Covid-19: LÀM THẾ NÀO GILEAD BÁN ĐƯỢC REMDESIVIR CHO CHÂU ÂU?
- Thứ bảy - 07/08/2021 05:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Có ít nhất 640.000 liều Remdesivir đã được công ty Mỹ Gilead Sciences bán ra cho 35 nước Châu Âu qua khuôn khổ một hợp đồng ký kết với Ủy ban Châu Âu, cơ quan hành pháp tối cao của Liên Âu - với giá cắt cổ là 220 triệu Euro, nhưng loại thuốc này lại không mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Câu chuyện kỳ lạ xảy ra vào giữa mùa dịch năm ngoái tại Châu Âu.
Lời Tòa soạn: Báo chí trong nước vừa hồ hởi đưa tin Việt Nam đã đạt thỏa thuận mua 1 triệu lọ Remdesivir từ nhà sản xuất Cipla của Ấn Độ. Đây được xem là thuốc kháng virus SARS-CoV-2, được sản xuất theo công nghệ của công ty Gilead Sciences (Mỹ), và nhiều nước trên thế giới đã đưa vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Remdesivir được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng cần hỗ trợ ôxy, có giá khoảng 390 USD, trung bình mỗi bệnh nhân có liệu trình điều trị khoảng 5 ngày theo nguồn tin báo chí. Ngoài 50.000 liều đã về tới Việt Nam, phần còn lại sẽ được chuyển trong tháng 8/2021.
Tuy nhiên, vào ngày 27/11 năm ngoái, tờ “Le Monde” (Pháp) đã đăng tải một bài viết nhấn mạnh rằng thật ra, Remdesivir đã được chứng tỏ qua chương trình thử nghiệm lâm sàng “Solidarity” (Đoàn Kết) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện trên 30 quốc gia chứng minh là ít hiệu quả.
Để bạn đọc có thêm nguồn tham khảo, trân trọng giới thiệu bản dịch từ nguyên bản tiếng Pháp do Hoàng Y (từ Paris) thực hiện! (BBT)
Remdesivir được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng cần hỗ trợ ôxy, có giá khoảng 390 USD, trung bình mỗi bệnh nhân có liệu trình điều trị khoảng 5 ngày theo nguồn tin báo chí. Ngoài 50.000 liều đã về tới Việt Nam, phần còn lại sẽ được chuyển trong tháng 8/2021.
Tuy nhiên, vào ngày 27/11 năm ngoái, tờ “Le Monde” (Pháp) đã đăng tải một bài viết nhấn mạnh rằng thật ra, Remdesivir đã được chứng tỏ qua chương trình thử nghiệm lâm sàng “Solidarity” (Đoàn Kết) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện trên 30 quốc gia chứng minh là ít hiệu quả.
Để bạn đọc có thêm nguồn tham khảo, trân trọng giới thiệu bản dịch từ nguyên bản tiếng Pháp do Hoàng Y (từ Paris) thực hiện! (BBT)
Một hợp đồng đã được hãng dược phẩm Gilead ký với Ủy ban Châu Âu vào năm 2020 ngay cả khi Gilead biết kết quả không thành công từ một thử nghiệm lâm sàng của WHO. Pháp là quốc gia lớn duy nhất không đặt hàng mua loại thuốc này. Thế nào mà một loại thuốc chữa Covid-19 chưa được chứng minh là có hiệu quả lại được đón mua trên khắp thế giới với giá cao?
Đây là câu chuyện về Remdesivir, được phát triển bởi labor của công ty Gilead (Hoa Kỳ), lần đầu tiên được trình bày như một phương pháp điều trị kỳ diệu có khả năng phá vỡ sự nhân rộng của virus, và cuối cùng đã được chương trình “Solidarity” do WHO thực hiện trên 30 quốc gia, trong đó có Pháp, chứng minh là không có hiệu quả.
Nghiên cứu này được thực hiện vào tháng 2/2020 nhằm đánh giá hiệu quả kháng virus SARS-CoV-2 của Remdesivir và so sánh nó với ba loại thuốc khác, trong đó có Hydroxychloroquine. Kết quả công bố ngày 15/10 cho thấy Remdesivir không có tác dụng với bệnh nhân.
