Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Cựu Tổng Giám đốc WHO: TRUNG QUỐC ĐÃ MẠNH LÊN RẤT NHIỀU SAU 20 NĂM!

(NCTG) Ví dụ của các quốc gia Châu Á thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 - như Mông Cổ, Việt Nam, Đài Loan hay Nam Hàn - cho thấy, đôi khi, rõ ràng là các quyền tự do cá nhân đã bị đặt sau những biện pháp xử lý y tế, theo cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bà Gro Harlem Brundtland, cựu Tổng Giám đốc WHO - Ảnh: 444.hu
Từng giữ cương vị Thủ tướng Na Uy trong ba nhiệm kỳ, bà Gro Harlem Brundtland trong cuộc phỏng vấn của tờ “Spiegel” (Đức) đã có những phát biểu thú vị về cuộc chiến chống Coronavirus trên thế giới, cũng như về các mối quan hệ ngoại giao của WHO, cơ quan đang gặp nhiều tai tiếng mà bà là người đứng đầu thời kỳ 1998-2003.

Theo bà, ở Châu Âu, quá trình ứng phó dịch Covid-19 sở dĩ bị chậm trễ là do các lãnh đạo chính trị quá tự tin vào khả năng ứng phó của hệ thống y tế nước họ, đồng thời, họ đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh. Vì vậy, Covid-19 lại gây hậu quả lớn nhất tại một châu lục có những quốc gia sở hữu hệ thống y tế hàng đầu thế giới.

Bà Gro Harlem Brundtland - vốn là một nhà ngoại giao có bằng bác sĩ - cũng nhắc tới ví dụ Na Uy, quê hương bà, đất nước rất phát triển nhưng cho tới giữa tháng Ba, chính quyền vẫn nghĩ rằng họ có thể lần theo tất cả các ca lây nhiễm để tìm nguồn gốc. Chỉ sau đó, xuất hiện những ca lây nhiễm mà không thể biết nguồn gốc ở đâu.

Trả lời một câu hỏi của tờ báo về Thụy Điển, bà Gro Harlem Brundtland cho rằng các chuyên gia nước này “làm hỏng việc” ở chỗ họ tin rằng nếu cứ để dịch bệnh lan tràn trong giới trẻ thì có thể đạt được “miễn dịch cộng đồng” rất nhanh. Nhưng thật ra, chúng ta chưa biết đủ về con virus này, và do đó hướng đi của Thụy Điển phá sản.

Theo cựu chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới, Covid-19 sẽ còn có thể có diễn biến tệ hơn, do đó trên phạm vi toàn cầu, chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt hơn nữa nếu cần đối đầu với một làn sóng mới của bệnh dịch, chẳng hạn cần thiết lập một hệ thống quy tắc phòng chống dịch bệnh có thể áp dụng nhanh trên các chuyến bay quốc tế.

Mối quan hệ giữa WHO và Trung Quốc, vấn đề khiến tổ chức này phải chịu nhiều “búa rìu dư luận” thời gian qua cũng được đặt ra. Cựu Tổng Giám đốc WHO nói rằng, trong 20 năm qua, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và WHO đã thay đổi vô cùng nhiều. Năm 2003, khi bà đứng đầu WHO, tổ chức này đã gây sức ép đáng kể tới Trung Quốc.

Lý do là vào thời đó (năm 2003), chính quyền Trung Quốc cũng có xu hướng che giấu những gì liên quan tới dịch SARS, và WHO đã thành công trong nỗ lực nói trên. Tuy nhiên, hiện tại, không chắc là những biện pháp cứng rắn của WHO có thể đem lại kết quả đối với một Bắc Kinh đã mạnh lên rất nhiều, theo bà Gro Harlem Brundtland.

Vị cựu chính khách cho rằng, từ ngoài nhìn vào, rất khó phán xét được là ban lãnh đạo hiện nay của WHO sở dĩ tỏ ra nhu nhược trước Trung Quốc là vì trong khuôn khổ ngoại giao hạn hẹp, họ muốn có được sự hợp tác toàn diện nhất của Bắc Kinh, hay là vì giới lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ban điều hành WHO dưới ảnh hưởng của họ.

Về việc Hoa Kỳ có thực sự “đoạn tuyệt mọi quan hệ” với WHO như lời hứa gần đây của Tổng thống Donald Trump hay không, bà Gro Harlem Brundtland tỏ ra bi quan: bà cho hay điều này không chỉ phụ thuộc vào Trump, mà còn liên quan tới nhánh lập pháp, chưa nói đến chuyện cuối năm nay Mỹ còn tiến hành kỳ bầu cử tổng thống. 

Tuy nhiên, cựu quan chức WHO cho rằng, chính kỳ dịch bệnh cho thấy thế giới rất cần tới một tổ chức như WHO!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh