Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Covid-19: MỘT NĂM NHÌN LẠI

(NCTG) “Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 10 ngàn người Thụy Sĩ, trong đó có những cuộc ra đi vĩnh viễn trong cô đơn, trống vắng, không một lời chia tay, không một nụ hôn cuối trong vòng tay yêu thương của gia đình. Đó là một nỗi mất mát và một vết thương đau đớn nhất mà đất nước này đã phải trải qua” - ghi chép và hồi tưởng của nhà giáo Lâm Bình Duy Nhiên từ Lausanne (Thụy Sĩ).
Thụy Sĩ đóng cửa biên giới vì dịch bệnh
Chiều hôm nay, trời bỗng dưng mát mẻ sau những ngày lạnh cóng lạ thường của tháng Tư đầu xuân.

Tôi quyết định xỏ giày và rời nhà chạy bộ để đắm chìm trong những giây phút đơn độc của một tay chạy cự ly dài. Với cự ly 10 cây số, tôi có dư thời gian để miên man trong những suy nghĩ mông lung, đôi khi rối bời, chẳng đâu vào đâu...

Khi chạy vào Công viên Milan, rất nhiều người, như có hẹn với nhau, đang vui đùa dạo bộ hay chơi thể thao. Một không khí nhộn nhịp khác hẳn sự im lặng đáng sợ bên ngoài phố phường của ngày Chủ nhật, nhất là khi xã hội vẫn còn bị “bán cách ly” từ gần 4 tháng nay.

Ai cũng muốn tận hưởng thời tiết ấm áp nơi công viên để gặp gỡ người quen. Tôi bỗng để ý đến một nhóm người, cỡ chừng 15 đến 20, đang quây quần trong một góc công viên. Ai cũng vui tươi, ca hát. Tôi có cảm tưởng đó là sinh nhật của một cháu bé, chừng một tuổi. Có cả ba thế hệ, từ ông bà, cha mẹ đến con cái đang tụ tập bên nhau.

Quà cáp, bánh trái, máy chụp hình và những lời chúc tụng dành cho em bé. Nó vô tư, được ông bố ẵm. Nó chẳng hiểu gì về những thời khắc mà xã hội đang phải trải qua. Tôi chợt hiểu, gia đình này phải tổ chức sinh nhật cho con mình bên ngoài, trong một công viên, để có thể chia vui với nhiều người thân. Ở trong nhà, không gian kín, chính phủ không cho phép tụ họp quá 10 người.

À, thì ra là thế. Tự bao giờ con người ta bỗng chốc bị mất đi nhiều sinh hoạt quen thuộc tưởng chừng cơ bản nhất của con người? Và do đâu?

Thú thật, tôi cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh. Nhanh như một giấc ngủ. Mọi chuyện có cảm giác mới hôm qua, mới tháng rồi,...

Ấy thế mà đã hơn 13 tháng, kể từ ngày Châu Âu nói chung và Thụy Sĩ nói riêng, bị con Coronavirus hoành hành và làm đảo lộn mọi sinh hoạt trong cuộc sống.

Tôi vẫn nhớ rõ, khi Trung Quốc đang bị cách ly bởi con virus ấy thì Châu Âu và thế giới vẫn đang “bình an”, ngồi đó ngắm và bình luận. Cứ như thể đó là chuyện của người Tàu, chẳng liên hệ gì đến chúng ta. Thậm chí, có không ít dư luận trên các mạng xã hội Việt hả hê hy vọng cơn đại dịch sẽ gây ra một đại họa và giết càng nhiều người Tàu càng tốt. Tâm lý ghét Tàu một cách vô ý thức là vậy!

Châu Âu bắt đầu rơi vào tình trạng báo động từ đầu tháng 2-2020. Nước Ý đã trở thành tâm điểm của đại dịch. Số người bị nhiễm và chết do Coronavirus đã vượt quá mức tưởng tượng. Nước Ý đóng cửa. Nước Pháp rồi Đức cũng thế. Thụy Sĩ đã có bệnh nhân tử vong đầu tiên vào ngày 5-3-2020.
 
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Chẳng cần nói nhiều, mọi sinh hoạt trong xã hội đã bị chi phối và ảnh hưởng bởi con virus bí ẩn ấy. Thụy Sĩ rơi vào tình thế nguy cập khi con số người bị nhiễm dịch tăng theo hàm lũy thừa. Tỷ lệ lây nhiễm R gia tăng một cách chóng mặt. Các bệnh viện bị quá tải do phải đón nhận nhiều bệnh nhân Covid,...

Thứ Sáu, 13-3-2020, Chính phủ Liên bang tổ chức họp báo khẩn với sự tham gia của 5 vị Bộ trưởng. Ông Alain Berset đã thông báo những quyết định cực kỳ quan trọng trong lịch sử đương đại của quốc gia nhỏ bé này.

Tôi vẫn nhớ, từ vài ngày trước cuộc họp báo trên, có nhiều thông tin rò rĩ về những quyết định của Chính phủ Liên bang. Là người dạy học, tôi cảm nhận được sự lo lắng của đồng nghiệp, của học trò và phụ huynh. Nhiều người đã ký thư kêu gọi chính phủ đóng cửa trường học tức khắc.

Cuộc đi camp một tuần lễ của con gái tôi cũng bị hủy bỏ vào giờ chót. Nhìn con khóc nức nở tôi hình dung những điều không tốt đẹp cho những ngày sắp đến.

Các học sinh cũng chỉ bàn luận xoay quanh một vấn đề: đóng cửa trường học. Từ vài ngày qua, các em chẳng còn tâm trí gì để học hành. Lo lắng, thậm chí lo sợ trước một con virus là điều tưởng chừng chẳng bao giờ xảy ra đối với thế giới tiến bộ ngày nay.

Khi có thông tin về cuộc họp báo vào lúc 15 giờ ngày thứ Sáu 13-3, dường như cả Thụy Sĩ đã “nín thở” để chờ đợi giây phút ấy. Bao dự đoán đã được tung ra. Chính phủ Liên bang đã họp với chính phủ các Tiểu bang thâu đêm để đưa ra những quyết định hợp lý và cần thiết nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho công dân. Mọi đảng phái chính trị, từ tả đến hữu, đều đứng đằng sau và ủng hộ Chính phủ Liên bang.

Các học trò của tôi cũng thế. Các em nóng lòng chờ đợi cuộc họp báo.

Tôi còn nhớ rõ, cả đêm thứ năm, tôi không ngủ được, trằn trọc mãi. Mờ sáng đến trường, hầu như ai cũng có cùng cảm giác là sẽ sống với những “thời khắc lịch sử”.

Khi tôi dạy xong một tiết học, chỉ khoảng 15 giờ kém, bất chợt tôi nghe ngoài hành lang những tiếng kêu gào vui mừng, những tiếng cười lạ thường, những lời ca nhộn nhịp. Tôi ngó thấy các học trò đang vui vẻ, ôm nhau la hét. Một cảnh tượng vô cùng chướng mắt. Họ vui vẻ vì có tin trường học các cấp sẽ bị đóng cửa.

Chưa đến cuộc họp báo chính thức nhưng bọn trẻ đã nhận những thông tin qua điện thoại. Có những trường học tại thành phố Lausanne đã công bố sớm cho học sinh những quyết định của chính phủ.

Tiết học chót trong ngày, đó là một lớp học năm nhất dành cho các học sinh theo nghề y tá và giáo viên cấp 1. Đó cũng là lớp mà có không ít học sinh đã gào hét vui mừng. Các em xin tôi cho theo dõi trực tiếp cuộc họp báo. Tôi đồng ý nhưng tôi đã nói với các em rằng cái thái độ vui mừng thái quá, có phần lố bịch khi biết tin trường học đóng cửa là điều khó chấp nhận và đáng buồn đối với tuổi trẻ của xứ sở này.

Vài em bảo rằng các em đã quá mệt mỏi khi phải đi học mỗi ngày... Tôi giải thích cho các em biết đó là sự cần thiết cho tương lai. Giáo dục là nền tảng của một xã hội tiến bộ. Đóng cửa trường học là một giải pháp sau cùng của chính phủ. Đụng đến trường học tức đụng đến tương lai của xã hội. Đó là việc chẳng đặng đừng mà bất cứ một chính phủ nào cũng phải suy nghĩ thấu đáo.

Ngoài cương vị của người thầy, tôi tự thấy phải có trách nhiệm để giải thích cho các em những gì sẽ xảy ra trong những ngày tháng tới. Đó sẽ chẳng phải là những kỳ “nghỉ hè” và được ngủ dài. Khi xã hội bị cách ly, mọi người phải ở nhà, các khía cạnh tâm lý ác nghiệt sẽ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, vật chất của mọi thành viên trong gia đình.
 
Hàng người chờ đợi nhận thực phẩm tại Geneva
Hàng người chờ đợi nhận thực phẩm tại Geneva

Chính yếu tố vật chất đã khiến chúng tôi thảo thuận khá nhiều. Các em nghĩ rằng cha mẹ các em sẽ ở nhà, không đi làm nhưng vẫn lãnh lương. Tôi bảo chưa chắc. Và bố mẹ các em đâu chỉ phải là bác sĩ, kỹ sư hay luật sư. Nhiều người làm thợ, làm nghề tay chân, lương hướng thấp, bất chợt hãng xưởng phải đóng cửa. Lương hướng ra sao? Các em sẽ như thế nào nếu bố mẹ các em bị mất việc?