Vào ngày 20/11, WHO thậm chí đã đưa ra lời khuyên KHÔNG sử dụng thuốc này, và nhấn mạnh “khả năng xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng”, đặc biệt là ảnh hưởng đến thận, chi phí cao và các tác công việc hậu cần để thực hiện bởi thuốc này phải được tiêm tĩnh mạch.
Nhưng cảnh báo của WHO được đưa ra quá muộn: hàng chục quốc gia - trong đó có nhiều nước ở Châu Âu - đã đặt hàng. Pháp là một ngoại lệ, bởi nước này là quốc gia lớn duy nhất không đặt mua liều lượng nào từ hợp đồng lớn chung của Châu Âu.
Làm thế nào mà Gilead, với hơn 22 tỷ USD doanh thu năm 2019 từ thuốc điều trị HIV và viêm gan C của mình, đã thực hiện được một cú hóa phép ngoạn mục như vậy? Cùng nhìn lại một chiến lược khoa học và thương mại được dàn dựng hoàn hảo của công ty này để hiểu điều gì đã cho phép họ bỏ túi gần 900 triệu USD trên toàn thế giới.
“Nhiều khoảng trống”
Vốn là thử nghiệm không thành đối với Ebola, dịch Covid-19 là một cơ hội thuận tiện để chuyển hướng sử dụng Remdesivir dựa trên cơ sở các kết quả các nghiên cứu trước đó của thuốc này với các Coronavirus khác (SARS-CoV-1 và MERS-CoV). Gilead không mất gì khi phòng thí nghiệm này đang không biết phải làm gì với những liều thuốc còn đang nằm chờ để được sử dụng sau các thử nghiệm lâm sàng ở Châu Phi.
Vào ngày 6/2/2020, một thử nghiệm nhỏ đã được đưa ra với 237 bệnh nhân được tuyển chọn từ các bệnh viện ở Vũ Hán, trung tâm dịch bệnh của Trung Quốc. Thành phố này khi đó đã bị phong tỏa, cách ly trong vòng 2 tuần và người ta hy vọng rất lớn vào kết quả của thử nghiệm này.
Nhưng kết quả được công bố vào tháng 4/2020 trên tạp chí khoa học uy tín “The Lancet” đã hoàn toàn không như mong đợi: không thấy hiệu quả về tỷ lệ giảm tử vong từ Remdesivir. Các chỉ số của Gilead trên thị trường chứng khoán bị mất một vài điểm, nhưng họ không nản lòng.
Gilead tin tưởng vào kết quả của một thử nghiệm lớn hơn được thực hiện hồi tháng 2/2020 tại Mỹ để thuyết phục Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Nao núng trước kết quả của thử nghiệm tại Vũ Hán, Gilead sửa đổi tiêu chí chính về tính hiệu quả của thuốc: không còn là tỷ lệ tử vong, mà là “thời gian hồi phục” của người bệnh.
Cuối tháng 4/2020, kết quả tạm thời đã được công bố: thử nghiệm cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong, nhưng những bệnh nhân mắc bệnh nặng hồi phục trung bình trong 10 ngày khi được điều trị bằng Remdesivir, so với 15 ngày ở nhóm đối chứng (dùng giả dược). Chính kết quả này đã khiến FDA cấp giấy phép lưu hành khẩn cấp cho Remdesivir, được bán trên thị trường với thương hiệu Veklury, vào ngày 1/5.
Hai ngày sau, Daniel O’Day, Giám đốc điều hành của Gilead, thông báo “cung cấp” 1,5 triệu liều - tức toàn bộ số lượng thuốc còn tồn đọng trong kho vào thời điểm đó - cho bệnh nhân Mỹ.
Theo chân FDA, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) bật đèn xanh cho việc tiếp thị Remdesivir vào ngày 25/6: đây là giấy phép tiếp thị “có điều kiện”, với một chỉ định hạn chế là chỉ dùng thuốc này cho bệnh nhân bị viêm phổi cần điều trị bằng ôxy.
