Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHIẾN LƯỢC CHÂU Á CỦA PUTIN CHO NĂM 2015

(NCTG) “Phớt lờ Phương Tây đồng nghĩa với việc Nga phải trả một cái giá vô cùng lớn: trở thành một nước lệ thuộc vào Trung Quốc. (...) Hôm nay, ông Putin đang bán rẻ nguồn lợi của đất nước mình cho Trung Quốc vì lợi ích của các thân hữu của mình (...) Chỉ có người dân Nga là bị thiệt hại với một nền kinh tế ốm yếu” - nhận định của tác giả Morena Skalamera trong bài phân tích do Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á (NBR) của Mỹ đăng hôm 16-2-2015.

Putin (phải) và Tập Cận Bình hữu hảo nâng ly mừng hợp đồng khí đốt khủng Nga - Trung Quốc được ký kết tại Bắc Kinh - Ảnh: RIA Novosti


Bài viết cho hay: trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa Nga và Phương Tây làm gợi nhớ tới thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga đã tăng cường xoay trục đến Châu Á. Với các biện pháp trừng phạt quốc tế trên quy mô lớn, được tiến hành chống lại Nga xung quanh sự kiện Ukraine, giá đồng Rúp đã xuống mức thấp gần như kỷ lục, đồng thời đầu tư của Phương Tây đã dần biến mất, khi nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với mức tăng trưởng “zero” và khả năng suy thoái kinh tế. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng, khi giá dầu lửa đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng, tại thời điểm bài viết này (ngày 16-2-2015), đây là hậu quả tai hại cho một nền kinh tế mà lĩnh vực năng lượng đóng góp tới 70% kim ngạch xuất khẩu hàng năm và hơn một nửa ngân sách Liên bang.

Những thách thức kinh tế đã khiến Tổng thống Vladimir Putin tuyệt vọng hơn bao giờ hết, và phải lao vào các nguồn tài chính dồi dào của Trung Quốc. Phương Tây cũng đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt, đóng băng tài sản, hạn chế tài chính và cấm cung cấp tài chính cho các khoản nợ ngày càng lớn của Nga. Đồng thời, các Ngân hàng Nhà nước của Nga hiện không được huy động các khoản vay dài hạn tại Liên Minh Châu Âu (EU). Bên cạnh đó, việc xuất khẩu trang thiết bị quân sự lưỡng dụng cho Nga, cũng như các hợp đồng vũ khí tương lai giữa EU và Nga, việc chuyển giao một loạt các công nghệ trong ngành công nghiệp năng lượng của Phương Tây cho Nga, bị cấm thực hiện.

Nhiều người ở Phương Tây hy vọng rằng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn sẽ làm cho Putin thay đổi tiến trình đối với Ukraine, tuy nhiên, điều đó vẫn chưa xảy ra. Tại Nga, bản quán của mình, nơi Putin nhận được sự ủng hộ rộng rãi, việc khơi lại niềm tự hào dân tộc được xem là có lợi hơn là tìm cách giữ nguồn tiền từ Phương Tây. Thách thức các lời đe dọa mới về việc cô lập Nga, Putin đã thề rằng nước Nga đang một lần nữa hiện thực hóa sự vĩ đại của nó. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là Nga đang vô cùng khó khăn, cả về chính trị và kinh tế. Phớt lờ Phương Tây đồng nghĩa với việc Nga phải trả một cái giá vô cùng lớn: trở thành một nước lệ thuộc vào Trung Quốc.

Trong năm 2015, Putin sẽ hướng tới các nguồn lực của Châu Á như một phần trong chính sách đối ngoại của ông ta đối với khu vực này. Các thị trường vốn Châu Á trong đó có Hồng Kông, Singapore và Thượng Hải, không có nghĩa vụ phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, cổ phần của các nhà đầu tư Châu Á trong các thị trường tài chính của Nga là rất thấp. Điều này chứng tỏ họ không quen với nguồn vay đến từ Nga. Nhìn chung, các nhà đầu tư Châu Á khá bảo thủ và ít khi đưa ra các quyết định đầu tư nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh các thị trường vốn của Nga có mức độ tin tưởng thấp hơn các thị trường vốn của Phương Tây. Do những yếu tố này, các nhà đầu tư Châu Á sẽ cẩn trọng hơn với việc cung cấp tài chính các khoản nợ của Nga, đồng thời việc xây dựng niềm tin cần có thời gian. Vì vậy, không nên kỳ vọng về một luồng vốn từ Châu Á sẽ nhanh chóng đổ vào Nga.

Nhật Bản, thị trường tài chính lớn nhất Châu Á, hiện tham gia vào các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm hạn chế các quan hệ kinh tế quốc tế với Nga. Thêm nữa, cuối tháng 9 vừa qua, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ cứng rắn hơn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt, cấm một số ngân hàng của Nga phát hành trái phiếu tại Nhật Bản và thắt chặt các hạn chế về xuất khẩu trong lĩnh vực quốc phòng tới Nga. Theo quan điểm của Putin, với các chính sách kể trên Nhật Bản khẳng định mức độ phụ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ, cũng như mối liên hệ tổng thể với Phương Tây trong việc triển khai chính sách đối ngoại của mình.

Chỉ được rất ít các nước bạn bè ủng hộ, Nga cần phải gõ cửa Trung Quốc. Cả Tổng thống Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev đã bỏ nhiều công sức, cố gắng khẳng định rằng việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc không liên quan đến tình hình chính trị ở thời điểm hiện tại. Một năm trước, những mối quan tâm của Nga với Trung Quốc được dùng với động cơ cho Châu Âu thấy rằng Nga có nhiều lựa chọn, như hướng về phía Đông, mặc dù tại thời điểm đó, Nga vẫn nuôi hy vọng gặt hái được các lợi ích của việc làm ăn với cả hai. Hôm nay, Trung Quốc là lựa chọn duy nhất của Nga và Bắc Kinh đã ngay lập tức nổi lên, thế vào khoảng trống được tạo ra do việc đóng cửa các thị trường vốn của Châu Âu. Ngày 13-10, một phái đoàn Trung Quốc tại Moscow đã ký hơn 30 hiệp định với Nga, trong đó có một thỏa thuận về việc cung cấp khí qua đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Seberia” và một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 150 tỷ Nhân dân Tệ (24,5 tỷ USD), mà theo đó, sẽ cho phép Nga phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân Tệ của Trung Quốc và ngược lại đối với đồng Rúp, bỏ qua các ngân hàng nước ngoài.

So với quá khứ, sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ chỉ đi liền với các nhượng bộ rõ ràng của Nga với Bắc Kinh: thêm nhiều nguyên liệu thô được bán với giá thấp, sự tiếp cận trực tiếp dành cho các công ty Trung Quốc đối với các lĩnh vực năng lượng của Nga, đặc quyền tiếp cận đối với công nghệ vũ khí hiện đại. Theo tác giả Vasily Kashin đến từ Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow, việc quan hệ Trung - Nga sâu sắc chặt chẽ hơn có thể ảnh hưởng đến tiến trình của các sự kiện bên ngoài khu vực, do Nga nhiều khả năng sẽ đồng ý bán các hệ thống tên lửa chống máy bay S-400 và các máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2015. Nga cũng có thể sẽ cung cấp cho Trung Quốc tàu ngầm loại mới nhất (Amur-1650) và các thiết bị kỹ thuật tinh vi dành cho vệ tinh. Điều này đánh dấu sự thay đổi trong thực tiễn kéo dài nhiều thập kỷ, khi đó, Nga bán cho Trung Quốc một số lượng lớn vũ khí, song từ chối bán các loại vũ khí tốt nhất mà mình có. Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Việt Nam đã được đặt trong tình trạng báo động trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tình trạng căng thẳng của các nước này sẽ còn tăng lên nếu Bắc Kinh nhận được các thiết bị của Nga.

Các hy vọng của Putin về một luồng vốn tăng nhanh từ Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tiếp tục suy giảm nếu các quốc gia này cho rằng Nga đang giúp Trung Quốc xâm phạm an ninh của họ. Điều này có thể dẫn tới Nga chỉ còn một người bạn duy nhất để trông cậy là Trung Quốc, Nga sẽ trở thành một quốc gia phụ thuộc vào các nguồn lực của Trung Quốc. Trên thực tế, sau hơn 10 năm đàm phán, Moscow và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD hồi tháng tháng 5-2014 về việc cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt trong vòng 30 năm tới. Putin đã mô tả thỏa thuận này là một “sự kiện có tính lịch sử”.

