CHAT VỚI THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
- Thứ bảy - 24/02/2007 10:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuộc đối thoại được coi là “vô tiền khoáng hậu” này diễn ra trên trang web của Chính phủ Việt Nam; hai trang web khác tham gia lấy ý kiến của người dân cho cuộc đối thoại là website của Đảng Cộng sản và mạng điện tử “VietNamNet”. TBT Nguyễn Anh Tuấn của “VietNamNet” nhận định đây là cuộc trao đổi trực tuyến “quy mô lớn nhất từ trước tới nay, mà kể cả người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam cũng có thể đặt câu hỏi”.
Được biết, có tới 30 ngàn câu hỏi đã được gửi về liên quan tới 9 nhóm vấn đề trung tâm đã được đưa ra, trong đó, việc đẩy lùi tham nhũng, các giải pháp để phát triển cho Việt Nam, cũng như phát triển y tế, giáo dục và văn hóa… là những đề tài được quan tâm đặc biệt. Hơn 50 ký giả trong và ngoài nước cũng đã có mặt trong cuộc trao đổi này.
*
Cần khẳng định rằng, việc các lãnh tụ thượng đỉnh đối thoại với dân trên các kênh này khác, cho dù là hết sức bình thường tại các quốc gia phương Tây, thì vẫn là điều mới, “cấp tiến”, có thể coi là “điểm son” ở Việt Nam. Nhất là, hình ảnh một vị thủ tướng trẻ trung (ông Nguyễn Tấn Dũng năm nay 58 tuổi, vẫn được coi là “trẻ” trên cương vị người đứng đầu chính phủ Việt Nam), có thể nói vo lưu loát (mà không phải… đọc bài từ giấy, như đại đa số các trường hợp khác), có thể nhớ các số liệu để khi cần thì trích dẫn cho lập luận của mình, với một thái độ vui vẻ, cầu thị…, đã đem lại một “làn gió mới” trong đời sống chính trị và công luận trong nước.
Tất nhiên, khó có thể đòi hỏi và chờ đợi những gì thật cụ thể từ các câu trả lời của một vị lãnh đạo trong một dịp ít nhiều mang tính “tượng trưng” như thế này. Các câu trả lời của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiều khi rất dài so với câu hỏi, nói chung vẫn mang tính… chung chung và không phải lúc nào cũng thật rốt ráo. Tuy nhiên, bản lĩnh của vị thủ tướng, trong một mức độ nào đó, cũng đã được thể hiện, nhất là trong một số câu hỏi có thể coi là “nóng” sau đây, ngay cả khi nó chưa thật làm thỏa mãn tất cả mọi người (cũng là điều khó xảy ra).
Hy vọng rằng, một tiền lệ đã được xác lập, để có những dịp tiếp xúc và trao đổi đều đặn hơn, thực chất hơn, giữa các vị lãnh đạo và người dân, để “ý dân”, nguyện vọng và đòi hỏi của người dân có thể đến một cách đầy đủ và trung thực đến giới lãnh đạo Việt Nam!
* Tạ Anh Tuấn, Ngô Văn Nghị (TP HCM):Thưa Thủ tướng, một số vị Bộ trưởng hiện nay khả năng yếu kém, bất tài, dư luận đã lên tiếng chỉ trích nhưng vẫn đương chức đương quyền. Vậy Thủ tướng có động thái gì, cải đổi gì và phải thay đổi chính sách sử dụng, bổ nhiệm nhân sự hiện nay như thế nào để có được người có tài, có tâm phục vụ đất nước?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cho rằng một số vị Bộ trưởng hiện nay khả năng yếu kém, bất tài, nhận xét như vậy là quá khắt khe, là không thật khách quan.
Chính phủ của ta hiện nay có 26 Bộ trưởng và là thành viên Chính phủ, từng Bộ trưởng đều có ưu điểm, khuyết điểm, đều có mặt mạnh, mặt yếu, nhưng ưu điểm, mặt mạnh, mặt tốt vẫn là chủ yếu. Hiện nay, không có Bộ trưởng nào vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức phẩm chất phải xem xét, xử lý. Với mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung các Bộ trưởng của chúng ta rất nỗ lực, rất trách nhiệm và đã cơ bản hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào thành tựu chung. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận rằng Chính phủ và các vị Bộ trưởng còn phải tiếp tục rèn luyện, còn phải tiếp tục phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi chính đáng của người dân, của cuộc sống.
