Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐỀ ÁN ĐƯỜNG ỐNG KHÍ ĐỐT NABUCCO: KHÔNG CÒN LÀ MỘT GIẤC MƠ?

(NCTG) Ngày 14-9-2007, tại một hội thảo quốc tế về đường ống dẫn khí đốt Nabucco do Bộ Kinh tế Hung đề xuất, lần đầu tiên, chính phủ Hungary đã có khẳng định mang tính xác quyết về việc nước này sẽ ủng hộ đề án lớn này, vốn được coi là biểu tượng của "sự đoàn kết Châu Âu", đối lại với đề án Hải lưu Xanh của Liên bang Nga.

Thủ tướng Gyurcsány Ferenc phát biểu tại hội đàm về Nabucco. Sau ông là Kóka János, bộ trưởng Kinh tế Hungary, và Andris Piebalgs, cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của Ủy ban Châu Âu - Ảnh: Kurucz Árpád ("Tự do Nhân dân")

Nhắc lại, Nabucco là một đề án đầu tư của các hãng Châu Âu, thoạt đầu đặt cơ sở trên các nguồn khí đốt từ vùng vịnh Kaspi và Cận Đông, Trung Á (các nước Azerbajan, Turkmenistan và Iran) đến Eruzun (phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ), tránh nước Nga, và từ đó qua vùng Balkans đến Châu Âu - nhưng hiện tại Nabucco đã không loại trừ ngay cả việc nhận khí đốt của Nga. Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom dự định và đã tiến hành xây dựng một hệ thống đường ống khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi Hải lưu Xanh, và qua Bulgaria với tên gọi Hải lưu xanh Phía Nam để tiếp cận các nước Châu Âu từ phía Nam.

Trong hội thảo được tiến hành hôm qua, đại diện chính phủ Nga và ngành công nghiệp dầu khí Liên bang Nga đã không có mặt.

Trước đây, đối với quốc tế, quan điểm của Hungary có thể coi là tương đối mập mờ, nhất là khi vào mùa xuân năm nay, thủ tướng Hung Gyurcsány Ferenc - trong một phát biểu - đã gọi dự án Nabuco là "một giấc mơ, mới chỉ có trên giấy tờ từ 10 năm nay, chứ chưa có trong hiện thực". Tại hội thảo lần này, thủ tướng Hung đã điểm lại những lý do khiến Hung, cho đến nay, chưa có được sự xác quyết trong việc tham gia dự án Nebuco (mà trước đây, ông coi đó là sự nhìn nhận vấn đề một cách hiện thực và tỉnh táo của Hungay).

Theo ông, đường ống khí đốt không chỉ là chuyện năng lượng, mà còn là vấn đề mang tính chiến lược, ảnh hưởng đến sự độc lập và an ninh của nước Hung và vùng Đông Âu. 26% lượng khí đốt của Liên hiệp Châu Âu và 80% khí đốt của Hung phụ thuộc vào Liên bang Nga, và thủ tướg Hung cho rằng không ai muốn bị phụ thuộc chỉ vàomột nguồn khí đốt độc nhất: nhiệm vụ rõ ràng của Hung là phải tìm các nguồn năng lượng khác bằng mọi giá.

Trở về câu hỏi "Nabucco hay "Hải lưu xanh"?", thủ tướng Hung khẳng định: cần tất cả những đường dẫn năng lượng có thể và theo ông, "trong 40 năm qua, Nga là một đối tác đáng tin cậy". Ông Gyurcsány cho rằng Liên hiệp Châu Âu cần đoàn kết theo một cách nào đó để nguồn cung cấp khí đốt duy nhất - hiểu là Liên bang Nga - "không thể gây bất hòa giữa các nước thành viên".

Cùng quan điểm với vị thủ tướng, Chủ tịch tập đoàn dầu khí Hungary Mol cho rằng phải phân biệt rõ ràng 10 nước mới gia nhập EU và các nước thành viên cũ. Theo ông, trong khi các thành viên cũ không phụ thuộc lắm vào một nguồn cung cấp khí đốt (là Nga), thì 10 nước mới gia nhập EU - trong thực tế - phụ thuộc hoàn toàn vào đường ống dẫn khí của Nga. Vì vậy, Mol vẫn giữ nguyên quan điểm từ lâu này, là càng có nhiều đường ống dầu khí trong vùng, càng tốt.

Tuy nhiên, các quan chức phụ trách năng lượng của Liên hiệp Châu Âu, trong hội thảo, đã khẳng định sự quyết tâm của họ trong việc xây dựng Nabucco, nhằm giảm sự phụ thuộc về khí đốt của Châu Âu vào Nga, ngoài ra, để phòng sự đe dọa trong trường hợp hai nước cộng hòa cũ của Liên Xô là Byelorussia hay Ukraina, vì một lý do nào đó, khóa đường ống dẫn gas.

Ông Andris Piebalgs, Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của Ủy ban Châu Âu cho rằng Nabucco không chỉ là vấn đề của vùng Đông Trung Âu, mà là của toàn thể châu lục, và cho dù về căn bản, đây là một đề án đầu tư của các hãng tư nhân, nhưng EU sẵn sàng hỗ trợ về tái chính trong tương lai, nếu điều này là cần thiết.

Một khẳng định nữa cũng được nêu ra, theo đó giai đoạn đầu của đề án Nabucco sẽ được tiến hành vào năm 2009 và đến năm 2012 đã có thể đi vào hoạt động. Số các tập đoàn dầu khí tham gia trong đề án này, sẽ được tăng từ 5 lên 6: bên cạnh Botas (Thổ Nhĩ Kỳ), Bulgargaz (Bulgaria), Transgaz (Romania), Mol (Hungary) và OMV (Áo), nhiều khả năng RWE (Đức) sẽ là một cái tên mới.

Hội thảo đã có một kết cục rất khả quan đối với EU, khi bộ trưởng Kinh tế Hung Kóka János, người đề xuất cuộc gặp mặt, khẳng định quan điểm của phía Hung: hiện tại, đã hội tụ đủ mọi điều kiện để Nabucco trở thành sự thật. Như vậy, với Hungary, Nabucco không còn đơn thuần là "một giấy mơ" như xưa, mà, theo diễn đạt của ông Kóka, sau hội đàm này, "dần dần đã có thể khẳng định rằng nó sẽ trở thành hiện thực".

Và đây chính là điều khiến tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy "phấn khích" trong chuyến thăm chính thức Hungary hôm qua: khi khẳng định quan hệ Hung - Pháp là một mối quan hệ đồng minh chiến lược, ông Sarkozy đã tuyên bố Pháp sẽ ủng họ Hung "hết lòng" trong việc tham gia dự án Nabucco và ông cho rằng với quyết định này, Hungary sẽ trở thành một trạm trung chuyển chiến lược và vô cùng quan trọng về dầu khí trong vùng Đông Trung Âu!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp, theo "Tự do Nhân dân"