Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐÈN ĐỎ ĐÈN XANH VÀ LŨ MÙ MÀU

(NCTG) Một ngày, trung bình tại thủ đô Budapest, người ta tiêu tốn chừng 40.000 lít xăng (!) trong lúc... đứng chờ đèn đỏ. Vì thế, trên các trục đường chính như đại lộ Hungaria, hệ thống đèn giao thông được kết nối với nhau, "bật tắt" nhịp nhàng, tạo nên "làn sóng xanh", giảm thiểu thời gian chờ.

Trái lại, đèn báo ở Hà Nội hoạt động riêng lẻ như những hộ nông dân cá thể. Cho nên vừa thoát ra khỏi ngã tư này, đi vài chục mét đã bị chặn đứng tại ngã tư sau. Đã thế, đèn hiệu thình lình chuyển thẳng từ đỏ sang xanh và ngược lại, bỏ qua "giai đoạn" vàng, cứ như đánh đố người đi. Thời gian "xanh" và "đỏ" rất ngắn, gặp ngã tư rộng, chưa kịp sang đường đã thấy rùng rùng hai bên hai đoàn xe máy ập đến bao vây, y như vừa lạc vào Bát trận đồ của Khổng Minh trong Tam Quốc. Lúc đó, nếu đi xe máy còn cơ may thoát hiểm, chứ lái ô tô thì đành chịu đứng im. Hà Đông tuy là thị xã nhưng văn minh hơn hẳn Hà Nội. Cột nào cũng có đồng hồ báo thời gian thay đổi tín hiệu đèn chính xác từng giây. Nhìn thế mà chuẩn bị, không cần phán đoán, không phải nhớn nhác, lo âu.

Người đi bộ đúng làn đường vẫn dễ bị tai nạn. Ảnh: Anh Tuấn (VNE)

Ở châu Âu, dù đường vắng, dù ban đêm không có công an đi tuần, ít ai vượt đèn đỏ. Một phần họ lo lắng cho mạng sống và cho tài sản của mình, một phần vì tự ngượng với bản thân khi làm cái việc kỳ quặc, dở hơi ấy. Bên ta đi lại táo tợn hơn, không thèm để ý đến xe và người, mặc dù so mức lương, một chiếc xe máy cà cộ đối với dân mình quý hóa hơn nhiều một chiếc hơi hạng trung đối với gia đình Hung. Đến nay, sau gần một năm thi hành nghiêm luật đi lại, lượng người "kém mắt" tham gia giao thông vẫn khá cao, mà toàn loại mù kinh niên, khó chữa. Tất nhiên, người ta chỉ "không nhìn thấy" màu đỏ của đèn, chứ chẳng dại gì màu vàng cảnh phục của công an. Buổi tối, khi đường phố đã vắng bóng cảnh sát là lúc lũ mù màu thả sức tung hoành. Có lần để ý thấy 6 người tiến đến ngã tư thì chỉ có hai người dừng lại chờ đèn đỏ (đạt 33,3%), bốn kẻ kia cứ thế bình thản đi ngang (chiếm 66,7%), đặc biệt trong số đó có một đứa còn rẽ tuột vào phố ngược chiều, 2 lần vi phạm luật trong cùng một lúc (chiếm hơn 15%).

Đứng chờ tại ngã tư, xem vượt đèn cũng là một cái thú vui. Ở Hung, nếu xảy ra va chạm, chắc chắn có kẻ vi phạm luật, nhà chức trách phân giải không mấy khó khăn. Tại Việt Nam, đâm sầm vào nhau, nhưng có khi cả hai bên đều... đúng. Thế nên mới tồn tại loại luật "bất thành văn": xe to hơn hoặc đắt hơn bao giờ cũng... sai.

Chiểu theo "luật" này, 100% người đi xe đạp, loại phương tiện bé nhất và rẻ tiền nhất, luôn luôn đúng. Họ "có quyền" không "sợ" đèn đỏ. Chẳng bận tâm đến sự tồn tại của cột đèn, những "anh Chí, chị Chí" thời đại cứ bình thản đạp đều đều với nét mặt phẳng lặng. Cần gì phải lo lắng khi đã biết chắc mười mươi chẳng ai dám đâm xe vào họ. Bọn đi xe máy "khinh" đèn bặm trợn hơn. Kẻ vênh váo, người lì lợm, giữa trán đứa nào cũng hằn lên câu hỏi: "Vượt thế đã sao?!" Mình sai nhưng cứ thách thức người tôn trọng luật.

Nửa phút sau, qua bên kia đường, bị "anh hùng Núp" - đồng chí công an nấp sau gốc cây - xông ra "bắn chảy máu", lập biên bản phạt tiền, giữ xe. Thế là bỗng chốc, kẻ mù màu đánh rơi mất "chiếc mặt nạ" phong trần, khinh đời và từng trải, chỉ còn trơ bộ mặt thật với cái nhìn đần độn, cái gãi tai ngớ ngẩn, cái mồm lắp bắp, thỉnh thoảng nửa cười, nửa mếu.

Thấy vậy, bao nhiêu "nỗi giận" lúc nãy bay đi hết, chỉ còn "thương", và thán phục vì đã đành "Cuộc đời là một kịch trường", nhưng thay đổi vai diễn nhanh như thế kể cũng giỏi.

Tác giả bài viết: Ngân Hà, từ Hà Nội