Một sự im lặng khác hẳn với sự vui mừng, tinh nghịch và khoái chí ban đầu. Tôi nói với các em rằng, hãy nhìn các cô làm lao công trong trường chúng ta. Kể từ tuần sau, các cô sẽ không còn đi làm nữa. Các cô sẽ không có lương, vì phần lớn họ có hợp đồng theo giờ. Đằng sau mảnh đời của các cô, có thể là số phận của một gia đình với những đứa con thơ. Vì vậy, hãy chừng mực trong sự vui mừng vì có những người sẽ phải cực khổ trong những ngày tới.

Các em cúi mặt. Tôi nghĩ, có lẽ ít nhiều các em hiểu ý tôi. Một em nói nhỏ, chúng em xin lỗi vì không lường trước được mọi điều.

Chúng tôi cùng nhau xem buổi họp báo. Chính phủ quyết định đóng cửa trường học các cấp trong vòng 2 tháng. Dạy học từ xa sẽ là hình thức được ban bố trên phạm vi toàn quốc. Các cửa hàng không được cho là “tối cần thiết” sẽ bị đóng cửa. Mọi sinh hoạt bị đình trệ. Làm việc tại nhà cũng được khuyến cáo. Mọi công dân nên ở trong nhà, tránh ra ngoài để phòng bị lây nhiễm.

Rời lớp học, trong sảnh đường dành cho thầy cô, chúng tôi ngồi dán mắt theo dõi những phút cuối cùng của cuộc họp báo với lòng nặng trĩu. Chẳng ai nói với ai điều gì, chỉ trong ánh mắt nhưng đủ hiểu rằng chúng ta đang sống những giây phút quan trọng trong cuộc đời.

Trên đường về, cao tốc đầy xe. Mọi người dường như hối hả muốn về nhà cho lẹ. Bầu trời xám xịt và buồn tênh trong cái lạnh của những ngày cuối đông.

Thứ Hai 16-3-2020, Thụy Sĩ chính thức bước vào tình trạng khẩn cấp và bán cách ly. Hơn 8 ngàn lính đã được điều động để giúp đỡ các bệnh viện. Một sự kiện chưa từng có kể từ Đệ nhị Thế chiến. Biên giới giữa các quốc gia được tái lập và sự kiểm tra giấy thông hành đã tái diễn. 

Tất cả như trong thời chiến tranh. Kẻ thù lại là một con virus ở tận Trung Quốc xa xôi.

Hàng hoá, nhất là nhu yếu phẩm, trong các siêu thị bị mua sạch. Hình ảnh các kệ hàng trống trơn, tưởng chừng chỉ xảy ra ở đâu đó, lại là một thực tế phũ phàng tại Thụy Sĩ.

Để rồi khi người dân xứ này bị sốc nặng khi chứng kiến những hàng người dài cả cây số, xếp hàng đợi nhận các túi lương thực do các tổ chức từ thiện trao tặng. Đó là chuyện không tưởng tại thành phố Geneva, một trong những nơi đắt đỏ bậc nhất thế giới.
 
Bán cách ly xã hội đợt 1: tháng 3-2020
Bán cách ly xã hội đợt 1: tháng 3-2020

Sự nghèo khổ do Covid-19 gây nên diễn ra tại một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới là một cái tát đớn đau trong tiềm thức của người dân xứ này. Khó có thể hình dung và chấp nhận được. Mỉa mai thay, chính một cơn đại dịch, đã phơi bày ra sự thật của một cộng đồng những người nước ngoài, không giấy tờ, phải làm chui, cho những gia đình giàu có tại Thụy Sĩ. Khi đại dịch bùng nổ và kéo dài, sự nghèo khổ và túng quẫn của họ đã được trưng bày ra ánh sáng, trước những giá trị đạo đức và lương tâm của xã hội.

Việc dạy học từ xa cũng trở nên khó khăn hơn dự định. Thời đại số, người dạy phải thông thạo tin học và máy móc. Nhưng dạy như thế nào đi chăng nữa, với sự trợ giúp của máy móc tối tân thì vẫn không thể thay thế được sự lên lớp, giảng bài trước học trò. Những ánh mắt, cử chỉ hay lời nói trước một lớp học là những yếu tố mà sự hiện đại của khoa học kỹ thuật không thể nào thay thế và bù đắp được.

Thấm thoát đã hơn một năm kể từ cái ngày thứ Sáu 13 đầy biến động. Dường như mọi suy đoán cũng chỉ mang nhiều cảm tính. Mấy ai hình dung được đến nay thế giới vẫn chưa thoát khỏi bóng tối của đường hầm mang tên Covid-19!

