Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHIẾN TRANH ÐỪNG QUAY LẠI!

(NCTG) “Viết những dòng này, mình thầm cầu mong sự bình an cho những người thân ở cách Hà Khẩu 10km, cho những người đội nắng và hiểm nguy đi biểu tình phản đối Trung Quốc vào mỗi ngày Chủ nhật… - cầu mong bình an cho tất cả và chiến tranh đừng bao giờ quay lại!”.

Quân Trung Quốc đang di chuyển tại Cao Bằng - Ảnh tư liệu


Những ngày này, nhiều thông tin về việc Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông, ồ ạt tập trận tại biên giới và khiêu chiến với Việt Nam làm cho mình có cảm giác thật bất an - chiến tranh không phải trò đùa, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tại bất cứ nơi đâu.

Gia đình bên ngoại, mẹ mình và anh chị cùng các cháu vẫn sống ở gần biên giới, cách cửa khẩu chỉ 10km, khiến lòng mình cũng chẳng thể bình yên vì bản thân mình cũng đã trải qua cuộc chiến tranh biên giới cách đây 32 năm, cho dù chỉ hiểu lơ mơ về nó.

Sinh ra trong thời bình, nhưng mình cũng đã nếm mùi cuộc chiến tranh biên giới khi vừa tròn 4 tháng tuổi. Tất cả những kỷ niệm vào năm 1979 là đều do bố mẹ và các bác kể lại. Lên 4 tháng rưỡi thì bố mẹ đưa hai anh em về Hà Tây quê nội để sơ tán, sau đó mẹ ở lại trông hai con, còn bố phải quay trở lại đi làm.

Mẹ kể chuyến tàu dài 2 ngày 2 đêm mới đưa được người từ Lào Cai về đến Hà Nội - vì là tàu sơ tán nên không phải mua vé, đông chật như nêm, anh trai mình lúc ấy gần 5 tuổi, muốn đi tè thì bố phải bế thò qua cửa sổ để đi, chẳng có nhà vệ sinh.

Khi mẹ xuống ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ), trên má của anh có dán băng vì bị ngã xước mặt, các bà, các cô cứ xúm vào nghĩ là do chiến tranh bị thương nên mang cho quà bánh, mẹ thì bận bế con nhỏ, đồ đạc tùm lum, vội bắt xe khách nên chẳng kịp thanh minh.

Sống ở quê gần 6 tháng, những ngày tháng đó theo lời mẹ kể khổ lắm, công nhân đã khổ, còn nông thôn thì khổ gấp bội lần, nhất là ở miền quê đồng chiêm trũng, có năm lúa chẳng đủ ăn. Các sản phẩm như sữa, xà phòng hay thuốc đánh răng thì không có, hoặc rất hiếm.

Cả nhà có bánh xà phòng 72 của Liên Xô mẹ mang theo để giặt tã cho mình, giặt xong phải cất đi, vì nếu để ở bể nước thì sẽ hết nhanh như bay. Sữa ông Thọ là tiêu chuẩn làm thêm ca của bố, cũng mang theo để pha cho mình uống, cũng phải uống giấu vì còn các anh em khác đông lắm.

Khi mình sang tuổi ăn dặm, thi thoảng chú đi bắt được con cua hay con tép nào thì mẹ giã vắt nước để nấu bột, lúc không có gì thì mẹ nhai cả cà pháo với cơm để mớm cho con. Mẹ vẫn bảo mình khổ nhất nhà, khổ hơn ông anh vì ông anh lúc đó lớn rồi, lại hay được ăn tiêu chuẩn đường sữa của bố lúc còn bé.

Sau khi đi sơ tán ở Hà Tây về, anh lại được dì ruột làm cô giáo tiểu học ở Phố Ràng, Bảo Yên đón cho đi học sớm từ lúc 5 tuổi. Dì cũng kể vì học và ở cùng với đồng bào dân tộc nên họ thương lắm, có trái cây, ngô khoai, hay đồ ăn đều mang cho cô giáo, vì thế ông anh mình được ăn ké, béo tốt hồng hào.