Về ý bạn hỏi làm cách nào chọn được người có tâm, có tài làm Bộ trưởng, làm cán bộ lãnh đạo phục vụ đất nước, theo tôi không cách nào khác là phải làm đúng theo nguyên tắc của Đảng và quy định của pháp luật về công tác cán bộ; phải thật sự công tâm, khách quan và đặc biệt là phải thật sự dân chủ; phải tạo mọi điều kiện thuận lợi và công khai minh bạch để mọi cán bộ Đảng viên, mọi người công dân thực sự được dân chủ lựa chọn. Thực hiện tốt điều này chắc chắn chúng ta sẽ chọn được người có tâm, có tài phục vụ đất nước. Chính phủ khoá tới tôi tin chắc là phải làm như vậy.
* Pham Duong Quoc Tuan:Kính chào Thủ tướng! Vì sao Thủ tướng lại ký chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức? Như vậy, có đi ngược lại mục tiêu tự do dân chủ mà Thủ tướng phấn đấu hay không?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng, tôi có ký chỉ thị nhằm tăng cường sự quản lý của Nhà nước về báo chí để phát huy tối đa nhất, tốt nhất vai trò của báo chí của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển về mọi mặt của đất nước. Để mỗi tờ báo, tạp chí (với hơn 600 tờ báo, tạp chí) của chúng ta thật sự là cơ quan ngôn luận, thật sự là diễn đàn dân chủ của các tầng lớp nhân dân; để mỗi tờ báo, mỗi tạp chí là một ngọn cờ chiến đấu của nhân dân ta vì mục tiêu một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong chỉ thị tôi ký có nghiêm cấm không được tư nhân hóa báo chí với bất cứ hình thức nào và không được để bất cứ thế lực nào chi phối báo chí để phục vụ ý đồ riêng trái pháp luật, gây phương hại cho đất nước. Đây là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, đúng theo ý chí nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân ta, đồng bào ta, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước ta. Mọi việc làm tốt, làm hay của báo chí phải được trân trọng và khen thưởng thỏa đáng, kịp thời, đồng thời mọi vi phạm về hoạt động báo chí cũng phải được xem xét, xử lý nghiêm minh đúng pháp luật.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vui mừng về những bước trưởng thành vượt bậc, về sự phát triển rất nhanh và toàn diện của các loại hình báo chí Việt Nam. Chúng ta đánh giá rất cao sự đóng góp tích cực, quan trọng của báo chí vào thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp đổi mới suốt 20 năm qua. Chúng ta luôn mong muốn và tạo mọi điều kiện thuận lợi để báo chí Việt Nam tiếp tục vươn lên, phát huy ưu điểm, tiến bộ, ra sức khắc phục những yếu kém để làm tốt hơn nữa vai trò quan trọng của mình; đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp phát triển đất nước, luôn xứng đáng với truyền thống tốt đẹp và lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
* Phạm Trường Hà, Đinh Toàn Thắng (Hà Nội):Thủ tướng nghĩ thế nào khi có nhận định cho rằng doanh nghiệp nhà nước yếu kém gây thiệt hại cho nền kinh tế. Việc “Tập đoàn hoá các Tổng công ty nhà nước hiện nay là không giống ai, bình mới rượu cũ, thậm chí phình thêm bộ máy, nhân sự, không đúng với bản chất của một tập đoàn kinh tế”?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về ý kiến của bạn, tôi xin được trao đổi thắng thắn rằng, nhận định như vậy là không khách quan, không công bằng.
Doanh nghiệp nhà nước của ta được hình thành trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam ta. Tuy cũng có không ít yếu kém, khuyết điểm, nhưng phải nói rằng doanh nghiệp nhà nước của ta đã đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước, cả trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước, trong đấu tranh chống bao vây cấm vận và trong suốt 20 năm đổi mới vừa qua. Doanh nghiệp Nhà nước luôn là lực lượng chủ lực, nòng cốt của nền kinh tế nước ta.
