CHÂU ÂU VÀ CUỘC CHIẾN KHÍ ĐỐT NGA - BELARUS
- Thứ năm - 24/06/2010 23:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xung đột khí đốt giữa hai nước láng giềng
Tổng giám đốc tập đoàn năng lượng Nga Gazprom Aleksei Miller, trong phát biểu ngày thứ Hai, cho hay: thời hạn 5 ngày mà bên Belarus phải trả cho khoản nợ từ năm 2009 đã kết thúc và do đó, Gazprom sẽ giảm dần lượng khí đốt sang Belarus, thoạt tiên là với tỉ lệ 15% và hiện đã gia tăng tới 60%.
Theo đe dọa cùng ngày của tổng thống Nga Dmitry Medvedev, tỉ lệ này có thể lên tới 85%, nếu Belarus vẫn không “quy phục”.
Khoản nợ trên phát sinh khi trong năm nay, Minsk vẫn trả cho Moscow 150 USD/1.000 m3 khí đốt, tức là theo thời giá được coi là rất rẻ của năm 2009 - trong khi, theo hợp đồng hợp thức giữa hai bên, trong 3 tháng đầu năm 2010, mức giá đã được tăng lên 169 USD, và sau đó là 185 USD. Phía Nga cho rằng khoản nợ hiện tại là chừng 192 triệu USD, nhưng trong cả năm có thể lên tới 5-600 triệu USD.
Trong khi đó, theo Minsk, Gazprom còn nợ họ nhiều hơn: cụ thể là 260 triệu USD vì việc trung chuyển khí đốt sang nước ngoài qua hệ đường ống đi qua lãnh thổ Belarus. Gazprom không phủ nhận điều này, nhưng viện cớ phía Belarus chưa cung cấp những văn bản cần thiết cho sự chi trả.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố: sau khi phía Nga trả khoản nợ nói trên, cho đến thời hạn 5-7, Belarus sẽ trả cho lượng khí đốt mà họ đã sử dụng trong 4 tháng đầu năm. Ngoài ra, lượng khí đốt mà Minsk nhận được trong tháng 5-2010 cũng đã được Belarus chi trả cho Gazprom.
Phía Belarus cũng cho rằng, việc tăng giá khí đốt là đi ngược lại với chính sách liên minh thuế vụ giữa hai nước, được thực hiện từ đầu năm nay, theo đó, Moscow tiếp tục cung cấp dầu khí và khí đốt cho Minsk với giá rẻ. Thứ trưởng Bộ Năng lượng Belarus cho hay, nước này vẫn muốn Nga đảm bảo khí đốt cho họ với giá trên thị trường nội địa.
Belarus là một bộ phận quan trọng của hệ thống đường dẫn khí đốt Nga ra nước ngoài vì 20% khí đốt của Nga sang Châu Âu được vận chuyển qua đường Belarus. Tuy hai nước được coi là đồng minh mật thiết của nhau, trong những năm qua, Moscow và Minsk đã nhiều lần có bất đồng trong vấn đề khí đốt.
Nguyên nhân và những ảnh hưởng đến Châu Âu
Gazprom tuyên bố rằng “cuộc chiến khí đốt” với Belarus không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp gas cho Châu Âu: trong trường hợp cần thiết, Nga sẽ vận chuyển khí đốt qua đường Ukraine hoặc lấy từ các kho dự trữ của Nga tại Châu Âu, thậm chí, Nga có thể mua khí đốt thị trường để cung cấp cho các khách hàng Châu Âu của họ.
Khẳng định này được đưa ra khi tổng thống Belarus, thứ Ba vừa qua, tuyên bố rằng sẽ khóa đường trung chuyển khí đốt sang Châu Âu để đảm bảo nguồn năng lượng cho Belarus. Phó thủ tướng nước này - ông Vladimir Semashko - cũng cho biết rằng, quyết định kể trên đã được Minsk báo cho Gazprom.
