Cuộc chiến Ukraine: ÂM MƯU HÀNG CHỤC NĂM CỦA NGA
- Thứ hai - 24/11/2014 23:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Nước Nga đã chuẩn bị từ mười một năm nay cho cuộc chiến Ukraine - đó là khẳng định gây sốc tại Brussels của ông Andrei Illarinonov, người từng giữ cương vị cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin thời kỳ 2000-2005, theo tường thuật của mạng Bruxinfo.
Ông Andrei Illarionov - Ảnh: Bloomberg
Phát biểu nói trên được đưa ra tại một hội nghị tại thủ đô Bỉ hôm 20-11. Ông Andrei Illarinonov, hiện là thành viên cao cấp tại Trung tâm Tự do và Thịnh vượng Toàn cầu thuộc Viện Cato (Mỹ), cho hay: bộ máy chiến tranh của Nga đã được khỏi động từ trước khi Ukraine có ý gần lại với EU, cũng như, trước khi vị tổng thống thân Nga Yanukovych bị truất ngôi.
Vị cựu cố vấn có tiếng là trực tính này - người từng giữ chức đại diện của Nga trong nhóm G8 và vào cuối năm 2005 đã đột ngột từ chức để phản đối cái ông gọi là “sự chấm dứt của quyền tự do chính trị Ở Nga” - khẳng định rằng, từ năm 2003, khi ông còn thuộc nhóm thân cận với Putin, Moscow đã nói đến chuyện làm nổ ra một cuộc chiến ở Ukraine.
Tiếp đó, tháng 4-2008, một kế hoạch quân sự tỉ mỉ cũng đã bị rò rỉ trên một tờ báo Nga. Theo ông Illarionov, trong khuôn khổ cuộc chiến đó, Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử đối với Ukraine. Ngoài ra, năm 2009, “quốc kỳ” của cái gọi là Cộng hòa Donetsk ky khai cũng đã được giới thiệu trong một sự kiện mà đích thân Putin cũng hiện diện.
Trở lại những ngày tháng 2 năm nay, ông Illarionov cho hay bốn ngày trước khi Tổng thống Yanukovych từ chức, các lực lượng đổ bộ của Nga đã được huy động và trong thực tế, sự can thiệp quân sự được khởi động từ đó. Cựu cố vấn của Putin cho rằng mục đích của Tổng thống Nga là tạo nên một xung đột kéo dài và đóng băng: “Cuộc chiến này sẽ không chấm dứt tại đây. Nó sẽ còn kéo dài rất lâu!”.
Và, cái đích tiếp tới của điện Kremlin là các quốc gia vùng Baltic, cũng như Azerbaijan và bán đảo Balkans. Theo ông Illarionov, Putin không ngại trước việc khuấy động những hành vi bạo động tại những khu vực có nhiều kiều dân Nga sinh sống ở Estonia và Latvia.
Sự can thiệp của Nga sẽ diễn ra tương tự như kịch bản ở miền Đông Ukraine: dân (gốc) Nga ở vùng Baltic được Moscow “khích lệ” có thể lập nên những nước “Cộng hòa Nhân dân” tự phong ở Narva (Estonia) hoặc Daugavapils (Latvia).
“Đây là thách thức rất nghiêm trọng đối với NATO và EU. Cho đến giờ chúng tôi chưa thấy được lời giải cho những thách thức này” - ông Illarionov nhấn mạnh.
Theo nhà bình luận Nga, Putin cũng là mối hiểm họa với các đồng minh. Trong cuộc gặp mặt thượng đỉnh tại Minsk của Liên minh Á - Âu hôm 10-10, Tổng thống Nga đã “nổi đóa” vì hai vị tổng thống Kazakhstan và Belarus đã không dứt khoát đứng về phía ông. Để trả lời, trong một tuyên bố Putin nói rằng về mặt lịch sử Kazakhstan chưa bao giờ là một quốc gia độc lập.