Tạp chí y tế độc lập “Prescrire” chỉ trích, “phải đưa ra điều kiện giấy phép này chỉ có giá trị 1 năm để họ dừng gây sức ép lên công việc đánh giá thuốc này, để biết chính xác hơn về nó dựa trên các tiêu chí chính, đó là quy trình hồi sức và tỷ lệ tử vong” bởi có “nhiều lỗ hổng trong dữ liệu do hãng cung cấp”.
“Tối đa hóa lợi nhuận”
Khi đã có được 2 chuẩn thuận ngàn vàng này, Gilead, được biết đến như một trong những nhà đàm phán lọc lõi nhất trong ngành, đã công bố giá của thuốc vào cuối tháng 6/2020: 390 USD/ liều, hoặc 2.340 USD (1.970 Euro) cho việc điều trị, được khuyến nghị trong 6 liều.
“Việc xuất viện nhanh hơn sẽ tiết kiệm khoảng 12.000 USD cho mỗi bệnh nhân”, công ty tính toán, sử dụng dữ liệu của Hoa Kỳ. “Chúng tôi đã quyết định định giá Remdesivir thấp hơn số tiền này”.
Vào năm 2014, công ty này cũng đã thực hiện một phép tính kinh tế tương tự để tung ra thuốc điều trị viêm gan C, Sofosbuvir (dưới tên thương mại Sovaldi), với mức giá 84.000 USD. Một báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ đã tố cáo chiến lược tiếp thị của Gilead, chỉ nhằm “tối đa hóa lợi nhuận”.
Dựa trên tính toán của một nhóm các nhà nghiên cứu Anh, Mỹ và Úc, tổng chi phí sản xuất Remdesivir là khoảng 0,93 USD mỗi liều, hoặc 5,58 USD cho một đợt điều trị 6 liều. Nói cách khác, rẻ hơn 420 lần so với giá mà Gilead đặt ra. Ngoài ra, việc phát triển Remdesivir đã được hưởng lợi từ các khoản đầu tư công, với giá trị khoảng 70 triệu USD, theo tính toán của tổ chức tư vấn Public Citizen của Mỹ.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Lâm sàng, một tổ chức đánh giá giá trị dược phẩm tại Hoa Kỳ, giá của Gilead chỉ “xứng đáng” nếu có tác dụng thực sự lên tỷ lệ tử vong của bệnh nhân. Điều mà không có thử nghiệm lâm sàng nào có thể chứng minh.
Bất kể, còi trọng tài đã được thổi. Vào ngày 15/7, Pháp đã cấp phép sử dụng tạm thời (ATU) cho Remdesivir. Trong guồng quay, Gilead yêu cầu Ủy ban Minh bạch của Cơ quan Y tế Cao cấp Pháp (HAS) đánh giá loại thuốc của mình để đưa vào danh sách các dược phẩm được bảo hiểm y tế chi trả.
Nhưng đây là lúc mọi việc trở nên khó khăn. Jean-Pierre Thierry, cố vấn y tế của France Assos Santé (Liên hiệp Các Hội Y tế Pháp) và thành viên của Uỷ ban Minh bạch HAS giải thích: “Ủy ban đánh giá lợi ích thực tế của thuốc là thấp”. “Bằng cách thương lượng trực tiếp với Ủy ban Châu Âu, công ty này đã có thể áp đặt giá tham chiếu của Mỹ, một cái giá có lẽ sẽ không bao giờ được chấp nhận ở Pháp”.
Gilead sau đó đã từ bỏ yêu cầu bồi hoàn.
Tổng cộng 37 quốc gia
Trên thực tế, cuối tháng 7/2020, thỏa thuận đầu tiên đã được ký kết cho 30.000 ca điều trị (tức là khoảng 180.000 liều), với chi phí 63 triệu Euro, tương đương 2.100 Euro cho mỗi ca.
“Một cách vội vàng, Châu Âu đã chấp nhận cái giá của nhà công nghiệp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Châu Âu phải trả giá tương đương với Hoa Kỳ cho một loại thuốc” - Jean-Pierre Thierry lưu ý. Số tiền này được tài trợ trực tiếp bởi Công cụ Viện trợ Khẩn cấp của Ủy ban Châu Âu (ESI).
