Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHÍNH TRƯỜNG BULGARIA VÀ HẬU TRƯỜNG VỤ TỪ NHIỆM CỦA THỦ TƯỚNG BORISOV

“Mỗi giọt máu chảy ra là một sự nhục nhã đối với chúng tôi. Nhân dân đã trao cho tôi quyền lực, giờ tôi xin trả lại quyền lực cho dân” - với tuyên bố đầy kịch tính này, thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov đã đột ngột quyết định ra đi vào sáng 20-2 dưới áp lực những cuộc biểu tình dữ dội phản đối chính phủ Bulgaria từ vài tuần nay để phản đối việc tăng giá điện.

Thủ tướng từ nhiệm Boyko Borisov - Ảnh: Dimitar Dilkoff (AFP)


Việc thủ tướng Bulgaria từ chức – kéo theo sự ra đi của cả nội các - khiến cư dân nước này ngạc nhiên vì nó diễn ra vỏn vẹn 20 giờ sau khi ông khẳng định sẽ không ra đi. Trong phát biểu từ nhiệm, ông đã dùng những lời lẽ gây ấn tượng: “Tôi không dám nhìn vào cây cầu Orlov đẫm máu, mỗi giọt máu còn đọng lại thành vết ở đó. Tôi cũng không thể tiếp tục chứng kiến cảnh phải đặt hàng rào quanh Nhà Quốc hội, mục đích không phải là chúng tôi cần được bảo vệ trước người dân”.

Cái tên Borisov, sau biến cố này, đã được nhắc đến nhiều trên báo chí Đông Âu như một chính khách đa diện và đặc sắc. Động thái từ chức hết sức bất ngờ của ông cũng đã được giới quan sát mổ xẻ từ nhiều mặt. Vậy, Borisov là ai, và sự ra đi bất ngờ của ông được dựa trên những toan tính gì trên bàn cờ chính trị của Bulgaria, quốc gia nghèo nhất thuộc Liên hiệp Châu Âu?

Từ vệ sĩ, trở thành thủ tướng

Năm nay 54 tuổi, Borisov đã trải qua nhiều thăng trầm và có những bước tiến ngoạn mục trong đời trước khi lên nắm giữ nội các Bulgaria năm 2009. Khởi đầu sự nghiệp trên cương vị một tư lệnh ngành cứu hỏa, sau biến cố dân chủ năm 1989, ông trở thành một doanh nhân và có thời kỳ làm vệ sĩ. Theo truyền thông Bulgaria, thập niên 90 thế kỷ trước, các hãng cung cấp dịch vụ an ninh có quan hệ mật thiết với thế giới ngầm - trong số đó, doanh nghiệp của Borisov thuộc hàng những công ty đáng kể nhất.

Bên cạnh dịch vụ đòi nợ thuê, Borisov còn cung cấp các vệ sĩ cho nhà độc tài cộng sản Todor Zhivkov, khi đó đã thất thế, và Sa hoàng Simeon Đệ nhị, người sau này giữ chức Thủ tướng thời kỳ 2001-2005. Mối quan hệ tốt này khiến Borisov được cất nhắc làm Tổng Thư ký, người thứ hai trong Bộ Nội vụ vào năm 2001. Từ đó, cái ghế Thị trưởng thủ đô Sofia đối với ông là dễ dàng: thời gian đó ông được lòng dân vì rất thích hiện diện tại hiện trường các vụ án hình sự và đảm bảo việc truy tìm các thủ phạm.

Lên giữ cương vị người đứng đầu đảng Liên minh các công dân vì sự phát triển của Bulgaria tại Châu Âu (GERB) năm 2009, Borisov được quan tâm với lời hứa sẽ chiến đấu chống tham nhũng. Tuy nhiên, lời hứa đó dường như không mấy trở thành sự thực, và cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức cũng ít thành công. Nhiều người cho rằng có lý do của nó: không ít địch thủ của Borisov buộc tội ông có quan hệ với “xã hội đen”, một tạp chí chính trị Mỹ còn khẳng định, ông đã tận dụng khoảng thời gian ở Bộ Nội vụ để tiêu diệt các nhóm mafia đối địch.

