Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHÂU ÂU KÝ THỎA THUẬN XÂY DỰNG ĐẠI DỰ ÁN KHÍ ĐỐT NABUCCO

Dường như tất cả các trở ngại đã được giải quyết khi vào ngày hôm nay, tại Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ), đại diện các quốc gia có liên quan đã ký một thỏa thuận liên quốc gia về việc xây dựng đường ống khí đốt Nabucco.

Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tiếp đó, một tuyên bố chính trị chung cũng sẽ được công bố, cũng như, Liên hiệp Châu Âu sẽ ra một tuyên bố đơn phương để ủng hộ đề án Nabucco.

Nabucco là một đề án lớn, trị giá chừng 7,9 tỉ Euro, được thực hiện bởi sự đầu tư của các hãng tư nhân. Nhiều ngân hàng lớn của Châu Âu, Mỹ và Châu Á đã cho biết họ sẵn sàng cho vay tín dụng, trong đó Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) có thể cho vay ¼ chi phí, còn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu tỏ ý cho vay 1 tỉ Euro. Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu cũng góp phần với 200 triệu Euro – như vậy là về mặt tài chính, Nabucco đã được đảm bảo.

Nỗ lực độc lập về khí đốt với Liên bang Nga

Với sự ký kết hôm nay, ván bài chính trị dường như đã chấm dứt, nhường vai chính cho những tập đoàn năng lượng sẽ tham dự đề án Nabucco, gồm Mol Nyrt. (Hungary), OMV (Áo), Transgaz (Romania), Botas (Thổ Nhĩ Kỳ), Bulgargaz (Bulgaria) và RWE (Đức).

Lý do cần xây dựng tuyến đường ống khí đốt Nabucco là vì theo những tính toán sơ bộ, trong vòng 20 năm tới, nhu cầu khí đốt của Châu Âu sẽ tăng 30% (chừng 600 tỉ m3). Hiện tại, Châu Âu có được nguồn khí đốt, một phần do tự sản xuất, phần khác do nhập của Algeria, nhưng chủ yếu là của Liên bang Nga.

Từ Nga, hiện nay, khí đốt được chuyển sang Châu Âu qua hệ thống đường ống mang tên Hữu nghị, chạy ngang qua Ukraine và đây là điểm rất mạo hiểm trên góc độ an toàn năng lượng, do những đụng độ liên miên về khí đốt giữa Nga và Ukraine trong những năm qua.

Đề án Nabucco được khởi thảo với mục đích giảm thiểu sự phụ thuộc về khí đốt với Liên bang Nga và gia tăng sự an toàn năng lượng. Dài 3.300km, có công suất 31 tỉ m3 hàng năm, Nabucco xuất phát từ vùng biển Caspian (Trung Á), bỏ qua Liên bang Nga và Ukraine, qua Thổ Nhĩ Kỳ, tới 3 nước Châu Âu (Bulgaria, Romania, Hungary) và có điểm dừng Áo.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2014, Nabucco có thể cung cấp khí đốt cho Châu Âu, nhưng công suất tôi đa sẽ chỉ đạt được vào năm 2020.

Như vậy, khi được xây dựng, Nabucco sẽ là đối thủ lớn của các hệ thống khí đốt mang tên Hải lưu của Liên bang Nga, đặc biệt là Hải lưu phía Nam, được xậy dựng bằng cách bỏ qua Ukraine, đưa khí đốt dưới lòng biển Đen qua Bulgaria và có tham vọng “bá chủ” khí đốt tại Tây Âu.

Cản trở lớn nhất: Thổ Nhĩ Kỳ

Bị nhiều bên tham gia coi là “đề án chỉ nằm trên giấy tờ”, từ nhiều năm nay, Nabucco gặp không ít trở ngại về chính trị và ngoại giao, trong đó, thời gian cuối, nổi lên vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia sẽ “gánh” 200km đường ống trên tổng số 3.300km của Nabucco.

Là yếu tố cản trở với Nabucco vì thái độ nước đôi lừng chừng, không dứt khoát, kéo dài thời gian cùng nhiều yêu sách (mà đặc biệt là đòi hỏi gia nhập Liên hiệp Châu Âu), gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn được hưởng 15% lượng khí đốt dẫn qua Nabucco – yêu cầu này trong một thời gian dài đã khiến đề án Nabucco phải dậm chân tại chỗ. Chỉ đến hôm qua, Bộ trưởng Bộ Năng lượng nước này, ông Taner Yildizre mới tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý “nhượng bộ” cho việc ký kết thỏa thuận liên chính phủ hôm nay.

Bù lại, Ankara được nhận sự đảm bảo từ Ủy ban Châu Âu, theo đó, họ sẽ được nhận 50-60% các khoản phí trung chuyển, tính ra chừng 400-450 triệu Euro hàng năm.

Đa dạng hóa các nguồn năng lượng

Một trong những mục tiêu khi xây dựng Nabucco là đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng, trong tương lai, ngay cả Iran và Nga cũng có thể tham qua quá trình cung cấp khí đốt, để đảm bảo đầy đủ các nguồn khí cho Nabucco.

Đây cũng là mối quan tâm lớn của EU và Hoa Kỳ, hai siêu cường đứng sau Nabucco. Đối với họ, Iran hiện tại chưa thể là đối tác, vì những mối quan hệ ngoại giao chưa được ổn định, cũng như nỗ lực hạt nhân của xứ này. Cho dù, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những đề án đầu tư năng lượng có thể cải thiện những quan hệ quốc tế, theo họ, đã có vài nước Châu Âu ký thỏa thuận sơ bộ với Iran về khí đốt.

Các quốc gia vùng Trung Á thì luôn là tâm điểm giành giật giữa Châu Âu, Liên bang Nga và cả Trung Quốc. Chẳng hạn, trong những tuần qua, Nga đã ký thỏa thuận với Azerbaijan - một trong những quốc gia có thể cung cấp khí đốt cho Nabucco - để nước này dành phần khí đốt đó cho Moscow. Gần đây, Bắc Kinh cũng đã thỏa thuận mua khí đốt của Turkmenistan.

Tuy nhiên, các quan chức EU vẫn hy vọng rằng, Nabucco thực sự có thể tìm kiếm được các nguồn khí đốt đủ để đảm bảo cho nhu cần của nó. Lý do là mặc dù bị Liên bang Nga và Trung Quốc “ve vãn”, Turkmenistan vẫn cam kết sẽ để một lượng khí đốt riêng cho Nabucco, và Azerbaijan thì cho biết họ vẫn tham gia chương trình cung cấp khí đốt cho đại dự án này của Châu Âu.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest