Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CLIP VINH DANH NHỮNG ANH HÙNG “CYBORG” UKRAINE

(NCTG) “Chúng tôi sẽ nhớ đến các anh mãi mãi, nhớ đến sự hy sinh của các anh cho mảnh đất ruột thịt, cho Ukraine tự do của chúng ta. Những người anh hùng không bao giờ chết!” là một trong số nhiều comment của các “công dân mạng” khi xem một clip hết sức cảm động ghi lại đường về quê hương của một liệt sĩ Ukraine.
Một chàng “Cyborg” trong trận chiến bảo vệ sân bay Donetsk - Ảnh: Sergei Loiko (BBC)
Dài gần 9 phút, được đưa lên mạng youtube từ ngày 14-2-2015 với tiêu đề “Người anh em Nga, hãy nhìn Ukraine đón những anh hùng Cyborg”, và sau đó có ghi rõ, “những người đã hy sinh dưới bàn tay của kẻ xâm lược Nga”, clip ghi lại hình ảnh hành trình đưa hài cốt quân nhân Ukraine trở về quê mẹ.

Suốt dọc dường, bất kể là những khu dân cư nơi làng mạc nghèo khó hay những vùng đồng hoang, rất nhiều người dân địa phương - già trẻ trai gái - đã quỳ gối để tỏ lòng thương xót và ngưỡng mộ, kính trọng và yêu thương vô bờ bến những người đã ra đi, tạo nên hình ảnh bi hùng hiếm thấy.

Không ít người đã cầm lá cờ tổ quốc trong tay và cúi đầu, nhắc nhớ một trang sử bi thương thời hiện đại của Ukraine, khi đất nước này buộc phải chống lại những mưu mô xâm lăng và ly khai để bảo vệ nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ trước “người anh em” khổng lồ, Liên bang Nga.

Nhìn lại các sự kiện, cách đây gần hai năm, ngày 13-4-2014, quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov ký lệnh bắt đầu chiến dịch chống khủng bố ATO (Anti Terrorist Operation) tại vùng Donbas, nơi phiến quân ly khai với sự hỗ trợ của quân đội Nga đã khởi động một cuộc chiến chống lại Ukraine.

Kể từ thời điểm ấy, 2.673 quân nhân Ukraine đã hy sinh, trong đó có 1.842 người trực tiếp chiến đấu và 831 người hy sinh khi làm nhiệm vụ khác, theo con số chính thức được Thiếu tướng Igor Voronchenco thuộc Bộ Tổng tham mưu công bố cho giới phóng viên trong cuộc họp báo ngày 20-11-2015.

Chiếm gần 60% con số chiến sĩ Ukraine hy sinh là các quân nhân trong trận chiến bảo vệ Phi trường Quốc tế Donetsk kéo dài 242 ngày giữa các đạo quân của Chính phủ và phiến quân ly khai của cái gọi là Nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk được Moscow ủng hộ đáng kể về vũ khí và nhân lực.

Những xung đột ác liệt nhất xảy ra vào hạ tuần tháng 1-2015, khi quân chính phủ phải rút lui trước liên quân Nga - Donetsk. Nhiều quân nhân Ukraine đã tử thủ kể cả khi có lệnh rút, và chỉ chịu rời chiến trường khi sân bay gần như đã bị san bằng. Theo ước tính, 1.541 người lính đã hy sinh tại đây.
 
Đường về quê mẹ của một “Cyborg” - Ảnh chụp từ clip
Đường về quê mẹ của một “Cyborg” - Ảnh chụp từ clip

Người dân và truyền thông Ukraine đã dùng một từ riêng – “Cyborg” (кіборг) - để gọi các chiến sĩ cảm tử trong trận chiến bảo vệ sân bay Donetsk. “Như thể họ là những cyborg không thể bị hủy diệt, nửa người, nửa máy, hoặc nói đơn giản hơn, những siêu nhân”, báo chí Ukraine ca ngợi.

Xuất hiện lần đầu trên mạng Internet và sau đó được báo chí Ukraine dùng lại, “Cyborg” ám chỉ những quân nhân Ukraine gần như không được tiếp viện và không còn thời gian để ngủ, nhưng đã cầm cự được trong một khoảng thời gian dài trước những cuộc tấn công thường xuyên của phe ly khai.

Với thời gian, “Cyborg” được coi như biểu tượng của lòng yêu nước và ý chí quật cường Ukraine. Những chàng trai “Cyborg” đã trở thành một phần của huyền thoại dân tộc Ukraine, trong mắt nhiều người dân nước này, họ “rạng ngời trong ánh sáng của những tượng đài”, như một bài báo có viết.

Tôi là một thằng đàn ông, vậy mà tôi đã khóc!”, “Vinh quang thay những chàng trai đã hy sinh!”, “Tôi khóc, thương đau cho Ukraine của tôi, cầu Chúa ban cho Người sức mạnh, lòng kiên nhẫn và sự dũng cảm để Chiến thắng”... là cảm xúc chung của nhiều người Ukraine khi xem clip nói trên.

Nỗi niềm ấy cũng đã được nhiều “công dân mạng” Việt Nam chia sẻ. “Những cái quỳ gối này lại nâng tầm của dân tộc Ukraine lên cao hơn”, “Người ta lớn vì người ta biết quỳ xuống”..., nhiều bình luận cho thấy, có thể hủy hoại thể xác các chàng “Cyborg”, nhưng tinh thần của họ thì mãi trường tồn.

Tác giả bài viết: Trần Lê