Trong những hồ sơ Wikileaks năm 2011, Borisov cũng được nhắc tới như người có những mối quan hệ mật thiết với hãng dầu khí nga Lukoil, với các băng đảng buôn bán ma túy và cả những nhóm tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, Viện Công tố Bulgaria đã không khởi tố ông. Những tuần qua, các ký giả nước này có công bố trên mạng Balkanleaks một số hồ sơ cho thấy, có thể cảnh sát Bulgaria đã tuyển dụng Borisov trên cương vị người săn tin tức vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước.

Dầu vậy, Borisov vẫn chiếm được thiện cảm của một bộ phận không nhỏ cư dân Bulgaria. Ngay sau khi từ chức, vẫn có nhiều người tuần hành tỏ ý ủng hộ ông. Ngoài đời, là một võ sĩ huyền đai Thái Cực Đạo, HLV tuyển quốc gia, một cầu thủ bóng đá chơi ở giải hạng ba (được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất Bulgaria năm 2011), Borisov tỏ ra là một chính khách có sức sống lâu bền và dai dẳng, theo nhận định của không ích bình luận viên chính trị.

Những toan tính phức tạp

Theo phân tích của giới truyền thông, cho đến những ngày gần đây, Borisov còn tìm cách cứu vãn tình hình bằng cách không giảm lương và lương hưu trong hoàn cảnh Bulgaria đang thắt lưng buộc bụng ở mức độ hiếm thấy. Tuy nhiên, sự bất bình của dân chúng ngày càng tăng cùng những cuộc biểu tình chống chính phủ, không chỉ vì giá điện tăng 13% mà còn bởi những cải cách đã không được thực hiện, mức lương người dân quá thấp và tham nhũng lan tràn.

Bên cạnh đòi hỏi phải công hữu hóa các cơ sở điện lực, cư dân Bulgaria đã đòi hỏi chính phủ phải từ chức. Tính đến nay, đã có vài chục người phải nhập viện trong những đụng độ với cảnh sát, và ba người chọn biện pháp phản đối quyết liệt nhất: tự thiêu - trong đó có một người qua đời trong cuộc biểu tình lớn nhất kể từ 10 năm nay tại TP Veliko Tarnovo - khiến Borisov phải có những toan tính phức tạp.

Trước tiên, ông cố cứu vãn tình thế bằng cách tỏ ra sẵn sàng buộc các cơ sở điện lực (đa phần nằm trong tay chủ sở hữu Czech) phải hạ giá điện. Hai ngày trước khi tuyên bố từ chức, ông cho hạ bệ Bộ trưởng Tài chính Simeon Dankov, người đồng thời giữ cương vị Phó Thủ tướng và tên tuổi gắn liền với những chính sách thắt lưng buộc bụng - tuy nhiên, phe đối lập cho rằng đây chỉ là một màn kịch được đưa ra để “chữa cháy”.


Hàng vạn người biểu tình tại thủ đô Sofia phản đối giá điện lực quá cáo - Ảnh: Dimitar Dilkoff (AFP)


Có lẽ khi thấy tất cả những biện pháp trên đều vô hiệu quả, ngày 20-2, Borisov đã thực hiện một kịch bản mới, đã từng diễn ra tại Bulgaria trong cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị năm 1997: tuyên bố từ chức và yêu cầu giải tán nội các. Những ý kiến sơ bộ cho thấy, nhiều khả năng là vị Thủ tướng còn tính đến trường hợp Quốc hội không chấp thuận đề xuất từ chức đó và ông có thể ra khỏi trò chơi mạo hiểm này ở vị thế mạnh hơn, tuy nhiên những diễn biến sau đó cho thấy, Borisov thực sự muốn ra đi để bắt đầu một ván bài mới.