Tháng 8 và tháng 9/2020, Ủy ban thực hiện hai chuyến giao hàng đến các quốc gia có yêu cầu, bao gồm cả Pháp. Nhưng như thế không đủ. Các nước như Hà Lan, Vương quốc Anh, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha lần lượt cảnh báo việc thiếu thuốc.
Ở Pháp, chỉ có 700 bệnh nhân được điều trị kể từ khi bắt đầu dịch bệnh trong chương trình thử nghiệm “Solidarity” do WHO tổ chức, hoặc một phần của chương trình thử nghiệm kết thúc ngày 23/10 của ATU (Cơ quan Cấp Phép Sử dụng Tạm thời của Pháp), đại diện Gilead France cho hay.
“Gilead nhận được một số lượng lớn các yêu cầu và không muốn ký 27 hợp đồng khác nhau ở Châu Âu”, một quan chức ẩn danh thuộc nhóm đàm phán của Ủy ban Châu Âu cho biết. “Nếu chúng ta để điều đó xảy ra, chỉ có các nước lớn mới có được hợp đồng, các nước khác sẽ chẳng có gì cả”.
Do đó, Châu Âu chuẩn bị cho một cách tiếp cận mới từ mùa hè: một hợp đồng khung, cho phép truy cập một khối lượng thuốc nhất định với một mức giá cố định. Nhưng lần này, tiền không đến từ Liên Âu, mà trực tiếp từ các quốc gia muốn mua với số lượng mong muốn, trong giới hạn những gì có thể được phân bổ.
Hợp đồng chung này vượt ra ngoài khuôn khổ 27 nước thành viên EU, mà bao gồm tổng cộng 37 quốc gia, trong đó có các nước Albania, Bắc Macedonia, Kosovo, Serbia và Bosnia-Herzegovina. Trong giai đoạn thương thảo hợp đồng này, Gilead đã nhận được bản thảo báo cáo chương trình thử nghiệm lâm sàng “Solidarity” vào nửa cuối tháng 9/2020.
“Theo hợp đồng, WHO có nghĩa vụ phải gửi cho họ bản thảo trước khi xuất bản vì thử nghiệm Solidarity là để kiểm tra thuốc của họ”, Marie-Paule Kieny, giám đốc nghiên cứu tại Inserm và là thành viên của ủy ban điều hành của Thử nghiệm giải thích, “và theo thông lệ thì họ có một khoảng thời gian nhất định để trả lời trước khi báo cáo được công bố”.
Vấn đề là: trong thử nghiệm, 2.750 bệnh nhân dùng Remdesivir nhưng không tìm thấy tác dụng nào của thuốc, không tìm thấy ảnh hưởng nào của thuốc đến tỷ lệ tử vong của bệnh nhân, cũng như thời gian nằm viện của họ!
Và như một sự ngẫu nhiên, việc đánh giá bản thảo báo cáo kéo dài hai tuần của Gilead kết thúc ngay sau khi hợp đồng với Ủy ban Châu Âu được hoàn tất. Vào ngày 7/10, Ủy ban đã đặt mua cho 500.000 ca điều trị (3 triệu liều) mà không biết về những dữ liệu mới này.
Không hề biết về các cuộc đàm phán đang diễn ra, Marie-Paule Kieny cho biết: “Có một vấn đề về tính minh bạch, nếu công ty Gilead biết kết quả thử nghiệm mà không thông báo cho Ủy ban châu Âu về sự tồn tại của nó”. “Cũng đáng tiếc là Ủy ban đã không lấy thông tin từ WHO về tiến độ của thử nghiệm lâm sàng lớn nhất được thực hiện với Remdesivir”.
“Áp lực rất lớn”
Ủy ban Châu Âu thừa nhận rằng họ đã không thảo luận về kết quả của chương trình thử nghiệm “Solidarity” trước khi quyết định, mặc dù báo cáo sơ bộ đã được WHO công bố ngày 15/10/2020 trên tạp chí trực tuyến MedRxiv.