Thảm cảnh cuộc chiến biên giới 1979

Khi trở lại Lào Cai sau 6 tháng đi sơ tán, mẹ kể nhiều nhà chẳng còn gì, có nhà thì giấu đài cat-xet vào đống than đá khi đi sơ tán, về lấy lại thì hỏng hết. Nhà mình đồ đạc cũng bị thất lạc, đến cái chậu giặt quần áo cũng biến mất.

Mẹ tình cờ đi giặt ở giếng tập thể thì thấy mấy cô bộ đội đang dùng 1 cái chậu nhôm Liên Xô giống của nhà mình, mẹ nhận ra mấy vếtlõm và xin được xem, hóa ra vẫn còn dòng chữ mẹ viết bằng bút chì ở thành chậu, có chữ “Thành” là tên của ông con giai, thế là tìm được cái chậu giặt.

Từ đó cho đến lúc đi học mẫu giáo, mình vẫn chứng kiến cuộc sống thấp thỏm lo âu của bà con hàng xóm. Trên đồi gác của bộ đội đóng quân gần nhà, các hồi kẻng báo động vẫn luôn gõ vang, loa phóng thanh thi thoảng lại đọc tin báo địch ở cách ta bao nhiêu km.

Tiếng súng tập trận đì đoàng xa gần. Nhà nào cũng có hầm trú ẩn hình chữ A trong vườn, các khu tập thể đều có hầm chung, trên nóc hầm thì trồng khoai lang tăng gia sản xuất, trong hầm thì khá rộng và mát, xây bằng đá, có bóng đèn để chiếu sáng nên bọn mình rất thích chui vào chơi.

Trường mẫu giáo của mình cũng có hầm, thi thoảng các cô giáo lại đánh kẻng, rung xúc xắc để tập trung các cháu diễn tập sơ tán, trẻ con chẳng hiểu gì, đang học được chạy ra sân, chui vào hầm là sướng lắm, cười rinh rích.

Một lần, nghe chừng báo động có vẻ nghiêm trọng nhất, mình thấy mẹ bắt đầu rang gạo, mỗi tối đi làm về mẹ lại ngồi rang vài mẻ gạo cho vàng thơm rồi cho vào túi cất đi, hoặc tiết kiệm hơn là phơi cơm nguội thật khô rồi rang lên cất đi. Hai anh em đều khoái ăn món này, lại hay ăn vụng của mẹ, mẹ mắng cho và bảo là để dành đến khi đi sơ tán mới được ăn kẻo chết đói.

Sau một vài tuần, tình hình lắng dịu, không đi sơ tán nữa thì mẹ bỏ gạo rang ra cho hai đứa ăn thoải mái.

Ký ức của mình về chiến tranh hồi đó không có gì ghê gớm vì không trực tiếp chứng kiến cảnh súng đạn bắn giết, chỉ có vài lần công an giải người bị trói sau lưng đi qua nhà mình, mẹ bảo đó là thám báo của Trung Quốc, mình vẫn nhớ mấy tên thám báo đó rất to cao, mặc quần áo xám màu, nhìn kiểu cài khuy rất lạ mà sau này mới biết đó là khuy kiểu Tàu.

Giờ đây, mình đã đủ lớn để biết chiến tranh không chỉ là phải ở trong hầm, không chỉ là phải ăn gạo rang trừ bữa, không chỉ là phải đi sơ tán mà còn nhiều là điều kinh khủng hơn thế.

Viết những dòng này, mình thầm cầu mong sự bình an cho những người thân ở cách Hà Khẩu 10km, cho những người đội nắng và hiểm nguy đi biểu tình phản đối Trung Quốc vào mỗi ngày Chủ nhật… - cầu mong bình an cho tất cả và chiến tranh đừng bao giờ quay lại!

Tác giả bài viết: Mai Quỳnh Anh, từ Hà Nội