Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Chiến tranh Ukraine: VÌ SAO PHƯƠNG TÂY KHÔNG ĐIỀU ĐỘNG QUÂN ĐỘI THAM CHIẾN TRỰC TIẾP?

(NCTG) Các nước Phương Tây đã chọn gửi thiết bị quân sự đến Kiev và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Moscow. Để giải thích cho việc không can thiệp quân sự vào Ukraine, họ viện dẫn các quy chế của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số lý do khác.
Quân nhân Ukraine ở Kiev, ngày 26/2/2022 - Ảnh: Efrem Lukatssky (AP)
Ai sẵn sàng chiến đấu với chúng tôi? Tôi không thấy ai cả!”. Trước hành động xâm lược của Nga vào Ukraine vào thứ Năm ngày 24/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự thất vọng khi đất nước của ông “bị bỏ lại một mình” để đối mặt với đội quân xâm lược Nga. Liên minh Bắc Đại Tây Dương tuyên bố sẽ không gửi quân trực tiếp tới Ukraine và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố nhiều lần rằng ông sẽ bảo vệ “từng tấc lãnh thổ của NATO”, đồng thời luôn loại trừ biện pháp đáp trả quân sự trực tiếp.

Hiện tại, các nước Phương Tây đã chọn cách tăng cường lực lượng NATO ở các nước giáp biên giới với Ukraine, gửi thiết bị quân sự tới Kiev và ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Moscow. Nhưng tại sao họ không can thiệp trực tiếp? Franceinfo lý giải

1. Vì Ukraine không thuộc NATO.

Trước hết, các nước thành viên NATO sẽ không tuyên chiến với Nga, vì Ukraine không phải là thành viên của tổ chức này. Do đó, Liên minh không có nghĩa vụ quân sự, pháp lý hoặc đạo đức để bảo vệ . “Theo điều 5 của tổ chức, NATO chỉ có nghĩa vụ can thiệp khi một trong các thành viên của mình bị tấn công”, Laure Delcour, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Đại học Sorbonne Nouvelle chỉ rõ với Franceinfo. 

NATO chỉ có thể can thiệp khi có sự nhất trí của 30 nước thành viên. Nhưng từ nhiều tuần nay, Hoa Kỳ cũng như hầu hết các nước Châu Âu đã tuyên bố rằng họ không có ý định gửi quân đến đó. “Không, việc [gửi quân] đã bị loại trừ. Chúng ta đang hỗ trợ người Ukraine bằng cách gửi các thiết bị”, Phát ngôn viên Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết hôm Chủ nhật.

Vladimir Putin đã đe dọa sẽ có phản ứng mạnh hơn nếu có sự can thiệp của nước ngoài hỗ trợ Ukraine. Điều này có thể ảnh hưởng đến phản ứng của các nước Phương Tây”, theo Laure Delcour, chuyên gia về Nga tại Franceinfo. 

Pierre Haroche, chuyên gia về an ninh Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (Irsem), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với “L'Obs”: “Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các lực lượng NATO và Nga - một điều rất hiếm gặp - sẽ rất nguy hiểm, bởi vì họ là các cường quốc hạt nhân”. Hoa Kỳ và Nga cùng nhau kiểm soát khoảng 90% đầu đạn hạt nhân trên thế giới, theo Vox đã đưa tin.

Dù vậy, NATO lần đầu tiên đã bắt đầu triển khai các Lực lượng phản ứng nhanh của mình để “tránh tình trạng thiếu kiểm soát trên lãnh thổ của Liên minh”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo. Hoạt động từ năm 2004, lực lượng bao gồm 40.000 binh sĩ này có nhiệm vụ thực hiện các phản ứng quân sự nhanh chóng trước một xung đột.

2. Vì Nga có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Hội đồng Bảo an LHQ có thể bỏ phiếu cho phép triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình. Hoạt động này có một trong nhiều mục đích là ngăn chặn một cuộc xung đột lan rộng qua biên giới, tạo ra một môi trường để đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài hoặc giúp thực hiện các thỏa thuận toàn cầu về hòa bình, theo tuyên bố của tổ chức này.

Nhưng Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, và bất kỳ quyết định nào chống lại nước này đều không đi đến được đồng thuận. Hôm thứ Sáu, không có gì ngạc nhiên khi Moscow đã phủ quyết một cuộc bỏ phiếu đối với một nghị quyết lên án với “những lời lẽ mạnh mẽ nhất” “hành động gây hấn chống lại Ukraine” của họ và kêu gọi nước này “ngay lập tức” rút quân khỏi Ukraine.

Đối mặt với thất bại này, Hội đồng Bảo an họp lại vào Chủ nhật để thông qua quyết định yêu cầu Đại Hội đồng LHQ tổ chức một “phiên họp đặc biệt” vào thứ Hai về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Rất hiếm khi cơ chế này được kích hoạt bởi nó không cho phép quyền phủ quyết của một trong 5 thành viên của Hội đồng Bảo an và Moscow như vậy sẽ không thể phản đối.

