CHỢ QUÊ
- Thứ sáu - 05/11/2004 21:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khoảng đất rộng nhô mình lên khỏi sóng lúa dập dờn quanh năm là chợ làng tôi. Gắn bó với người nông dân nên chợ chẳng thể xa nổi cây lúa. Như hạt gạo củ khoai chợ làng tôi chỉ tranh tre mái lá. Đất trung du lại sẵn tre sẵn cọ nên chợ giản đơn một chỗ bán hàng. Cũng đơn giản lắm, những thức hàng chợ quê, nào lúa gạo, nào rau quả, nào những con giống, những liềm, cuốc xẻng... cho những vụ mùa sắp tới, nào hàng quà cho người già con trẻ lúc tan chợ về. Mùa nào thức ấy, đều đặn chăm chỉ như thành quả lao động của người dân quê tôi.
Chợ quê, bình thường mộc mạc, giản dị ngay cả trong tên gọi. Khắp vùng quê tôi chỉ gọi chợ theo tên làng và cũng chỉ độc nhất một từ: chợ Di, chợ Chang, chợ Bâm, chợ Đầm, chợ Me... Tên chợ đã thành tên đất. Chẳng phải ông cha tôi kiệm lời hay không tìm ra một cái tên mĩ miều. Mà chính những nghĩ suy hết sức giản đơn đã tạo nên cái chất của người quê, đã tạo nên tên gọi vừa thân quen mà hết sức thiêng liêng.
Từ hồi còn lũn tũn cho đến bây giờ lớn khôn, trong tôi không nguôi cái cảm giác háo hức ngóng bà trông mẹ đi chợ về. Vì tôi biết trong chiếc làn mây trĩu nặng tay bà, tay mẹ, thể nào cũng có quà cho tôi. Một chiếc bánh đa, dăm cái kẹo bột hay quả hồng bác hàng xóm đi bán gửi cho tôi phá cỗ Trung Thu. Yêu lắm thương lắm, không phải vì đồng quà tấm bánh mà cao hơn, sâu hơn nhiều. Tình làng nghĩa xóm sự đùm bọc chở che thăng hoa từ những thứ tưởng chừng không thể cất cánh bay được!
Phiên chợ đã xóa đi sự im ắng, tĩnh lặng của vùng quê nghèo khi mỗi tháng họp tới... 12 lần vào những ngày mồng Một, Ba, Sáu, Tám. Cái náo nức của trẻ con hòa vào bước chân của người đi chợ tạo nên không khí nhộn nhịp tưng bừng. Từ ánh sáng của những chiếc đèn dầu trong phiên chợ sớm ngày giáp Tết đã thắp lên niềm vui, tia hy vọng đẩy lùi đêm đông lạnh ngắt.
Gốc cây cổ thụ già, mái lá rêu phong đã ghi dấu sự khắc nghiệt của thời gian. Và tranh tre lá nứa chẳng thể nào cưỡng nổi sức mạnh của bê tông mái ngói. Không còn trông thấy sự tiêu điều của chợ lúc hết người, đáng ra phải vui nhưng trong tôi thoáng chút ngậm ngùi. Đồ chợ quê chẳng còn thuần chất quê nữa hàng từ thành phố, hàng từ Trung Quốc tràn sang. Những chậu vải nhuộm giờ nhường chỗ cho những tấm vải mỏng tang, mát mẻ. Chiếc kẹo bột, cái bánh đa ngậm ngùi bên những chiếc kẹo phẩm xanh phẩm đỏ. Và mùi lá khô mỗi chiều tôi thấy sực lên mùi khét của những túi ni-lông. Còn một điều nữa, đã chẳng còn ai gửi cho tôi trái hồng vào những đêm rằm Trung Thu. Tiếng quát tháo của người gửi quả đã cuốn đi một phần hồn vía chợ quê tôi. Để tôi giờ nay tìm lại nét thơ trong tranh vẽ chợ quê.