Ra vẻ cứng rắn trong việc “thanh lọc” các chân tay thân tín của cựu Tổng thống Boris Yeltsin, những người đã nắm giữ nước Nga hồi thập niên 90 thế kỷ trước, hôm nay, ông Putin đang bán rẻ nguồn lợi của đất nước mình cho Trung Quốc vì lợi ích của các thân hữu của mình. Trong năm qua, Trung Quốc đã mua được 12,5% cổ phần của công ty sản xuất phân đạm kali Uralkali lớn nhất của Nga. Trong năm 2013, công ty dầu lửa Rosneft của Nga đã ký một hợp đồng trả trước trị giá 70 tỷ USD trong một thỏa thuận, theo đó cung cấp khoảng 360 triệu tấn dầu thô cho Trung Quốc trong vòng 25 năm, với tổng trị giá 270 tỷ USD. Trước đó, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã mua lại 20% cổ phần trong dự án khí hóa lỏng Yamal LNG của công ty Novatek của Nga, với giá không được tiết lộ. Những thương vụ lớn này đã làm giàu khủng khiếp cho các nhân vật trung thành với Putin và cho phép Putin đòi hỏi Trung Quốc các ưu đãi về chính trị và kinh tế. Nếu Trung Quốc là bên hưởng lợi lớn nhất của mối quan hệ này thì một mạng lưới các thân hữu trung thành ủng hộ Putin cũng đang hưởng lợi một cách hết sức hậu hĩnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phối hợp làm việc cùng Tổng thống Putin nhằm cố gắng hạn chế sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Họ sẽ sử dụng Ngân hàng Phát triển mới (NDB) đặt tại Thượng Hải vừa được khởi động, trước đây gọi là Ngân hàng Phát triển BRICS, để phục vụ mục đích này. Bên cạnh đó, vào tháng 9-2014, Nga đã tiếp quản vị trí Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), với mục tiêu chính là tăng cường hợp tác an ninh tập thể ở Châu Á, như là một đối trọng với cấu trúc an ninh do Mỹ lãnh đạo.

Do thực tế nền kinh tế của Trung Quốc đang phát triển, trong khi nền kinh tế của Nga thì ngược lại, Trung Quốc hiện đang hưởng lợi hơn nhiều từ sự hợp tác kinh tế với Nga. Lấy ví dụ về khí đốt, hiện có sự đồng thuận trong giới chuyên gia rằng để xây dựng đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia”, ông Putin sẽ phải hy sinh các lợi ích kinh tế để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị. Khả năng thu hồi vốn của đường ống dẫn khí đốt với trị giá hơn 55 tỷ USD này, sẽ là thấp hoặc thậm chí là lỗ. Ngày 9-11-2014, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký một bản ghi nhớ với tên gọi là đường ống dẫn khí phía Tây, với tiềm năng cung cấp bổ sung 30 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc. Gần đây nhất, ông Putin đã tuyên bố về việc hủy bỏ dự án xây dựng đường ống khí đốt khổng lồ tới Châu Âu mang tên “Dòng chảy Phương Nam”. Tất cả những động thái này chứng minh rằng Nga đang điên cuồng “xoay trục” về phía Đông, đặc biệt là tới Trung Quốc. Trong bối cảnh thị trường Châu Âu không còn hấp dẫn như vốn có trước đây, Nga đang rất cần lợi nhuận ở thị trường Trung Quốc để nuôi dưỡng nguồn ngân sách ốm yếu của mình. Điều này, vô hình trung, tạo đòn bẩy cho Trung Quốc trong quan hệ hai nước Nga-Trung.

Tất cả diễn ra một cách hoàn hảo trong bàn tay của Trung Quốc. Bắc Kinh có được nguồn nhiên liệu giá rẻ, cung cấp năng lượng cho sự phát triển phi thường của mình, và cùng lúc, có được các loại vũ khí mới, cho phép nước này củng cố vị thế tại khu vực Thái Bình Dương. Điều này trái ngược với một nền kinh tế Nga đang ngày càng xuống dốc. Putin trong tất cả các phát biểu của mình về việc hòa nhập vào sự năng động của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đã nhấn mạnh đến tính logic của việc Nga mở rộng quan hệ với khu vực này, tuy nhiên, rồi Putin có thể sẽ cảm thấy khó khăn trong việc “đa dạng hóa các mối quan hệ”. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc sẽ tiếp tục ca ngợi sự cứng rắn của Putin trong việc đương đầu với Mỹ, điều này vuốt ve “cái tôi” của Putin và tạo ra một ảo tưởng về sự bình đẳng giữa các quốc gia. Nhưng trong thực tế, Trung Quốc sẽ siết chặt tất cả những gì mà nước này có thể có được từ mối quan hệ đối tác với Nga. Trong khi đó, Putin và thân hữu của mình cũng sẽ được lợi, chỉ có người dân Nga là bị thiệt hại với một nền kinh tế ốm yếu.

Tác giả bài viết: Phương Lan chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh, từ Sydney (Úc)