Một năm đeo khẩu trang, áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn có lẽ khiến cho mọi người mệt mỏi hơn bao giờ hết.

Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 10 ngàn người Thụy Sĩ, trong đó có những cuộc ra đi vĩnh viễn trong cô đơn, trống vắng, không một lời chia tay, không một nụ hôn cuối trong vòng tay yêu thương của gia đình. Đó là một nỗi mất mát và một vết thương đau đớn nhất mà đất nước này đã phải trải qua.

Thụy Sĩ đã lại bán cách ly đợt 2 từ đầu năm 2021. Nhưng chính phủ đã thấu hiểu bài học đóng cửa trường nên cả năm học này, các trường học vẫn mở để duy trì hình thức dạy học tối ưu nhất. Giáo dục không thể đánh đổi với bất kỳ sự mạo hiểm nào.

Học trò của tôi khi được hỏi có muốn trường học bị đóng cửa vài tháng, học ở nhà, các em lắc đầu, đại đa số bảo không. Nhiều em bảo đó là những chuỗi ngày đáng buồn, cô đơn, chẳng biết làm gì và không có một quan hệ xã hội nào cả.

Khủng hoảng tâm lý và những triệu chứng của sự trầm uất nơi thế hệ trẻ là những mối quan ngại lớn của các nhà chức trách. Bộ phận lãnh đạo trẻ của các đảng chính trị lớn tại Thụy Sĩ đã đồng viết thư chất vấn, kêu gọi Hội đồng chính phủ Liên bang phải tôn trọng tuổi trẻ, phải tham khảo ý kiến của họ trước khi đưa ra những quyết định đối phó với Covid. Họ muốn có được viễn cách tốt đẹp và rõ ràng trong thời đại dịch. Quyền được học tập tại trường cũng như quyền được sinh hoạt văn hoá, thể thao là những nhu cầu chính đáng của tuổi trẻ tại đây.

Một năm trôi qua, đáng nhớ và đáng buồn. Tôi vội quay về với thực tế của tay chạy bộ, với cuộc sống của những ngày trung tuần tháng Tư để chợt nhớ ra rằng kể từ ngày mai, các nhà hàng có sân ngoài trời, sẽ được mở cửa để đón khách.

Các phòng tập thể dục và thể hình, các rạp chiếu phim, các sinh hoạt văn nghệ... cũng được phép đón khách nhưng với số người giới hạn cũng như phải bảo đảm các nguyên tắc an toàn phòng chống Covid-19.

Như vậy sau gần 4 tháng bị bắt buộc đóng cửa, Chính phủ Liên bang đã nới lỏng vài sinh hoạt xã hội để người dân “dễ thở” và có chút ít tự do, dẫu tình hình đại dịch vẫn chưa mấy sáng sửa.

Tự do quả thật là điều ai cũng mong muốn có được, nhất là khi cả xã hội đã phải đương đầu với một cơn đại dịch kéo dài hơn 13 tháng.

Nhâm nhi một tách cà phê, đọc một tờ báo, ăn một miếng bánh hay giản đơn, chỉ ngắm người qua lại, nghe tiếng nói, tiếng cười của người xung quanh trong một không gian nhộn nhịp, là những sinh hoạt rất đỗi quen thuộc nhưng tưởng chừng đã bị rơi vào quên lãng từ hơn một năm qua.

Từ khi Hội đồng Chính phủ Liên bang ra thông báo, các nhà hàng, các phòng tập thể thao, phòng chiếu phim... đã bận rộn bắt tay chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên vào ngày mai, thứ Hai 19-4.

Những góc phố thân yêu, những quầy hàng thân thuộc sẽ lại sống động, năng động hơn trong những ngày xuân. 

Điều quan trọng nhất là sức sống của một xã hội đang dần dần hồi sinh. Mong lắm thay!
 
Nhà hàng bị đóng cửa từ gần 4 tháng qua
Nhà hàng bị đóng cửa từ gần 4 tháng qua

Cái thiếu vắng nhất nơi cá nhân tôi trong những tháng qua là được ngồi ngắm phố phường hay thả hồn vào những suy nghĩ miên man tại quán cà phê quen thuộc gần nhà.

Hay cuối tuần cùng vợ con ghé những quán ăn Ý hoặc Pháp thân quen để được thưởng thức vài món ăn ưa thích và để được “cảm” thay cái không khí ồn ào nhưng rất đỗi dễ thương của quán xá.

Hoặc chỉ đơn giản, cười, chào và hỏi thăm nhau sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Dường như chỉ khi bị rơi vào khủng hoảng, chúng ta mới cảm nhận và quý trọng những điều bình dị nhất trong cuộc sống...

Tác giả bài viết: Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne (Thụy Sĩ) - Ngày 19-4-2021