Chúng ta đổi mới, chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Quá trình này cũng là quá trình đổi mới DNNN, từ dựa vào bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động cạnh tranh, bình đẳng trong cơ chế thị trường. Hầu hết DNNN đã được cổ phần hóa, đã hình thành doanh nghiệp đa sở hữu, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (từ 12.000 năm 1996 nay chỉ còn 1.800 doanh nghiệp vốn Nhà nước). Tuy còn phải tiếp tục hoàn thiện hơn, nhưng có thể nói rằng chúng ta đã cơ bản thành công trong đổi mới DNNN. DNNN đến nay đã hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, đã hình thành doanh nghiệp đa sở hữu, cạnh tranh, hợp tác bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác cả trong và ngoài nước, trong khuôn khổ pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Đến nay DNNN vẫn đóng góp khoảng 39% GDP, 40% Ngân sách nhà nước, 50% kim ngạch xuất khẩu. Các Tập đoàn kinh tế, các tổng công ty vẫn đạt mức tăng trưởng trên 11% trong năm 2006. Các bạn có thể tin rằng đây là thông tin nghiêm túc của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước của ta.
* Nguyen Chi Hieu (TP HCM):Thưa Thủ tướng, có tờ báo đưa tin Ngài có 2 con đi học ở Mỹ và con gái Ngài có chồng Việt kiều. Điều đó có làm ảnh hưởng đến Ngài không?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thông tin này là không đúng. Tôi chỉ có người con trai đi học và đã bảo vệ thành công luận án TSKH tại Hoa Kỳ như vừa nói trên. Con gái tôi không có đi học ở Hoa Kỳ. Cháu đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, cháu chưa lập gia đình.
* Jeremy Taylor:Thưa Thủ tướng, qua báo chí, tôi được biết Ngài là người đã cầm súng chiến đấu chống Mỹ, rất căm thù Mỹ. Ngài nghĩ gì khi cho con trai mình sang du học tại Mỹ?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng, tôi có 20 năm trong quân đội, trong đó có 13 năm trực tiếp chiến đấu chống xâm lược Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Chúng tôi, những người lính chiến đấu trên chiến trường, cũng như mọi công dân Việt Nam lúc đó rất căm thù nhà cầm quyền hiếu chiến và đội quân xâm lược Mỹ đã chiếm đóng, đã gây biết bao đau thương tang tóc cho đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Riêng tôi, tôi đã có 4 lần bị thương, với hơn 30 vết thương và là thương binh hạng 2/4.
Cha tôi, chú tôi, cậu tôi cũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống xâm lược này. Chúng tôi căm thù nhà cầm quyền hiếu chiến và quân đội xâm lược Mỹ, nhưng chúng tôi không căm thù nhân dân Mỹ, không căm thù nước Mỹ. Chúng tôi vẫn cảm ơn những người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi vẫn chia sẻ nỗi đau mất chồng, mất con trong cuộc chiến tranh xâm lược trên chiến trường Việt Nam của các bà mẹ Mỹ. Chúng tôi thật sự xúc động khi người thanh niên Mỹ tự thiêu tại Washington để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Con trai tôi là cán bộ của Trường Đại học Kiến trúc, cháu được Trường và Bộ Giáo dục Đào tạo cử đi học tập nghiên cứu và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học chuyên ngành về xây dựng công trình dân dụng tại một trường đại học ở Hoa Kỳ. Hiện nay, cháu đang phụ trách đào tạo sinh viên sau đại học của Trường đại học Kiến trúc TP.HCM. Cháu được kết nạp vào Đảng khi còn là sinh viên và là bí thư Chi đoàn, phó bí thư Chi bộ Đảng của lưu học sinh trong thời gian học tập ở Hoa Kỳ. Kinh phí chi trả cho con tôi đi học là kinh phí của chương trình đào tạo TS của Nhà nước ta.
Khoa học, kỹ thuật nói chung và khoa học, kỹ thuật về kiến trúc, xây dựng công trình dân dụng nói riêng là thành tựu, là tiến bộ của loài người. Nó không phải và cũng không thể là thủ phạm của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Với tư cách là một quốc gia, một dân tộc, một người công dân Việt Nam chân chính, chúng ta không ai có thể và cũng không ai được quyền quên đi quá khứ đau thương của dân tộc mình. Nhưng với truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai để cùng xây dựng quan hệ hữu nghị vì hòa bình, hợp tác, phát triển và bình đẳng, cùng có lợi giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam - Hoa Kỳ.