Trong thực tế, khí đốt qua Belarus tới Châu Âu được chuyển qua hai hệ thống đường ống: Beltransgaz (50% thuộc sở hữu Gazprom, chở 14 tỉ m3 hàng năm) và Jamal-Európa (thuộc sở hữu Nga, chở 30 tỉ m3 hàng năm). Theo Ủy ban Châu Âu, 6,25% lượng khí đốt mà EU sử dụng sẽ bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Belarus.
Trước mắt, việc Belarus khóa đường khí đốt sang Châu Âu đã ảnh hưởng tới Litvania, Ba Lan và CHLB Đức, mà đặc biệt là Litvania, quốc gia nhận được khí đốt chủ yếu qua ngả Belarus. Được biết, nước này đã chuẩn bị mua khí đốt Nga qua Lettonia, nước láng giềng phía Bắc.
Trên cái nền của cuộc tranh chấp, rất có thể Ukraine - một nước cũng từng có nhiều bận bị Nga lấn át trong vấn đề năng lượng - lại ở vị trí “ngư ông đắc lợi”. Bởi lẽ, một phần đáng kể lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang Châu Âu là đi theo ngả Ukraine, qua Slovakia tới trung tâm trung chuyển ở Áo, rồi từ đó đi tiếp tới các nước Châu Âu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia chính trị thì đằng sau xung đột khí đốt là những bất đồng giữa Nga, Kazakstan và Belarus trong sự hình thành một liên minh thuế quan của ba quốc gia này, mà phía Nga muốn “cưỡng bức” bằng mọi giá. Trong các cuộc đàm phán, tổng thống Belarus cũng không giấu dụng ý xưa nay của ông, là được mua khí đốt với giá rẻ, điều mà trong dịp này, Moscow dường như không muốn chấp nhận.
Có điều, ngay giới chuyên gia Nga cũng thấy rằng cuộc chiến khí đốt sẽ không để lại gì tốt đẹp cho diện mạo của tập đoàn Gazprom, cho dù nếu họ có lý đi nữa, vì đằng nào Minsk cũng không có khả năng chi trả giá gas trong hợp đồng song phương giữa hai nước, nghĩa phía Nga trước sau cũng sẽ phải nhượng bộ.
Giải pháp của Châu Âu
Dầu sao đi nữa, xung đột khí đốt Nga - Belarus vẫn làm dấy lên một vấn nạn rất cũ: sự bành trướng và độc quyền của Nga trong vấn đề năng lượng, có thể ảnh hưởng và gây nguy hại đến an toàn năng lượng của các quốc gia Đông và Tây Âu.
Những câu hỏi trong các đụng độ khí đốt giữa Nga và Ukraine trước đây, trong dịp này vẫn được đặt ra một cách khẩn thiết.
Nỗ lực đa dạng hóa các nguồn năng lượng và gia tăng sự an toàn năng lượng, độc lập về khí đốt, giảm thiểu sự phụ thuộc về khí đốt với Liên bang Nga thông qua siêu dự án Nabucco, được nhắc lại như một giải pháp khả dĩ.
Theo những tính toán sơ bộ, trong vòng 20 năm tới, nhu cầu khí đốt của Châu Âu sẽ tăng 30%. Hiện tại, Châu Âu có được nguồn khí đốt, một phần do tự sản xuất, phần khác do nhập của Algeria, nhưng chủ yếu là của Liên bang Nga.
Từ Nga, hiện nay, khí đốt được chuyển sang Châu Âu qua một số nước thành viên Liên bang Xô-viết cũ, nhưng chủ yếu là qua hệ thống đường ống Hữu nghị qua lãnh thổ Ukraine và đây là điểm rất mạo hiểm trên góc độ an toàn năng lượng, do những đụng độ liên miên về khí đốt giữa Nga và Ukraine trong những năm qua.
Khủng hoảng năng lượng Nga - Belarus hiện tại càng làm gia tăng cảm giác bất an của Châu Âu trước cách hành xử nước lớn và “bá quyền” của Nga, thúc giục sự đồng thuận ở mức nhanh nhất trong đề án Nabucco với sự tham dự của các tập đoàn năng lượng Hungary, Áo, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và CHLB Đức.