3. Vì không quốc gia nào muốn tham gia vào một cuộc chiến mới.

Đối với Châu Âu, cũng như đối với Mỹ, mục tiêu không phải là “kích hoạt một cuộc chiến” chống lại Nga, mà là để ngăn nước này tiến xa hơn, theo phát ngôn từ Washington. 

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tìm mọi cách đáp trả mà không phải dấn thân vào một cuộc leo thang. Sàn diễn Châu Âu đối với họ nạy là sân thứ hai, họ tập trung vào các cơ hội với Trung Quốc và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, theo Jean-Sylvestre Mongrenier, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Thomas-More, đồng thời là chuyên gia về các vấn đề an ninh ở Châu Âu.
 
Biểu tình phản đối cuộc chiến xâm lược Ukraine tại Khu Châu Âu (Brussels, Bỉ), chiều 27/2/2022 - Ảnh: Thu Vân (NCTG)
Biểu tình phản đối cuộc chiến xâm lược Ukraine tại Khu Châu Âu (Brussels, Bỉ), chiều 27/2/2022 - Ảnh: Thu Vân (NCTG)

Hoa Kỳ đang muốn cô lập Nga và đang trong giai đoạn rút khỏi một số khu vực khác, chẳng hạn như Syria hoặc Afghanistan. Hiện nước này không có ý định can dự vào các nơi”, theo Laure Delcour, chuyên gia Nga tại Franceinfo. 

Trong cuộc phỏng vấn với Kênh vào đầu tháng 2/2022, Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố rằng ông muốn ngăn chặn bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào với Nga, cường quốc quân sự thứ hai thế giới, theo chuyên trang “Sức mạnh Hỏa lực Toàn cầu”. “Nó không giống như chúng ta đang đối phó với một tổ chức khủng bố... Chúng ta đang đối phó với một trong những đội quân lớn nhất trên thế giới. Đó là một tình huống rất khó khăn và mọi thứ có thể nhanh chóng trở nên điên rồ”, Tổng thống Mỹ cảnh báo.

Mặt khác, tiến gần tới cuộc bầu cử giữa kỳ, Joe Biden tìm cách để lại hình ảnh của mình trong nội bộ. Trong một cuộc thăm dò của AP-NORC, được CNN trích dẫn, chỉ 26% người Mỹ nghĩ rằng Hoa Kỳ nên đóng một vai trò chính trong tình hình giữa Nga và Ukraine.

Đối với Pháp, “Paris đã được huy động rất nhiều trong những năm gần đây ở Châu Phi, đặc biệt là ở Mali, nơi mà Pháp vừa rút quân. Không có lý do gì lại điều động ngay quân lính sang mặt trận khác”, Laure Delcour đánh giá.

4. Bởi vì không phải tất cả các quân đội đều có đủ khả năng chống lại Nga.

Theo một báo cáo của Quốc hội ngày 17/2, quân đội vũ trang Pháp không có đủ phương tiện để hỗ trợ một cuộc chiến tranh quy ước cường độ cao trong thời gian dài, giống như cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Pháp, giống như các nước Châu Âu khác, muốn giảm số lượng các lực lượng vũ trang của mình. Từ 453.000 quân nhân chính thức (và 420.000 quân dự bị) vào năm 1991, giảm xuống còn 203.000 quân chính thức (và 41.000 quân dự bị) vào năm 2021, theo “Les Echos”.

Trong cùng thời kỳ, số lượng xe tăng giảm từ 1.349 xuống còn 222, số máy bay chiến đấu từ 686 xuống 254. Tại Đức, Bundeswehr (Lực lượng Vũ trang) đã chứng kiến số lượng binh sĩ của mình giảm từ 500.000 năm 1989 xuống dưới 200.000 hôm nay, theo “Le Monde”. 

Những con số này không thấm gì so với quân số của Nga, quốc gia có 900.000 binh sĩ tại ngũ và hai triệu quân dự bị. Vào tháng 12/2021, Phương Tây chắc rằng Nga đã triển khai 150.000 quân ở biên giới với Ukraine trong thời gian ngắn.

Trong một cuộc xung đột cường độ cao, Không quân [Pháp] sẽ hết máy bay trong vòng 10 ngày và có lẽ là hết tên lửa sau 2 ngày”, tướng Bruno Maigret, cựu Tư lệnh Lực lượng Không quân Chiến lược đã nêu trong một báo cáo trước Quốc hội. 

Vào tháng 4/2021, một cuộc tập trận mô phỏng được thực hiện ở Texas, với sự tham gia của ba sư đoàn Pháp, Anh và Mỹ chống lại kẻ thù có sức mạnh tương đương, đã dự đoán một nghìn người sẽ chết trong năm giờ chiến đấu đầu tiên. Thiếu tướng Michel Delion được trích dẫn trong báo cáo của Quốc hội cho biết: “Đây sẽ là một tổn thất rất lớn đối với một đội quân có quy mô khiêm tốn”.

Chỉ có Hoa Kỳ, quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, có thể đối đầu, nhưng họ lặp lại rằng họ không muốn can thiệp vào cuộc chiến này.

Tác giả bài viết: Khánh Hà chuyển ngữ, từ Lyon