Về phần Gilead, lời bào chữa bao gồm hai điểm. Một mặt, thử nghiệm lâm sàng của Hoa Kỳ “phù hợp hơn để đánh giá nghiêm ngặt thời gian hồi phục” hơn là thử nghiệm “Solidarity”. Mặt khác, hợp đồng vừa ký “không bắt buộc Ủy ban Châu Âu hoặc bất kỳ quốc gia tham gia nào phải mua Remdesivir”. “Thỏa thuận cho phép mua tối đa thuốc cho 500.000 ca điều trị, nhưng các quốc gia kiểm soát số lượng họ chọn mua”.
Trên thực tế, hợp đồng của Châu Âu không bao gồm bất kỳ nghĩa vụ mua hàng nào. Nhưng nỗi sợ thiếu thuốc đã đưa đến việc ký kết này. Tại một số bệnh viện, “các dược sĩ đã phải ở lại đến 3 hoặc 4 giờ sáng để chực lấy một lọ thuốc Remdesivir”, theo lời một quan chức y tế công cộng cấp cao Châu Âu.
Ông này cũng cho biết thêm: “Khi Gilead thông báo loại thuốc Remdesivir được phổ biến rộng rãi vào ngày 8/10, các nhà chức trách đã lập tức đặt hàng. Có một áp lực rất lớn khiến họ phải ký”.
Sau khi hợp đồng giữa Ủy ban Châu Âu và Gilead được ký kết, nhiều quốc gia đã đặt hàng. Trong số đó, các nước Balkan, với thu nhập trung bình, nhưng mua một loại thuốc có giá cố định dành cho thị trường... Mỹ. Gilead đã không cấp cho họ quyền truy cập vào thuốc generic.
Vào tháng 5/2020, công ty này đã đưa ra danh sách 127 quốc gia có thể hưởng lợi từ thuốc generic. Xa hơn một chút về phía Đông, Ukraine đã có thể đàm phán 28.200 liều thuốc generic từ một công ty của Pakistan vào cuối tháng 9, với mức giá 24,25 USD mỗi liều (20,45 Euro).
Trong guồng quay điên cuồng ấy có một quốc gia ngoại lệ: Pháp. Trái ngược với những cáo buộc của Didier Raoult, người nói về “sự cuồng tín ủng hộ Gilead”, Pháp là một trong những quốc gia duy nhất không đặt hàng trong khuôn khổ hợp đồng ngày 7/10 (cùng với Liechtenstein, quốc gia không có đơn vị chăm sóc đặc biệt trên lãnh thổ của mình, và Luxembourg, đã ký nhưng chưa đặt hàng).
Tuy nhiên, vài nghìn liều Remdesivir, trước đây đã được Gilead và Ủy ban Châu Âu phân bổ cho Pháp như một phần của hợp đồng đầu tiên vào tháng 7/2020, vẫn được cung cấp cho các bệnh viện mà Tổng cục Y tế (DGS) yêu cầu. Tờ “Le Monde” liên lạc với Tổng cục Y tế nhưng cho đến nay không nhận được hồi đáp.
Không nghi ngờ gì nữa, ý kiến của Cơ quan Y tế Cấp cao đã khiến người Pháp bỏ phiếu trắng. Ngoài ra, “thử nghiệm Discovery, ban đầu là một thử nghiệm của Pháp trước khi mở rộng sang Châu Âu cũng thử nghiệm Remdesivir và gắn liền với “Solidarity”, vì vậy, chắc chắn đã thu hút nhiều chú ý đến kết quả khoa học hơn những nơi khác”, Marie-Paule Kieny nhớ lại.
Nhưng đối với 35 quốc gia khác đã ký với Gilead, bây giờ không thể từ bỏ đơn đặt hàng của họ, cũng như không thể thương lượng lại giá trong 6 tháng tới. Theo điều tra của “Le Monde”, ít nhất 640.000 liều đã được mua, mang lại hơn 220 triệu Euro cho Gilead. Trong khi đó, loại thuốc này lại không mang lại nhiều lợi ích cho người dân.