kỳ: “Mỗi đêm buồn tôi lại lấy hột xoàn ra đếm” lại nhớ chuyện cu Tý bị thầy giáo bắt tính nhẩm 5 + 5 là bao nhiêu. Cu ta kém toán, cho hai tay vào túi quần đếm, kết quả ra 11. Thầy giận, bắt đếm lại, cu ta đếm từ phải sang trái, rồi từ trái qua phải. mà kết quả vẫn nguyên 11, cuối cùng bị thầy bắt bỏ tay ra khỏi túi, đánh cho sưng vù lên, mới ra được con số 10.
Xinh đẹp, gợi cảm như em Kỳ, đêm buồn đáng lẽ phải có biết bao thứ khác hay hơn bỏ ra để đếm cho hết buồn, chứ lại hột xoàn, thế mà nhà báo nó lại phán là “dàn nghệ sĩ không khỏi bất ngờ và ngưỡng mộ”.
Đúng là TSB. các anh nhà báo viết ý rất đểu.
(Bài viết tặng sinh nhật 20 tuổi của báo “Nhịp cầu Thế giới”, nơi không có những cú giật tít kiểu thế này).
(*) Tác giả là cựu DHS Việt Nam tại Hungary, một cây bút lâu năm của NCTG.