Vị cựu cố vấn cho rằng, với thông điệp này, ông chủ của điện Kremlin muốn nhắn nhủ với Tổng thống Kazakhstan và những người khác, rằng nền độc lập của họ cũng có thể bị đặt dấu hỏi bởi Moscow.
Chính phủ Nga đang cho xây dựng một xa lộ từ Dagestan về hướng Azerbaijan - theo thông tin của ông Illarionov, lý do là để tạo một hành lang cho các chiến xa có thể đến được vùng Nagorno-Karabakh (một phần của lãnh thổ Azerbaijan). Nếu con đường này được hoàn tất, Azerbaijan có thể bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài - vị cựu cố vấn nói thêm.
Cuộc chiến tương tàn - Ảnh: Menahem Kahana
Ông Illarionov đã khiến cử tọa ở Brussels bàng hoàng khi ông so sánh phát biểu của Tổng thống Putin tại Sochi tháng 10 vừa rồi với những lời lẽ của Hirtler tại Berchtesgaden (Đức) tháng 8-1939, trong đó, thủ lĩnh quốc xã đưa ra đề xuất thay đổi trật tự thế giới hiện hành với Thủ tướng Anh Chamberlain.
Bình luận về phát biểu của Putin, ông Illarionov nhận định có 25 điểm hầu như giống hệt với phát biểu của Hitler. Ông cho rằng Tổng thống Nga không bằng lòng với việc “báo thù” cho những năm tháng sau Chiến tranh lạnh (Liên Xô sụp đổ, Nga bị coi như kẻ thua cuộc), mà ông còn muốn thay đổi trật tự thế giới hiện tại.
Trong mắt Illarionov, “đây sẽ là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ tư” (Chiến tranh lạnh được coi như Đệ tam Thế chiến). Ông cũng nhấn mạnh rằng, năm ngoái, nhà lãnh đạo Nga đã dọa dẫm để Armenia phải từ bỏ việc ký hiệp định liên kết với EU, và năm 2008 thì Moscow khởi chiến với Georgia.
Trong dịp đó, theo Illarionov, chỉ do chính quyền Bush quyết định đưa các đơn vị quân đội ra Biển Đen nên các đoàn chiến xa Nga đang tiến về Tbilisi mới ngừng bước, và Tổng thống Dmitri Medvedev xuất hiện trên truyền hình tuyên bố quân đội Nga đã đạt được mục đích đề ra.
Liên quan tới các sự kiện hiện tại, cựu cố vấn của Putin cho rằng, nếu nội các Obama cũng quả quyết và có phản ứng như thời Tổng thống George W. Bush, thì khủng hoảng Ukraine sẽ có diễn biến khác đi. Bởi lẽ, theo nhận định của Illarionov, liên minh Bắc Đại Tây Dương dù có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh hơn, nhưng Moscow quyết tâm hơn.
“Nếu một bên phát triển hơn về kinh tế, nhưng thiếu quyết tâm, còn đối thủ thì hung hãn hơn nhiều, thì họ có thể “trung hòa” được lợi thế của bên kia về kinh tế” - Illarionov nhận định và nhấn mạnh, cần sự phản đối tích cực hơn. Nhất là khi phía Nga cho khởi động một chiến dịch đánh lạc hướng và bóp méo thông tin hết sức lan truyền, và đem vũ khí hhạt nhân ra dọa dẫm.
Cùng một ý kiến với vị cựu cố vấn, nhà toán học, bình luận viên chính trị Nga Andrey Piontkovsky cho rằng vấn đề ở đây là Putin muốn Ukraine hơn là Phương Tây muốn lao tâm khổ tứ để cứu xứ sở này. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh: đừng đồng nhất nước Nga với thể chế Putin, và đừng đổ lỗi cho dân Nga vì những tội ác của kẻ lãnh đạo.
Để kết luận, Illarionov cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu Phương Tây lùi bước trước sự bắt bí của Putin và đầu hàng, và theo ông sự thỏa hiệp cũng đã là như vậy. Thay vào đó, cần phản ứng một cách tích cực trên tất cả các phương diện kinh tế, luật pháp, tuyên truyền và chính sách phòng thủ.