Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


DIỄN BIẾN TRONG VỤ MỘT HÀNH KHÁCH CHUẨN BỊ KHIẾU KIỆN AIR FRANCE

(NCTG) Ngay sau khi sự việc một hành khách công bố sẽ đưa sự việc mình bị một số nhân viên Air France (AF) tại phi trường Tân Sơn Nhất “làm khó” lên IATA (Hiệp hội Vận tải Quôc tế) và các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã có nhiều diễn biến lý thú và bất ngờ diễn ra.

Hành khách Trần Thị Trúc Quỳnh

Chị Trần Thị Trúc Quỳnh, một sinh viên du học tại Đan Mạch, cho NCTG biết một số chi tiết “nóng hổi”. Chỉ đôi ba ngày sau khi NCTG và báo chí Việt Nam đăng tải về quyết định của chị, ông Louis Vergean, giám đốc chi nhánh AF tại Việt Nam, đã gọi điện sang Đan Mạch và trao đổi với… ông chủ nhà căn hộ nơi chị Quỳnh tá túc qua số điện thoại di động của ông này (mà không rõ tại sao AF lại có).

Được biết, dù không trực tiếp bàn bạc với “khổ chủ” (chị Quỳnh), nhưng ông Vergean cũng nói lời xin lỗi và cam kết AF sẽ không tái phạm những sai lầm tương tự với các khách hàng. Sau khi cung cấp số điện thoại di động riêng để khách hàng có thể “phản ánh” trực tiếp khi cần, ông Vergean tự đề xuất phương án bồi thường cho chị Quỳnh: 1 vé khứ hồi Copenhagen - TP HCM.

Ông chủ nhà, vì không có “chức năng” nhận lời, đã đề nghị giám đốc AF liên hệ trực tiếp với chị Quỳnh qua điện thư để đôi bên bàn cách thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo chị Quỳnh, lá thư điện tử (rất ngắn ngủi) của ông Louis Vergeon gửi ngày hôm sau cho chị lại “đơn phương” giảm mức bồi thường xuống 1 chiếc vé một chiều, và nghiễm nhiên coi như hai bên đã đồng thuận trong phương án bồi hoàn bằng hiện vật (vé máy bay) này!

Trong cuộc trao đổi với NCTG, chị Quỳnh cho hay: cung cách làm việc yếu kém về chuyên môn và vô cảm về con người của một số nhân viên AF tại Tân Sân Nhất đã gây cho chị (và gia đình) rất nhiều phiền phức và thiệt hại về tinh thần và vật chất. Đưa việc này ra trước công luận và các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài việc chờ đợi một giải pháp thỏa đáng từ chi nhánh AF tại Việt Nam, chị Quỳnh còn muốn tạo ra một tiền lệ cho các “Thương đế” có hướng lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng, khi họ bị các hãng cung cấp dịch vụ “hành”.

Tuy nhiên, theo chị, thái độ bất nhất và thiếu rõ ràng, minh bạch của đại diện AF khiến chị cảm thấy khó hiểu và không thể chấp nhận được. Vì thế, chị sẽ vẫn tiếp tục khiếu kiện AF như ý định ban đầu.

“Xung đột” - mà ban đầu không ít người cho là “châu chấu đá xe” - giữa chị Quỳnh và AF có thể sẽ còn phải kéo dài cho đến khi đạt được thỏa thuận, tuy nhiên, có thể thấy ngay một kết quả nhãn tiền: sự tham gia kịp thời của các cơ quan truyền thông, sự ủng hộ hiệu quả và nhiệt tình của các “công dân mạng” ít nhiều đã là yếu tố quan trọng, khiến AF có những phản hồi nhanh chóng, và có thể hy vọng rằng hãng này sẽ có những biện pháp để “khuyên bảo” nhân viên họ có cách hành xử chuyên nghiệp hơn, phải chăng và “lễ độ” hơn với khách hàng, trong tương lai!

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn