ĐÀ LẠT SỬ QUÁN, HAY LÀ MỘT PHONG CÁCH TIẾP THỊ ÍT "HẤP DẪN"
- Thứ sáu - 06/01/2006 00:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều ngày 17-12, lúc 16 giờ 30, chúng tôi theo đoàn vào thăm XQ Sử Quán (hay còn gọi là Đà Lạt Sử Quán) và được tiếp xúc với các hướng dẫn viên (HDV) rất mềm mỏng, nhiêt tình của họ. Các cô HDV mặc áo dài, đưa chúng tôi đi thăm từng phòng. Phòng nào cũng có tranh thêu, và nhiều những câu thơ, những bức thư pháp mà theo như các cô nói là "để bất cứ ai làm việc ở đây cũng có thể đọc và tịnh tâm nuôi dưỡng tâm hồn".
Sau khi xem tranh xong, chúng tôi ghé vào thưởng thức ẩm thực tại Phố Ẩm thực của Sử quán: thời gian chờ phục vụ rất lâu, lại ít nhân viên khiến chúng tôi có người phải chờ đúng gần 1 tiếng đồng hồ mà không mua được phiếu ăn, nhưng đây không phải là điều khiến chúng tôi bực mình bởi lẽ điều đó có thể thông cảm được.
Vì thời gian gấp rút nên đoàn chúng tôi phải ra về ngay lúc 6 giờ 30, ngay khi lễ hội "THIẾU NỮ RƯỚC PHẤN VỀ CHO HOA TRÊN VƯỜN CẤM" kỷ niệm Festival Hoa mới bắt đầu. Chúng tôi lục tục ra khỏi phòng tranh để ra xe cho kịp giờ. Khi đi ngang qua một phòng tranh, một số bạn nam lớp tôi có buông một vài câu đùa giỡn với "âm lượng" hơi lớn một chút, nhưng không hề đến mức không thể chấp nhận được. Lẽ ra trong trường hợp ấy, mấy cô nhân viên nhã nhặn ban nãy phải nhẹ nhàng nhắc nhở, ai dè tôi giật bắn mình khi nghe tiếng một chị nhân viên phía sau (mà tôi không biết tên) la lớn với một chị nhân viên khác đang đứng cạnh nhóm bạn tôi:
- Hải ơi, em nói mấy người này đi, sao kỳ quá? Vô phòng tranh mà sao BẤT LịCH SỰ quá vậy?
Mấy người bạn tôi nghe vậy không nói gì, họ ra một chiếc bàn ngay gần đó và lấy cardvisit của XQ Sử Quán. Theo thói quen, tôi cũng ra lấy một chiếc nhưng chợt giật mình vì bất ngờ: một trong hai cô nhân viên giật mạnh lại tấm cardvisit từ trên tay tôi. Cô ta nói bằng giọng rất khó chịu:
- Ở đây không được tự tiện lấy cardvisit đâu!
Tôi thật sự bàng hoàng trước thái độ của những cô gái vốn được nuôi dưỡng tâm hồn trong một không gian đầy ắp thi phú và những bài giáo giảng (mà chúng tôi đã được nghe các cô quảng cáo từ lúc mới bước vào). Và ngạc nhiên hơn là cô ta giật tấm cardvisit từ tay tôi và đặt lại vào chiếc hộp trên bàn mà không thèm nói năng thêm câu gì.
Tôi cảm thấy bị xúc phạm bởi những nơi khác, cardvisit là một cách quảng cáo, là vật mà các đơn vị kinh doanh luôn mong muốn được càng nhiều người gìn giữ càng tốt. Đằng này... thái độ của hai cô nhân viên nói trên là vô cùng bất lich sự và không xứng đáng là những người làm du lịch. Hơn nữa, cứ cho rằng nếu ở đây có một luật lệ trái khoáy là để cardvisit ở ngoài nơi ra vào mà không cho khách lấy đi nữa, thì khi tôi đã có nhã ý lấy thì cô ta cũng phải có cách cư xử nào hợp tình hợp lý và đẹp đẽ hơn chứ?
Festival Hoa Đà Lạt 2005 đã tổ chức quá tệ và lẽ ra Đà Lạt Sử Quán, nơi có một không gian đẹp có thể giúp Đà Lạt vớt vát lại chút tiếng tăm thì... Thật sự với không chỉ riêng tôi, thành phố vốn được mệnh danh là thành phố ngàn hoa trong Festival năm nay chỉ còn lại một con số 0 tròn trĩnh. Và có lẽ riêng với XQ Sử quán, khó ai có đủ can đảm đặt chân đến thêm một lần nữa nếu thái độ của các cô nhân viên ở đây không có thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Ít nhất, họ cần học hỏi phép lịch sự cơ bản chứ chưa cần đến những thi phú thơ ca xa lạ bên ngoài! (*)
(*) XQ Sử Quán, một địa chỉ được coi là văn hóa và hấp dẫn bậc nhất ở Đà Lạt, đã được giới thiệu rất nồng hậu như sau (xin xem trang chủ của Đà Lạt): "Quần thể độc đáo với mục đích tái hiện và trưng bày những hình ảnh của bản sắc văn hóa dân tộc, được Công ty Tranh thêu XQ xây dựng gần Thung lũng Tình Yêu. Ở đây ngoại cảnh được kiến tạo để thể hiện sự thuần khiết của thiên nhiên và những tinh hoa trong văn hóa truyền thống, với đất đá, cỏ cây và những ngôi nhà theo kiến trúc cổ truyền. Nơi dành cho khách tham quan được chia thành nhiều khu vực với những cái tên toát lên sắc thái riêng của nó: Khu vực truyền thống, Khu vực bản sắc, Vườn tri kỷ, Sân thiên nhai hội tụ... Nội thất của một số khu vực là nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đầy tính nhân văn, hướng người xem đến sự thánh thiện, thuần khiết theo lễ giáo phương Đông. Đặc biệt là các bức tranh thêu sống động, đường nét thật tỉ mỉ và tài hoa, là kết quả của sự phối hợp giữa nghệ thuật hội họa hiện đại và tinh hoa của nghề thêu truyền thống Việt Nam". Ngoài ra, Sử Quán cũng được coi là một "điểm nhấn" của Festival Hoa Đà Lạt, tổ chức từ trung tuần tháng Chạp qua.
Tuy nhiên, nếu Festival Hoa đã thất bại khá "ngoạn mục" (như NCTG đã đưa tin trong số trước), thì theo câu chuyện trên đây của một CTV NCTG, XQ Sử Quán cũng chưa hề đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tinh thần thanh tao như báo chí thường nhắc đến khi nói tới địa danh này. Ngành du lịch Việt Nam - nhất là du lịch văn hóa - phải chăng còn nhiều điểm đáng nghiền ngẫm, sao cho "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", trước khi trách tại sao du khách chưa thật mặn mà với Việt Nam, "điểm đến của thiên kỷ mới"?! (BBT)