Một cuộc bầu cử gây gấn

Theo luật định và lịch trình, tháng 7 năm nay, sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội tại Bulgaria và với sự từ nhiệm bất ngờ của nội các Borisov, có thể bầu cử trước thời hạn sẽ diễn ra ngay trong tháng 4 tới. Một điều chắc chắn, rất có thể Borisov - người cho đến giờ vẫn sở hữu thiện cảm của 40% cử tri - lại có thể thành lập chính phủ, vì những nét đặc thù trong tình hình chính trị Bulgaria.

Từ nhiều năm nay, không có chính đảng nào ở Bulgaria đủ số phiếu để thành lập nội các mà không phải liên minh với đảng khác. Sau cuộc bầu cử năm 2009, đảng của ông Borisov thắng thế, nhưng cũng chỉ có 116 ghế trên tổng số 260 ghế trong Quốc hội Bulgaria. Kể từ đó, các đảng Bulgaria thường liên minh với nhau để đạt được những lợi ích nhất thời, nhưng ngay trong quá trình chuẩn bị tranh cử năm nay, cũng chưa thấy đảng nào có lợi thế nổi bật.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước đây một tháng, hiện đảng của ông Borisov vẫn được ưa chuộng nhất, nhưng chỉ cách đảng đứng sau chừng 4,7% phiếu, và hai đảng khác được coi là đủ số phiếu để vào Quốc hội cũng theo họ rất sát. Như thế, không thể loại trừ bất cứ liên minh nào giữa các đảng lớn - và điều này cũng đúng trong cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi uy tín của Borisov và đảng ông chưa quá bị sói mòn sau việc họ từ nhiệm.

Có thể thấy rằng Borisov không hề có ý rút về hậu trường với quyết định từ chức hôm 20-2. Truyền thông Đông Âu lưu ý rằng, chỉ vài giờ sau khi tuyên bố ra đi, vị thủ tướng từ nhiệm còn khẳng định rằng, nếu vẫn tại vị, ông sẽ đề xuất tăng lương và lương hưu cho người dân tới 50%. Có thể coi đây là một phát biểu nhằm mục đích tranh cử và giành phiếu cho cuộc bầu cử trước thời hạn sắp tới.

Những toan tính của Borisov còn thể hiện ở chỗ, ông và đảng của ông quyết định không tham gia trong thời kỳ chuyển tiếp và đổ hết mọi khó khăn cho Chính phủ Lâm thời (theo Hiến pháp Bulgaria, Tổng thống nước này đã yêu cầu các chính đảng mạnh nhất đứng ra lập chính phủ sau khi nội các Borisov từ nhiệm, nhưng vì cả 3 đảng có nhiều ghế nhất trong Quốc hội đều không nhận lời nên quyết định tổ chức bầu cử trước thời hạn được đưa ra).

Bởi lẽ, Borisov biết rõ rằng, việc ông từ chức hoàn toàn không giải quyết được vấn đề của Bulgaria, quốc gia nghèo nhất trong cộng đồng EU. Thực tế đã chứng tỏ điều đó: những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, vẫn có người tự thiêu, đám đông vẫn chiếm chiếc cầu Orlov tại trung tâm Sofia, gần mười ngàn người vẫn thị uy trước tòa nhà Quốc hội, trong số đó có cả những cảm tình viên của Borisov và nội các cũ.

Như thế, khả năng chiến thắng của Borisov trong kỳ bầu cử trước thời hạn là không thể loại trừ, bởi có thể thấy là nội các lâm thời sẽ rất khó khăn nếu muốn giải quyết yêu cầu của đám đông đang phẫn uất. Nhất là trong hoàn cảnh Bulgaria chưa có ứng viên sáng giá nào khác: tâm trạng của cư dân và bầu không khí chung của nước này được phản ánh rõ rệt trong một cuộc bình chọn trên mạng xã hội Facebook. Câu hỏi đặt ra là “bạn sẽ chọn ai trong kỳ bấu cứ sắp tới?” và lời giải đáp được bó gọn trong rất nhiều... hãng hàng không!

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest